Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn được đảng khen luôn bám sát đời sống, nóng bỏng thời sự . Quả vậy, sau “ Ký sự Cao Lạng”, Nguyễn Huy Tưởng đi theo đoàn cải cách ruộng đất xuống ba cùng với bần cố nông và có ngay tiểu thuyết “Truyện anh Lục” viết về nông dân bị địa chủ, cường hào bóc lột tận xương tuỷ, nay nhờ đảng vùng lên đập tan giai cấp bóc lột, làm chủ cuộc đời mình. Tiểu thuyết …dở đến nỗi nhà phê bình Phan Cự Đệ chê ”tác phẩm còn lẫn lộn giữa việc tường thuật về người thật và xu hướng tiểu thuyết hoá, nhưng điều đáng quý là sự nỗ lực của Nguyễn Huy Tưởng đi vào một đề tài mới mẻ với ý thức phục vụ sát yêu cầu cách mạng…”.
Thế thôi, chỉ phục vụ cách mạng chứ đâu phải văn chuơng ? Thực ra “húc” vào đề tài cải cách ruộng đất nhà văn nào cũng phải bịt mắt, bưng tai nói theo giọng cán bộ Đội cải cách, bởi thế các tác phẩm viết ra đều “chết non” như “ Tranh tối tranh sáng ”, “Hỗn canh hỗn cư” của Nguyễn Công Hoan, “Mẹ con đồng chí Chanh” của Nguyễn Đình Thi, “Con trâu “của Nguyễn văn Bổng, “Truyện Tây Bắc “ của Tô Hoài…
Sau 1954, đảng yêu cầu các nhà văn viết về sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc, Nguyễn Huy Tưởng hưởng ứng nhiệt tình , viết ngay tiểu thuyết “Bốn năm sau” (1959). Cuốn truyện xoay quanh công cuộc xây dựng lại Điện Biên Phủ, nơi chiến trường vừa lặng im tiếng súng, vẫn còn chằng chịt giây thép gai và bom mìn để thử thách tinh thần người lính phục viên, rời tay súng, cầm tay cầy. Cuốn sách được các nhà phê bình của đảng “nâng bi” là “ Bốn năm sau mang theo cảm hứng mới phơi phới tinh thần lạc quan cách mạng của những con người làm chủ hiện tại và tương lai…”. Có lẽ vì cái cảm hứng đó mà không đầy “bốn năm sau” ra đời, tiểu thuyết “Bốn năm sau” đã chết ngóm chẳng còn ma nào muốn đọc.
Là nhà văn đi hàng đầu theo chủ trương “sáng tác ” kịp thời , Nguyễn Huy Tưởng luôn luôn được báo chí bốc thơm :
“ Chất hiện thực trong những sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng ngày càng được tăng cường qua những đợt đi thực tế , tham gia chiến dịch , những ngày lăn lộn với phong trào . Anh thấy rõ cuộc sống mới không ngừng phát triển. Đang từng ngày thay da đổi thịt. Ở đâu trong cuộc sống cũng phấp phới cái “cánh bay của một thứ lãng mạn cách mạng ngay trong những công việc hàng ngày”. Đó chính là cơ sở khách quan để nảy sinh chất lãng mạn cách mạng trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng…”
Tuy nhiên sự “đoản thọ” của những sáng tác kịp thời kiểu như “ Ký sự Cao Lạng”, “ Truyện anh Lục”, “ Bốn năm sau”… cũng làm Nguyễn Huy Tưởng phải nghĩ ngợi, nhất là văn chương của ông nâng bi cách mạng quá đà đến độ nhà phê bình “bảo hoàng hơn cả nhà vua” Phan Cự Đệ cũng phải than :
” Nguyễn Huy Tưởng đến với cuộc đời mới với bao cởi mở và tin cậy, không có những khoảng cách giữa nhà văn và cuộc sống qua những dằn vặt cá nhân , những ngại ngùng xa lạ …Nguyễn Huy Tưởng thích khai thác những mặt đẹp của đời sống , cái đẹp của con người mới đang sáng tạo nên những trang sử của dân tộc. Anh nhìn cuộc sống một cách xuôi chiều và có phần lý tưởng hoá. Nguyễn Huy Tưởng chưa thấu hết những mặt phức tạp của cuộc đấu tranh xã hội nên trong một số trường hợp , cách nhận thức và giải quyết vấn đề của anh hời hợt và dễ dãi…”
Tóm lại nói theo ngôn ngữ thời nay là anh viết quá…phải đạo, quá an toàn, luôn luôn đeo chữ “thọ” cho ngòi bút rồi mới tung hoành trên trang giấy. Sau “ Bốn năm sau”, Nguyễn Huy Tưởng hiểu rằng “sáng tác kịp thời” chỉ là sự xui dại của Đảng muốn nhà văn phục vụ chính trị hiệu quả hơn, tức thời hơn và chỉ đẻ ra thứ văn chương “báo tường”. Từ đó ông bỏ hẳn “những chuyến đi thực tế” nhằm cho ra những “sáng tác kịp thời”, bỏ qua những “đề tài khôi phục kinh tế” nóng hổi tính thời sự, ông trở lại đề tài quá khứ với độ lùi đủ để có thể nhìn lại một cách bao quát, tỉnh táo từ đó xây dựng nên tiểu thuyết sử thi, đồ sộ vừa đi sâu vào số phận cá nhân vừa mang tính hoành tráng bão táp cách mạng.
Và Nguyễn Huy Tưởng bắt tay vào tiểu thuyết được coi là lớn nhất trong sự nghiệp của ông :” Sống mãi với Thủ đô”.
Năm 1958 sách viết xong, 1961 sách ra mắt bạn đọc, được nhà văn Nguyễn Tuân viết lời bạt, nhà văn Nguyễn Khải viết bài khen ngợi cùng rất nhiều nhà báo, nhà phê bình khác bốc thơm.
Vậy giá trị thực của “ Sống mãi với thủ đô” của Nguyễn Huy Tưởng là thế nào ? Cuốn sách dày 450 trang mở đầu là cuộc tản cư của người Hà Nội về nông thôn tránh bom đạn giặc Pháp và kết thúc ở một đơn vị tự về đã bước vào ngày thứ hai của cuộc kháng chiến.
Trên sân ga hàng Cỏ hai tháng sau ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9, giữa đám đông chạy loạn người ta thấy Trần Vinh, thầy giáo đưa mẹ xuôi tàu Nam tản cư về quê. Anh gặp lại Trinh người yêu cũ đã lấy chồng giàu có. Lúc này trụ lại Hà Nội và xin vào tự vệ dường như là thước đo giá trị của thanh niên Hà Nội ; bởi vậy khi nghe Trinh hỏi mẹ :
“ Tự vệ phải đánh nhau, sao các anh ấy lại thích vào mợ nhỉ ?”
Trần Văn cau mặt. Trinh không những tỏ ra thờ ơ với thời cuộc mà còn ngu nữa. Hồi yêu Trinh, anh tưởng Trinh thông minh, có ngờ đâu lại thảm đến như thế này…”
Không phải chỉ có Trinh là thờ ơ với thời cuộc, trên sân ga, Trần Văn còn thấy “ một đám thanh niên mặc tây đi xích lô từ phía Hàng Lọng tới. Họ vội vã, hấp tấp, hốt hoảng. Họ cuống cuồng bước lên thềm , chạy vào ga lấy vé , mặt tái nhợt, hơi thở dốc ra . Trông thấy Trần Văn họ bẽn lẽn xấu hổ, người cúi mặt xuống, người ngoảnh mặt đi. Trần Văn cười trong bụng . Chắc chắn họ cũng cùng một loại với mấy anh thanh niên theo gia đình đi tản cư mà anh gặp lúc nãy ở ngoài ke, các anh chàng phải giấu mặt đi để cho đồng bào khỏi trông thấy và xỉ vả là đồ hèn nhát….”
Vậy Trần Văn dĩ nhiên là một thầy giáo giác ngộ cách mạng nên mới có cái nhìn khinh bỉ đối với đám thanh niên cầu an, tản cư khỏi Hà Nội như vậy. Anh là giáo viên sử, dạy trường tư của một “ nhà trí thức cách mạng”. “Anh đã được giảng sử nước nhà bằng tiếng Việt Nam một cách đường hoàng, không phải dè dặt quanh co. Cách mạng tháng Tám đã mở cho anh một cuộc đời mới”.
Học trò của thầy Trần Văn cũng “cách mạng” không thua gì thầy.
Trước hết là cô Quyên, nữ sinh Hà Nội .”Một chị cán bộ đã giới thiệu Quyên vào làm mật mã nhưng Quyên khóc xin thôi. Quyên cho là chị cán bộ khinh mình, vì Quyên thấy cái công tác được giao cho chẳng có gì là chiến đấu cả . Quyên nghĩ rằng đánh nhau thì phải nằm gai nếm mật, mặt trận thì phải là màn sương gối đất chứ có đâu lại đi làm một công việc chẳng có gì là khó nhọc, ro ró ở một xó nhà…” . Thế rồi trong tường tượng, hình ảnh người chồng tương lai của cô nữ sinh này cũng phải là …một người cách mạng. “ Người ấy đã phải bị đầy ra Côn Đảo , đã phải vượt tù trốn về khu giải phóng, và lúc này phải gánh vác những công việc lớn lao. Người chồng lý tưởng ấy của chị có thể không còn trẻ nữa, nhưng chị sẽ yêu với tất cả lòng yêu của chị, chị sẽ hy sinh tất cả cho anh để bù lại trăm nghìn gian khổ mà anh đã phải chịu trong bao nhiêu năm…”
Một quan niệm tình yêu “lãng mạn cách mạng” ghê gớm chưa ? Còn nam sinh của thầy như anh chàng tên Loan thì cũng bị “trí tưởng tượng đưa anh từ cuộc đời còn thơm tho mùi sách vở tới những trận chiến đấu ngổn ngang xác giặc và chính anh có thể chết dưới đống gạch ngói của phố xá điêu tàn…”.
Đứng giữa đám học sinh “mắt long lanh như sắp xông lên chiến đấu”, anh giáo Trần Văn bỗng “thèm làm một người cán bộ nắm được hết tình hình, biết mình sẽ làm gì và đi tới đâu. Anh cảm thấy con người mới phải là con người chẳng kể trường hợp nào , đều làm chủ được tình thế …”. Và rồi để “động viên tinh thần chiến đấu” cho đám học trò, anh giáo kể câu chuyện cái lỗ đạn Pháp bắn vào thành Hà Nội ngày 20-11-1873 bị một nhà nho nào đó lấp đi để “nhân dân hàng ngày khỏi trông thấy mà thêm nhục”. Mấy hôm sau, một ông nhà nho khác lại khoét cái lỗ ấy ra với lý lẽ “ phải để đấy cho mọi người luôn luôn trông thấy cái nhục mà nghĩ đến việc cứu nước…”. Hai ông cứ người lấp người phá cho đến khi Pháp biết chuyện đem rào kín cổng thành lại (!). Câu chuyện thực hư không biết sao, nhưng người Hà Nội mỗi lần đi qua phố Cửa Đông đều nhìn thấy cái lỗ đạn ấy và không hiểu Pháp đã rào nó lại bằng cách nào ?
Anh giáo Trần Văn kể xong câu chuyện , kết luận :
“ Tôi nghĩ lúc này là lúc chúng ta lấp cái nhục bằng gươm bằng súng đấy…chúng ta sẽ cho chúng nó biết rằng chúng ta không phải là một lũ hèn…”.
Ngoài đám thầy trò Trần Văn sôi sục tinh thần yêu nước, người ta còn thấy cô Nhân, bán hoa ở Ngọc Hà, thầm yêu anh giáo, chị họ cô Nhân có chồng chết trong khi Nam tiến, đứa con trai tuổi còn con nít tên Dân cứ nằng nặc xin đi…bộ đội vì nhớ bố quá, tất cả đều trong không khí sẵn sàng…đánh Pháp. Ơ vườn hoa Cửa Nam, Trần Văn gặp một người thợ nặn các tượng Quan Công, Hạng Vũ…bằng bột bán cho con nít. Khi một đoàn xe “ chở toàn Tây mũ đỏ, kèm theo mấy con nhà thổ, me tây loè loẹt” chạy qua, anh thợ nặn bột lên tiếng chửi theo kiểu rất …“trí thức” :
“ Đánh Đức thua Đức, đánh Nhật thua Nhật, đánh đâu thua đấy, bắt nạt Việt Nam. Mẹ cha mày, bố mày cũng không dám đánh đêm…”
Được nghe chửi như vậy, anh giáo càng thêm phấn chấn . Anh bĩu môi lẩm bẩm :” Mọi bạo lực, mọi cường quyền mạnh đến như sấm như sét rồi cũng tan đi như bọt. Hạng Vũ, Attila, Nã Phá Luân , Hitle và Lơ Cléc , tất cả , trước hay sau, chóng hay muộn tất cả đều đổ sụp. Chỉ có nhân tâm là muôn thủa…:”
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét