Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Nhà văn Nhật Tiến : GIẤC NGỦ CHẬP CHỜN ( KỲ 14 )



                                    (tiếp theo)


Thấy Đực, mặt Vấn vụt tươi lên. Nàng nhoẻn một nụ cười rạng rỡ rồi xòe bàn tay ra đón gã. Đực dựng cây súng vào vách rồi ngồi xuống nệm cỏ. Gã nắm lấy tay nàng bóp chặt như muốn truyền sang nàng tất cả nỗi nhớ thương chồng chất từ bao nhiêu năm tháng. Vấn mỉm cười, cặp mắt của nàng long lanh như chất chứa vẻ cảm động. Nàng ngắm nghía Đực một lát rồi nói:
- Trông anh vẫn thế. Còn Vấn, anh có thấy khác gì không?
Đực bùi ngùi:
- Có vẻ xanh hơn. Mà sao đi mất biệt đâu, không nhắn giùm cho tôi một câu.
Vấn mỉm cười:
- Giận lắm hả?
Đực không đáp nhưng gã nắm chặt tay nàng hơn nữa. Gã muốn nói thật nhiều nhưng rồi lại không nói được gì cả. Vấn cũng im lặng để kéo dài giây phút cảm thông sâu xa đó. Mãi một lát sau nàng mới lên tiếng:
- Vấn gọi anh tới để báo cho anh một tin vui. Mà điều không biết có phải là vui với anh không đây?
Nói rồi nàng rút bàn tay ra khỏi tay Đực, nằm ngay ngắn lại và kéo tấm mền ra khỏi mình. Đực giật mình khi trông thấy cái bụng to của Vấn mà từ lúc vào gã không đề ý. Gã nhìn Vấn bối rối, rồi bỗng thốt lên:
- Vấn. Vấn...hả?
Vấn gật đầu nhẹ nhàng:
- Con anh đó. Rầu hay vui?
Đực cảm động đến nghẹn ngào:
- Sao lại rầu kia chớ. Trời ơi! Thực không ngờ...
- Không ngờ thiệt hả?
- Thiệt chớ. Ai mà ngờ cho được.
- Anh nhận nó không?
- Ôi cha! Sao lại không. Hỏi chi mà kỳ cục vậy. Con tôi mà!
Câu trả lời của Đực làm Vấn hài lòng. Nàng trở nên thân mật và gần gũi với gã hơn. Một tay của nàng níu lấy vai gã. Cánh tay kia quàng qua cổ gã một cách nồng nàn. Nàng nũng nịu:
- Vậy mà em cứ lo. Phải rồi. Con anh đó. Nếu là con trai nó sẽ giống anh như đúc.
Đực ngả lưng xuống nằm xuôi bên cạnh nàng. Bàn tay của gã đặt lên bụng nàng. Gã có cảm giác như đứa bé đang cựa quậy trong đó. Lòng gã dâng lên một niềm xao xuyến, rung động như gã đã vừa hoàn tất một việc tốt đẹp nhất trên đời. Giây lâu, gã nhìn nàng dò hỏi:

- Bây giờ tính sao nhỉ? Có về với tôi không ?
Vấn không trả lời ngay câu hỏi của gã mà lại giận dỗi một cách nũng nịu :
- Sao anh cứ xưng tôi hoài, dễ ghét quá. Từ nay em là vợ anh rồi
- Phải đấy. Anh sẽ giới thiệu em với tía.
- Bao giờ?
- Ngay ngày mai.
Vấn lắc đầu:
- Anh không thấy sao. Bụng em lớn thế này đi đâu nổi.
Đực ngẩn ra nhìn Vấn. Rồi gã lại cúi xuống ngó kỹ bụng nàng hơn. Một lát gã buột miệng:
- Ừ nhỉ.
- Em đã nhờ Yút rồi. Em sanh con ở đây.
- Đâu có được, ở đây đâu có thuốc men gì.
- Đó là điều khiến em nghĩ tới anh. Anh phải lo cho em đầy đủ đấy nhé.
- Tất nhiên rồi.
- Những thuốc nào cần mua em đã ghi ra cả ở đây rồi.
Vừa nói Vấn vừa trao cho Đực một mảnh giấy bằng bàn tay viết kín những chữ. Đực đón lấy rồi nói:
- Anh sẽ nhờ tía lên chợ Lùng. Ở đó không có thì lên tỉnh. Nhất định là phải đầy đủ mà.
Vấn ngập ngừng:
- Nhưng rồi tía sẽ nghĩ sao. Có giận mình không?
Đực khua tay:
- Ôi, ăn nhằm gì. Thấy anh có vợ con đàng hoàng, ổng còn mừng.
Vấn nhìn Đực một giây rồi nói tiếp:
- Còn một điều này nữa, em cũng phải nói hết cho anh biết. Anh thấy là mình đang hoạt động để hoàn thành sự nghiệp lớn lao của dân tộc chớ.
- Thấy.
- Cho nên mình phải đặt quyền lợi tổ quốc lên trên quyền lợi cá nhân.
- Rồi sao?
- Cho nên vấn đề gia đình đặt ra bây giờ chưa đúng lúc, phải không?
- Nghĩa là...
- Nghĩa là em sanh con rồi, chưa về sống với anh đâu. Phải chờ đến lúc cách mạng thành công đã.
Mặt Đực buồn hẳn đi, gã bối rối:
- Mà điều thỉnh thoảng cũng gặp nhau chớ.

- Dĩ nhiên rồi. Sau mỗi lần công tác hoàn tất em sẽ tìm anh. Chả mong gặp anh thì gặp ai.
Nói rồi Vấn lục sắc lấy một tấm ảnh trao cho Đực:
- Đây em tặng anh tấm ảnh này để anh nhớ mãi tới em.
Mắt Đực sáng lên. Gã đón vội lấy bức hình và giơ lên ngắm nghía. Bức ảnh chụp Vấn ngồi vắt vẻo trên một cành cây. Nàng bận áo sơ mi cổ bẻ, thắt lưng da buộc ngang bụng, ống quần bó ở gấu và đi dép Bình Trị Thiên. Vấn giảng giải:
- Hình này em chụp từ hồi còn ở Học-sinh-đoàn trong Quảng Bình. Anh thấy có khác bây giờ không?
Đực đáp:
- Không khác bao nhiêu. Khi đó em có vẻ học trò hơn.
Vấn cười:
- Thì học trò chụp hình làm sao lại không giống học trò được. Nhưng nói vậy chớ, cũng cực lắm nghe. Hồi đó phong trào phát động lên rồi, tất cả bọn này tình nguyện theo hết. Lúc tập trung ở Xuân Hội, tổng số dễ lên tới năm trăm người. Nhà nước gửi bọn này cho đồng bào địa phương, cứ ba bốn đứa một nhà, ăn chực nằm chờ gần một năm mới khai giảng lớp học. Trong thời gian chờ đợi, tụi em phải trồng rau, chăn vịt, làm đồng, nghĩa là chủ nhà cần gì thì mình làm nấy. Về sau cực quá, tụi nó trốn hết, tới ngày khai giảng chỉ còn ngót nghét có hai trăm.
 Mặt Vấn đang vui bỗng buồn hẳn đi. Cặp mắt long lanh bỗng trở nên xa vắng. Nàng bồi hồi xúc động như vừa va phải những kỷ niệm nhớ thương nào trong dĩ vãng. Hồi đó Vấn yêu một anh cán bộ miền Bắc tên Dương. Hai người hợp thành một cặp đẹp đôi nhất Xuân Hội. Khi mãn khóa, Vấn tiếp tục theo Dương đi công tác khắp vùng cao nguyên, và gần hai năm sau, họ làm lễ cưới ở trại Kim Đồng. Đám cưới cử hành thật giản dị và có ban văn nghệ giúp vui. Vấn nhớ chương trình hôm đó có tới hai vở kịch cùng qui về một vấn đề hôn nhân.
Vở thứ nhất diễn tả một anh chồng phải lên đường chiến đấu ngay trong ngày cưới. Đêm tân hôn anh ta nằm ngoài vòng rào kẽm gai của đồn địch. Rồi sau đêm giao chiến, anh ta tặng vợ một chiến công để làm quà động phòng.
Vở thứ hai nói về “nhiệm vụ người ở nhà” của một cô vợ có chồng phải lên đường chiến đấu. Đến lúc nghe tin chồng tử trận, cô nàng không những không khóc lóc mà còn giơ tay thề thốt sẽ noi gương chồng để phục vụ cho cách mạng. Câu chuyện khuôn thước, một chiều, phản tâm lý, tình cảm đến thế mà hồi đó Vấn cho là hay, là có ý nghĩa sâu sắc.
Ba tháng sau ngày cưới, Dương phải từ giã Vấn để đi công tác dưới đồng bằng, rồi biệt tích luôn ở dưới đó. Có người báo tin là Dương đã chết trong một trận đánh lớn ở miền Hậu giang. Vấn đau khổ tưởng có thể chết được. Nàng nằm liệt một chỗ và bỏ công tác hàng tháng trời. Ý nghĩa của những vở kịch trong đêm liên hoan ngày cưới bây giờ đã trở thành những hình ảnh mỉa mai, chua chát. Lý thuyết với thực tế quả thật đã khác nhau một trời một vực.
Trong những ngày đau khổ, Vấn được gần gũi với Phú, một gã làm ở văn phòng Bí thư Khu ủy. Thái độ mềm mỏng, dịu dàng của Phú khiến nàng nguôi được nỗi đau buồn để có thể đứng dậy tiếp tục làm việc. Một hôm, Phú yêu cầu nàng đi theo công tác trên sóc Thượng. Phú tổ chức uống rượu cần và Vấn đã say bí tỉ ngày hôm đó. Lần đầu tiên sau khi Dương biệt tích, Vấn tìm lại được nụ cười. Nàng thấy men rượu đưa mình vào một thế giới khác, thế giới bồng bềnh của lãng quên, của sự dìu dặt, nâng niu tâm hồn của mình bay bổng trên từng cao. Rồi đêm hôm đó hai người không về. Vấn không còn nhớ mình đã làm những gì trong suốt quãng thời gian còn đứng vững được trên căn nhà sàn đang bắt đầu xoay tròn chung quanh. Chỉ đến sáng hôm sau tỉnh lại, Vấn mới thấy mình lõa lồ trong chăn ấm của Phú. Thế là nỗi khổ đau cuối cùng của nàng đối với Dương cũng đã bị tước đoạt nốt. Vấn đã nghiến răng nhìn Phú hằn học:
- Anh khuyến khích tôi uống rượu để lãng quên và tìm lại nghị lực phục vụ cho đoàn thể. Sự phục vụ ấy là đây có phải không?
Phú im lặng không nói. Con người thật của gã đã trở lại qua ánh mắt sắc như dao, cặp môi mím chặt lại đầy vẻ lạnh lùng, tàn nhẫn. Trên đường về, hai người im lặng. Tiếng lá khô giòn vỡ nát dưới chân, Vấn nghe như lòng mình cũng đang vỡ nát.
Nhưng chỉ ít lâu sau, Phú hết sức ngạc nhiên khi thấy Vấn lại tự ý rủ mình đi uống rượu cần. Chuyến này Vấn say sưa quá độ và lột xác hoàn toàn. Nàng cho Phú hết mình trong lúc say sưa, nhưng đến lúc rã rượu, nàng lại trốn Phú như lẩn trốn một con trùng độc. Sau, Phú bị hạ tầng công tác và bị đổi xuống đồng bằng. Hôm chia tay, Phú nói:
- Tôi không bao giờ quên được em.
Vấn nhún vai lạt lẽo:
- Đừng nói chuyện tình nghĩa. Cả hai chúng ta cùng là phương tiện của nhau đó thôi.
Rồi Phú ra đi nhẹ nhàng như một chiếc lá khô lìa cành. Vấn ở lại, hăng hái lao đầu vào công tác như một tín đồ trung kiên với đoàn thể. Cuộc sống của nàng bỗng ồn ào như một cơn lốc mạnh. Làm việc hết lòng, phục vụ quá mức, tình nguyện bất cứ một nhiệm vụ nào, như một cánh bướm rã rời tung tẩy nốt những phấn hương còn lại trước khi nằm ép trên nệm cỏ cô đơn chờ bị hủy diệt.

Thấy Vấn im lặng hồi lâu, Đực liền đặt tấm ảnh vào tay nàng và nói:
- Cho anh mấy chữ vào đây chớ.
Vấn mỉm cười:
- Anh muốn ghi cái gì nào?
- Gì cũng được.
Vấn lấy bút ra hí hoáy viết:
- “Tặng anh để nhớ em mãi – Vấn”
Đực coi đi coi lại nhiều lần với đầy vẻ cảm động, rồi gã bỗng hỏi:
- Cái gì Vấn đây. Kỳ thật. Sắp có con cái với nhau rồi mà tên họ của nhau cũng chưa rõ.
Vấn lại mỉm cười lấy bút ghi thêm chữ Dương ở trước chữ Vấn. Đực thắc mắc:
- Không có tên đệm sao?
- Không.
- Kỳ cục quá há.
Đực vừa nói vừa mỉm cười nhìn Vấn. Gã trịnh trọng đặt tấm ảnh vào túi áo trên rồi hứa hẹn:
- Anh sẽ mang nó trong mình suốt đời.
Vấn hỏi:
- Anh yêu em thật sao?
Đực ngạc nhiên:
- Sao lại hỏi gì kỳ cục vậy?
Vấn không đáp ngả người vào lòng Đực. Nàng hôn Đực một cách nhiệt thành. Lần đầu tiên hôn một người trai khác, Vấn không thấy có hình ảnh của Dương chen vào. Nhưng giây phút quí báu ấy trôi qua như một sợi chỉ rất mỏng manh. Dương biến đi rồi lại hiện ra. Khuôn mặt khôi ngô của chàng chồng chất lên vẻ mặt chất phác của Đực. Rồi cả hai hình ảnh ấy nhòe đi hết. Trên gò má của Vấn hai giọt nước mắt chẩy xuống long lanh.

                                  * *
                                   *
Trong cơn thức ngủ chập chờn, Đực mơ thấy nửa vai trần trắng nhễ nhại của Vấn nóng bỏng dưới làn môi của mình. Gã gọi tên Vấn cuồng nhiệt. Nhưng Vấn bỗng vuột đi rất xa và tiếng gọi của Đực chỉ trở thành tiếng ú ớ. Gã cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi cái cảm giác khô đắng ở họng thì lão Đối hiện ra ở đầu giường. Giọng lão hoảng hốt:
- Cái gì vậy Đực. Mầy làm sao thế?

Đực choàng tỉnh hẳn và nhận thức được cơn mê sảng của mình. Gã bẽn lẽn ngồi dậy, vươn vai thật dài. Lão Đối nhìn gã một giây nữa rồi vừa quay đi, vừa nói:
- Cháo ếch xong rồi đó. Có dậy mà ăn không?
Đực hỏi:
- Mấy giờ rồi tía?
- Dễ quá nửa khuya rồi.
Đực chép miệng:
- Vậy mà tôi cũng ngủ được một giấc dài. Sống ở ngoài đó, nhiều khi đói, nhưng đói ngủ là thường nhất.
-Hay ngủ tiếp đi, để nồi cháo đó tới mai.
Đực mỉm cười:
- Thôi, chờ đợi làm chi mất công. Tôi đói, ngủ không được.
- Ngủ không được mà mớ, la như la làng.
- Ủa! Tôi la lắm hả. Tôi la cái gì tía nghe rõ không?
- Tao đâu có để ý. Nghe đâu như mầy gọi thằng nào tên Vấn.
Đực ngập ngừng một giây rồi nói:
- Không phải thằng nào đâu. Con gái đó.
Lão Đối ngạc nhiên:
- Con gái nào nhỉ?
- Để vừa ăn cháo tôi vừa kể cho tía nghe. Bữa nay tôi về ngủ đêm ở nhà là vì chuyện đó đó.
Một lát sau, Đực thổ lộ cho lão Đối tất cả tâm sự thầm kín của mình. Rồi gã kết luận:
- Các thứ thuốc cần dùng có ghi cả trong mảnh giấy đó. Tía cố lo mua giúp giùm tôi. Chợ không có thì lên quận, mà quận không có thì lên tỉnh.
Lão Đối hậm hực, vặc lên:
- Tổ cha nhà mầy, mầy làm như tao phải chịu tội đi hoang cho mầy không bằng.
Đực giận dữ:
- Hoang cái gì chớ. Bộ tía tưởng tôi coi nó như loại người mèo tha, quạ mổ ngoài giữa lộ sao. Nói cho tía hay, tôi lấy nó làm vợ đó.
- Mầy lấy ai thì mặc cha mầy, mà điều đừng có ỉ eo gì tới tao.
- Thì dẫu sao nó cũng là con dâu của tía mà.
- Dâu với dia gì. Mầy ưng nó, mầy ngủ với nó, mầy có hỏi tao lấy một tiếng không?
- Thì bây giờ tôi hỏi đó!
- Rồi nếu tao không ưng thì mầy tính sao?

- Chèn ơi! Thời buổi này mà tía làm như hồi tía còn xuân xanh không bằng. Chuyện vợ chồng thì chỉ một mình tôi ưng là đủ thôi chớ.
- Ừ, thì mầy ưng mầy cứ ưng. Tao đâu có thèm xía vô. Mà điều đừng có bắt tao lặn lội xuôi ngược để lo những thứ đồ mắc dịch này.
Đực bực bội đứng dậy:
- Cái đó tùy tía. Nó không có thuốc uống lúc hộ sinh, rồi mệnh hệ nào thì tôi oán tía tới già.
Nói rồi Đực bỏ ra ngồi hút thuốc ở ngoài hiên, sau khi ném lại mẩu giấy xuống cạnh nồi cháo còn nghi ngút khói. Lão Đối ngồi chết trân bên ngọn đèn dầu lù mù. Một nỗi chán chường dâng lên làm lão muốn được yên nghỉ như những người đã an phận nằm xuống để khỏi phải dính líu đến chuyện quê hương, chuyện xóm làng chuyện những người thân thích, ruột thịt. Nhưng rồi cuối cùng lão cũng phải nhặt mảnh giấy lên, soi nghiêng vào ánh đèn. Mảnh giấy kín mít những chữ. Lão chỉ lõm bõm đọc được một vài tiếng Việt như dầu nóng, bông gòn, kim băng, dép quai...còn tựu chung toàn là những tên thuốc tây ngót nghét cũng tới mười mấy thứ.
Ngắm nghía mãi chán, cơn hậm hực đã nguôi nguôi được chút đỉnh lại trào lên. Lão nói bâng quơ:
- Bằng đây thứ, có làm ông hoàng cũng chả có tiền mà mua cho đủ.
Đực nói vọng vào:
- Có cái gì mà ông hoàng bà chúa.Vài ba thứ thuốc trụ sinh, đồ Mỹ rẻ như bèo.
- Rồi còn bông gòn, còn dép quai...
- Mấy cái đồ bỏ ấy mà tía cũng kể là ăn nhằm. Không biết lúc bình an tía lo cưới vợ cho tôi, tía tính bỏ ra bao nhiêu đây?
- Vậy ra là mầy nhắm vào tiền cưới hỏi đó hả? Tao nói cho mầy hay, nếu tao có làm đám cưới cho mầy, tao chỉ có một bữa kỳ nhông mời bà con cô bác tới chứng kiến mà thôi. Thời buổi chiến tranh mà, giết ai ra tiền đây?
- Thôi tía đừng có nói nhiều. Tía không bằng lòng mua thì thôi. Không phải vì thế mà tía rỉa róc. Nói tía hay, tía không cho thì chẳng phải vì thế mà tôi không có những thứ đó đâu.
Nói rồi Đực ngồi bật dậy, ném điếu thuốc đang hút dở vào bóng đêm mù mịt. Gã hùng hổ đi vào, khoác cây súng lên vai. Phản ứng dữ dằn của gã làm lão Đối chột dạ. Lão đứng án ngữ ở ngay chỗ ra vào rồi hỏi Đực:
- Mầy đi đâu?
- Tôi đi đâu mặc tôi. Tía đã coi tôi không ăn nhằm gì tới tía thì can gì tía phải hỏi.
- Giờ nầy mầy xách súng đi ngơ ngơ ở ngoài đó, lính phục kích nó bắn chết cha mầy.

Đực chua chát:
- Đó là tía muốn vậy chớ đâu phải tại tôi.
- Tổ cha nhà mầy. Muốn mua cái gì thì cũng phải bán dăm con gà, con qué rồi mới có tiền, chớ bộ hô một tiếng là phải có ngay cho mày sao?
Vẻ mặt của Đực đang lạnh lẽo bỗng vui lên một chút. Gã nhìn sững ông già một giây rồi đổi giọng dịu dàng:
- Thì ai bắt tía phải có ngay mà tía la. Nhờ tía, nó mẹ tròn con vuông rồi thế nào tôi cũng đem cả mẹ con nó về cho tía thấy mặt một lần.
Lão Đối vẫn hậm hực:
-         Tao hổng có ham!


                                    (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét