Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

VỀ MỘT THỜI HÀ NỘI (KỲ 18)


              (tiếp theo)


3.
      Tôi ngồi với Bình trong rạp chiếu phim chật hẹp xung quanh  những cái quạt cực lớn chỉ có tác dụng di chuyển cái nóng từ chỗ này sang chỗ kia. Tôi vừa ngáp vừa phe phẩy chiếc quạt giấy, ân hận đã nể chồng bỏ cả một buổi tối ở nhà, dắt díu nhau vào đây xem bộ phim đang được báo chí ca ngợi rùm beng.
Phim kể về một cô gái ở hậu phương nghe tin chồng hy sinh ngoài mặt trận nhưng vẫn biến đau thương thành hành động, vừa sản xuất giỏi vừa nuôi con ngoan và kiên quyết khước từ những cơ hội có thể đi bước nữa để chờ ngày thống nhất vào Nam tìm mộ chồng.
Sự trái ngược giữa những cảnh tượng đau buồn trên màn ảnh với tiếng cười hô hố, tiếng chửi nhau thô tục trong đám khán giả choai choai ngồi đầy trong rạp khiến tôi ngao ngán cho cái khập khiễng giữa nghệ thuật và đời sống. Bình xem chăm chú hơn tôi, có lúc anh còn lấy khăn tay lau nước mắt làm tôi cũng phải căng mắt nhìn lên màn ảnh, không dám quạt, không dám cả thở. Tôi chưa kịp nhìn kỹ nữ nhân vật dắt tay con đi trong ngày hội giao lương có biểu ngữ, có quốc kỳ, trên màn ảnh đã hiện ra chữ HẾT to tướng. Đèn bật sáng, người lớn đứng dậy mặt căng thẳng, đầm đìa mồ hôi trong khi  đám choai choai la hét, xô đẩy nhau bàn tán cuốn phim bằng những lời lẽ làm tôi đỏ mặt.
      Trong lúc chờ Bình lấy xe đạp, tôi đã kịp uống một cốc nước mía vỉa hè, ngửa mặt lên trời hít thở luồng gió mát thổi lộng lên từ phía sông Hồng. “Đời vui quá không buồn được”, tôi chợt nhớ Hồng Loan reo lên lúc ăn bún ốc. Vậy ra chẳng cần sống trong biệt thự có khóa xích loảng xoảng, có tiếng đàn piano, có đàn chó phốc sủa váng óc, chẳng cần mang nặng giá trị tinh thần như chị xã viên trong phim kia, chỉ cốc nước mía, một chút gió trời, người ta cũng sung sướng được lắm chứ. Tôi hỏi Bình như vậy có phải tôi ích kỷ không khi hai đứa đã trở về nhà. Anh uống một ngụm trà, rít một hơi thuốc rõ dài  mới chịu trả lời:
      - Cái đó cũng còn tùy.
      - Vậy anh có đồng tình với cách sống chị xã viên trong phim không?
      - Anh đồng tình trên góc độ tuyên truyền động viên trong thời chiến, nhưng kể ra... chị ta vẫn có thể vừa lấy chồng vừa sản xuất tốt được chứ?
      - Vậy phản tác dụng với người ngoài mặt trận.
      Bình cười khà khà:
      - Anh mà làm người chồng chết, anh rất mong vợ mình lấy chồng khác.
      - Vậy sao lúc xem phim anh cũng sụt sịt?
     - À, tại cái lúc đó mình quên béng tư duy luận lí chỉ còn lại thuần cảm xúc.
     Tôi sững người, tôi thua anh ở chỗ đó, chẳng lúc nào đầu óc xóa trắng được cái “luận lí“đáng nguyền rủa đó. Bởi vậy lúc xem phim, trong tôi chỉ rặt những nghi vấn. Chị xã viên có cần thiết khước từ tính yêu anh đội trưởng không? Tại sao chị không nhanh chóng vượt qua biến cố đầy bi kịch ấy để làm lại cuộc đời, cứ mang nặng nỗi khổ đau? Gậm nhấm mãi viên thuốc đắng đã ở trong miệng không chịu nuốt trôi nó đi phải chăng là biểu hiện của trạng thái “khổ dục” thích đi tìm hạnh phúc trong đắng cay?
Ôi cái đầu “luận lí” của tôi gây biết bao phiền tạp. Anh ít “biến đổi lôgích” hơn tôi phẳi chăng anh đã giải tỏa được nó vào những việc tính toán kỹ thuật. Vậy có lẽ viết tiểu thuyết sẽ bồi bổ cho tôi con người cảm xúc chăng? Khi chồng tôi leo lên giường, thả màn xuống, tôi làm cái việc khác thường ngày là ngồi ở bàn lấy cây bút và mở ra tờ giấy trắng.
    - Khuya rồi em còn viết gì nữa?
   - Còn sớm, mới hơn 10 giờ, khuya gì mà khuya, anh cứ ngủ trước đi.
     Thế là trong ánh đèn mờ của ngọn đèn bàn, trong tiếng chồng giở mình cót két, tiếng vòi nước nhỏ giọt xuống thùng phuy, tôi ngồi cố tưởng tượng một “Người con gái ra đi vào lúc mờ sáng...” như là nhân vật chính của cuốn truyện. Không, người đó không thể là chị xã viên cuốn phim kia, cũng không nên là chính tôi như đã dự định, viết về mình rất dễ sa đà vào cái cụ thể, người đó phải phiếm định như cô gái trong bức hình mỗi khi buồn tay tôi vẫn vẽ nguệch ngoạc, quen thuộc như “chữ ký” của tôi. Tuy nhiên mấy nét nguệch ngoạc đó còn quá sơ sài, nó mới chỉ là ký hiệu chứ chưa hẳn là hình ảnh một con người cụ thể. Nếu nhờ Hoàng Minh chuyển từ ký hiệu  thành bức tranh, rất có thể tôi hình dung được cô ta dễ dàng hơn. Các ông nhà văn thường vẫn phải dựa vào một người thực nào đó, riêng tôi sẽ dựa vào một bức tranh. Như vậy tôi đành phải nhờ Hoàng Minh vẽ cho mới bắt đầu viết được. Tôi xếp lại giấy tờ, tắt đèn và rón rén leo lên giường nằm cạnh chồng.
      - Em viết văn phải không?
      Tôi giật thót người, hóa ra Bình chưa ngủ. Từ lâu lắm, tôi đã quên mất chuyện hình như anh có thể đọc được ý nghĩ của tôi, bây giờ bất ngờ nghi hoặc đó trở  lại làm tôi bủn rủn.
      - Anh lục túi em phải không?
      - Không, không bao giờ.
      - Vậy, sao anh biết em viết văn?
      - À, anh đoán thế.
      Anh đoán hay đọc được ý nghĩ, câu hỏi đó cứ móc vào đầu tôi trong lúc anh thực hiện quyền lợi của một người chồng. Khi anh châm điếu thuốc theo thói quen sau mỗi lần thỏa thuê, tôi hỏi lại anh điều đó.
      - Không, làm gì có chuyện đó, tại em cứ hay nghĩ ngợi nên suy diễn vậy thôi.
      Anh trả lời và lại ôm lấy tôi thủ thỉ :
      - Anh sắp đi xa một chuyến rồi nên anh nói thực điều này nhé.
      - Anh cứ nói.
      - Em bị chứng lãnh cảm
      - Vậy là sao?
      - Là... là khi gần nhau em cứ ì ra như khúc gỗ ấy.
      - Lại vẫn chuyện cũ rích, thôi đừng nói nữa không lại cãi nhau.
      - Nhưng anh đã tìm ra căn nguyên của nó.
      Tôi im lặng suy nghĩ về điều anh nói. Vậy chẳng hóa ra toàn bộ mọi trục trặc trong con người tôi đều từ căn bệnh đó mà ra. Không, con người hợp thành không phải bằng tổng số các chi tiết như một cái máy.
      - Em nghĩ ngợi quá nhiều, vậy cũng không tốt đâu.
      Tôi phì cười, chồng tôi lẩn thẩn mất rồi, vừa nãy anh tìm thấy căn bệnh tôi ở “quả thận”, còn bây giờ nó lại nằm trong “cái đầu”. Nếu tôi “lãnh cảm” trong lúc gần chồng thì chẳng qua tại tôi không yêu anh đó thôi.
      - Anh biết tại sao em cứ...trơ như gỗ không?
      Anh im lặng chờ tôi trả lời. Có nên nói thực không? Anh sắp đi xa chẳng nên làm anh buồn. Người chồng như cái cột trong nhà phải để nó yên ổn vững chãi.
      - Em nói đi...
      - Tại anh đấy... lúc nào cũng đòi làm em tê liệt hết cảm xúc.
      Anh cãi lại bằng cách ghì chặt lấy tôi. Tôi cố nhắm mắt không cho mình quan sát như mọi khi, thôi, không nghĩ ngợi gì nữa, hãy trở thành một con người bình thường, một người vợ bình thường trong vòng tay của chồng. Khi tôi đã cố vun xới được cảm xúc, tiếc thay, anh lại buông tôi và lăn ra ngủ. Tôi thức một mình trong đêm, châng hẩng và chống chếnh như người bước hụt. Chao ôi, trở thành một người đàn bà bình thường quả thực khó lắm thay. Tôi còn thiếu hụt những gì nhỉ? “Công, dung, ngôn, hạnh” như các cụ ta ngày xưa hay là “trung hậu, đảm đang” như bây giờ? Tôi sờ tay vào người Bình, anh cũng được tạo ra bằng những chất liệu tự nhiên như tôi - prôtit, lipít, đường và nước? vậy sao anh tự tin, vô tư, ăn no ngủ kỹ, sung sướng vậy? Như trong cuốn phim đèn chiếu, lần lượt tôi hình dung ra những người xung quanh: mẹ tôi, thằng Tú, ông Trưởng phòng biên tập, Hồng Loan, tới Hoàng Minh, tôi ngủ thiếp đi trong những mảnh vụn rời rạc của tưởng tượng.
     

                        (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét