Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 55)


                             
                                                    (tiếp theo và hết )



Sau khi sổ toẹt bằng hết những luận điểm cơ bản của Mác- Leênin  , Nguyễn Khải nhìn thẳng vào nhưng vấn đề cốt lõi, những vấn nạn hàng đâu của xã hội Việt Nam. Ngòi bút của ông như lưỡi dao sắc bén mổ phanh những ung nhọt mà cả bộ máy tuyên truyền của đảng ra sức bưng bít.

Đại thắng mùa Xuân được ra rả tụng ca trong suốt 30 năm bằng những ngôn từ sáo rỗng được Nguyễn Khải đặt câu hỏi sinh tử : bằng những hy sinh mất mát của cả triệu con người , nó mang gì tới cho dân tộc . Và ông huỵch toẹt :

“Một nửa nước đã được độc lập nhưng lòng người tan nát vì tài sản một đời chắt chiu của họ đã bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành những người vô sản bất đắc dĩ. “

Lòng người tan nát không chỉ vì tài sản một đời đã bị tịch thu mà còn vì những chịu đựng mất mát khác khó nói cho hết thành lời. Riêng với giới trí thức thì :

“Tầng lớp trí thức chả có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn, vì từ nay họ chỉ được nghĩ được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, của một đường lối nếu họ không muốn giẫm vào vết chân của nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm”. “

Nhìn lại tình cảnh dân tộc sau ngày thống nhất hai miền Nam Bắc, ông nhà văn  thẳng thừng :

“ Một dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, mắt nhìn ngơ ngác, đi đứng long rom như một kẻ bại trận. Quả thật dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong phong trào chiến tranh giải nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do và dân chủ…”

Vì sao, vì sao dân tộc lại đâm đầu vào thảm trạng đó, Nguyễn Khải đã phải kêu lên đau đớn :

Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến vậy!”

Tuy nhiên, vì sao “cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống” tròng vào cổ dân ta lâu đến như vậy, lâu cho tới tận bây giờ và chưa biết bao giờ mới chấm dứt và trách nhiệm về những ai thì Nguyễn Khải chưa trả lời được , ông chỉ nhắc nhở giới nhà văn :

“ Một xã hội tan nát, lòng người chĩu nặng những phiền muộn ưu tư, mà là những người đã hết lòng hết sức với kháng chiến bằng cách này hay cách khác. Vậy nhà văn phải viết như thế nào, phải viết cái gì để tạo được một hiện thực tràn đầy hy vọng như các nhà lãnh đạo cách mạng yêu cầu.”

Đó là một công việc bất khả, nếu nhà văn không thét lên được những âm thanh cuồng nộ thì dù có thốt lên những tụng ca trơ trẽn, vô liêm sỉ như lãnh đạo yêu cầu, thì  chúng cũng bị mau chóng sổ toẹt  bằng sự thờ ơ của   công chúng.

Về trách nhiệm nhà văn, Nguyễn Khải đau đớn sám hối “

“ Về già tôi mới nhận ra nhà văn phải nghe theo tiếng gọi của tình cảm, của trái tim, của cái phần thiện lương trong con người mình. Nó đã bảo sai là sai, không có thứ lý luận nào chống đỡ nổi. Vả lại văn chương bao giờ cũng đồng cảm với nỗi đau của con người, những bất hạnh của con người. Chưa bao giờ vì sự mãn nguyện, sự thành công của con người mà cất lên tiếng hát ca ngợi cả. Ở các thể loại nghệ thuật ngôn từ con người phải chống chọi với mọi cảnh ngộ trái ngược chiếm gần hết các trang viết, các màn diễn, còn khi người nghèo đã thành giầu, người hèn được bước vào thế giới phú quý, trai gái phải chịu nhiều năm chia lìa tới lúc tái hợp là cuốn sách, vở diễn phải chấm hết ngay. Nó đã kết thúc cái phần nghệ thuật để bắt đầu sang phần tụng ca là cái thế giới của mãn nguyện của buồn chán, là cái phần phi nghệ thuật. “

Như vậy, văn chương chỉ có thể là tiếng nói khốn khó, uất hận trước mọi trà đạp lên con người, là những giọt nước mắt rơi trên những số phận bi thảm chứ không phải là sự reo vui, hồ hởi . Cố tình bỏ qua những đặc tính cốt lõi, những đặc điểm bản thể của văn chương, người cộng sản lại dùng nó như tiếng kèn thúc trận :

“ Nhưng người lãnh đạo lại chỉ thích cái phần không phải là nghệ thuật, tặng giải thưởng, trao huân chương cho các tác giả chỉ để tưởng thưởng cái phần nhạt nhẽo vô vị ấy mà thôi. Cái cách cảm nhận hiện thực đầy tính lãng mạn ấy đã làm lệch lạc cách xem xét, cách ứng xử của nhiều thế hệ bạn đọc, nhất là bạn đọc ở tuổi mới trưởng thành, trước những biến hoá muôn mặt của cuộc sống. Họ chỉ có mỗi khả năng làm người phê bình văn học theo đường lối chính trị chính thống, tại sao cuộc sống đẹp như thế mà nhà văn lại miêu tả nó xấu đến thế. Làm sao dám cãi, hãy để cho những trải nghiệm của chính họ qua năm tháng sẽ âm thầm biện hộ giúp mình thôi.”

Nguyễn Khải phát hiện ra một kẻ phá hoại giấu mặt trong xã hội : ngôn từ :

“Một xã hội không tự hiểu mình, mỗi cá nhân cũng không tự hiểu mình, vàng thau, phải trái, cao quí ti tiện lẫn lộn, các giá trị lẫn lộn bắt đầu từ sự không chuẩn xác của ngôn từ. Câu mở đầu kinh thánh Cựu ước “ Thoạt Tiên Là Ngôn Ngữ…” (Au conmmencement était le Verbe).

Nhưng ngôn ngữ trong xã hội ta hiện nay thật đáng kinh hoàng , nó được dùng như phương tiện để che đậy, dối trá :

“Vậy mà ngôn từ lại là cái mặt yếu nhất trong các lãnh vực thuộc thượng tầng kiến trúc ở các nước xã hội chủ nghĩa. Công dân của các nước ấy dùng ngôn từ để che đậy chứ không nhằm giao tiếp, hoặc giao tiếp bằng cách che đậy, “ nói vậy mà không phải vậy”! Nó là cái vỏ cứng để bảo vệ mọi sự bất trắc, chống lại thói quen hay xét nét lời ăn tiếng nói của công dân của mọi chính quyền chuyên chế.

Cái bệnh “xảo ngôn”, tiếc thay lại rõ rệt nhất, nặng nề nhất ở cấp lãnh đạo :

“Cái cách tự bảo vệ ấy lại càng rõ rệt ở cấp lãnh đạo và các viên chức nhà nước làm việc ở các cơ quan quyền lực. Họ nói bằng thứ ngôn ngữ khô cứng đã mất hết sinh khí, một thứ ngôn ngữ chết, ngôn ngữ “gỗ”, nói cả buổi mà người nghe vẫn không thể nhặt ra một chút thông tin mới nào. Các buổi trả lời phỏng vấn báo chí, diễn văn tại các buổi lễ kỷ niệm, báo cáo của Đảng, của chính phủ, của quốc hội, tất cả đều dùng các từ rất mơ hồ, ít cá tính và ít trách nhiệm nhất. Người cầm quyền cấp cao nhất và cấp thấp nhất đều biết cách nói mơ hồ, càng nói mơ hồ càng được đánh giá là chín chắn. Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy.”

Những kẻ nói dối không cần che đậy phần lớn lại là những kẻ dân gian đã tổng kết “ trông mặt, tắt tivi” :

“ Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói về cần, kiện liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra.

Những kẻ nói dối biết là mình nói dối không hề thấy xấu hổi, bởi lẽ họ thừa biết :

“ Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình. Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói.

Thật ra như trong cái trò “vua cởi truồng” , cả hoàng đế và dân đen đều hiểu cả nhưng  dao kề cổ nên vẫn phải “diễn” :

“ Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả. Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại [rằng] nói thế là thật hay không thật. Mình cứ làm theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối, nói che đậy nếu như có dịp được người cầm quyền hỏi.”

Chính vì những nhu cầu chính trị của đảng, tài sản tinh thần của dân tộc cứ ngày càng mai một:

“ Cái thời mở nước, giữ nước chỉ còn lưu lại những cột mốc của các chiến công, còn cuộc chiến thầm lặng đã làm tan nát nhiều con người để con người được là chính mình, được là một thực thể thiêng liêng, đền đài lưu giữ muôn thuở cái tài sản tinh thần của một dân tộc, một dòng họ mãi mãi được vun xới, được phát triển tương ứng với sự phát triển của dân tộc, của thời đại thì chưa được văn thơ nói đến, triết học nói đến, các ngành khoa học nhân văn nói đến.”

Tuy nhiên, Nguyễn Khải vẫn kỳ vọng :

“ Dầu không nói đến, không được phép nói đến thì cái dòng chảy vĩnh cửu ấy vẫn được nhiều triệu người âm thầm khai thông, bồi đắp để các nhân tài Việt Nam không ngừng xuất hiện lúc ở lãnh vực này, lúc ở lãnh vực khác.”

Và ông cảnh báo :

  Một đất nước không có những cá nhân kiệt xuất, tài ba làm chân dung đại diện trong cộng đồng nhân loại thì đó là một bất hạnh cho dân tộc, tạo ra một khoảng trống tiếp nối trong lịch sử sinh tồn của mỗi cá nhân. Rồi các thế hệ đến sau phải nối lại bằng cách nào vì vẫn phải bắt đầu từ môi trường chính trị, xã hội, từ một xã hội vừa truyền thống vừa văn minh, những mục tiêu nhắm tới vừa là phát triển cái riêng biệt, vừa là sự hòa nhập vào nền văn minh của khu vực và thế giới. “

Quả thực nhìn vào sự tiếp nối các thế hệ cầm bút, người ta không khỏi lo ngại về sự ngày càng khô kiệt những tài năng. Và Nguyễn Khải vạch mặt thủ phạm đích danh của bi kịch đó chính là : quyền lực toàn trị.

“Một nền văn minh riêng lẻ, với những mục tiêu hoang tưởng, một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả thì số phận những cá nhân sẽ ra sao?

Kết thúc tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất”, Nguyễn Khải không đưa ra được tiên trị, dự báo nào về sự sụp đổ của quyền lực toàn trị , ông chỉ  răn đe và cảnh báo :

  Một chế độ độc tài khi phải đối mặt với những biến động lớn thường rễ bị nứt rạn, từ nứt rạn đến tiêu vong, thời gian diễn ra rất nhanh vì nó chỉ có trụ đỡ là quyền lực của một phe đảng, không có trụ đỡ về tinh thần của cả dân tộc. Một chế độ chính trị tồn tại tới non một thế kỷ hay một nửa thế kỷ cũng là lâu lắm, đã tạo ra mấy thế hệ ăn chung ở chung với nó, sinh con đẻ cái với nó mà khi nó chết không ai nhỏ được một giọt nước mắt, có người còn nhẫn tâm đạp lên cái vừa chết đó rồi mới tiếp tục bước đi, đủ biết người ta đã xem nó như vật bất tường, là quái thai, là tai hoạ, thời thế đã bất thần xoá bỏ nó một cách êm dịu, không phải tốn đến máu cũng là một may mắn phi thường. Có thể kết luận, một chế độ chính trị được xem là văn minh hay lạc hậu, là sẽ tồn tại lâu dài hay chỉ có mặt trong khoảng khắc của lịch sử là tuỳ thuộc vào cương lĩnh chính trị của Đảng cầm quyền có thật sự tôn trọng những quyền của con người hay không, các cá nhân với những khác biệt, những phản ứng, những bất tuân của nó có được đặt ở vị trí trang trọng trong hiến pháp hay không? “

Với lời Nguyễn Khải đã hẹn tôi năm 1978 “tao sẽ vót nhọn gươm đâm một cú cuối cùng”, thì quả thực Nguyễn Khải đã vung một đường gươm xuất sắc . Tiếc thay ông thực hiện vào lúc ..đã muộn. Vào năm 2006 khi ông viết xong tùy bút chính trị này, những vấn đề của chủ nghĩa Mác, những lý thuyết chủ nghĩa cộng sản đã không còn là những bức xúc xã hội nữa, ngoài một vài nhà hoạt động dân chủ còn bàn tới “ dân chủ và tập trung”, tới “ vô sản chuyên chính”, tới “đấu tranh giai cấp”, hầu như đại đa số bàn dân thiên hạ , kể cả giới trí thức chẳng còn tâm thế đâu đoái hoài tới nó. Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ từ lâu, chủ nghĩa cộng sản đã bị cộng đồng châu Âu đặt ra ngoài vòng pháp luật, những lý thuyết của nó hiển nhiên đã bị lãng quên. Bởi vậy khi xuất hiện, bút ký của Nguyễn khải cũng chỉ được một bộ phận trí thức tìm đọc, cũng chỉ gây nên một luồng dư luận thoáng chốc rồi tan nhanh trong những vấn đề nóng bỏng khác của dân tộc và đất nước.

Lời than vãn của Nguyễn Khải có tính cách tiên tri :” Thôi chết, tung tóe mẹ nó hết rồi Tuấn ạ…”, ngày nay những truyện ngắn, ký sự, tiểu thuyết của ông chỉ còn lại trong thư viện và trong các giáo trình của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Vậy nhưng Nguyễn Khải vẫn là nhà văn được yêu mến trong lòng bạn đọc. Bằng lương tri nhà văn, lương tâm người cầm bút, cuối đời ông đã nhận ra bi kịch của đời ông và đã viết một tác phẩm cuối cùng, chỉ tiếc nó không phải là  sáng tác văn học mà là tùy bút, một tùy bút chính trị…



N.T.



6/2012

          ( Kỳ tới : Chân dung hay chân tướng nhà văn (kỳ 56)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét