Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

ÔNG "SÔNG CÔN" ĐÃ ĐI RỒI !


       
 VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC NHÀ VĂN NGUYỄN MỘNG GIÁC                              
 
Tôi bàng hoàng nghe tin nhà văn Nguyễn Mộng Giác từ trần  ngày 2 tháng 7 năm 2012 thọ 73 tuổi. Ông là tác giả của những truyện ngắn nổi tiếng : Bão Rớt, Tiếng Chim Vườn Cũ, Qua Cầu Gió Bay... Truyện dài Ðường Một Chiều được giải thưởng Văn Bút của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Năm 1981, ông hoàn thành Trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ , mượn bối cảnh thời Quang Trung để nói về xã hội ngày nay. Tháng 11 năm 1982 ông đến Hoa Kỳ, cộng tác với các báo Ðồng Nai, Việt Nam Tự Do, Người Việt, Văn, Văn Học Nghệ Thuật. Từ 1986 ông làm chủ bút tạp chí Văn Học, một tạp chí uy tín quy tụ nhiều cây bút văn học hải ngoại và cả trong nước. Năm 1989 ông xuất bản  Mùa Biển Ðộng (trường thiên tiểu thuyết gồm 5 tập, NXB Văn Nghệ ).
Nguyễn Mộng Giác là một nhà văn uy tín của Việt Nam, với nhiều tác phẩm ghi lại những biến chuyển dữ đội của xã hội. Bày tỏ lòng thương tiếc ông , xin đăng lại một phần một bài nói và một số trang viết của ông.

           Phát biểu  của nhà văn Nguyễn Mộng  Giác
                                                      
                                                     (trích)

trong buổi ra mắt tiểu thuyết ĐI VỀ NƠI HOANG DÃ của Nhật Tuấn ngày 7-4-2001 tại hội quán LittleSaigon  Radio (Westminster, Quận Cam – California)

                                    Kính thưa các quan khách
                               Kính thưa các văn hữu thân mến,

Cái buổi ra sách hôm nay nói gì thì nói là một buổi ra sách bất thường , rất bất thường đến nỗi mà có một số người đặt câu hỏi và tìm cách giải thích tại sao vậy, tạo sao mà một số cơ sở truyền thông có uy tín ở đây tìm cách ra mắt một cuốn sách trong nước , cuốn sách đó không phải là xuất bản lần đầu tiên mà là tái bản lần thứ tư. Có âm mưu gì đây ? Và tại sao lại tự nhiên làm rầm rộ một cuốn sách mà đã viết từ năm 1988, in ra từ 1990 và hoàn toàn chìm vào yên lặng suốt 10 năm qua. Tại sao ?
Đó là một điều bất thường , tuy rằng có thể giải thích một cách đơn giản là bởi vì ông Nhật Tuấn là em ông Nhật Tiến.
Đành rằng ông Nhật Tiến là một nhà văn khả kính , mà cái tinh thần trách nhiệm xã hội cao của Nhật Tiến, người mà nhà văn Mai Thảo đã đưa và một biệt danh rất dễ thương là “ người thích đứng ngoài nắng”, và vì đứng ngoài nắng nhiều cho nên bị nhiều những lời chỉ trích hay là lời tranh luận quanh nững lời phát biểu của anh.
Nhưng mà tôi nghĩ là cái uy tín của anh Nhật Tiến cũng không đủ để mà bao nhiêu cơ sở truyền thông quan trọng ở đây hội tụ lại để mà tổ chức cái buổi ra mắt sách bất thường này.
Tôi cho rằng sự bất thường này là một điều phải xảy ra , để mà tái lập một cái công bằng , một sự công bằng về chính trị hoặc là một sự công bằng về giá trị văn chương, và sự bất thường này đã bắt đầu từ khá lâu.
Trước hết là về tác giả, sau năm 1975, tôi còn lại ở Việt Nam, và một cách ngẫu nhiên có gặp anh Nhật Tuấn , vì là em Nhật Tiến nên chúng tôi nói chuyện trao đổi cởi mở và thân thiện hơn.
Cái ngạc nhiên đầu tiên của tôi là hai anh em không giống nhau . Anh Nhật Tiến thì dạng người thanh, ốm, một nhà nho trong cách cư xử , cách ăn nói và cách viết. Ông Nhật Tuấn nhà ta thì là một người rất phóng khoáng, nghệ sĩ, ăn nói thì rất là mạnh bạo , nghĩ là hai anh em thì ngoại hình và tính tình khác nhau.
Tôi gặp xong thì đi tìm đọc các truyện ngắn cuả Nhật Tuấn thì không thấy có gì đặc biệt . Lúc bấy giờ anh Nhật Tuấn nổi tiếng bằng một số truyện ngắn mà tiêu biểu là “Con chim biết chọn hạt” mà nhân vật là cô thư ký  trong một văn phòng của Nhà nước, cuộc đời các cô tiểu thư trong chế độ cộng sản chứ không có gì đặc biệt , không có những cái đau, những cái cắn rứt những nỗi khổ mà cả dân tộc đang trải qua.
Nhưng mà trong một lần trong một dịp đi uống càphê với nhau, anh Nhật Tuấn  đã đọc cho tôi nghe một truyện anh vừa viết và rất thích và không  tìm được chỗ để in. Tôi nhớ đó là chuyện một nhân vật nữ là công nhân xây dựng vì nghe lời dụ dỗ của một cán bộ rồi có mang, và bị phụ rẫy , và trong một lúc làm việc thì do bất cẩn trong tổ chức và trong bảo vệ lao động rơi từ trên cao xuống và bị chết . Cái tai nạn khủng khiếp đó hoàn toàn bị mọi người  bàng quan.
Truyện ngắn rất xúc động và tôi hiểu rằng đằng sau  cái vỏ bề ngoài bàng quan, bên trong các nhà văn miền Bắc vẫn là một con người biết xót thương dân tộc…
                                 (hết trích)
                      
                    PHỤ LỤC  :

          Thông báo của đài LSR :

          “ Chiều ngày Thứ Bảy mùng 7 tháng 4 - 2011 này sẽ có một cuộc gặp gỡ giữa những người yêu sách tại Hội quán Little Saigon Radio. Dưới sự bảo trợ của các nhật báo Người Việt, Việt Báo và Viễn Đông, cùng tạp chí Thế Kỷ 21, Công ty truyền thông Kícon.com, đài phát thanh VNCR, đài truyền hình Little Saigon Television, Little Saigon Radio và một số thân hữu, một buổi ra mắt sách rất đặc biệt sẽ được tổ chức vào lúc ba giờ chiều ngày Thứ Bảy tại Hội quán Little Saigon Radio, số 15781 Brookhurst, thị xã Westminster.
Xin mời quý thính giả tham dự đông đảo, để nghe nói chuyện về một tác phẩm độc đáo, là cuốn Đi về nơi hoang dã của nhà văn Nhật Tuấn. Được viết từ hơn 10 năm trước, cuốn truyện vừa được tái bản lần thứ tư ở hải ngoại, nhưng ở trong nước, suốt 10 năm qua, nó bị chôn vùi dưới sự im lặng nặng nề và lúng túng của nhà cầm quyền. Vì sao như vậy, có lẽ hai nhà văn Nguyễn Mộng Giác và Hoàng Khởi Phong có thể trình bày cho chúng ta trong buổi gặp gỡ cuối tuần này. “

                        TUYÊN CÁO
  
( Của Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do)


XÉT RẰNG: Có một số cơ quan truyền thông, báo chí và cơ sở xuất bản tại Nam California đứng ra bảo trợ buổi ra mắt sách của nhà văn Cộng sản Nhật Tuấn vào ngày 7 tháng 4 năm 2001 tại Nam California,Hoa Kỳ. Được biết nhà văn Nhật Tuấn hiện là Giám đốc nhà xuất bản Văn Học của CSVN, phân bộ Miền Nam (tại Sài-Gòn). Đây là một nhà xuất bản lớn và quan trọng bậc nhất tại Việt Nam, lãnh trọng trách do Cục Tư Tưởng Văn Hóa của Đảng CSVN ủy thác.

Chúng tôi cực lực đòi hỏi:

Thứ nhất: Các cá nhân cũng như cơ quan truyền thông, báo chí và cơ sở xuất bản có chân trong Ban Tổ Chức hãy lập tức đình chỉ buổi tổ chức ra mắt cuốn sách ' Đi Về Nơi Hoang Dã" của nhà văn CS Nhật Tuấn vào ngày 7 tháng 4 năm 2001 tại Nam California.

Thứ hai: Các cơ quan truyền thông và báo chí có chân trong Ban Tổ Chức hãy ngưng ngay lời quảng cáo trên đài phát thanh; đồng thời ngưng đăng quảng cáo trên các báo Việt ngữ.

Chúng tôi tha thiết yêu cầu:

Thứ nhất: Giới báo chí, truyền thông và truyền hình Vlệt Nam tại Nam California hãy đồng loạt và liên tục tố giác các âm mưu myên truyền, trực tiếp hay gián tiếp, cho  Cộng sản cũng như cá nhân của người làm văn hóa Cộng sản.

Thứ hai: Các đoàn thể chính trị, văn hóa, hội đoàn và cộng đồng hãy xiết chặt hàng ngũ và hướng dẫn dư luận để phá vỡ âm mưu thâm độc của CSVN qua bàn tay nối giáo cho giặc của một số người Việt mang danh tị nạn chính trị.

Thứ ba: Yêu cầu đồng bào nhất trí tẩy chay buổl ra mắt sách của nhà văn CS Nhật Tuấn vào ngày 7 tháng 4 năm 2001 tại Nam California.

Làm tại Hoa Thịnh Đốn, ngày 4 tháng 4 năm 2001.

Thừa ủy Nhiệm Ban Chấp Hành Trung ương
Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do
Chủ Tịch,
Vĩnh Liêm

        
              Sông Côn mùa lũ                                                 

                          (trích)
   
 “ Sông Côn mùa lũ là trường thiên tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết về người anh hùng áo vải Lam Sơn Nguyễn Huệ. Tuy trong cả ngàn trang tiểu sử, chiến công lừng lẫy đuổi  quân Thanh xâm lược chỉ được diễn tả trong có vài trang nhưng đã thể hiện được tinh thần Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn ..Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ trong “chiếu xuất quân” của vua Quang Trung.”. Xin giới thiệu đoạn trích sau đây để thấy sự khác biết một trời một vực giữa ông cha ta ngày xưa và con cháu đớn hèn ngày nay.

Tiếng lao xao rộn rã vì mừng vui và khâm phục. Khi ba quân đã ngồi yên ngay ngắn, nhà vua mới nói:
- Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện chúng ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương nam phương bắc chia nhau mà cai trị. Người phương bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái tổ, các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương bắc. Ở các thời ấy, bắc nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Đinh đến đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi, hại, được, mất ấy đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Namta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng.
Các người đều là kẻ có lương tri lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn. Chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra sẽ bị giết chết ngay tức khắc. Ta không tha một ai. Lúc đó chớ bảo là ta không nói trước . 
Vua Quang Trung nói xong, tất cả đều im phăng phắc. Rồi đột nhiên không ai bảo ai, từ rụt rè đến sôi nổi, tất cả mọi người đều dùng hết sức mình hô to: "vạn tuế, vạn tuế". Nhà vua vui mừng, quay lại nói với Trần Văn Kỷ:

- Cái hạn mười ngày của La sơn phu tử chắc sai rồi. Không đến mười ngày đâu, ông Kỷ ạ!
Hôm sau, vua Quang Trung hạ lệnh tiến quân ra phòng tuyến Ba Dội, Biện Sơn. Dù đô đốc Tuyết đã nhắc đi nhắc lại rằng vua Quang Trung không hề giận dữ khi nghe tin quân Bắc Hà đã rút lui về Ba Dội, Ngô Văn Sở vẫn hoang mang e ngại khi phải ra mắt nhà vua. Quan đại tư mã chùng chình chờ đủ mặt nội hầu Phan Văn Lân và thị lang Ngô Thì Nhậm mới chịu cùng đến gặp Nguyễn Huệ. Nhà vua không chờ cả ba yên vị, đã cau mặt trách:
- Các ngươi đem thân đi theo việc binh, đã lên ngôi tướng suý, ta đã giao cho tất cả mười một tuyên, lại cho tuỳ nghi làm việc. Giặc đến chưa đánh trận nào, mới nghe thấy tiếng đã ù chạy. Binh pháp nói rằng: "Quân thua thì chém tướng". Tội các ngươi đáng chết một vạn lần mới xứng"
Lúc đó Phan Văn Lân và Ngô Thì Nhậm còn trù trừ chưa biết ngồi chỗ nào, còn quan đại tư mã thấy nhà vua liếc về phía cái trường kỷ gỗ lim đặt trước sập, tưởng vua Quang Trung cho phép ngồi, đã định ghé xuống góc ngoài. Nghe vua trách cứ, Ngô Văn Sở vội đứng thẳng dậy. Cả ba người đứng trân, hồi hộp chờ đợi cơn bão kế tiếp. Trong phòng, có thể nghe cả tiếng gió thổi vi vút qua đám lá thông bên kia cửa sổ. Trừ Ngô Thì Nhậm dám nhìn thẳng về phía trước mặt, hai viên võ tướng kia cúi gằm mặt xuống. Đúng lúc căng thẳng ấy, Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân nghe giọng nhà vua dịu lại:
- Nhưng ta nghĩ rằng: Các ngươi đều là kiện tướng, tự nhiên gặp giặc là đánh, sợ đến lúc lâm cơ ứng biến thì không đủ tài. Trước kia ta phải để Ngô học sĩ ở lại cộng sự với các ngươi chính là lo sẵn chỗ đó. Bắc Hà mới yên, lòng người chưa qui phục. Thăng Long lại là một thành trống trải có thể bị đánh bốn mặt, sông núi không có chỗ nào có thể nương tựa. Năm trước ta ra đó, quả nhiên chúa Trịnh không thể chống nổi. Đó là chứng nghiệm. Các ngươi đóng quân trơ trọi ở đấy, quân Thanh kéo sang, người Bắc Hà nào cũng có thể làm nội ứng cho chúng, thì các ngươi nhấc chân nhấc tay sao được? Chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của chúng, đành phải chỉnh đốn đội ngũ rút về giữ chỗ hiểm yếu, trong thì khiến cho lòng quân kích thích, ngoài thì khiến cho giặc kiêu căng, đó là một kế rất hay. Khi mới nghe nói, ta đã đoán là Ngô học sĩ đây chủ trương. Lúc hỏi ông Tuyết, thì quả đúng như vậy.
Ngô Thì Nhậm cảm động đến ngạt thở, tiến tới trước một bước, lạy tạ hai lạy. Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân cũng mừng rỡ, ngước lên hướng về phía nhà vua cười lỏn lẻn, rồi nhớ đến nghi thức cần có, vội nghiêm mặt lại. Da mặt cả hai đều ửng hồng. Nhà vua trỏ chiếc tràng kỷ và một cái ghế gỗ trước mặt, ân cần nói:
- Các ngươi ngồi xuống đi. Ngô thị lang, ông ngồi phía bên này. Nghe nói ông với Phan thị lang đã bị tên "rước voi cõng rắn" đó truất hết quan tước, về quê làm thứ dân, gánh vác sai dịch, có không?
Ngô Thì Nhậm đáp:
- Tâu Hoàng thượng, sự thực có như thế.
Vua Quang Trung cười lớn và nói:
- Quan tước cựu triều các ông đã vứt trả từ lâu rồi, có còn đâu nữa mà truất? Những ai cùng chịu nạn với ông?
- Tâu Hoàng thượng: hai vị lão thần Nguyễn Hoàn và Phan Lê Phiên vì đã ra trình diện ở bộ Lễ trước đây, Trương Đăng Quĩ theo hộ giá nửa đường lại bỏ nên cả ba bị biếm xuống làm chức tư huấn. Nguyễn Quí Nha, Trần Bá Lãm, Vũ Huy Tấn viết thư nói việc Sùng nhượng công đã làm giám quốc theo kế hoãn binh của quan đại tư mã, nên bị hạ ngục. Ngoài ra còn có ba vị hoàng thúc từng cộng tác với chúng ta, có vị gả con cho quan Tây Sơn, nên bị chặt chân vất ra chợ cung.
Vua Quang Trung nhíu mày hỏi:
- Tự hoàng trẻ tuổi, nhút nhát, mà dám làm những việc ác độc như thế à?
Ngô Văn Sở chen vào đáp:
- Bẩm Tướng công, việc gì hắn cũng nghe theo lời xúi giục của Lê Quýnh.
Vua Quang Trung hỏi liền:
- Lê Quýnh, tên nào thế?
Ngô Văn Sở liếc về phía Ngô Thì Nhậm, nhường lời cho quan thị lang vì biết mình không thể thông thạo nhân sĩ Bắc Hà cho bằng Nhậm. Ngô Thì Nhậm đáp:
- Tâu Hoàng thượng, Quýnh quê ở làng Đại Mão, huyện Siêu Loại, vốn là tay phong lưu công tử khi trẻ chỉ biết uống rượu đánh bạc, văn sự võ bị đều ít luyện tập. Trước đây vì là con nhà quyền quí, nên được làm gia thần của vua Lê. Đến hồi quân ta kéo ra, vua Lê sai Quýnh đi hầu thái hậu chạy lên Cao Bằng. Vì bị đuổi gắt không thể không chạy sang Tàu, Quýnh có hơi biết chữ nghĩa, cho nên lúc nói chuyện với người Tàu, thốt ra nhiều câu ba hoa khoác lác. Sĩ Nghị không xét chỗ đó, liền đem lời Quýnh tâu lên. May được vua Thanh ưng chuẩn. Cả bọn theo gót quân Thanh về nước, từ đó Quýnh tự cho đó là công của mình. Sau khi về đến Thăng Long, Quýnh liền ra sức báo ân báo oán, ăn đút ăn lót, làm nhiều việc chẳng ra gì. Hết thảy hào kiệt đều không thích Quýnh, nhưng vua Lê vì thấy Quýnh có công, nên mới giao cho hắn nắm binh quyền .
Vua Quang Trung gật gù, rồi nói:
- Thời suy yếu nào cũng nảy sinh bọn ăn hại đó. Luật trời buộc phải như vậy. Tôn Sĩ Nghị có tin hắn không?
Ngô Thì Nhậm đáp:
- Tâu Hoàng thượng, hắn dắt Nghị về cho vua Lê nên muốn truyền gì, Nghị cũng nói qua hắn. Ngược lại, đi đâu vua Lê cũng dắt hắn theo. Ngày ngày tan buổi hầu, vua Lê tự đến dinh Nghị ở bờ sông Phú lương, chờ nghe việc quân quốc. Lần nào cũng vậy, vua Lê cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh đi sau, quân lính theo hầu chỉ vài chục tên. Người trong kinh thành không ai biết đó là vua Lê. Những ai biết thì đều lắc đầu ngao ngán, than rằng: Nước Namtừ khi có đế có vương đến nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế.
Vua Quang Trung mỉm cười, nói chậm:
- Tốt. Tốt lắm. Tự hoàng do tay ta gây dựng nên, làm gì ta không biết sức hắn đến đâu. Hắn yếu đuối quá, nên luôn luôn phải tìm một chỗ dựa, mới yên tâm. Ta không ngạc nhiên khi thấy trên các tờ hịch chiêu mộ nghĩa quân của hắn không đề niên hiệu Chiêu Thống, mà lại đề Càn Long. Làm như nước Namnày trở thành quận huyện của triều Thanh rồi!
Có lẽ tự nhận thấy từ đầu đến giờ chỉ hỏi Ngô Thì Nhậm khiến hai viên võ tướng thân cận ngồi không yên trên tràng kỷ, nên vua Quang Trung quay về phía Sở và Lân hỏi:
- Còn tình hình quân Thanh thế nào, các ông có nắm được không?
Ngô Văn Sở vội đáp:
- Bẩm Tướng công... tâu Hoàng thượng, quân Thanh ở các đồn tự tiện bỏ cả đội ngũ, lang thang ra ngoài, không còn ước thúc gì nữa! Có kẻ đi ra khỏi thành đến hơn mười dặm để kiếm củi đun, có kẻ đi chợ búa mua bán với dân gian, sớm đi tối về là thường. Tướng sĩ thì ngày ngày chơi bời ăn uống, chẳng nhìn gì đến việc quân. Hễ ai nhắc đến việc quân ta đang mài gươm ở đây, thì chúng đáp: "Chúng nó như cá chậu, chim lồng, sống sót ngày nào hay ngày ấy, không đáng nói đến. Theo quân lệnh của quan lớn Đốc bộ (Tôn Sĩ Nghị), sang xuân, mồng sáu tháng giêng, mới kéo quân thẳng vào sào huyệt Tây Sơn. Lúc đó, đảng giặc sẽ lần lượt làm tù, không đứa nào xổng vó" .
Vua Quang Trung đưa tay ngăn Sở nói tiếp, hỏi dồn:
- Mồng sáu tháng giêng? Chúng nó nói khoác hay là có tin chắc chắn?
Ngô Văn Sở ngước cao mặt, đáp rõ:
- Bẩm... tâu Hoàng thượng, tin ấy chắc chắn.
Nhà vua chồm tới trước hỏi:
- Ông dựa vào đâu khác không? Chẳng lẽ cả tin vào lời bọn say rượu nói khoác?
- Tâu Hoàng thượng, tin thám tử từ Thăng Long báo về cũng nói y như thế. Thấy quân Thanh chùng chình mãi, bọn cựu triều từng rước quân Thanh về cho Chiêu Thống cũng phải đâm sốt ruột. Nghe đâu... (Sở ngập ngừng, liếc về phía Ngô Thì Nhậm, do dự một chặp, rồi mím môi nói tiếp) có một viên quan từng làm phó hiến ở Kinh Bắc dưng sớ thúc giục Chiêu Thống nên tốc chiến. Chiêu Thống cuống lên, sai Lê Quýnh vào thưa lại với Sĩ Nghị. Nghị mắng cho một chập, sau đó vẫn án binh bất động. Về sau, thái hậu lại giục. Đích thân Chiêu Thống cùng Lê Quýnh vào dinh khẩn khoản xin Nghị ra quân. Nghị lại mắng như tát nước cho một trận nữa, rồi hẹn đến mồng sáu năm mới sẽ xuất sư.
Vua Quang Trung trầm ngâm một lúc thật lâu, miệng lẩm bẩm: "mồng sáu tháng giêng... mồng sáu tháng giêng". Cả phòng im lặng. Thật lâu về sau, đột nhiên nhà vua hỏi Sở:
- Còn dân chúng thì thế nào? Ông có chú ý đến lòng dân đối với chúng nó hay không?
Ngô Văn Sở đáp:
- Tâu Hoàng thượng, dân chúng oán ghét quân Thanh và bọn bán nước vô cùng.
Vua Quang Trung cắt lời Sở, hỏi:
- Ông suy bụng ông phải không?
Sở liền đáp:
- Tâu... không ạ. Duyên do lòng oán ghét đó rất rõ ràng đơn giản. Quân Thanh qua đây đông, "đường tiếp tế lương thực thì xa, nên bao nhiêu lương tiền vua Lê thu được của dân đều đem cung đốn cho họ hết sạch"
Nội hầu Phan Văn Lân cũng mạnh dạn thêm lời:
- Hơn nữa, bọn khách trú cũng lộng hành quá lắm. ở phường Hà khẩu trong kinh thành, ở phố Cơ xá của trấn Kinh bắc, và phố Hiến của trấn Sơn nam, khách trú có hơn một vạn. Chúng đều theo quân của Nghị, thành lập hẳn một trại riêng. Bọn đó biết tiếng Nam, nên hằng ngày cho lùng bắt những ai từng làm việc cho chúng ta đem về khảo của, cướp hết tiền bạc rồi giết đi. Mỗi ngày số nạn nhân lên đến ba bốn chục. Ai có máu mặt giàu có, là bị chúng đặt điều vu hãm để chiếm đoạt tài sản. Nhiều hôm, chúng dám cướp bóc, hãm hiếp đàn bà con gái ngay giữa chợ, không kiêng nể ai cả!
Vua Quang Trung bậm môi, giận dữ nói lớn:
- Quân bất nhân, chúng nó tưởng Trời không có mắt ư! Các ông họp quân sĩ lại kể hết cho họ biết.
Rồi hạ thấp giọng, nhà vua ân cần bảo cả ba người:
- "Nay ta tự coi đốc tướng sĩ, phương lược tiến đánh đã tính sẵn rồi. Chẳng qua mười ngày có thể đuổi được giặc Thanh. Nhưng ta nghĩ: nó là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua trận, thế nào cũng hổ thẹn nên cố báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, thật không phải phúc cho dân. Lòng ta không nỡ làm vậy. Tới lúc đó, chỉ có một cách nói cho khéo thì mới ngăn được cái ngòi chiến tranh. Việc ấy, phi Ngô thị lang đây không ai làm nổi. Đợi mười năm nữa, ta đủ thì giờ gây nuôi, nước giàu thêm quân mạnh thêm, thì ta có sợ gì nó!"

N.M.G.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét