Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (16)

                                                                  
                                         (tiếp theo)                  

2.

      Cái nếp thường nhật vợ chồng tôi lại quay đều kể từ hôm tôi trở về với vỏ bề ngoài tưởng như chẳng có gì mới, “sáng đạp xe đi, trưa đạp xe về”, nhưng thực ra mỗi người đều đã ngầm hướng tới mục tiêu riêng .Bình lên “cơn sốt” chuẩn bị chuyến đi các tỉnh phía Nam tìm việc còn tôi , lẳng lặng hướng tới cuốn tiểu thuyết dự định viết. 
Buổi sáng, tôi tới cơ quan “trình diện” đầu giờ rồi lẻn đi, đạp xe vào thư viện Quốc gia,  tìm một góc kín đáo , mở ra tập giấy và cây bút. 
Viết cái gì  bây giờ nhỉ?
Khỉ thật, khi không , đầu óc tôi làm việc rất ghê, ý nghĩ nọ đuổi theo ý nghĩ kia dứt không ra, vậy mà lúc này ngồi trước trang giấy, chúng lặn mất tăm, đầu óc cứ trong veo như nước hồ thu, sục sạo mãi chẳng tóm được ý nghĩ nào, miệng cứ cắn bút, mắt mở trừng trừng ngước nhìn cái quạt trần đang quay lia lịa.
Chao ôi, tôi thèm được ra ngoài sân lắm rồi, ngoài đó có bãi cỏ xanh mượt,  cây bàng già thả  xuống những chiếc lá uá, và trên ghế đá các cô cậu sinh viên, tay ôm giáo trình, miệng tán tào lao đủ thứ trên đời như tôi ngày xưa. Thế mới biết cái gan ngồi lì của các ông nhà văn viết trường thiên tiểu thuyết, chắc họ phải bắt vít vào bàn viết mới khỏi nhấp nhổm như tôi.
Nhưng viết cái gì nhỉ, ngoài tên tôi và hai chữ “tiểu thuyết” rất nắn nót chẳng moi thêm được chữ nào ngay cả đến cái tên cuốn sách cũng chịu. Có lẽ tôi không quen suy nghĩ ở chỗ đông dù yên tĩnh tới mức xung quanh người đi lại, viết lách, nói năng như trong cuốn phim chưa lồng tiếng.
      Tôi lấy một tờ khác, lại viết hai chữ “tiểu thuyết”, lại viết tên mình và không dừng lại để nghĩ ngợi gì nữa, tôi viết bừa:
 “Người con gái ra đi vào lúc mờ sáng...”.
Rồi sao nữa ? Cô ta đi đâu, vì sao phải đi, và cái chính cô ta là ai? Chà, óc tôi rối tung , tốt hơn nên tạm dừng, ra cửa uống cốc nước mía rồi sẽ liệu. Tôi gấp tập giấy lại, và lẽ ra chỉ cần lững thững đi bộ, tôi lấy xe đạp phóng thẳng một mạch. Một ông béo múp ngồi xe con chạy qua bất giác tôi nhớ đến việc nhờ cậy của ông Giám đốc may mặc. Vậy trước mắt đã có việc làm cần thiết, bắt buộc, cụ thể hơn cả cái việc ngồi trong thư viện căng đầu ra nghĩ ngợi, mệt óc mà chẳng hiểu liệu có viết nên cái gì không?
Tôi hí hửng bấm chuông nhà Hồng Loan làm đàn chó “ngao” xông ra sủa om sòm. May quá nó có nhà, và chắc cô nàng đang cấm cung để viết bài nên mới mặc váy ngủ sơ sài thế kia. Chưa kịp chào hỏi, tôi nổ luôn:
      - Bố cậu về chưa?
      - Tuần sau mới về, tối qua ông vừa gọi điện, có chuyện gì thế ?
      - Chuyện quan trọng, vào nhà đã.
      Hồng Loan khóa cửa kỹ càng, theo tôi vào phòng khách thoáng  lo lắng. Tôi lặng lẽ ngồi ruỗi dài trên ghế xa lông, lim dim mắt cố nhớ tên ông Giám đốc trên tờ danh thiếp không hiểu sao tôi quên biến mất.
      - Nào, chuyện gì nói đi, tớ sốt ruột muốn điên rồi đó.
      - Từ từ, để tớ nhớ lại tên một người đã.
      - Người nào?
      - Ông Giám đốc xí nghiệp may mặc.
      - Thôi, không cần tên, ông ta làm sao?
      - Ông ta nhờ cậu nói với bố duyệt cho ông ta đi tham quan nước ngoài.
      Hồng Loan đập tay vào người tôi:
      - Con khỉ, có thế làm người ta hết hồn.
      - Ơ, chuyện đó không quan trọng sao, niềm hy vọng khắc khoải của cả một con người chứ bỡn đâu.
      - Ồi, có đến một tỷ ông  Giám đốc muốn nhờ cậy bố tớ những việc còn cấp thiết gấp trăm lần thế.
      - Vậy cậu sẽ giúp ông ta chứ?
      - Hơi sức đâu, mà cậu dính vào chuyện đó làm khỉ gì? Có họ hàng quen thuộc không?
      Tôi kể lể cặn kẽ từ chuyện ông Giám đốc đổi thái độ từ hôm nó đưa tôi về nhà, chuyện tôi trả lại cho ông tấm danh thiếp để mua quần jean, chuyện tôi hứa giúp đỡ... Nó cười:
      - Tưởng cậu nhận quà tớ mới phải nói chứ không thì kệ xác.
      Tôi hốt hoảng:
      - Ấy không, tớ đã hứa rồi, cậu cứ coi như việc của tớ.
      Hồng Loan mỉm cười và bất giác tôi lại nhớ tới người đàn bà bí ẩn của Kramskôi.
      - Này, Hoàng Minh đang ốm tương tư?
      - Sự lạ đó đây, thời đại này vẫn còn người mắc bệnh ấy ư? Chàng tương tư ai vậy?
      - Còn ai nữa, chàng vẽ hình cậu khắp nơi khắp chốn, giống như nhà thơ Paul Eluard “Anh viết tên em” ấy.
      Tôi ngẩn ra, nếu ông Trưởng phòng biên tập nghe tin trúng giải văn học quốc gia chắc cũng có vẻ mặt như tôi lúc này. Nhưng sao lại là tôi mà không là Hồng Loan, người cùng chí hướng nghệ thuật?
      -Sao, cảm động quá không nói nên lời hả?
      - Tim tớ ngừng đập rồi đây này.
      - Thôi đừng có đùa, ban cho anh chàng một phần ngàn tia hy vọng chứ?
      Hồng Loan quẳng cho tôi tập giấy, tờ nào Hoàng Minh cũng vẽ hình tôi trông rất giống.
      - Nghĩ gì ngẩn ra thế kia?
      - Không, không nghĩ gì cả.
      Tôi trả lời qua quýt và trả lại Hồng Loan tập tranh.
      - Choáng váng con tim rồi phải không?
      - Nhầm to, tim tớ đại lười.
      Quả thực, tôi chợt nhận ra rằng từ lúc Hồng Loan báo tin, tôi chỉ thấy ngạc nhiên một cách thích thú chứ không mảy may cảm động như mọi người con gái trong trường hợp tương tự. Dẫu sao, tôi cũng hỏi chiếu lệ:
      - Hồi này Hoàng Minh có khỏe không?
      - Tớ đã nói anh chàng đang ốm tương tư mà.
      -Thật không, ốm thật, tụi mình đến thăm, có sao.
      - Nếu vậy diễm phúc cho anh chàng quá, nhưng cậu phải đợi tớ viết cho xong bài báo này đã.
      Nó quăng cho tôi cuốn sách bắt ngồi đợi. Những dòng chữ trôi nhanh vào đầu nhưng lại gợi ra một cách chậm chạp những ý tưởng đã cũ, qua dăm trang đầu tôi bắt đầu đọc chéo rồi nhảy cóc cả đoạn, không đầy một giờ sau tôi đã tiêu hóa cả 400 trang tiểu thuyết của một nhà văn nổi tiếng. Hồng Loan vẫn lúi húi viết, thấy tôi đặt sách xuống nó ngẩng lên:
      -Xong rồi kia à? Đọc kiểu ấy bằng giết người viết.
      -Tại ông ta chứ, tớ chỉ mong được đọc một cuốn không phải bỏ sót  chữ nào.
      -Vậy cũng đòi làm biên tập.
      -A, cái đó đọc ăn lương lại khác.
      Hồng Loan lại cúi xuống viết, hờ hững dửng dưng khác hẳn lúc nó làm thơ nên lại có một vẻ đẹp khác. Nó yêu ai chưa nhỉ, cái anh chàng da đen nó nói bóng gió bữa trước là thế nào nhỉ? “Cái hộp đen” của nó kín bưng, ngay cả nó đang viết gì kia tôi cũng chẳng  biết được. Thực chẳng bù cho tôi, chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện gì cũng tỉ tê bằng hết. May quá, duy nhất còn chuyện viết tiểu thuyết là chưa.
      - Cậu viết cái gì mà ngoáy lia lịa thế kia?
      - Đổi mới tư duy, chống quan liêu bao cấp ở cửa hàng thịt.
      - Tớ đọc được không?
      - Thôi ạ, cô lại đọc chéo, đọc nhảy cóc thì chết người ta.
      Tôi bật cười, kể nó nói cũng đúng, tôi rất ngại đọc báo, nhất loại bài kiểu đó. Mỗi buổi sáng, cứ nghe mấy ông trong phòng ngồi tán chuyện là đủ nắm được mọi thông tin kinh tế, chính trị vừa xảy ra, khỏi cần đọc những bài vừa khô khan vừa dài dằng dặc.
Hồng Loan đã viết xong, xếp giấy tờ vào cặp, lui vào buồng trong sửa soạn. Tôi dở ra tập tranh, ngắm nghía từng chân dung mình, quả thực, lúc này tôi mới thấy hơi hơi cảm động về tấm tình chàng họa sĩ đem tới cho tôi. Chàng yêu tôi thực sao? Tôi là thế nào mà chỉ qua buổi gặp đã gây nên cú sét ái tình gớm ghê vậy?
Tôi nhớ lại cái nhìn của Hoàng Minh lúc vẽ tôi, hóa ra không phải lạnh lùng xa vắng, “vô ngã” như tôi tưởng, ngược lại, bên trong ẩn chứa những rung động thầm kín tôi không nhận ra.
Tôi nên xử sự thế nào đây, đón nhận hay khước từ?
Không, trong chuyện này, tôi gạt chồng sang bên, sống với anh như thế đã quá lâu, tôi có quyền không yêu anh nữa và yêu người khác, huống hồ tôi chưa bao giờ yêu anh cả. Anh quen thuộc và thân thiết với tôi như người cha, người anh, người bạn, thế nhưng bằng ngần ấy thứ cho dù cộng thêm cả tình dục nữa, cũng chưa thể biến anh thành người tôi yêu.
Vậy thì tôi có quyền yêu Hoàng Minh lắm chứ? Đương nhiên, nhưng cái chính là tôi có yêu anh không? Tôi quay lại cuốn phim buổi tối hôm gặp anh, soát lại các ấn tượng, hóa ra ngoài cái rùng mình duy nhất khi bắt gặp ánh mắt anh trong lúc vẽ, tôi hoàn toàn dửng dưng, thậm chí còn nổi cáu khi anh vẽ xong nhất định không cho tôi xem. Tôi đã quên biến anh đi, bức tranh anh gửi tặng cũng chỉ làm tôi trầm trồ chốc lát rồi cũng xếp ngăn kéo. Vậy  tôi không hoặc chưa yêu Hoàng Minh là cái chắc. Phải chăng ngày trước với Biên Cương, trái tim tôi đã hoạt động quá tải nên bây giờ nó kiệt quệ?
      Hồng Loan từ phòng trong bước ra với vẻ tươi tắn, khỏe khoắn càng làm tôi nhận rõ cái lừ đừ, mệt nhọc của mình. Tôi ốm rồi sao? Tôi sờ trán mình, không, vẫn rất mát, chưa đủ tin, tôi vạch tay áo tự bắt mạch, 75 nhịp/ phút, mạch rất tốt. Không, tôi vẫn khỏe, chỉ có điều ám ảnh nỗi lo nào đó.
Hồng Loan không cho tôi nghĩ ngợi xa hơn, nó đẩy tôi lên xe máy, lao đi trong phố.
“Người con gái ra đi vào lúc mờ sáng...”, tôi không nghĩ sẽ viết tiếp ra sao, chỉ thấy rằng tôi khác cô ấy, tôi đang đi vào lúc giữa trưa. Mặt trời giấu mặt đâu đó, đã há ra hết cỡ phun xuống cái nóng làm tiếng ve trở nên rền rĩ như đang chết khát, nhà hai bên phố đóng im ỉm, xe cộ trốn hết vào bóng râm, phía trước chỉ một ông lão mù khua gậy qua đường.
Hồng Loan tăng hết ga, lượn xe vòng vèo, cười nắc nẻ. Nó sung sướng thế đấy, lúc nào cũng tự tin, bình tĩnh ngay cả khi trong ngõ phóng vụt ra một chiếc xe đạp, nó phanh đột ngột, chiếc xe máy quay ngang rồi lại rồ máy chạy tiếp.
      - Chạy chậm thôi, muốn chui gầm ô tô hả?

                       (còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét