Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 33)



                                             
                                               (tiếp theo)

Chị Phó Chủ tịch Nhàn cho dân ‘xây nhà nguyện”, “ăn mừng khai trương ”, cứ ngỡ đứng về phía giáo dân, ngờ đâu khi nghe ông trùm phát biểu “ý kiến” theo kiểu “ tư cách  công dân “ trong một đất nước có luật pháp :
Nói thẳng ra, cứ thế này mãi thì khó ai tin được lời chị nói, khó ai tin được cái uỷ ban này nữa. Dân bầu lên thì dân cũng có quyền truất đi. Không dễ mỗi lúc bỏ tù nhau…”
Chị ta cũng nhảy nhổm lên vì  quyền lực bị động chạm :
“ Bây giờ ông định bàn với tôi về làm nhà thờ họ hay muốn phê bình uỷ ban ?”
Ong trùm họ tưởng mình còn có cái gọi là “quyền công dân” vẫn gan lì :
“  Chúng tôi là dân, chúng tôi không biết đâu đến sự làm việc của uỷ ban mà phê bình, uỷ ban làm đúng hay sai thì tự xét lấy…”
Lập tức chị Phó Chủ tịch trở mặt, nổi xung  :
“ Từ nay nếu ông bàn với tôi về việc làm nhà thờ họ thì tôi vẫn hết sức nghe ông, nhưng ông lại nói lếu láo, bậy bạ về uỷ ban, gây dư luận không tốt trong nhân dân thì uỷ ban sẽ chiếu theo pháp luật mà giữ ông lại. Ngày xưa cũng thế, bây giờ cũng vẫn thế , đã làm bậy thì dù là cha cụ, là chánh trương, trùm trưởng hay con chiên thường cũng đều phải chịu xét xử như nhau , chẳng nể mặt một ai. Toà Giám mục cũng không can thiệp được vào công việc của chúng tôi, toà thánh La mã cũng không dúng vào được  công việc của Uỷ ban. Ông đừng có doạ, tôi phụ trách về tư pháp tôi biết hơn rõ ông ….”
Ghê gớm chưa, “thằng dân” vừa mới mở miệng “phê bình chính quyền” bà Phó Chủ tịch xã đã tới tấp ra đòn đánh dập đầu , đánh “tiêu diệt”, mang cả Toà Thánh La mã ra đe nẹt khiến cho ”mặt ông trùm đờ ra , môi nhợt trắng như người phạm lỗi bị bắt quả tang…”.
Rồi tỏ vẻ “do dân, vì dân” bà Phó Chủ tịch thổn thức :
“ Tôi theo Chúa, tôi theo Chính phủ, tôi theo cả hai mà không được sao ? Ôi, lạy chúa. Con cho họ miếng bánh nhưng họ đã ném đá trả lại, con đến với họ với tấm lòng nhân từ của mẹ, nhưng họ lại đối đãi với con như kẻ thù…”
Kìm kẹp, thắt buộc người dân thế mà dám bảo “ cho họ miếng bánh” với cả “ đến với họ với tấm lòng nhân từ của mẹ” ,còn thằng dân mới chỉ “ em xin phê bình cán bộ” vậy mà đã la làng lên “ họ ném đá trả lại” , Giê-su-ma lạy Chuá tôi, trên đời còn có ai xảo ngôn đến thế chăng ?
Nếu như “Xung đột” phần 1 ( viết năm 1956) khép lại những “xung đột” giữa chính quyền và giáo hội thì “ Xung đột” phần 2 ( viết năm 1961) mở ra những “xung đột” giữa con người với “lợi ích vật chất”.
Trước hết là cha Thuyết, cha linh hồn của cả giáo phận, được Nhà nước “quan tâm” cho đi mổ lấy sỏi mật, bỗng dưng biến thành một người ca ngợi “miếng ăn, miếng uống” sặc mùi “ơn Đảng, ơn cụ Hồ”.
Ta hãy nghe đấng chăn chiên “hồ hởi  phấn khởi” bốc thơm bệnh viện Nhà nước :
“ Ôi chao, quý hoá quá sức mình , cao trọng quá đỗi. Cái nhà thương rộng dễ đến một xóm của ta , cao ngân ngất như đền thánh đức Mẹ ở Phú Nhai vậy …”
Rồi cha khoe được “ưu tiên” hơn cả cán bộ xã :
Này, thằng Thuỵ, con  Nhàn có ốm cũng chưa dễ đã được vào chỗ tôi nằm đâu. Lúc đầu tao cũng chẳng tin gì vào cái khoa mổ xẻ , còn chần chừ lắm. Nhưng chính phủ đã bỏ công, bỏ tiền xây dựng một toà nhà to như vậy, nuôi hàng trăm ông bác sĩ thì tao chắc họ làm phải giỏi…”
Mổ bụng vậy mà cha …không được đánh thuốc mê hay sao mà cha một tấc đến trời :
Lưỡi dao họ lách vào đến đâu tai tao nghe rõ đến đó , nhưng chẳng đau đớn gì sốt. Để tôi lấy bà lão xem cái vật quý này – Cha chạy vào mở tráp cầm ra một cái gạc bông . Bà đã thấy chưa , lúc họ mới đưa tôi để làm kỷ niệm nó to bằng ngón tay cái sờ rắn như đá sỏi. Nó nằm trong bầu mật dễ đã hàng chục năm nay, cái cơn đau vừa rồi mà ở nhà quê chắc là chết….”
Rồi cha bầy tỏ tình cảm của mình với cái nhà thương mà Nhà nước đã  cho cha nằm :
“ Một tháng ở đấy thanh nhàn vui sướng chẳng nói được, toại lòng phỉ chí đến không muốn ra về nữa…”
Đến cái cách cha ca ngợi “miếng ăn hàng ngày” mới thật thảm hại :
Cha cười  ầm ầm :
“ Min ăn suốt ngày, thật như con trẻ, bốn bữa, năm bữa, mỗi bữa ăn một vực cơm đầy. Bây giờ thì min có thể sống thêm được  vài chục năm nữa…”
Được chút “bổng  lộc” Nhà nước,  cha trở giọng chửi bới cha Lân Toà Giám mục vốn là người đang bị chính quyền  nghi ngờ kích động giáo dân :
Tao cứ trông thấy thằng Lân ở đâu là chỉ muốn lánh mặt. Nó chỉ đem phiền muộn đến cho mình. Muốn an nhàn một chút cũng chẳng được. Cái thứ ấy chẳng liên quan gì tới tao, tao là đấng chăn chiên thì chỉ biết vâng theo lệnh bề trên thôi…”
Ngay với đức bề trên trực tiếp là cha Tuệ, giám quản địa phận Bái, cha cũng giở giọng bóng gió với ông Thường trực Uỷ ban xã :
Tao thấy ở đời này lắm  người có đạo mà lại hay bỏ vạ cáo  gian , đức hạnh nết na chả có, lòng đầy rẫy những sự ghen tuông, hờn giận , oán thù. Mặc áo thầy tu mà trong lòng thì dữ tợn quá con quỷ…”
Sau khi đặt vào miệng cha những lời bôi xấu cha bề trên , ông nhà văn lại biến cha thành kẻ “chỉ điểm”:
 “Ong Tuệ có ý mời các cha trong địa phận về Bái họp, áng chừng muốn dùng số đông khiếu nại lên chính phủ…”
Và cha bầy tỏ lòng quy thuận :
Nhưng bây giờ thì tao mặc, tao cũng có nói với lão Lân rằng : ở Toà Giám đã có đức giám quản sáng suốt khôn cùng, đã có cha chánh xứ, cha cố vấn, hội đồng tư vấn gồm toàn những con người khôn ngoan rất mực thì còn cần gì đến những thằng già lẩm cẩm chỉ biết giảng kinh , giải tội cho con chiên, chỉ biết chú mục làm việc Chúa cho danh Cha cả sáng…”
Rồi cha nộp cho nhà cầm quyền thư của cha Giám quản gửi cho cha :
Trong cuộc giao tranh thiêng liêng để chiếm nước thiên đàng, đạo binh hùng dũng nhất là đạo binh cầm tràng hạt Mân Côi chứ không phải là khí giới cầm tay…”
Than ôi, chẳng lẽ mới chỉ được bố thí chút lộc chữa bệnh mà cha đã bán linh hồn ca ngợi kẻ cầm quyền và tố cáo người trong giáo hội sao ?
Quả thực, vạch trần “chân tướng” linh mục, giải “cây bút vàng” phải giành cho Nguyễn Khải trong  Xung đột 2. 
Thế rồi cha mồi chài, làm sa đọa đến cả “đồng chí” Thuỵ, thường trực Uỷ ban :
“ Rồi cha móc túi lấy ra một cuộn bạc chẳng cần đếm là bao nhiêu đưa cho Thuỵ. Từ đấy Thuỵ là người cai quản hết thảy mọi việc…qua mỗi việc Thuỵ lại lên trình bẩm với cha và lần nào về cũng đưa cho vợ hàng gói bạc…”
Đáng lý chỉ cần một trăm thì cha lại vứt ra một trăm rưởi . Cái con số lẻ ấy mới đầu như chênh vênh nhưng dần dần nó đã tìm được  chỗ đứng vững chắc…”.
Thế là  từ đó mâm cơm nhà Thụy không chỉ là “rau muống luộc chấm nước cáy” nữa, “vợ Thuỵ đã phải lăn xuống bếp : hôm giết con gà, hôm đánh bát tiết canh vịt, rồi nào lòng xào, lòng nấu miến, khúc cá rán, khúc nẩu riêu, rau muống cũng phải xào đẫm mỡ…”
Đồng chí thường trực uỷ ban thay đổi hẳn, “ toàn một giọng hỉ hả, đài các, toàn những chuyện  may sắm , lựa chọn cái này cái nọ, tính toán giá gỗ đóng giường, giá vải hoa làm màn che, cái phích đựng nước nóng, bộ ấm pha trà…”
Ôi lậy Chúa, cán bộ hư hỏng ? Đó là lỗi tự nhà thờ.
                      
                         (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét