Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

PHẠM THẮNG VŨ : Con sóng dữ ( KỲ 3)


                                           (tiếp theo)


Sau bốn ngày đêm trốn tránh, bác Ba cho biết tình hình giờ thật yên ổn. Công an biên phòng đã giải giao người chúng bắt được ra trại giam huyện Cái Nước và bác nói sẽ thu xếp đưa tôi đi sớm. Nửa khuya về sáng ngày thứ năm, cả nhà thức dậy thật sớm. Ăn uống xong xuôi, hai cha con bác Ba xem xét thật kỹ lưỡng chung quanh căn nhà rồi dắt tôi xuống chiếc ghe nhỏ gắn máy đuôi tôm Kohler 4 nổ máy chờ sẵn. Ghe từ từ chạy một lúc lâu sau, bác Ba cho biết đã ra khỏi vùng Cái Đôi.

- Từ lúc này an toàn vì công an du kích chỉ để ý chận xét những ghe từ Cà Mau chạy ra vàm thôi. Ghe mình từ vàm chạy vào chúng không thèm ngó. Anh Út nói.

Tôi mặc lại bộ quần áo cũ, ngồi im trong ghe ngắm nhìn cảnh vật hai bên bờ vẫn còn mờ tối. Trời sáng dần, ghe vẫn êm ả chạy trong vùng sông nước miền quê tiếp giáp với biển yên ả. Những rặng cây chạy dài típ tắp hai bên bờ rạch. Thỉnh thoảng mới thấy vài mái ngói hoặc nếp nhà tranh xa xa. Xế trưa, anh Út tắp ghe vào một bóng mát kín đáo gần sát bờ để ăn uống qua loa và nghỉ ngơi chốc lát rồi sau đó lại chạy tiếp. Trời chạng vạng tối, ghe đến được chợ cầu Cà Mau vừa lúc phố xá trên bờ đã rực ánh đèn. " Đến đây bình an hoàn toàn ", anh Tư nói nhỏ. Tôi lấy trong mình ra chiếc khâu vàng 2 chỉ còn lại và nhờ sự chỉ dẫn của bác Ba, tôi đã đến một hiệu kim hoàn bán 5 phân vàng của chiếc nhẫn. Có tiền, tôi mời hai cha con bác Ba ăn hủ tiếu. Sau đó, tôi năn nỉ hai ân nhân vui lòng nhận 1 chỉ 5 phân vàng và tiền mặt còn lại. Tôi chỉ giữ ít tiền đủ để đón xe về Sài gòn trong ngày. Biết đến bao giờ mới có dịp gặp lại hai người. Không có họ giúp, làm sao tôi chắp cánh chạy thoát được. Nguyên ngày trời ngồi trong lòng ghe nhỏ, tôi thấy hai cha con bác Ba chạy quành phải, quẹo trái qua cả trăm con kênh con rạch mới đến được chợ cầu Cà Mau.

Về nhà sau gần nửa tháng vắng mặt, gia đình tôi mừng vô kể. Cả nhà đã biết chuyến đi không thành và đang dò hỏi trại giam để tìm cách thăm nuôi tôi. Ai cũng nghĩ tôi đã bị bắt. Không thể ngờ lại về được đến nhà an toàn. Chuyến vượt biên bất thành đó chỉ duy nhất một mình tôi thoát khỏi tay bọn công an, chị Thu người trong tổ chức cho biết.

Tới bây giờ, mỗi lần nhớ lại chuyện vượt biên năm xưa, tôi vẫn không quên khuôn mặt của bác Ba và vợ chồng anh chị Tư. Nhớ để sau đó là một nỗi buồn vì chưa lần nào tôi tìm đến vùng Cái Đôi Vàm thăm hỏi tin tức các ân nhân. Tuy nghèo vật chất nhưng họ rất giàu lòng bác ái thương người.


Chương Hai
Trở Về Từ Hoang Đảo.

Khi về nhà an toàn, tôi đã tìm được các đường dây vượt biên khác. Có chuyến phải đi ra tuốt miền Trung và thậm chí tận miền Bắc nữa nhưng trong các lần đó đều không thành và đành phải về không. Có chuyến, tôi bị công an bắt khi vừa đặt chân xuống bến xe địa phương và phải vào tù, đi lao động cả gần năm trời mới được thả. Lần lữa 4, 5 năm trời kẹt lại Việt Nam làm tôi rất thất vọng. Mình chắc không ra ngoại quốc được. Tôi tính, không vượt biên nữa khi bỏ tiền đi học lái xe tải và hùn vốn với bà con trong họ mua một chiếc xe chở hàng để sống. Vừa xong khóa học lái xe tải thì Dũng, một bạn thân đến nhà rủ tôi làm một chuyến vượt biên chung. Kỳ lạ thay, vừa nghe Dũng nói đã tìm ra chuyến đi, tôi gật đầu liền.

Khởi hành từ xa cảng miền Tây lúc 5 giờ sáng, tôi và Dũng đi xe tốc hành đến được bến Cần Thơ rồi từ đây chúng tôi đi tiếp đến thành phố Long Xuyên thì được sắp xếp vào trú tạm trong căn phòng nhỏ của một khách sạn tư nhân gần khu thị tứ thành phố để chờ người trong nhóm tổ chức sẽ đón đi tiếp. Có thể sáng hoặc trưa chiều ngày mai. Buổi tối, sau khi ăn uống rồi tắm rửa thay quần áo sạch sẽ, tôi và Dũng thả bộ dạo mát trên các con đường trong thành phố. Long Xuyên là một trong các thành phố lớn của miền Nam Việt Nam. Phố xá buôn bán khá sầm uất như vài con phố ở Sài Gòn. Chúng tôi ngồi nghỉ ở ghế đá trong một công viên nhỏ, ngắm nhìn thiên hạ chạy xe trên đường hoặc đang dạo bước trong công viên. Cũng không dám ngồi lâu, chúng tôi lại lang thang đi lòng vòng đây đó. Tôi ghé vào một hiệu sách bên đường mua quyển Sư Thúc Hòa Hảo (tác giả Nguyên Hùng viết về nhân vật Mười Trí và các tâng bốc địch vận của đảng CSVN về y với tôn giáo Hoà Hảo tại miền Nam VN trước đây), mang về phòng nằm đọc để giết thì giờ. Suốt đêm, thỉnh thoảng có tiếng gõ cửa phòng kêu chúng tôi mở cửa. Những lần đầu rất sợ vì nghĩ có chuyện không may sẽ xảy ra. Nhưng không, chỉ là các cô gái trẻ đẹp, hành nghề bằng vốn tự có, đang tìm khách vui vẻ trong chốc lát hoặc qua đêm. Còn lòng dạ nào để chúng tôi nghĩ đến những lời mời mọc của họ!

Theo lời dặn, sáng hôm sau chúng tôi tìm đến quán ăn Hào Hoa lúc 8 giờ sáng ăn điểm tâm, uống cà phê lai rai để chờ. Nhìn vài khách ngồi ở bàn gần bên, tôi thót giật người vì thấy một khuôn mặt quen biết là thằng Minh con bà Sáu bán cà phê trong khu phố gần nhà tôi. Minh nở nụ cười và dù kín đáo nháy mắt với tôi, tôi vẫn chưa hiểu tại sao nó có mặt ở đây? Không lẽ nó cũng trong chuyến đi? Là con trai mới lớn trong gia đình cán bộ, cha mẹ Minh hoạt động nằm vùng cho CS từ trước ngày 30-4-1975. Gia đình Minh là dân giàu trong phường. Thằng Minh tối ngày ăn no, đi chơi, nhậu nhẹt phá làng xóm đâu chịu học hành gì. Tuy vậy, Minh thường nói chuyện vui vẻ với tôi mỗi khi tới ngồi uống cà phê nơi quán nhà nó. Minh xuống đây để cùng vượt biên hay chỉ một chuyến đi chơi và tình cờ gặp tôi? Tôi kín đáo liếc nhìn hai người lạ mặt ngồi cạnh nó tuổi cũng ngang lứa mà không biết họ là ai? Chưa biết thì cứ ngồi tỉnh bơ xem sao dù trong lòng tôi cũng chút lo lắng. Dũng hỏi nhỏ:" Chắc cùng phe mình hả?". Tôi im lặng, không trả lời Dũng. Chợt bóng anh Thành (người trong nhóm tổ chức) đi ngang qua trước cửa quán, chúng tôi vội vã trả tiền và vọt theo sau liền. Đi được một quãng ngắn đường, có chiếc xe lôi từ đâu chạy lại ngừng gần bên. Anh Thành nhảy lên xe và sau đó là tôi, Dũng và cả bọn ba người của thằng Minh. Vậy đúng thằng Minh đi chung chuyến này với tôi. Nó và tôi nhìn nhau, khẽ gật đầu, mỉm cười hiểu ý. Xe lôi chạy qua xứ đạo Thiên Chúa Bò Ót rồi chạy thẳng đến ngã ba Lộ Tẻ thì ngừng hẳn. Từ đây, một xe Van 16 chỗ ngồi chở chúng tôi chạy tuốt xuống bến xe Rạch Sỏi để rồi sau đó chuyển chúng tôi sang một xe bus khá lớn. Anh Thành cho biết xe sẽ đến bãi hẹn nằm đâu đó trong vùng bờ biển Hà Tiên.

Trời chiều nhá nhem rồi tối hẳn. Hàng cây hai bên đường đen sẫm. Đường từ Rạch Sỏi chạy ra Hà Tiên thật xấu. Xe liên tục tránh các ổ gà lớn trên mặt đường nhựa trước xuống cấp thê thảm. Do chiến tranh và đã lâu mặt đường không được tu bổ. Ngồi trên xe, tôi cứ chao đảo vì đường hư hỏng quá. Xe chạy thật lâu và đã có người thò đầu ra bên ngoài cửa xe để ói mửa. Tôi cảm thấy bắt đầu mệt. Thình lình, xe thắng gấp sau một tiếng nổ nhỏ. Bánh xe xẹp rồi. Tài xế lẫn lơ xe vội vàng đội xe lên, tháo ngay cái bánh xe xẹp thay. Nhưng trên xe không có bánh sơ cua nào hết. Giờ phải làm sao đây? " Phải tìm chỗ vá ngay. Tổ chức chuyến đi mà làm ăn như vậy... chỉ có chết ", người nào đó trên xe lầm bầm. Đường thật vắng vẻ, tài xế và lơ tính chạy kiếm nhà dân để hỏi thăm vừa lúc gặp người chạy xe đạp đi tới. Có tiệm sửa xe cách đây không xa nhưng khuya quá, họ còn mở cửa không? Chúng tôi phải ngồi yên gần hai tiếng đồng hồ để chờ lơ xe lăn cái bánh đi vá rồi về ráp trở lại vào xe. Xe chạy qua nhà máy xi măng Kiên Lương rồi đến Vàm Rầy. Tài xế cho xe chạy rề rề chờ đợi. Rồi xe ngừng bên cạnh đường vì chẳng thấy người trong tổ chức đón như dự liệu. Trời bắt đầu sáng, làm gì bây giờ? Ai nấy tự hỏi mình. Có tiếng xe Honda chạy đến và rồi chúng tôi được lệnh phải rửa mặt cho sạch sẽ, thay quần áo khác làm bộ đi du lịch Hà Tiên. Vụ xe xẹp bánh hồi khuya nên chuyến đi đã tạm thời hủy bỏ vì xe đến điểm quá trễ. Cứ làm một chuyến đi du lịch Hà Tiên, thăm lăng Mạc Cửu, Thạch Động hoặc ghé Mũi Nai đi, chờ đám tổ chức liên lạc trở lại xem sao!

Chúng tôi đi qua bến phà nổi Tô Châu, ngắm nhìn dãy ghe đánh cá đậu san sát bên nhau trong dòng nước biển xanh mầu lá cây, thầm nghĩ không biết ghe mình đi có lớn có vững chắc như những chiếc ghe ở đây? Qua bến phà nổi, chúng tôi lên xe lôi chạy đến Thạch Động rồi ra Mũi Nai hóng mát. Do xe đến điểm trễ giờ nên tôi mới có dịp biết đến Thạch Động và bãi biển Mũi Nai Hà Tiên. Hà Tiên là nơi cư trú của vợ chồng nhà thơ Đông Hồ-Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội và cũng là quê quán của danh sĩ Mạc Thiên Tích ngày xưa. Tôi đang là khách du ghé thăm miền ước mơ trong bài hát Hà Tiên của nhạc sĩ Lê Dinh đây. Một thành phố nhỏ nhưng thật đẹp dù ở nơi tận cùng đất nước Việt.


                                 (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét