Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (13)



                                                   (tiếp theo)

Thế còn tôi, tôi cũng phải làm một cái gì chứ?
Có đấy, “cô nên đẻ một đứa con”, tôi thoáng nhớ lại lời mẹ và Hồng Loan. Suy cho cùng, đó là sự đóng góp lành mạnh nhất, thiết thực nhất cho xã hội. Tôi cười gằn và nhớ đến chồng. Bình cũng muốn có một đứa con lắm, anh nói vợ chồng không con giống như bồ bịch, chưa ra vợ chồng. Trong sự đòi hỏi quá mức của anh, tôi hiểu có bao hàm ý muốn đó. Nó day dứt anh tới mức có lần anh dự đầy tháng con bạn, anh bế đứa nhỏ ấn mãi vào tay tôi.
Tối hôm đó anh hỏi “vòng tuần hoàn”, khi biết tôi đang “an toàn”, anh thở dài nhắm mắt ngủ. Tôi cảm thấy sỉ nhục khi bị coi như một cái máy đẻ, hóa ra anh đã chen tính mục đích vào sinh hoạt vợ chồng vốn trước hết chỉ giành cho tình yêu.
Tôi tức giận bỏ xuống đất nằm và suốt ngày hôm sau anh không hiểu được vì sao mặt tôi bỗng dưng lại như đá.
“Có chuyện gì em cứ nói toạc cho anh biết”.
“ Không, không có chuyện gì...”
Những kiểu đối đáp như vậy vào mỗi tối thường đẩy tôi bắc ghế ra ban công ngóng trời và đẩy anh tới cái ti vi. Tôi thừa hiểu tôi giận hờn rất vô lý, hình như chỉ nhằm để giải tỏa những dồn nén của tôi sau một thời gian tích tụ. Chính anh cũng cắt nghĩa như thế, anh bảo:
“Thôi kệ, lâu lâu để em xì ra cho nhẹ nhõm và ngoài anh còn ai chịu trận nữa?”
Lúc đó tôi rưng rưng cảm động, tôi hẹn lần sau có phải “xì” như thế, tôi sẽ chọn cái bàn, cái ghế, hoặc chui vào nhà tắm đóng cửa lại, hét to lên với chính mình chứ không “trút” vào chồng nữa.
Một hôm ông Trưởng phòng biên tập sai tôi xuống phòng đánh máy lấy bản thảo đưa gấp sang nhà in. Bà đánh máy năm nay đã ngót ngũ tuần nhưng vẫn phấn son đỏm dáng đang soi gương, không thèm quay ra, buông một câu gọn lỏn :
“Chưa đánh”.
“Trời ơi, vậy bằng giết tôi còn gì, tôi đã đưa cả tuần nay, bản thảo gấp, xin cô đánh ngay cho”.
Bà ta đủng đỉnh nhét gương vào túi, mở ngăn kéo rút ra một chồng giấy dày, gí vào mắt tôi:
“Đây, cô xem đi, cái nào đưa xuống đây cũng gấp, cũng đòi đánh ngay, chị em ở đây cũng chỉ có hai bàn tay với tám tiếng vàng ngọc thôi. Cô là biên tập, làm việc có nửa ngày, nếu cần mời cô xuống đây đánh máy lấy”.
Tôi nổi cáu, lời qua tiếng lại, cuối cùng phải rút lui vì tự biết có thêm ba cái lưỡi nữa cũng chẳng cãi nổi bà vốn chẳng nể mặt ai ngoài ông Giám đốc. Những lời móc  máy của bà còn cháy rát cho tới khi tôi về nhà và lăm le trút nó sang ông chồng đang nằm dài trên giường ôm tờ báo chẳng chịu nhúc nhích tay chân dọn cái bàn, quét cái nhà.
Thế rồi chợt nhớ dự định hôm trước, tôi vứt túi lên giường, phóng ngay vào buồng tắm, tôi phải hét lên một tiếng “lạnh cả đất trời” như Không lộ thiền sư ngày xưa ấy chứ. Nhưng đây là buồng tắm chứ có phải đỉnh núi cao đâu? Vậy là tôi mở vòi nước chảy ròng ròng lên khắp người cho nguôi bớt nỗi bực tức bà đánh máy thô lỗ quẳng vào tôi như cái bồ giấy bà vẫn để dưới gậm bàn.
“Cô là biên tập chứ cái thá gì giục tôi. Cô tưởng tôi không biết trên phòng cô người ta làm những gì đấy hả? Suốt buổi tán róc, õng ẹo ngồi quán nước, chiều nằm nhà ngủ khỏe, sướng hơn tiên còn so bì cái nỗi gì?”
Bà ta cứ ào ào tuôn ra những lời như vậy chẳng khác cái vòi nước đang phun vào tôi. Khi tôi bước ra, lòng đã nhẹ nhõm, đến lượt chồng tôi  nhìn bằng cặp mắt nghi ngờ:
      - Đi đâu về chưa chi đã nhảy vào buồng tắm ?
      Cái nhìn của anh lục lọi khắp người tôi như thể cố tìm bắt một dấu hiệu nào đó còn sót lại cho dù tôi đã tắm rửa kỹ càng. Chao ôi, sao các người hành hạ tôi đến thế?
      - Đi chơi với bồ.
      - Em nói lạ nhỉ, ít ra em cũng biết mình đang nói chuyện với chồng em chứ?
      Thế là ý định tránh “xả hơi” vào anh tan biến, tôi bật nắp van trút hết mọi giận dữ do bà đánh máy và cả anh nữa gây nên, dồn anh tới chỗ lặng thinh, nhẫn nại ngồi mặc cho tôi “bắn phá”.
      - Em nói thật đi, em coi anh là chồng hay là kẻ thù?
      Câu nói đau đớn của anh trong một lần cãi vã chợt vang lại bên tai tôi. Khổ thật, tôi “hành hạ” anh như thế chính tôi cũng có sung sướng gì. Tôi cũng muốn hai vợ chồng sống như đôi chim câu, sớm tối thủ thỉ bên nhau hưởng trọn hạnh phúc tuổi trẻ . Quỷ ám tôi sao đó cứ sôi gan sốt tiết lên, sống không yên lấy một ngày.
Hay mình phải viết đi,  từ nay trang giấy sẽ là cái bãi  thải mọi ấm ức chứ không phải đức ông chồng tội nghiệp nữa. Ông Gôgôn trên tường nheo mắt,vẻ đồng tình, thời ông hẳn chưa có “ca” tâm lý như tôi, vậy thì ngoài tôi ra, ai là người mổ xẻ nó.
Đang nằm trên giường tôi ngồi nhổm dậy, eureka, ông Archimède ngày xưa tìm ra sức đẩy của nước, tôi bây giờ tìm ra thiên chức lớn lao đè xuống đôi vai tôi, tôi phải viết, viết một cuốn tiểu thuyết về chính tôi, về tất cả những gì tôi tiếp nhận được ở đời này mà bây giờ người ta gọi một cách thời thượng là “đầu vào”, chính tôi sẽ là cái “hộp đen” trong đó diễn ra đủ mọi quá trình tâm sinh lý để biểu hiện cái “đầu ra” là ..văn chương.
Tìm ra rồi, tôi sung sướng kêu lên lần nữa, từ nay với sứ mệnh cao cả, tôi sẽ thôi không còn chấp vặt cuộc đời, kệ ông chồng với những chếc “cầu giấy” và cái tivi, kệ ông Giám đốc muốn in gì in, ca dao, hò vè, văn vần cũng được, kệ bà đánh máy tha hồ móc máy, kệ cả thằng Tú, em trai tôi với những sơ đồ điện tử, kệ tuốt, từ nay tôi sẽ viết, viết nữa, viết mãi, viết chết thì thôi. Ông Gôgôn trên tường lại lại nheo mắt cười, ông đợi đấy, tôi sẽ viết về một linh hồn sống hẳn hoi chứ không phải như ông đâu, ông Tsitsikốp* ạ...

(*) Nhân vật chính trong “Những linh hồn chết” tiểu thuyết của văn hào Nga Gogol.

                                  (còn tiếp)








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét