(tiếp theo)
Mình ra khỏi hải phận Việt Nam rồi. Như vậy đây là cá lớn chứ không phải taxi gì hết. Tự nhiên tôi lại cảm thấy lo lắng khi biết anh Thành đã xí gạt chúng tôi nhưng bây giờ thì đã quá muộn. Câu nói quả quyết của anh: " Ghe nhỏ như vầy làm sao vượt biên được. Cá lớn chờ ngoài khơi kìa " trở về trong trí tôi. Biết nói như vậy nhưng sao anh Thành lại vẫn dùng ghe nầy cho chuyến vượt biên của chúng tôi? Giờ mình có muốn đổi ý, muốn quay về cũng không được nữa. Thôi đành phó mặc cho số phận vậy. Ghe tiếp tục chạy như vậy thật lâu thì tự dưng tốc độ giảm lại và ghe dừng hẳn dù máy vẫn nổ. Có nhiều tiếng người nói lao xao bên ngoài vọng vào tai tôi. Chuyện gì đây? Trong tiếng máy ghe tôi nghe thêm tiếng máy nổ khác. Vậy là có ghe hay tàu lạ ở gần bên ngoài rồi. Chợt cả hai cánh cửa lớn khoang ghe được mở tung ra hoàn toàn. Ánh sáng bên ngoài tràn đầy vào trong hầm làm mọi người phải nhắm ngay mắt lại. Lấy tay che mắt, tôi nhìn lên các khuôn mặt lạ đang quan sát chúng tôi. Họ là ai vậy? Một người đàn ông mỉm cười, nói:
- Đông người dữ ha. Bà con đừng sợ, tụi tui cũng dân biển không hà. Chạy được tới đây coi như là thoát rồi có điều tối khuya nay trời có dông đó. Biển hơi động nghe bà con, ráng chịu cực thêm chút xíu qua cơn thì ghe chạy êm ru.
Vài người ngồi dưới khoang ghe nhân cơ hội ngỏ ý muốn trèo lên để đi tiểu và họ leo lên thật. Tôi ráng hết sức cũng lách ra rồi đu người leo lên thành ghe. Một chiếc ghe kích cỡ bằng cá lớn chúng tôi đậu sát bên cạnh. Mấy người trong chiếc ghe đó cho chúng tôi biết họ là ngư dân của đảo Phú Quốc và vùng biển chúng tôi ở đây thuộc nước Khmer. Tôi nhìn chung quanh, ánh nắng chói chang trên đầu, nước biển mầu xanh lá cây xa tít tới tận chân trời. Chỉ toàn một màu xanh nước biển và không một bóng ghe, hòn đảo nào khác nữa. Tôi nằm vật xuống ngay trên thành ghe, tự nhủ là chắc mình nằm đây luôn không chui xuống khoang hầm chật hẹp nữa. Nằm trên sàn ghe thật là dễ chịu! Những người trên chiếc ghe Phú Quốc đó xin chúng tôi cho họ tất cả tiền Việt Nam còn mang trong người, nói là đến được trại tỵ nạn bên Thái thì cũng vất bỏ đâu có xài. Tôi ngồi dậy, móc tất cả tiền Việt trong bóp ra cho họ y như những người khác. Những người tài công trên ghe chúng tôi cho họ cả những tay lưới đánh cá luôn. Sau đó, những người trên ghe Phú Quốc này cùng với tài công trong ghe chúng tôi bàn bạc nhau về hướng đi của ghe và cách đối phó khi gặp trời dông gió trong tối nay.
Khi chiếc ghe Phú Quốc từ giã chạy xa rồi thì những người tài công lại bắt buộc chúng tôi phải chui xuống khoang hầm trở lại trước khi ghe tiếp tục chuyến hải hành. Đúng như lời những tài công của ghe Phú Quốc đã nói, lúc nửa khuya, dông gió bắt đầu xuất hiện. Thoạt đầu ghe vẫn còn chạy bình thường và tiếng mưa quất vào thành ghe thành một âm thanh đều đều nhưng rồi dông gió càng lúc càng to. Tiếng mưa bây giờ gào thét cuồng nộ và các giọt mưa bào sát vào thành ghe kêu rào rạo. Tôi nghe tiếng chân của các tài công chạy tới chạy lui trên mặt khoang ghe và tiếng họ gọi nhau í ới. Có lúc ghe lắc thật mạnh, các miếng ván thành ghe vặn vào nhau kêu ken két cùng với tiếng người nào đó khóc thét lên. Tôi tỉnh hẳn cơn mệt cơn say sóng vì quá sợ hãi. Tôi không còn nhớ đến bất cứ chuyện gì ngoài những khuôn mặt của các thân nhân ruột thịt tôi. Dông gió cứ như vầy hoài thì ghe sẽ chịu thêm được bao lâu? Tuy ngồi yên một chỗ nhưng qua những cảm giác trong cơn dông gió này, tôi biết chiếc ghe đang chịu cảnh vùi dập của các cơn sóng dữ dội bên ngoài. Cửa khoang hầm dù đã được đậy kín nắp nhưng nước bên ngoài vẫn hắt từng chập vào người chúng tôi qua các kẽ ván hở. Người tôi bây giờ ướt sũng nước mặn. Cơn dông kéo dài như vậy suốt cả đêm mà kỳ lạ thay, chiếc ghe vẫn chịu được cho đến sáng thì giông gió bớt dần và rồi ngưng hẳn. Cửa khoang hầm được mở ra và tiếng người tài công nói lớn bà con ơi biển lặng rồi, mình thoát cơn dông rồi. Bây giờ thì tài công cho phép ai muốn lên trên thành ghe hay muốn ở dưới khoang hầm thì tùy ý. Tôi lại trèo lên nằm hẳn trên mặt sàn ghe. Ghe chạy êm ả đều đều như vậy và bây giờ thì mọi người thấy có những hòn đảo xa xa. Một tài công nói là thấy đảo nhiều như vầy thì ghe mình sắp vào Thái Lan rồi.
- Tụi tui phải ngủ lấy sức mới chạy tiếp được, mệt quá rồi. Một tài công nói.
Họ cho ghe chạy từ từ vào sát một chỗ khuất của một hòn đảo gần nhất. Máy ghe tắt hẳn trả lại sự im lặng tĩnh mịch của khung cảnh. Trời buổi sáng sau cơn dông hồi hôm khiến không khí mát lạnh. Thỉnh thoảng có cơn gió thổi qua làm ai cũng cảm thấy dễ chịu. Tôi lại nhắm mắt ngủ tiếp, mơ hồ nhớ lời nói của người tài công là nội ngày mai hay ngày mốt thì mình sẽ có mặt tại một bờ biển nào đó của Thái Lan mà đâu ngờ những tai ương khiếp đảm sắp sửa đổ xuống cho hành khách của chuyến đi bất hạnh này.
Mặt trời lên cao chiếu ánh nắng nóng làm tôi thức giấc và tỉnh ngủ hẳn. Tôi ngồi dậy nhìn chung quanh, mặt sàn ghe người ngồi nằm la liệt bên nhau. Tôi lách người đi lần về phía đuôi chiếc ghe. Một phi nhựa khá lớn được cột chặt vào cạnh cửa buồng lái với nắp đậy kín. Tôi mở nắp nhìn vào bên trong, còn hơn phân nửa thùng nước. Thấy có chiếc ca nhỏ, tôi múc ra một chút nước rửa sơ mặt mũi của mình rồi uống cạn phần nước còn lại. Từ lúc xuống ghe cho tới giờ tôi mới uống nước vậy mà vẫn không cảm thấy khát. Những can nhựa đựng dầu cạn không nằm lăn lóc đây đó. Trong buồng máy nhỏ, hai người tài công nằm gần nhau đang ngủ say. Tôi biết hai người nầy còn mệt hơn chúng tôi nữa vì chạy ghe suốt từ tối hôm đó đến giờ họ mới được ngủ như vậy. Tôi nhìn vào phía đảo, không một dấu vết có người sinh sống. Thỉnh thoảng có tiếng thú kêu chim hót trong các tàng cây vọng lại. Tôi bước đến cạnh bên sườn ghe, nhìn xuống mặt nước trong vắt thấy rõ cát, đá cùng những mảnh vỏ ốc và vài con cá nhỏ bơi lội tung tăng tận đáy. Chợt nghĩ đến Dũng đến Ánh Phương và Mỹ An, tôi quay về cửa khoang hầm định tìm xem họ ra sao thì đã thấy Ánh Phương nằm ngay trên mặt sàn phía gần mũi ghe. Tôi bước đến cạnh bên nàng gọi khẽ: " Phương ơi Phương có khoẻ không, em sao rồi? ". Nghe tiếng gọi, Ánh Phương mở hé mắt nhìn tôi. Nàng khẽ gật đầu rồi ngồi gượng dậy.Tôi ngồi xuống bên cạnh Ánh Phương, nhìn vào khuôn mặt nàng rồi nhìn lại thân thể tôi và những người khác. Chỉ có hai đêm nằm dưới khoang hầm thôi mà chúng tôi giờ trông khác hẳn. Người nào người nấy đầu tóc rũ rượi, quần áo nhếch nhác vì những vệt ói, bệt dầu mỡ và nước bẩn bám vào.
- Em tưởng mình chết trong tối hôm qua rồi. Ghê quá đi anh Vũ ơi. Chắc những câu chuyện ghe vượt biên bị chìm là vì họ đã gặp dông gió như mình há anh? Ánh Phương thều thào nói với tôi.
Tôi thấy Dũng, Mỹ An và cả thằng Minh nữa. Người nào cũng một vẻ bần thần mệt mỏi. Mọi người giờ đây đều ngồi trên mặt sàn ghe, trong ca bin và cạnh buồng máy dù trời nắng nóng nhưng chẳng có ai chịu chui xuống khoang hầm nữa. Ai cũng mừng vì thoát được cơn dông hồi đêm. Ghe này tuy nhỏ nhưng may mắn là còn tốt lắm. Tôi và Ánh Phương leo xuống khoang hầm tìm lại các túi xách của mình. Không còn ai ngồi ở đây nữa vì nó quá sức bề bộn, bê bết nước bẩn. Cả hai trèo trở lên sàn ghe đến bên Dũng và Mỹ An. Ánh Phương mở túi xách của nàng, lấy ra ít thỏi kẹo chocolat đã bẹp dúm mời cả bọn cùng ăn nói là kẹo này do anh ruột nàng gửi về từ bên Úc. Vài người trên ghe thu gom những xâu bánh tét, các bịch bánh ngọt, củ sắn và mì gói để gọn lại một chỗ cho ai cảm thấy đói thì ăn.
Trời nắng chói chang nhưng nhờ có gió mát nên chúng tôi cũng không thấy nóng. Đoàn người trên ghe cứ yên lặng nghỉ ngơi như vậy cho đến xế chiều thì hai người tài công thức dậy. Họ ăn uống qua loa rồi bắt đầu quay máy ghe để tiếp tục cuộc hành trình nhưng dù cố hết sức, máy ghe vẫn không nổ. Vài thanh niên khoẻ mạnh trên ghe loay hoay đến tiếp sức nhưng hoài công. " Tụi tui phải tháo máy ra xem nó hư chỗ nào ", hai tài công nói vậy và họ tháo tung máy ghe ra thật. Rồi sau đó, khi máy ráp trở lại thì họ cũng không quay cho máy nổ được. Mệt mỏi mà chuyện không thành, tài công cùng những người trên ghe quyết định cho ghe vào sát đảo để mọi người bỏ ghe lên bờ kiếm nước tắm táp và tìm chỗ nghỉ ngơi trong đêm. Hai thanh niên nhẩy xuống nước bơi vào bờ rồi họ nối dây vào ghe, kéo chiếc ghe đến chỗ cạn để mọi người có thể lội xuống được. Tôi, Dũng, Ánh Phương và Mỹ An theo những người trên ghe trèo xuống nước, bước dần vào bờ. Những người lên bờ trước chúng tôi đã tìm thấy nước ngọt trong các hốc đá. Nước ngọt mát lạnh trong các vũng nước khá lớn và cứ chảy tràn ra ngoài. Chúng tôi dùng tay khoát nước rửa mặt, rửa người cho sạch các vết bẩn rồi lấy quần áo trong túi xách ra thay. Sau đó, giặt sạch các quần áo bẩn và phơi chúng trên những cành cây thấp la đà. Xong xuôi, chúng tôi lại quay về kiếm chỗ nằm gần chiếc ghe mà bây giờ trống không chẳng còn người trên đó. Chúng tôi ngồi, nằm thành từng nhóm nhỏ ba bốn người bên nhau. Anh Tấn, người đã hỏi anh Thành về ghe taxi hay cá lớn là người lớn tuổi nhất trong cả bọn, nhìn khắp lượt đám người chúng tôi rồi nói:
- Ai có chuyện riêng muốn đi vô trong rừng thì đừng đi một mình và cũng đừng đi quá sâu vào bên trong. Đảo này chắc chắn không cọp beo gì đâu nhưng mà rắn độc thì có đấy và có khi cả loài trăn gió nữa. Đi một thân một mình gặp trăn có thể bị nó quấn chết tươi, do đó phải cẩn thận và chớ ăn trái cây rừng gì hết kẻo ngộ độc chết như chơi. Anh Tấn cũng nói thêm là ban đêm mọi người phải nằm ngủ gần bên nhau từng nhóm để có chuyện thì còn giúp nhau được và chớ có xé lẻ nằm riêng một mình không tốt.
(còn nữa)
- Đông người dữ ha. Bà con đừng sợ, tụi tui cũng dân biển không hà. Chạy được tới đây coi như là thoát rồi có điều tối khuya nay trời có dông đó. Biển hơi động nghe bà con, ráng chịu cực thêm chút xíu qua cơn thì ghe chạy êm ru.
Vài người ngồi dưới khoang ghe nhân cơ hội ngỏ ý muốn trèo lên để đi tiểu và họ leo lên thật. Tôi ráng hết sức cũng lách ra rồi đu người leo lên thành ghe. Một chiếc ghe kích cỡ bằng cá lớn chúng tôi đậu sát bên cạnh. Mấy người trong chiếc ghe đó cho chúng tôi biết họ là ngư dân của đảo Phú Quốc và vùng biển chúng tôi ở đây thuộc nước Khmer. Tôi nhìn chung quanh, ánh nắng chói chang trên đầu, nước biển mầu xanh lá cây xa tít tới tận chân trời. Chỉ toàn một màu xanh nước biển và không một bóng ghe, hòn đảo nào khác nữa. Tôi nằm vật xuống ngay trên thành ghe, tự nhủ là chắc mình nằm đây luôn không chui xuống khoang hầm chật hẹp nữa. Nằm trên sàn ghe thật là dễ chịu! Những người trên chiếc ghe Phú Quốc đó xin chúng tôi cho họ tất cả tiền Việt Nam còn mang trong người, nói là đến được trại tỵ nạn bên Thái thì cũng vất bỏ đâu có xài. Tôi ngồi dậy, móc tất cả tiền Việt trong bóp ra cho họ y như những người khác. Những người tài công trên ghe chúng tôi cho họ cả những tay lưới đánh cá luôn. Sau đó, những người trên ghe Phú Quốc này cùng với tài công trong ghe chúng tôi bàn bạc nhau về hướng đi của ghe và cách đối phó khi gặp trời dông gió trong tối nay.
Khi chiếc ghe Phú Quốc từ giã chạy xa rồi thì những người tài công lại bắt buộc chúng tôi phải chui xuống khoang hầm trở lại trước khi ghe tiếp tục chuyến hải hành. Đúng như lời những tài công của ghe Phú Quốc đã nói, lúc nửa khuya, dông gió bắt đầu xuất hiện. Thoạt đầu ghe vẫn còn chạy bình thường và tiếng mưa quất vào thành ghe thành một âm thanh đều đều nhưng rồi dông gió càng lúc càng to. Tiếng mưa bây giờ gào thét cuồng nộ và các giọt mưa bào sát vào thành ghe kêu rào rạo. Tôi nghe tiếng chân của các tài công chạy tới chạy lui trên mặt khoang ghe và tiếng họ gọi nhau í ới. Có lúc ghe lắc thật mạnh, các miếng ván thành ghe vặn vào nhau kêu ken két cùng với tiếng người nào đó khóc thét lên. Tôi tỉnh hẳn cơn mệt cơn say sóng vì quá sợ hãi. Tôi không còn nhớ đến bất cứ chuyện gì ngoài những khuôn mặt của các thân nhân ruột thịt tôi. Dông gió cứ như vầy hoài thì ghe sẽ chịu thêm được bao lâu? Tuy ngồi yên một chỗ nhưng qua những cảm giác trong cơn dông gió này, tôi biết chiếc ghe đang chịu cảnh vùi dập của các cơn sóng dữ dội bên ngoài. Cửa khoang hầm dù đã được đậy kín nắp nhưng nước bên ngoài vẫn hắt từng chập vào người chúng tôi qua các kẽ ván hở. Người tôi bây giờ ướt sũng nước mặn. Cơn dông kéo dài như vậy suốt cả đêm mà kỳ lạ thay, chiếc ghe vẫn chịu được cho đến sáng thì giông gió bớt dần và rồi ngưng hẳn. Cửa khoang hầm được mở ra và tiếng người tài công nói lớn bà con ơi biển lặng rồi, mình thoát cơn dông rồi. Bây giờ thì tài công cho phép ai muốn lên trên thành ghe hay muốn ở dưới khoang hầm thì tùy ý. Tôi lại trèo lên nằm hẳn trên mặt sàn ghe. Ghe chạy êm ả đều đều như vậy và bây giờ thì mọi người thấy có những hòn đảo xa xa. Một tài công nói là thấy đảo nhiều như vầy thì ghe mình sắp vào Thái Lan rồi.
- Tụi tui phải ngủ lấy sức mới chạy tiếp được, mệt quá rồi. Một tài công nói.
Họ cho ghe chạy từ từ vào sát một chỗ khuất của một hòn đảo gần nhất. Máy ghe tắt hẳn trả lại sự im lặng tĩnh mịch của khung cảnh. Trời buổi sáng sau cơn dông hồi hôm khiến không khí mát lạnh. Thỉnh thoảng có cơn gió thổi qua làm ai cũng cảm thấy dễ chịu. Tôi lại nhắm mắt ngủ tiếp, mơ hồ nhớ lời nói của người tài công là nội ngày mai hay ngày mốt thì mình sẽ có mặt tại một bờ biển nào đó của Thái Lan mà đâu ngờ những tai ương khiếp đảm sắp sửa đổ xuống cho hành khách của chuyến đi bất hạnh này.
Mặt trời lên cao chiếu ánh nắng nóng làm tôi thức giấc và tỉnh ngủ hẳn. Tôi ngồi dậy nhìn chung quanh, mặt sàn ghe người ngồi nằm la liệt bên nhau. Tôi lách người đi lần về phía đuôi chiếc ghe. Một phi nhựa khá lớn được cột chặt vào cạnh cửa buồng lái với nắp đậy kín. Tôi mở nắp nhìn vào bên trong, còn hơn phân nửa thùng nước. Thấy có chiếc ca nhỏ, tôi múc ra một chút nước rửa sơ mặt mũi của mình rồi uống cạn phần nước còn lại. Từ lúc xuống ghe cho tới giờ tôi mới uống nước vậy mà vẫn không cảm thấy khát. Những can nhựa đựng dầu cạn không nằm lăn lóc đây đó. Trong buồng máy nhỏ, hai người tài công nằm gần nhau đang ngủ say. Tôi biết hai người nầy còn mệt hơn chúng tôi nữa vì chạy ghe suốt từ tối hôm đó đến giờ họ mới được ngủ như vậy. Tôi nhìn vào phía đảo, không một dấu vết có người sinh sống. Thỉnh thoảng có tiếng thú kêu chim hót trong các tàng cây vọng lại. Tôi bước đến cạnh bên sườn ghe, nhìn xuống mặt nước trong vắt thấy rõ cát, đá cùng những mảnh vỏ ốc và vài con cá nhỏ bơi lội tung tăng tận đáy. Chợt nghĩ đến Dũng đến Ánh Phương và Mỹ An, tôi quay về cửa khoang hầm định tìm xem họ ra sao thì đã thấy Ánh Phương nằm ngay trên mặt sàn phía gần mũi ghe. Tôi bước đến cạnh bên nàng gọi khẽ: " Phương ơi Phương có khoẻ không, em sao rồi? ". Nghe tiếng gọi, Ánh Phương mở hé mắt nhìn tôi. Nàng khẽ gật đầu rồi ngồi gượng dậy.Tôi ngồi xuống bên cạnh Ánh Phương, nhìn vào khuôn mặt nàng rồi nhìn lại thân thể tôi và những người khác. Chỉ có hai đêm nằm dưới khoang hầm thôi mà chúng tôi giờ trông khác hẳn. Người nào người nấy đầu tóc rũ rượi, quần áo nhếch nhác vì những vệt ói, bệt dầu mỡ và nước bẩn bám vào.
- Em tưởng mình chết trong tối hôm qua rồi. Ghê quá đi anh Vũ ơi. Chắc những câu chuyện ghe vượt biên bị chìm là vì họ đã gặp dông gió như mình há anh? Ánh Phương thều thào nói với tôi.
Tôi thấy Dũng, Mỹ An và cả thằng Minh nữa. Người nào cũng một vẻ bần thần mệt mỏi. Mọi người giờ đây đều ngồi trên mặt sàn ghe, trong ca bin và cạnh buồng máy dù trời nắng nóng nhưng chẳng có ai chịu chui xuống khoang hầm nữa. Ai cũng mừng vì thoát được cơn dông hồi đêm. Ghe này tuy nhỏ nhưng may mắn là còn tốt lắm. Tôi và Ánh Phương leo xuống khoang hầm tìm lại các túi xách của mình. Không còn ai ngồi ở đây nữa vì nó quá sức bề bộn, bê bết nước bẩn. Cả hai trèo trở lên sàn ghe đến bên Dũng và Mỹ An. Ánh Phương mở túi xách của nàng, lấy ra ít thỏi kẹo chocolat đã bẹp dúm mời cả bọn cùng ăn nói là kẹo này do anh ruột nàng gửi về từ bên Úc. Vài người trên ghe thu gom những xâu bánh tét, các bịch bánh ngọt, củ sắn và mì gói để gọn lại một chỗ cho ai cảm thấy đói thì ăn.
Trời nắng chói chang nhưng nhờ có gió mát nên chúng tôi cũng không thấy nóng. Đoàn người trên ghe cứ yên lặng nghỉ ngơi như vậy cho đến xế chiều thì hai người tài công thức dậy. Họ ăn uống qua loa rồi bắt đầu quay máy ghe để tiếp tục cuộc hành trình nhưng dù cố hết sức, máy ghe vẫn không nổ. Vài thanh niên khoẻ mạnh trên ghe loay hoay đến tiếp sức nhưng hoài công. " Tụi tui phải tháo máy ra xem nó hư chỗ nào ", hai tài công nói vậy và họ tháo tung máy ghe ra thật. Rồi sau đó, khi máy ráp trở lại thì họ cũng không quay cho máy nổ được. Mệt mỏi mà chuyện không thành, tài công cùng những người trên ghe quyết định cho ghe vào sát đảo để mọi người bỏ ghe lên bờ kiếm nước tắm táp và tìm chỗ nghỉ ngơi trong đêm. Hai thanh niên nhẩy xuống nước bơi vào bờ rồi họ nối dây vào ghe, kéo chiếc ghe đến chỗ cạn để mọi người có thể lội xuống được. Tôi, Dũng, Ánh Phương và Mỹ An theo những người trên ghe trèo xuống nước, bước dần vào bờ. Những người lên bờ trước chúng tôi đã tìm thấy nước ngọt trong các hốc đá. Nước ngọt mát lạnh trong các vũng nước khá lớn và cứ chảy tràn ra ngoài. Chúng tôi dùng tay khoát nước rửa mặt, rửa người cho sạch các vết bẩn rồi lấy quần áo trong túi xách ra thay. Sau đó, giặt sạch các quần áo bẩn và phơi chúng trên những cành cây thấp la đà. Xong xuôi, chúng tôi lại quay về kiếm chỗ nằm gần chiếc ghe mà bây giờ trống không chẳng còn người trên đó. Chúng tôi ngồi, nằm thành từng nhóm nhỏ ba bốn người bên nhau. Anh Tấn, người đã hỏi anh Thành về ghe taxi hay cá lớn là người lớn tuổi nhất trong cả bọn, nhìn khắp lượt đám người chúng tôi rồi nói:
- Ai có chuyện riêng muốn đi vô trong rừng thì đừng đi một mình và cũng đừng đi quá sâu vào bên trong. Đảo này chắc chắn không cọp beo gì đâu nhưng mà rắn độc thì có đấy và có khi cả loài trăn gió nữa. Đi một thân một mình gặp trăn có thể bị nó quấn chết tươi, do đó phải cẩn thận và chớ ăn trái cây rừng gì hết kẻo ngộ độc chết như chơi. Anh Tấn cũng nói thêm là ban đêm mọi người phải nằm ngủ gần bên nhau từng nhóm để có chuyện thì còn giúp nhau được và chớ có xé lẻ nằm riêng một mình không tốt.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét