Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

nhà văn NHẬT TIẾN : Thủa mơ làm văn sĩ - KỲ 19


                                       (tiếp theo)

Trong những ngày đầu họp Nhóm, ở tiết mục này còn có phần bình tác phẩm của mỗi thành viên để anh em cùng nêu nhận xét. Nhưng chỉ thi hành được có 2 tuần là chúng tôi phải dẹp ngay, lý do dễ hiểu là sau khi bình lên thể nào cũng có những vụ cãi nhau ỏm tỏi. Tác giả thì cho là văn, thơ của mình thâm thúy, sâu sắc, kẻ "phàm phu" đọc không hiểu, người phê bình thì lại sử dụng toàn ngôn ngữ "móc máy" dễ khiến người nghe nổi nóng. Thế là giận nhau, nếu không khéo dàn xếp thì Nhóm có thể tan vỡ mau chóng như bọt xà phòng.

Tôi cón nhớ một lần, Nhóm bình lên bốn câu thơ của Tắc:

"Tôi chờ em dài đường đời tám hướng
Bóng kinh kỳ, ôi ngập ngụa kiêu sa
Em ở đâu, chừ bây giờ buồn hay sướng
Có nhớ tôi, kẻ cô lữ xa nhà…

Một cuộc chất vấn loạn xà ngầu sau đó xẩy ra :

- Sao lại tám hướng ? Ngoài Đông, Tây, Nam, Bắc ra, còn có hướng nào nữa ?

 Mặt Tắc đỏ lên vì tức tối. Gã cãi lại một cách khó khăn vì cơn tức đã dâng đầy lên cổ:

- Đọc thơ mà hạch xách như bố người ta, thế thì còn văn nghệ cái cóc khô gì nữa !

- Nhưng văn nghệ gì thì cũng phải có lý chứ. Phi lý quá sẽ trở thành phi văn nghệ rồi còn gì.

Tắc vụt nghĩ ra câu trả lời bèn cười khẩy :

- Ngoài Đông, Tây, Nam, Bắc ra thì còn Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam nữa, cả thẩy là tám hướng có được không ?

Anh kia đuối lý nhưng cũng cười chế giễu:

- Hờ…hờ…thế là cùng khắp cả ….(lấy giọng ngâm)  Tôi chờ em dài đường đời cùng khắp mọi nơi..

Tắc cáu sườn lắm, định phá bĩnh không chơi họp nhóm họp nhiếc gì nữa, nhưng tôi đã vội vã can thiệp :

- Tả đường đời mà nói tám hướng là rõ rồi đấy chứ. Người ta còn nói đường đời muôn ngả, nếu lại hỏi muôn ngả là những ngả nào thì bố ai có thể trả lời được. Thôi ! Câu đầu thế là hay rồi. Mà chữ "dài đường đời" mà cậu Tắc dùng ở đây là "mới" lắm đấy nhé. Cũng như ông thi sĩ nào đó đã dùng chữ "vàng lá mơ bay" chớ không dùng "lá mơ bay vàng" nghe nó nôm na, phi văn nghệ làm sao.

Tắc được tôi khen nở cả mũi nên cơn giận cũng nguôi ngoai. Nhưng cái hoạn nạn này chưa qua thì cái khác đã tới. Anh bạn nhóm viên của tôi lại phang thêm cho Tắc một chùy nữa :

- Bóng kinh kỳ ngập ngụa kiêu sa ! Sáo còn hơn sáo vịt nữa. Nhưng thôi, cũng cho là được đi. Nhưng còn câu thứ ba thì không thể chấp nhận được. Cái gì mà  "Em ơi em ở đâu, bây giờ buồn hay sướng.

Tôi nhắc anh ta :

- Em ở đâu, không phải Em ơi em ở đâu

Anh chàng cười rồi nhắc lại :

- Ờ.. thì ..Em ơi ở đâu bây chừ buồn hay sướng. Buồn thì phải đi với vui, chớ đâu lại có buồn đi với sướng.

Tắc cãi lại:

- Được chứ sao không. Thơ mà, chứ đâu phải tội phạm mà hoạnh họe đòi cái này, cái kia.

Tôi cũng đỡ lời Tắc :

- Mấy lỵ ở trên là tám hướng thì ở dưới phải là buồn hay sướng thì mới hợp vận chứ. Sửa thành buồn hay vui thì còn vần với vì gì nữa.

Phần bình thơ cứ cái kiểu móc họng nhau đó kéo dài làm Tắc sùng quá hất tung cả bản thảo rồi vùng vằng:

-  Đếch chơi với các cậu nữa. Văn nghệ chó gì mà cứ lôi ra bắt bẻ như vạch lá tìm sâu thì bố ai mà chịu được.

Phiên họp nhóm suýt vì cái màn giận lẫy ấy mà tan vỡ. Rất may là tôi vuốt ve được tự ái của Tắc kịp thời và dàn hòa bằng những chuyện pha trò tuy vô duyên nhưng cũng làm nhẹ được bầu không khí đang căng thẳng. Tắc bằng lòng ở lại nhóm với điều kiện là  bỏ cái mục bình thơ đi. Anh  hậm hực nói :

- Nếu còn bình thơ thì thà ở nhà đem đàn ra gẩy tai trâu còn sướng hơn.

Thế là món "bình tác phẩm"  trong buổi họp Nhóm bị xóa tên trong chương trình nghị sự.
Tiết mục sau cùng của buổi họp là trần thuyết cho nhau nghe về tác phẩm của các nhà văn đi trước. Chúng tôi có lệ là cứ mỗi buổi họp, mỗi thành viên phải trình bầy về một  tác phẩm cũ hoặc mới xuất hiện trên thị trường. Công việc này đòi hỏi các nhóm viên phải đọc nhiều, tập nhận xét, phân tích và đưa ra những ý kiến cá nhân đối với tác phẩm.

Tôi còn nhớ trong các buổi họp này, tôi đã trần thuyết về tác phẩm của Ngọc Giao, của Sao Mai, của Nguyễn Minh Lang, của Hoàng Công Khanh..v…v…là những nhà văn thường xuyên góp mặt trên báo chí hồi đó.

Trong số những tác phẩm được đem ra mỏ xẻ, tôi còn nhớ cuốn gây được sôi nổi nhất là cuốn Linh Hồn Ngọc của Hiệp Nhân. Cuốn này gây sôi nổi không phải vì nội dung của nó quá hay hoặc quá dở nhưng là vì tác giả của nó chỉ là một cậu học sinh mới bước vào năm đầu của bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp! Vào thời kỳ đó, đang còn cắp sách đến trường mà có truyện dài in ra là cả một hiện tượng lạ. Anh chàng Hiệp Nhân này đã gây sôi nổi vì đã làm được chuyện đó.

Cuốn truyện dầy gần 200 trang, ấn loát đẹp đẽ, khi mới phát hành Hiệp Nhân có tặng thầy Nguyễn Uyển Diễm  một bản. Thầy Nguyễn Uyển Diễm hồi đó cùng hiền nội của thầy là nữ sĩ Mộng Sơn (người có tác phẩm Vượt Cạn vừa phát hành) đang chủ trương nhà xuất bản Vỡ Đất, trụ sở hình như đặt ở Phố Hàng Bát Đàn. Thầy dạy môn Quốc văn ở hầu hết các trường tư lớn ở Hà Nội. Thầy lại là người rất sốt sắng và cởi mở. Bởi vậy khi nhận được sách biếu, thầy đem đi giới thiệu cùng khắp các lớp. Thầy nói đại ý là đã được tác giả cho xem cuốn sách từ khi nó còn là bản thảo. Thầy khuyên tác giả rằng nó còn nhiều khuyết điểm, nên sửa chữa. Nhưng tác giả "hơi vội" đã cho in ngay. Tuy nhiên đó là bước đầu của một cây bút đầy nhiệt thành nên nó rất đáng khen ngợi và đáng khích lệ.

Bọn lau nhau chúng tôi thì cứ tròn xoe mắt lên mà nhìn cuốn sách với tất cả lòng khâm phục. Đối với chúng tôi thì dù là vội, dù là có khiếm khuyết cần sửa chữa, nhưng tác giả của nó đã dầy công "khuậy" được từng ấy trang (gần 200 trang in, đâu phải là chuyện chơi !), lại in được ra thành sách, thế là "chúa" quá đi rồi. Dưới mắt chúng tôi, anh chàng Hiệp Nhân bỗng trở thành một nhà văn thứ thiệt, có tác phẩm bán trên thị trường, tức là đã ngoi chễm chệ lên bàn Nhất chứ không phải bàn Nhì lem nhem chỉ in bài trên mặt báo như bọn chúng tôi.

Chẳng hiểu về sau Hiệp Nhân lời hay lỗ, lỗ thì lỗ bao nhiêu, nhưng công trình đó đã vượt quá xa tầm tay của chúng tôi rồi. Bởi nội cái việc bỏ ra cả ngàn bạc để in thành sách đã là một chuyện kinh khủng đối với lũ mạt rệp như bọn tôi. Mỗi ngày, riêng tôi chỉ có ba đồng để ăn sáng. Tôi chỉ ăn có một đồng xôi để dằn bụng. Còn hai đồng thì để mua thuốc lá phì phèo. Ôi chà, làm sao mà có thể để dành tới bạc ngàn để in sách được.

Cũng còn một con đường khác có thể in được tác phẩm (nhưng rất hiếm hoi). Đó là con đường bán tác phẩm cho nhà xuất bản Chính Ký ở đường Sinh Từ, gần chợ Cửa Nam, Hà Nội. Vào thời kỳ đó, nhà Chính Ký hầu như là một nhà xuất bản duy nhất dám in tác phẩm của các cây viết mới đang chập chững vào nghề, theo tính cách cứ in một cuốn của nhà văn nổi tiếng thì lại chen vào một cuốn của cây bút mới thuộc toàn giới trẻ như Nguyễn Đông Tây, Anh Quân, Thanh Hữu, Hùng Phong, Vũ Mai Anh..v..v… Đáng kể nhất là Vũ Mai Anh, một cây bút còn hoạt động cho đến bây giờ.

Hồi đó Vũ Mai Anh mới chỉ là một cậu học sinh lớp đệ Ngũ của trường Chuvăn An, nhà ở phố Hàng Đồng, gần Cửa Bắc Hà Nội. Mai Anh say mê văn nghệ có thể nói còn hơn bất cứ một người nào khác. Cặp táp của anh lúc nào cũng dầy cộm từng xấp bản thảo. Có bản đã viết xong, có bản  đang cho in giở giang trên báo. Đã thế lại có bản vừa khởi sự viết được vài chục trang. Tổng số tác phẩm của Mai Anh vào lúc đó đã lên tới 4, 5 cuốn. Toàn là truyện dài chữ li ti như con kiến, nội dung cũng toàn là những chuyện tình với tựa đề thật ướt át như Duyên Kiếp, như Phũ Phàng..v.v..

Quyển Duyên Kiếp đang được đăng từng kỳ trên báo Hồ Gươm của bác sĩ Bùi Cẩm Chương. Quyển Phũ Phàng chưa in trên báo nhưng lại được nhà Chính Ký in ra thành sách. Cuốn sách dầy hơn 200 trang, bìa in Litho đủ mầu tuyệt đẹp không thua gì in Ốp-sét bây giờ. Hình bìa vẽ một thanh niên thật bảnh trai đang ngồi ôm mặt bên một nấm mồ. Trên nấm mồ có hương bay nghi ngút, có bia đá đề tên thiếu nữ, xa xa có những giải mây bay lờ lững thấp thoáng qua mấy nhánh thông gầy. Mộ xanh, cỏ úa, vẻ mặt người bi ai, rầu rĩ, cảnh trí nom thật …phũ phàng !

Cuốn sách bán rất chạy. Có lẽ là chạy nhất trong những cuốn của các tác giả mới ra lò. Mai Anh vụt nổi như sóng cồn trong đám văn nghệ trẻ như chúng tôi. Và chúng tôi cũng đọc Mai Anh với tất cả say mê vì văn của anh vững chãi, già dặn, có dáng dấp, kiểu cách rất hợp với không khí văn chương bình thản hồi bấy giờ.

                                (còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét