Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 82)



                                   
                                   (tiếp theo)

Trong cộng đồng người Hà Nội, không hiểu sao thương gia,  doanh nhân giàu có luôn luôn bị các nhà văn cộng sản coi là xấu xa, tiến thân bằng lừa gạt phản trắc.
Ông Cự Lâm là một thương gia như thế  :
“ Một người chú họ làm ở Hồng Kông mua được nhiều hàng quý như gương , thảm, giường Hồng Kông, len, dạ, tơ lụa, đồng hồ, bút máy…hàng tháng gửi về nhờ ông giữ hộ. Cư hàng chục năm như vậy. Nhưng ông Cự Lâm đã bội tín, chiếm hẳn những của ấy làm của mình, và từ một người buôn chè nhỏ , ông cứ phất mãi lên.. . ..”
Ông Cự Lâm đã xấu vậy, bà vợ ông cũng chẳng tốt đẹp gì :
Bà trông bệ vệ nhưng đần độn. Bà chỉ là một cái máy đẻ. Việc kinh doanh của chồng thì bà không biết gì, việc trông nom trong nhà , từ tiêu pha trong nhà đến bếp nước giỗ chạp thì đều do bà giáo ( em chồng) mà bà ta cũng rất sợ. “
Thế hệ bố mẹ đã vậy, tất nhiên con cái phải khác, phải giác ngộ cách mạng thì mới phù hợp với chiều hướng xã hội mới - bởi vậy nhà văn cho cậu con trai tên Phúc và hai cô con gái tên Lan và Hương khăng khăng ở lại Hà Nội xin vào tự vệ. Hành động cách mạng đầu tiên của Phúc là “chơi” bố một vố choáng váng đúng vào ngày giỗ bà nội :
“ Đêm hôm qua trong lúc ông Cự Lâm đang nằm nghe bên ngoài người nhà làm cỗ, lòng ngổn  ngang  vì tình hình , não ruột vì khu phố thúc giục tản cư thì một tin đưa tới làm cho ông rụng rời đổ đốt : Phúc đã tự tiện đến nhà Quảng Xương  Long bắt người gác phải mở cửa và cùng một số đông tự vệ xông vào kho. Người gác giữ lại thì Phúc chửi mắng thậm tệ, đành phải báo bằng dây nói cho ông biết.”
Hoá ra tự vệ cần cuốc xẻng đào hầm, ông Cự Lâm có cả một kho nhưng không ủng hộ nên con trai ông kéo tự vệ tới phá kho :
Cửa hiệu lúc ấy như đang bị bọn kẻ cướp đánh phá. Phúc đứng ở ngoài vỉa hè hò hét giục mọi người . Cự Lâm nghe rõ tiếng Phúc oang oang :” Cần bao nhiêu cứ lấy. Càng nhiều càng tốt. Ông cụ đã muốn keo bẩn thì cho keo bẩn một thể…”
Đã dắt tự vệ phá kho của bố , thoát ly gia đình đi tự vệ , Phúc còn ngoái cổ chửi bố . Anh thổ lộ với đồng đội :
“ Các anh nên hiểu cho tôi. Tôi ngồi trên đống của thật đấy, nhưng tôi không muốn nối cái nghiệp làm giàu của cậu tôi. Cái dịp ấy bây giờ đã đến với tôi…” 
Cái dịp ấy chính là “vào làm giáo viên hội truyền bá mặc dầu nhà cấm vì sợ mật thám theo dõi . Đã có lúc anh đóng cửa buồng lại, đứng trước gương tập diễn thuyết để sau này ra làm việc xã hội …”
Trong hội nghị quân sự của Liên khu 1 Hà Nội, tiểu đoàn trưởng vệ quốc quân đứng lên nói xấu người Hà Nội :
Thì Hà Nội là đất của tiểu tư sản , bấp bênh và quay quắt , cách mạng lên thì nó ào ào đi, cách mạng xuống thì nó quay lưng lại, Pháp cũng theo, Nhật cũng theo , tàu trắng cũng theo, Việt Minh cũng theo và nếu Mỹ vào thì cũng đi với Mỹ…”
 Hội nghị quân sự Liên khu 1 Hànội vào trước đêm toàn quốc kháng chiến gồm các cán bộ quan trọng bàn về tác chiến mà lạ thay suốt hơn 30 trang diễn tả hội nghị , phần lớn các nhân vật chỉ  hô khẩu hiệu suông :
Đồng chí Bí thư nói :
“ …Chúng ta phải làm những người tiên phong đi giải phóng dân tộc chúng ta. Trong ngày vừa qua, nhiều đảng phái đối lập công kích ta, hòng làm giảm uy tín của Đảng ta. Họ đòi chia quyền lãnh đạo , thậm chí đòi Đảng ta bỏ quyền lãnh đạo . Nhưng trong lúc Tổ Quốc lâm nguy này thì họ ở đâu ? Người  đứng mũi chịu sào trung thành với dân tộc vẫn chỉ có Đảng ta. Trong cuộc kháng chiến này , một lần nữa , Đảng ta lại làm cái sứ mạng là  lái con thuyền Tổ Quốc vượt qua bão táp phong ba tới bờ thắng lợi …”
Hoá ra trong lúc nước sôi lửa bỏng, đảng ta vẫn lo việc giữ độc quyền lãnh đạo và suy cho cùng, chính cuộc kháng chiến chống Pháp đã giúp đảng loại bỏ các đảng đối lập một cách dễ dàng.
“ Ông Khu phó phát biểu :
“ Nói tóm lại, nếu các đồng chí có một quyết tâm thật là sắt  đá , nếu các đồng chí dựa được vào lòng yêu nước của bộ đội , của nhân dân , nếu các đồng chí biết phát huy những điều kiện thuận lợi đặc biệt của Liên khu 1 thì các đồng chí nhất định chiến đấu lâu dài trong thành phố được . Chính phủ, Hồ Chủ tịch  giao cho các đồng chí một nhiệm vụ rất vinh quang. Các đồng chí cố lên. Dù có phải hy sinh thế nào cũng phải cầm cự tới cùng…”
Ông tiểu đoàn trưởng :
“ Chúng tôi, những người Vệ quốc quân, chúng tôi quyết không để cho Pháp thực hiện cái ý đồ của chúng. Nghĩa là chúng tôi sẽ hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi xin thề như thế trước chân dung Hồ Chủ tịch, trước mặt đồng chí Bí thư, đồng chí Khu phó và tất cả các đồng chí…”
Ngày nay khi đã có một “độ lùi” nhất định nhìn lại các sự kiện lịch sử, người ta lấy làm  lạ rằng trong những ngày đầu rơi máu chảy, biết bao nhiêu bà già con trẻ lạc lõng bơ vơ, biết bao gia đình tan nát như những tổ chim trước bão….Một xã hội đang vỡ tung trong loạn lạc, bi kịch về thân phận con người đang bị đẩy tới đỉnh điểm . Một khoảnh khắc lịch sử tràn đầy máu và nước mắt. Vậy mà thật đáng ngạc nhiên, ngòi bút của ông nhà văn không đi sâu khai thác những nỗi bất hạnh trong  chiến tranh , ngược lại dùng rất nhiều trang ghi lại phát biểu “đao to búa lớn” của mấy ông cán bộ đảng khi súng sắp  nổ trên toàn thành phố rồi vẫn còn cà kê ngồi khai hội.
Ông Bí thư lại nói nữa :
“ Chúng ta muốn hoà bình. Đến phút cuối cùng Hồ Chủ tịch vẫn cố gắng duy trì hoà bình. Nhưng chúng nó cố tình cướp nước ta lần nữa . Chúng đã khai chiến  ở Hải Phòng , chúng đã khai chiến ở ngõ Yên Ninh rồi. Chúng ta muốn hoà bình , nhưng không phải hoà bình trong nô lệ. Chúng ta quyết đứng lên chiến đấu, bảo vệ quyền lợi cho dân tộc , đập tan sự nguy hại cho nền dân chủ và hoà bình …”
Người ta không hiểu sao phần lớn cán bộ đảng cứ thích nói dài, nói dai, nói chính trị quanh đi quẩn lại vài điều người nghe dường như đã “biết rồi, khổ lắm…”. Rất có thể trong khi nói, khoái  cảm  “đứng trên đầu thiên hạ” tràn trề trong người làm cán bộ khó mà dứt được.
Sau khi nhắc đến cụ Hồ rồi, ông Bí thư lại nhắc tới lãnh tụ khác :
Như  đồng chí Trường Chinh đã nói, chúng ta sẽ làm cho giặc đói không có ăn, khát không có uống, có chân như què, có mắt như mù, có miệng như câm. Các đồng chí hãy nêu cao tinh thần dũng cảm của người cộng sản quyết chiến quyết thắng…”
Cứ như thế ông Bí thư độc chiếm diễn đàn cho tới khi cuộc họp kết thúc sau suốt một ngày một đêm “hô khẩu hiệu suông”.
Lúc này ngoài cổng trụ sở có một cô gái chờ sẵn suốt trong lúc cán bộ  họp. Đó là cô Quyên, nữ sinh Hà Nội , đang muốn “nằm gai nếm mật, ở mặt trận thì phải là màn sương gối đất  chứ có đâu lại đi làm một công việc văn phòng chẳng có gì là khó nhọc, ro ró ở một xó nhà…” . nữ sinh ôm ấp hình ảnh người chồng tương lai phải  đã  bị đầy ra Côn Đảo , đã phải vượt  tù trốn về khu giải phóng, và lúc này phải gánh vác những công việc lớn lao.”  để cô có thể “ hy sinh tất cả cho anh để bù lại trăm nghìn  gian khổ mà anh đã phải chịu trong bao nhiêu năm…”.
Với nhân vật Quyên , Nguyễn Huy Tưởng báo hiệu sự xuất hiện của  thế hệ thứ nhất của hồng vệ binh Việt Nam  theo sau những tên tuổi như Lý Tự Trọng và sau này là Võ thị Sáu.
Vậy trong suốt một ngày một đêm cô Quyên chờ ai vậy ?
Đó là “chị Oanh” , nguyên nữ sinh trường Đồng Khánh, “đã dẫn đầu các bạn học đi dự lễ kỷ niệm Gian Đa và Hai bà Trưng do trường Anbe Xarô và trường Bưởi cùng làm chung. …Thế rồi Oanh bị đuổi. Trước  ngày Nhật  đảo chính, Oanh tham gia cách mạng. Sau đảo chính Oanh càng hoạt động tích cực. Bị Nhật lùng bắt , Oanh phải thoát ly gia đình ra ngoại ô. Trước ngày cách mạng, Oanh là một trong những người  phụ nữ  cứu quốc đứng trên gác Nhà hát thành phố , diễn thuyết hô hào ủng hộ Việt Minh trước đám biểu tình ngày 17 tháng 8….”
Vậy Oanh là một nữ cán bộ to, được dự Hội nghị quân sự Liên khu 1 lại được ngồi xe ô tô về Bắc bộ Phủ. Gặp được Quyên, cô kéo  Quyên tiện thể ngồi ô tô luôn. Khi xe chạy qua Trường nữ học Đồng Khánh vốn là trường cũ của Quyên, “cô bỗng vịn lên vai Oanh, kêu :
“ Chị ơi, trường Đồng Khánh của chúng ta đây này…”
Oanh nói :
“ Đừng gọi cái tên thằng vua ấy nữa . Bây giờ là Quận uỷ hội…”
“ Không hiểu sao, em nhớ trường cũ qua, chị ơi…”
Vậy là cô Quyên “lính mới” vẫn còn một chút nhớ nhung, xao xuyến về “mái trường xưa”, còn cô cán bộ Oanh, phản xạ đã sặc mùi chính trị , nghe nhắc tên trường đã giãy nảy vì nó là tên “cái thằng vua” bất chấp nó là “mái trường xưa đầy kỷ niệm”.. Có thể tiên đoán được rằng, sau này “khi cách mạng thành công” loại nữ cán bộ như Oanh sẽ trở thành những Bộ trưởng , Thứ trưởng và với cung cách suy nghĩ “lấy chính trị làm thống soái” như vậy, có thể thấy trước họ sẽ đưa đất nước đi tới đâu .

                        (còn  tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét