Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 66)

                                     Nguyễn Đình Thi và Madeleine Riffaud



                                 (tiếp theo)

Trời đất , những lý luận cao siêu này tới ngày nay cũng khó nhét vào đầu một ông bí thư huyện uỷ huống hồ chị đàn bà mù chữ, kiếm sống bằng chân tay.
“ Cũng có buổi, anh kể chuyện Liên bang xô viết , cả người kể lẫn người nghe đều thả trí tưởng tượng bay tới cái đất nước xa xôi mà họ chưa từng thấy bao giờ nhưng lúc này lại gần gũi nhất với mơ ước của họ…”
Vẽ ra “thiên đàng hạ giới” ở Liên xô xa xôi  làm “bánh vẽ” kich động người dân làm cách mạng là một thủ đoạn chính trị” quen thuộc của những người cộng sản từ khi còn trong bóng tối. Và tất nhiên nhắm mắt tin theo dễ dàng chỉ những người “thất học”, đầu óc đơn giản như chị Gái , còn trí thức thành phố thì khó. Quả nhiên “Qua mấy tháng , Khắc định tìm một người giao thông thay chị Gái và giao cho chị nắm hẳn mấy huyện ngoại thành rồi sẽ đưa chị vào thành uỷ…”
Nhà văn Nguyễn Đình Thi quả đã dựng nên một chân dung cán bộ  vượt cả những hình dung thông thường. Hoá ra để trở thành cán bộ lãnh đạo cỡ thành uỷ, một chị nhà quê thất học chỉ cần tối ra vườn tối cán bộ “lầm rầm” giảng chính trị để rồi vài tháng sau đã lãnh đạo cả mấy huyện ngoại hành .
Vậy mới biết “chuyên môn “ làm nghề ‘cách mạng chuyên nghiệp” thực ra chẳng có gì ghê gớm, chỉ qua vài tháng nghe gỉ tai là “nghiệp vụ tay nghề” đã thành thạo. Thực ra vốn liếng kiến thức của mấy ông cán bộ chuyên nghiệp như Khắc , Lê, Cảnh…cũng chỉ sơ sài có thế. Bởi lẽ cái nguồn tri  thức để bồi bổ cho học vấn của mấy ông quẩn quanh chỉ vài cuốn sách. Dưới đây là gói sách ông Khắc đã chôn ngoài vườn sau nhà, nay nhờ cô em gái đào lên để đưa cho anh cán bộ tên Cảnh :
Lênin : Nhà nước và cách mạng – Lênin : Bệnh ấu trĩ của chủ nghĩa cộng sản . Angghen : Ông Đuyrinh làm đảo lộn khoa học. Mác và Angghen : Tuyên ngôn của Đảng cộng sản - Xtalin  : Những nguyên lý của chủ nghĩa Lênin- Các Mác : Tư bản – Quyển thứ nhất- Lênin…Hai chiến thuật…”
Tất cả kho lý luận chỉ có thế, toàn những lý thuyết xa của mấy ông rậm râu mãi bên kia bán cầu, xa lạ, chẳng dính dáng gì tới mấy bác nhà quê An Nam ốn bị tây đá đít thì cùng lắm chửi thầm trong bụng. Ây thế nhưng nó lại là của báu, sách gối đầu giường của mấy anh cán bộ cộng sản. 
Tay anh cán bộ vẫn giở nhanh những cuốn sách giấy đã vàng và còn ẩm hơi đất. Cánh mũi phập phồng hít cái mùi mốc nhạt nhạt phảng phất từ những trang giấy bay lên. Đôi mắt anh to và sáng ngước nhìn Quyên như thầm thốt lên : Sao ở đây lại có cái kho tàng quý như thế này. Đây là ánh sáng mà bao nhiêu người lần mò trong đêm tối đang đi tìm , đây là cơm là áo, đây là thuốc súng sẽ làm nổ cái xã hội tàn ác và nhơ bẩn này cho mọc lên một cuộc đời mới…”
Thật đáng lo những cuốn kinh Coran cách mạng cao siêu này làm sao chui được vào đầu mấy bác nông dân An Nam vốn quen ứng xử  bằng những kinh nghiệm thực tiễn qua ca dao tục ngữ lưu truyền đời này sang đời kia chứ chẳng phải do những giáo lý trừu tượng . Chẳng hiểu bằng cách nào những người cộng sản có thể “quán triệt” cho những quần chúng thất học như chị Gái, cô An, cái Xoan, anh Côi…hiểu được thế nào là quy luật tất yếu , là thặng dư giá trị , là chiến lược chiến thuật….những khái niệm cao siêu với ngay bản thân các cán bộ .
Vậy các nhà cách mạng mác xít  Việt Nam có thực học được và thực hiện được lý thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin , hay chỉ vớt được cái váng của nó qua một số tài liệu biên dịch sơ sài hoặc lược thuật đơn giản cho phù hợp với đại chúng.
Và thắng lợi của họ liệu có phải  là sự toàn thắng  của tư tưởng Mác- Lênine hay chỉ là vận dụng “tài tình” các “thủ đoạn chính trị” trong đó bạo lực là phương tiện hàng đầu để giải quyết mọi vấn nạn trên đời bất chấp sinh mạng cả chục triệu con người, tạo nên một bi kịch vĩ đại là tát cạn biển Đông chỉ nhận được  về một…giọt nước mắt. Thay vì đánh thắng “hai đế quốc to”, người Thái Lan đã khôn khéo tránh được hai cuộc chiến, và như vậy phải chăng họ kém “vinh quang” hơn người Việt Nam ? Cái ý nghĩa khách quan của “Vỡ bờ” quả thực đã phản lại chính tác giả trong mưu toan dùng nghệ thuật tiểu thuyết làm sai lệch sự thực của lịch sử .
Một trong những hoạt động cốt lõi của ông cán bộ Đảng cao cấp Khắc là in ấn và tán phát tài liệu tuyên truyền cộng sản.  Nào “bản Tuyên cáo quốc dân “ của thành uỷ Hải phòng trong một đêm đã được rải và dán ở các khu phố nội thành báo tin cho nhân dân biết Đảng vẫn có mặt  và kêu gọi chống phát xít , chống chiến tranh đế quốc …”  nào “ tờ báo Tia Lửa cơ quan của Đảng cộng sản vùng biên ra số đặc biệt bốn trang , in 700 số , trên trang nhất có vẽ hình Lênin…”  rồi “ những tài liệu nhỏ tóm tắt chủ nghĩa Lênin cùng với mấy nghìn truyền đơn bươm bướm…”
Cả một khối lượng tài liệu lớn như vậy một mình Khắc làm sao mà xoay xở ?
Trước hết  ông “tuyên truyền được một anh thợ in tên Lập”. Thế còn xưởng in ? Câu chuyện ông nhà văn đưa ra có thể coi là là một “huyền thoại” theo kiểu “ tay không bắt giặc, biến không thành có, biến khó thành dễ “ quen thuộc của các nhà tuyên truyền cách mạng.
Để tìm địa điểm in, Khắc để ý tới ngôi nhà nhỏ của anh thợ cạo tên Kênh. Thoạt đầu “Khắc bắt đầu chú ý đến Kênh vì thấy ở cái hòm thợ cạo, khi mở ra , bên trong nắp có dán một tấm bản đồ thế giới mà chỗ Liên xô lại tô màu đỏ”. Yêu Liên xô vậy chắc phải là người ủng hộ cộng sản, chắc có thể bắt quen làm người “của mình”.
Chỉ một câu ca ngợi đất nước Liên xô, anh thợ cạo đã được cách mạng tin ngay và chọn ngôi nhà nhỏ xíu của anh làm Xưởng in bí mật. Cả xưởng chỉ có  anh thợ in tên Lập với “hòn đá, hai cái ru lô, mấy hộp mực in và cả một bát chữ…” Người và phương tiện in ấn chỉ có thế mà in ra nào báo, nào sách, nào truyền đơn thì quả thực chỉ những người cộng sản trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Thi mới làm nổi. 
Các nhà văn cộng sản thường đối lập tình yêu mà họ coi là “hạnh phúc cá nhân” với “ sự nghiệp cách mạng” và kết cuộc chiến sĩ cộng sản bao giờ cũng hy sinh tình yêu chọn lý tưởng cách mạng. Tuy nhiên cái “đạo đức khắc nghiệt” này chỉ có hiệu lực vào những năm đầu đi theo cách mạng,  còn vào thời kỳ những năm 1970 Nguyễn Đình Thi viết “ Vỡ bờ”, nếu “ nhăm nhăm gạt bỏ tình riêng mưu hạnh phúc chung” vậy e rằng bị chê là “công thức”, biến người cộng sản thành người máy không tim, bởi vậy ông nhà văn mới sắp xếp cho anh cán bộ cộng sản Khắc  trong một lần gặp gỡ An, em Gái đã không cầm được lòng, đã vượt rào  đạo đức cách mạng “ăn nằm với cô trong suốt một ngày”. Rủi thay, ngay sau cái ngày tràn trề hạnh phúc đó, Khắc đi gặp một cơ sở cách mạng, bị chỉ điểm và bị bắt.
Tất nhiên để bù lại “khuyết điểm sinh hoạt” hủ hoá với em gái cơ sở cách mạng, ông nhà văn phải đề cao hết mức ý chí bất khuất của Khắc trước mọi đòn tra tấn dã man của mật thám Pháp nhằm làm phong phú và sinh động chân dung người anh hùng cộng sản. Đó là thủ pháp đen trắng (“contrast”) thường thấy trong tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa; khi muốn làm bật tính cách dũng cảm của nhân vật anh hùng, các nhà văn thường cho anh ta mắc tí tí khuyết điểm trong sinh hoạt như  “văng tục”, “nhớ mẹ quá trốn về một buổi”….

                          (còn nữa)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét