Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Nhà văn Nhật Tiến : GIẤC NGỦ CHẬP CHỜN ( KỲ 15 )


                               (tiếp theo)
                            
                             CHƯƠNG 7

         

Ít hôm sau, lão Đối thu vén được hơn hai ngàn bằng tất cả những món tiền dành dụm được, rồi lão mầy mò lên phố chợ. Lão vô tiệm thuốc tây độc nhất trong vùng, xòe cái giấy của Vấn lên mặt quầy và nhìn ông chủ tiệm với tất cả mọi niềm hy vọng. Người chủ tiệm liếc qua một lần rồi nhún vai:
- Toàn thuốc trụ sinh hiếm hoi, ở đây làm sao mà có.
Lão Đối năn nỉ:
- Xin ông cố giúp giùm cho. Tôi cấp cứu người bệnh gấp rút lắm.
Rồi như sợ lỡ lời, lão lại tiếp:
- Đứa con dâu nhà tôi đã ốm lại còn có bầu. Nguy hiểm lắm.
- Biết vậy rồi nhưng đây chỉ là đại lý, làm sao có đủ mặt hàng. Tôi chỉ bán cho cụ được có hai món thôi. Còn bao nhiêu, cụ phải lên tỉnh mới có được.
Lão Đối lè lưỡi:
- Ui choa! Lên tỉnh thì làm sao tôi đi. Nhà hiếm người.
- Vậy thì biết làm sao.
- Tôi đặt tiền trước, nhờ ông mua giúp giùm.
- Không được đâu cụ ơi. Tiệm nầy của tôi sắp sửa phải dẹp rồi. Cả tháng nay tôi đâu có buôn hàng gì thêm đâu. Tình thế này, cụ không thấy sao?
- Mà trên tỉnh chắc là có chớ?
- Chắc vậy. Ở trên đó có nhiều tiệm. Cà rà đây đó may ra thì đủ.
Lão Đối buồn bã lượm mảnh giấy cho vào túi rồi trở ra. Ngày hôm sau lão đổi mấy lần xe để lò dò lên tỉnh. Mớ thuốc lão mua được đủ, chất vừa khít một cái giỏ xách tay. Lúc xuống xe lam ở đầu cầu chợ Lùng, lão đã bị một nhóm lính đón đường. Một người cười lạt lẽo:
- Đi tiếp tế thuốc trụ sinh cho Việt Cộng, hả?
Lão Đối giật nẩy mình, sững người nhìn mấy kẻ trước mặt. Lão nhận ra ba người quen thuộc là thằng Trọng, thằng Hưng và anh Lầu. Lão hơi yên dạ, mỉm cười gượng gạo:
- Chèn ơi! Buộc nhau chi những tội tầy trời vậy, mấy em.
Một người lên tiếng:
- Thì cả chợ nầy đồn cụ đi lùng thuốc trụ sinh mà. Phải hôn?
- Nói xàm hết cỡ chưa! Tôi mua thuốc chữa bệnh cho tôi mà.
- Đâu, cụ bệnh gì, đau ở đâu?
- Ối, già tuổi rồi, nhức đầu, xổ mũi, đau xương đau cốt tùm lum.
- Vậy cho coi cái giỏ đi. Có phải thuốc bổ thận hoàn Thảo Nam Sơn thiệt không nào.
Một người sán lại, giằng cái giỏ trên tay lão Đối. Lão rụt lại phản kháng:
- Bộ cứ đau xương là phải uống Thảo Nam Sơn sao? Thời buổi bây giờ thiếu gì thuốc hay hơn.
- Thì cứ cho khám đi. Không phải thuốc trụ sinh tiếp tế cho V.C. thì thôi chớ gì.
- Thuốc trụ sinh thiệt đó. Mà điều chẳng dùng để tiếp tế cho Việt cộng Việt cung gì hết.
Lầu từ nẫy vẫn im lặng, bây giờ mới xen vào:
- Thì bác cứ để cho anh em làm phận sự đi. Nếu không có chuyện thì thôi chớ có ai làm gì bác đâu.
Cái giỏ được mở ra, những hộp thuốc được rỡ từng gói. Có cả Pénicilline lẫn Tyfomycine. Những tiếng in, in, phát ra từ miệng đọc của gã đàn ông có phận sự lục soát đã khiến cho mọi người cùng la lên:
- Chèn ơi! Rặt một loạt trụ sinh ác ôn, không tiếp tế cho V.C. thì mua làm cái gì đây?
- Mua để xài chớ mua làm cái gì! Các ông ngó thử coi. Tí xíu bằng này thì tiếp tế cho ai?
- Kiến tha lâu đầy tổ mà cụ. Thôi, cứ mời cụ về trụ sở đã rồi phân giải sau.
Toán người áp giải lão Đối đi ngược về phố chợ. Vừa đi lão vừa phản đối om sòm. Râu tóc lão dựng ngược lên, mặt lão đỏ rần rần. Lầu an ủi:
- Chắc chẳng ai giữ bác đâu. Nội ở đây, bác thì ai mà không biết.
- Chẳng giữ tôi thì điệu tôi về trụ sở làm chi?
- Thì cũng phải trình lên Ủy ban Hành chánh Xã chớ. Tại bác làm gì lộ liễu quá, người ta đồn bác đi lùng thuốc trụ sinh dữ thần, ai mà không thắc mắc. Phải bác mua cho thằng Đực không?
- Nó là con tôi, tôi có quyền mua cho nó chớ.
- Mà điều nó là du kích.
- Là gì đi nữa thì bố cũng có quyền thương con. Bộ nó ốm đau rồi tôi mặc nó chết bỏ xác sao?
- Thì thế mới hy vọng Ủy ban người ta thông cảm với mình. Bác cứ yên chí đi. Cháu tin tưởng vậy mà.
- Trời ơi! Hạng người già cả như tôi mà tống tôi vô tù thì vô lý hết chỗ nói.
- Nào ai đã tống bác vô tù đâu?
Lão Đối giận dữ:
- Áp giải thế này không là tù thì là cái vương tướng chi đây?
Một người khác chen vào:
- Thôi bác thông cảm cho anh em giùm một chút đi bác. Nếu coi bác là tù thì chúng tôi đã phải trói tay bác rồi.
Ở trụ sở Ủy ban Hành chánh, lão Đối được chỉ cho ngồi vào một chiếc ghế băng kê ở sát tường. Ông Chủ tịch đi vắng, nhưng có Ủy viên An ninh, người nầy có họ bà con xa bên đằng vợ của lão Đối. Hắn phải kêu lão Đối là dượng. Hắn tiếp nhận chiếc giỏ xách tay rồi bầy biện mười hai hộp thuốc lên mặt bàn. Hắn nói:
- Dượng dại lắm. Ai biểu dượng đi mua những đồ nguy hiểm này về làm chi.
- Có gì mà nguy hiểm. Trên tỉnh người ta bán tự do mà.
- Trên tỉnh là một đàng, mà ở đây là một đằng khác. Dượng không biết chớ, để sửa soạn cho những trận đánh lớn vào mùa mưa tới, Việt Cộng tung tiền đi vơ vét thuốc trụ sinh ở khắp các tiệm thuốc.
- Nó vơ kệ nó chớ, ăn nhằm gì tới tôi.
- Dạ, dượng nói vậy thì cháu cũng biết vậy. Biên bản cháu làm đây sẽ ghi đúng lời khai của dượng. Nhưng quyết định thì cháu không có quyền. Phải chờ Ủy Ban.
Lầu lại phải an ủi:
- Cháu chắc cũng không có gì đâu. Bác cứ yên tâm ngồi nghỉ một lát. Bác có đói để cháu mua bánh mì.
- Thôi. Bánh với trái cái gì. Tao đâu còn bụng dạ nào mà ăn được nữa kìa!
Nghiên cứu trong số thuốc tìm được ở cái giỏ xách tay của lão Đối, người ta nhận thấy có cả loại thuốc trừ bệnh phong đòn gánh. Rõ ràng là người mua có dụng ý đem dùng trong những trường họp ngăn ngừa vết thương nhiễm độc. Sự lo xa ấy của Vấn làm cho số phận của lão Đối không được êm xuôi dễ dàng như Lầu tưởng.
Tờ trình đã được ghi đầy đủ chi tiết tỉ mỉ. Nó được chuyển từ Xã lên Quận, từ Quận lên Tỉnh và ở Tỉnh người ta giữ lão Đối lại để điều tra thêm. Như vậy khó có thể biết được ngày nào lão được trở lại xóm làng thân yêu cũ, nơi lão đã thề nguyền là dù cuộc chiến có xảy ra như thế nào, thì lão cũng sẽ chết ở đấy. Để xác thịt của lão được trở về với mạch đất của quê hương, để trước khi nhắm mắt, lão được nhìn thấy một lần chót mái tranh này, bụi tre kia, và được thở hít bầu không khí quen thuộc mà lão đã sống ở đó từ hơn sáu mươi năm.
                                                
                                                           * *
                                                            *
Theo ý của Lầu, vai trò của lão Đối ở trong ấp Vĩnh Hựu này thật cần thiết. Chính lão đã là người ngăn cản nhiều ý định rồ dại của bọn thằng Há, thằng Đực, những kẻ mang trong lòng mọi ý nghĩ thù địch, lúc nào cũng sẵn sàng thanh toán bạn bè xưa cũ, những người đã chia xẻ với bọn chúng một dĩ vãng tươi mát, êm đềm. Và chính lão cũng đã có nhiều lần từng che chở cho bọn chúng thoát khỏi những cuộc ruồng xét bất tử của lính quốc gia ở đồn Phi Mã. Trong ý nghĩ đơn giản nhưng bền vững như dao chém đá, lão Đối quan niệm rằng ở buổi giao thời đau thương và khốn khổ này, tất cả chúng nó chỉ là nạn nhân. Những đứa này bị xô đẩy vào lò cừ với lý tưởng Giải phóng, những đứa khác chống cự lại với lý do Tự vệ, và Bảo vệ. Nhưng liệu thực chất của cuộc chiến lâu dài này có phải là như vậy không? Dù sống dưới một lý tưởng hay chủ nghĩa nào thì tối thiểu quyền sống của con người cũng phải được tôn trọng. Người ta đã nhân danh cái quyền sống ấy để hủy diệt. Và một khi sự hủy diệt này kéo dài quá lâu, quá tàn khốc, quá thảm thương, thì không một chiêu bài nào còn đầy đủ lý do đề tồn tại nữa.

Những ý nghĩ đó khiến Lầu rất băn khoăn. Phải chi con đường mà gã và các bạn đồng đội của gã đang đi sẽ sáng tỏ được như ban ngày. Còn gì đau khổ, dằn vặt hơn khi phải đem cả mạng sống của mình đặt vào một cuộc thách đố không định hướng. Trong những lần tiếp xúc tập thể với anh em binh sĩ trong đồn Phi Mã, chuẩn úy Dũng vẫn thường nhắc nhở đến lý tưởng Tự Do, xã hội Công Bằng, đời sống Bảo Đảm.
Những lời lẽ văn hoa ấy đẹp như tấm thủ bút của những tay danh sĩ đời xưa vẫn thường được người ta đóng khung nâng niu như đồ gia bảo. Người ta chiêm ngưỡng nó say mê, gìn giữ nó cẩn thận như gìn giữ một phần thân thể. Nhưng không phải lúc nào nó cũng trở thành một nhu cầu thiết yếu trong đời sống hằng ngày. Cũng như danh từ Tự Do, Công Bằng, Bảo Đảm không phải lúc nào cũng là những động cơ thúc đẩy con người ta hành động. Phải có điều gì cụ thể hơn các ý nghĩa sâu xa của những danh từ tốt đẹp, hoa mỹ đó. Nó phải làm cho người ta cảm được, thấy được, xúc động được, nhất là với đám dân quê hiền lành, chất phác, quanh năm chỉ biết vui thú với những ước mơ nhỏ bé, tầm thường của mình.
Trả lời kèm trích dẫn từ bài viết  nàyNhưng được một điều may mắn là những tâm trạng ray rứt đó không phải lúc nào cũng trở thành vấn đề khiến cho người ta phải tự tra vấn, xét hỏi. Cuộc sống hằng ngày còn nhiều tình tiết tuy nhỏ nhặt hơn, nhưng lại khiến người ta bận tâm đến nhiều hơn. Cho nên hầu như nhu cầu tinh thần chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu vật chất của đời sống hằng ngày. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một trạng huống, mỗi người một mối lo âu về sinh kế, về tật bệnh, về muôn ngàn những đòi hỏi thực tế khác nữa, tất cả đã sẵn sàng che lấp đi trong ý nghĩ mọi người về cả một khoảng trống tinh thần đó.

Như mối quan tâm thiết yếu nhất của Lầu bây giờ chính là đứa con đầu lòng của gã sắp sửa ra đời. Hình ảnh của lão Đối đứng giữa hai người lính ở bên lề quốc lộ để chờ chuyến xe lam đưa về quận lỵ chỉ gây xúc động cho gã trong ít phút. Đến khi gã bước qua ngưỡng cửa của nhà hộ sinh thì những ý tưởng hoang mang, rời rã đã tan biến rất nhanh, nhường chỗ cho một mối lo âu mới, mạnh mẽ hơn đến độ có thể thiêu đốt lòng gã.

Trong suốt hai tiếng đồng hồ, gã bối rối đứng ngồi không yên bên chiếc bàn gỗ xộc xệch. Hơi nóng tỏa xuống từ mái tôn thấp khiến mồ hôi trên mình gã đổ ra đầm đìa. Chung quanh gã, những mẩu tàn thuốc vứt vương vãi khắp mọi chỗ. Miệng gã khô đắng lại với những miếng nước bọt như khô quánh, đặc sệt trong cổ họng. Mắt gã không rời cánh cửa gỗ loang lổ nước sơn cũ kỹ vẫn đóng im ỉm ngay từ lúc gã đặt chân tới. Bốn bề im lặng hoàn toàn như tôn trọng, chia xẻ với những tiếng rên la thét lên từng cơn của chị Lầu. Chị gọi tên gã. Chị đòi gặp má. Chị muốn lên tỉnh vô nhà thương lớn. Chị mong được chết. Thật là Lầu đã phải trả một cái giá đáng đời sau những ngày chứa chan hạnh phúc.
Bỗng nhiên chị Lầu la to hơn hết mọi lần. Tiếng gào của chị xé lên như bóp nát ruột gan của gã, rồi tiếp theo đó là tiếng trẻ oa oa khóc. Lầu ném ngay điếu thuốc qua ngưỡng cửa và nhẩy bổ lại trước cánh gỗ đập rầm rầm. Cánh cửa bật mở, một cô mụ hiện ra với vẻ mặt đầy mệt nhọc:
- Nhín chờ chút đi. Chưa rồi mà!
Lầu hỏi cuống quít:
- Con gái hay con trai?
- Con trai! Mừng chưa?
Lầu không còn nghe thấy gì nữa. Gã xách ngay cây súng chạy thốc ra đường. Gã muốn gặp bất cứ ai quen thuộc để báo tin mừng là vợ gã đẻ con trai. Người đầu tiên mà gã đụng phải là Thư. Mặc dầu chẳng ưa thích gì lắm thứ đàn bà ngựa vía này, Lầu cũng vẫn hối hả:
- Vợ tôi đẻ con trai rồi, cô Thư!


                                                        (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét