Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

nhà văn NHẬT TIẾN : Thủa mơ làm văn sĩ - KỲ 20



                                              (tiếp theo)

Đối với tôi, những người như Mai Anh, Hùng Phong, Hiệp Nhân, Lê Ninh (nổi tiếng khắp giới học sinh Hà Nội chỉ vì một bài tùy bút rất hay đăng trong giai phẩm Lửa Lựu xuất bản trong một dịp Hè)..v..v.. đều là những thần tượng mà tôi mơ ước. Những thần tượng ấy không quá cao xa như Nhất Linh, Khái Hưng, Trần Tiêu, Nguyên Hồng… mà lại gần gụi như tôi vì thấp thoáng cũng có bóng dáng của tôi trong đó. Họ cũng như tôi đều còn là những cậu học sinh còn đang cắp sách đến trường nhưng đã ôm trong lòng tất cả nỗi say mê, và mang trong tim một hoài bão thiết tha, một ước mơ cố đạt thành. Đó là Mơ Làm Văn Sĩ !

Vào thưở còn cắp sách đến trường, số người mơ ước trở thành văn nghệ sĩ rất đông. Hà Nội ngày xưa, với tâm trạng bình thản, khung cảnh nên thơ thay đổi bốn mùa, khi vào hạ có hoa Sấu lấm tấm giải trắng mặt đường, buổi sơ Thu lá úa bắt đầu trải vàng trên lối đi để lại những cành trơ trụi in khẳng khiu trên nền trời đầy mây xám. Từng giải mưa Xuân, từng tiếng ve Hạ, từng vạt nắng Thu hay những luồng gió Đông rì rào đập trên cánh cửa le lói ánh sáng của những căn phòng ấm áp, tất cả đã gợi lên trong lòng mọi người biết bao cảm hứng.

Chúng tôi đã làm văn nghệ một cách say mê trong những khung cảnh đó. Chúng tôi đã tạo dựng cho thế giới học trò một bầu không khí của thơ, của văn, của nhạc đầy tính chất học trò. Ồn ào rộn rã thật đấy nhưng không khỏi có những vấp váp, vụng về thật dễ thương. Một trong những  kỷ niệm đáng ghi nhớ về sự vụng về ấy là tờ giai phẩm Hồng Hà do Mai Anh và Trần Đỗ chủ trương (anh Trần Đỗ tên thật là Trần Xuân Mỹ,  bây giờ là giáo sư Sử Địa ở các trường tư lớn ở Sài Gòn).

Giai phẩm Hồng Hà là một ước mơ đã thể hiện của những cây bút học trò. Chúng tôi mơ ước thực hiện những công trình như những bậc đàn anh đi trước : ra báo, in tác phẩm, lập Văn Đoàn và ấn hành Giai Phẩm. Có lẽ việc ấn hành giai phẩm là một công việc tương đối dễ làm nhất. Vì giai phẩm có tính cách tổ hợp, lại không phải là một công việc trường kỳ. Nó chỉ là một công trình gom góp tác phẩm của nhiều người rồi in ra trong một dịp đặc biệt nào đó.

Riêng giai phẩm Hồng Hà còn là nơi qui tụ những tác phẩm của các cây bút học trò, không phải là chuyên nghiệp, tất cả đã tự viết lấy, thực hiện lấy, lo lắng lấy như một nụ hoa đầu mùa trổ lên giữa khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ của những bậc đàn anh đi trước.

Tòa soạn của giai phẩm Hồng Hà đặt ở nhà anh Trần Đỗ, phố Hàng Bát Sứ Hà Nội. Ròng rã hơn hai tháng trời đôn đáo bằng tất cả lòng hăng hái của những tín đồ, ước mơ đã thể hiện. Tờ giai phẩm đã hình thành với những bài vở thu thập được từ hầu hết của các cây bút học trò. Một ngàn tờ bích chương to bằng trang nhật báo được đem dán khắp các đường phố.

Hồng Hà ! Hồng Hà ! Hồng Hà ! Đi đâu cũng thấy hai chữ Hồng Hà đập vào mắt, ở cột đèn., ở gốc cây, ở tường phố. Hàng Bông, hàng Gai, hàng Đào, Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn. Và dĩ nhiên là còn ở khắp các trường trung học.

Nhưng như đã trình bầy ở trên, chúng tôi chỉ là những tay mơ mới chập chững bước vào nghề. Chúng tôi đã để lại trên đường đi đầy rẫy những sơ sót. Từ cách tổ chức đến kỹ thuật trình bầy, ấn loát, phát hành và ngay đến cả vấn đề luật lệ nữa.

Khổ sở nhất là về tấm bích chương quảng cáo. Thay vì xài giấy mầu, chúng tôi đã cho in trên giấy báo thông thường. Thay vì có in chêm mầu xanh, đỏ thì chúng tôi chỉ cho chạy toàn mầu mực đen (tiết kiệm mà !). Thành ra những tờ quảng cáo của chúng tôi đã vi phạm luật lệ hiện hành. Vâng, theo luật lệ về bích chương của tư nhân muốn phổ biến công khai thì phải in có mầu thay vì chỉ toàn đen với trắng. Hai mầu đen với trắng thuần túy thì chỉ để dành cho những thông tư, thông cáo dán nơi công cộng của nhà nước.

Thế là những tờ quảng cáo còn thơm mùi giấy, còn lấp lánh ánh mực mà chúng tôi đã khổ công chia nhau đi dán ở mọi nơi, chưa qua được 24 giờ thì đã có lệnh phải cấp tốc triệt hạ vì nó không phải là Thông Tư, Thông Cáo của nhà Nước !  Thật không còn gì cay cú cho bằng khi chúng tôi lại phải chia nhau đi xé xoàn xoạt những sản phẩm tinh thần mà chúng tôi đã từng ấp trong lòng từ bao nhiêu ngày qua, từ lúc cái ý định ra Giai Phẩm nẩy sinh ở trong đầu.

Các cụ ngày xưa thường nói "chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng", câu đó thật đúng. Hôm mới lấy tấm bích chương ở nhà in về, cả nhóm đã kéo nhau đi ăn mừng, bàn tán ỏm tỏi về niềm sung sướng, hãnh diện khi nghĩ đến tấm bích chương hẳn sẽ gây xôn xao trong giới văn nghệ và người dân Hà Thành khi nó được dán lên. Thế mà bây giờ chúng tôi phải cắn răng mà xé đi. Xé và xé ! Thật không còn gì cay đắng cho bằng, vì cứ thà xé ngay tim, gan, phèo phổi gì đó của chúng tôi đi có lẽ cũng còn đỡ đau hơn nhiều. Hóa ra làm văn nghệ tay mơ là như thế đó.

Nói đến tay mơ thì phải nói là tôi cũng đã "mơ" nhiều. Ở đời có nhiều cái dại nhưng chẳng cái dại nào giống cái dại nào. Nhân đây, tôi lại kể thêm về một kỷ niệm đáng nhớ về "cái dại" mà tôi cũng đã từng trải qua. Đó là thời gian tôi hợp tác với anh Đặng văn Ngữ (anh Ngữ bây giờ hiện ở trong Nam nhưng hơn mười lăm năm nay tôi chưa gặp lại) để tổ chức một chương trình gọi là "Chiếu bóng chiều thứ Bẩy" cho học sinh cùng trường (trường Nguyễn Trãi, trước có tên là Chu văn An - Hà Nội), và cả các trường khác.

Hồi đó, đối với những học sinh nghèo, đi coi ciné là một chuyện xa xỉ mặc dầu giá vé hạng Ba (hạng chót) có đắt nhất cũng chỉ 15 đồng một vé. Đó là kể những rạp hạng sang như rạp Philharmonique ở Bờ Hồ, Ciné Club hay Eden ở  phố Tràng Tiền, Majestic ở phố Đồng Khánh, hay Ciro’s hình như ở gần đầu Phố Huế. Còn những rạp bình dân hơn như rạp Moderne ở phố hàng Quạt, rạp Olympia ở chợ hàng Da thì giá vé hạng ba chỉ có 8 đồng.

Thành ra suốt mấy năm còn học ở tiểu học, rất ít khi chúng tôi được vô rạp chớp bóng để coi "nguyên một phim". Thông thường thì chúng tôi chỉ là khán giả thường trực của phòng Thông Tin Pháp ở phố Tràng Tiền. Cứ tới giờ chiếu phim là chúng tôi đứng chầu ở cầu thang lối dẫn lên lầu để khi sợi dây thừng ngăn lối lên được mở ra là chúng tôi ùa lên coi. Hôm nào chen chúc đông quá thì nhân viên trực, thường là một ông Tây, đứng trên cầu thang chỉ mặt từng người để cho vào. Ai không được “chỉ” thì coi như bị loại, mặt mũi tiu nghỉu ra về. Mà nào có phải chen chúc để coi những phim gì hay ho cho cam. Tất cả chỉ toàn phim thời sự của hãng Pathé hay tài liệu nói tiếng Tây thôi. Tụi tôi nghe cũng hiểu lõm bõm đấy, nhưng chủ yếu là coi…hình !!

Ngoài ciné coi "chùa" ra, chúng tôi cũng hay lui tới các rạp hát như rạp Đan Thanh ở phố Hàng Quạt, rạp Kim Phụng ở phố Hàng Bạc hay Nhà Hát Lớn ở gần Nhà Bác Cổ. Đi coi rạp Kim Phụng thì chỉ mất có 3 đồng, đó là tiền dúi cho người soát vé sau khi buổi hát đã trình diễn gần hết…hai màn đầu! Thường thường mỗi buổi diễn bao gồm 3 màn, nếu vô rạp vào lúc màn hai sắp hạ thì kể như đã tàn cuộc. Nhưng nghèo mà vẫn ham, vả lại cần chi cốt chuyện, miễn cứ vô để được coi phông cảnh, cung cách trang trí sân khấu, y phục diễn viên và nhất là được nhìn tận mắt các tài danh như Kim Chung, Kim Liên, Ái Liên, Ái Loan, Bích Hợp, Huỳnh Thái, hề Tư Vững…Ôi chà ! Như thế cũng là quá đủ !

Riêng Nhà Hát Lớn thì chỉ sinh hoạt nhộn nhịp vào mùa Kịch khởi sự từ mùa Thu trong năm. Xem kịch Nhà Hát Lớn, bọn học sinh tiểu học chúng tôi cũng không mất tiền, vì không hiểu sao, cứ mỗi khi màn Ba bắt đầu khởi sự thì người soát vé biến đi đâu, cửa cứ mở tự do cho ai muốn vào thì vào. 

Còn ai vào đấy nữa ngoài lũ nhóc tì chúng tôi ! Thôi thì cả lũ tự do như gió trời, vượt qua được hai cánh cửa sắt là chúng tôi leo tuốt lên lầu ba, ngồi bảnh chọe trên những hàng ghế gỗ thường được mệnh danh là "chuồng gà" để coi cọp. Gặp những hôm khán giả đông quá, chuồng gà cũng hết chỗ thì chúng tôi tìm các hàng cột để dựa lưng coi "đứng". Hoặc giả bầu không khí có ngột ngạt quá, mồ hôi mồ kê đổ ra nhễ nhại (hồi đó đã làm gì có máy lạnh) thì chúng tôi kéo nhau đi khắp các vòng hành lang của ba tầng lầu để sục sạo vô các phòng để phông cảnh, phòng hóa trang, phòng chứa các dụng cụ gần như phế thải. Cứ đi đến đâu là chúng tôi lại đập cửa rầm rầm, la hét, gọi nhau í ới tới đó.

Chính trong bầu không khí "vui vẻ quá" đó, tôi đã được xem những vở kịch nổi tiếng như Tâm Sự Kẻ Sang Tần, Bông Hồng Dại, Tiếng Trống Hà Hồi …và đặc biệt là vở Lôi Vũ của Tào Ngu dài tới 5 màn, kéo buổi diễn từ 3 giờ chiều đến 11 giờ khuya mới chấm dứt. Khán giả đi coi phải mang theo bánh mì để ăn trong giờ giải lao gọi là Entr'acte.

                                                                (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét