Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

SỰ THÊ THẢM CỦA CÁCH MẠNG TRUNG QUỐC (KỲ1)



                                                                      Nhà văn VŨ HUY QUANG
                                                            (Hoa Kỳ)

                                            Nhà văn Vũ Huy Quang ( áo pull đen)

 Dòng lịch sử không chảy theo đường thẳng


“Chính quyền Mao này, chả phục vụ “giai cấp” nào cả, chỉ phục vụ “giai-cấp-Đảng” thôi; khởi đầu chủ trương lấy nông dân làm sức mạnh, (nông thôn bao vây thành thị). Nhưng sức mạnh nông dân đóng góp không cho nông dân hưởng kết qủa, nên đời sống nông dân không thay đổi gì; đến nỗi thời Đặng Tiểu Bình, ở Trung quốc số phận họ vẫn là, “nông dân thật nghèo, nông dân thật khổ, nông dân thật nguy hiểm”

Tham khảo:
-“The Tragedy of the Chinese Revolution” – Harold R. Isaacs. (Sự thê thảm của Cách mạng Trung Quốc)
-“Sử Trung Quốc” – Nguyễn Hiến Lê
-“On Stalin and Stalinism”- Roy A. Medvedev. (Về Stalin và chủ nghĩa Stalin)
-“Ch’en Tu-Hsiu (1879-19420 And The Chinese Communistt Movement” - Thomas. C. Kuo. (Trần Độc Tú và phong trào cộng sản Trung quốc)

Thỉnh thoảng tôi được vài người bạn từ phương xa đến thăm. Được hân hạnh gặp khách phương xa ghé đến, nhưng ai mà ít phương tiện, thì tôi cũng hân hạnh đến thăm họ. Người nào người nấy trên 70 cả rồi. Tâm sự hồi lâu với nhau, sau rồi những người ấy đều có chung câu hỏi,”Nếu không còn việc gì vui ngoài việc đọc sách, sao không chia xẻ với bàn dân thiên hạ những điều đọc được?” Dù tôi nêu bất cứ lý do gì để thoái thác, như “Đọc rồi viết bài điểm sách cũng không dễ. Đọc mà dịch ra thành sách, thì gặp nhiều khó khăn khác. Nào trích dẫn, ảnh minh họa, xin phép xuất bản, xin phép dịch thuật, kỹ thuật ấn loát…Có một mình, kém kỹ thuật, nên không làm gì.” Họ bảo, “Nếu cứ kể lại chuyện đọc sách…như bạn bè mỗi lần ngồi với nhau thế này cũng vui, thuật lại được tới đâu hay tới đó. Chả lẽ đọc xong rồi yên lặng? Sách ở đâu mà ra? Sách là do đời đem đến. Đọc rồi, sao không trả nợ đời, nợ người?” Tôi ngẫm nghĩ, thấy cũng có lý. (Phục nhất, là các cô làm ở Thư Viện tỉnh tôi ở, lần nào cũng niềm nở giúp đỡ cho tôi việc mượn sách). Cho nên tôi có bài viết không phải điểm, chẳng phải dịch này.
Trong 4 cuốn sách liệt kê ở trên, tôi thấy chúng đều quy về 1 điểm, là Sự thê thảm của Cách mạng Trung Quốc - trùng với nhan đề sách của Harold R. Isaacs - nên tôi làm sườn cho bài viết này, cộng với nhiều nhãn quan tứ xứ, mong có thể chứng minh là, “dòng lịch sử không chảy theo đường thẳng.”
         
Trung Quốc có những mốc lịch sử:
1/ Cách Mạng Trung Quốc lần 1, thường gọi là cách mạng Tân Hợi (1911), lật triều đình phong kiến Mãn Thanh.
2/ Cách mạng Trung Quốc lần 2, gọi là “phong trào Ngũ Táp”: Từ tháng 5 ngày 30 năm 1925, nổi dậy ở Thượng Hải, đồng thời với nhiều tỉnh kỹ nghệ khác, cho đến tháng Chạp ngày 11, 1927 (công nhân bị tàn sát ở Thượng Hải), cùng với sự tàn sát cùng năm ở Canton (Quảng Châu).
(Số 30, hay “tam thập”, người Trung Quốc hay phát âm là “Táp”).
3/ Ngũ Tứ Vận Động (tháng 5 ngày 4, năm 1919), là biến cố sau cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, mà lãnh tụ là Trần Độc Tú, khởi từ 1915. Phong trào Cách Mạng Văn Hóa này, vô cùng quan trọng trong việc chuyển đổi đầu óc thanh niên hồi đó, bắt nguồn từ Tân Văn hóa, Tân Thanh niên do Trần Độc Tú – Lý Đại Chiêu khởi xướng, cùng các trí thức đương thời mà thành. (Tháng 5 ngày 4, 1919 cũng là ngày sinh viên xuống đường biểu tình phản đối tại Bắc Kinh nhân dịp phản đối chính quyền Đoàn Kỳ Thụy chấp nhận Hòa Ước Versailles mà phe Đồng Minh sau Thế chiến I, chia nhượng Sơn Đông cho Đức.)
Điều kỳ lạ, là Cách mạng lần 2, (1925-27) cũng gọi là Phong Trào Ngũ Táp, cả Hoa Lục cũng như Trung Hoa Quốc Gia (Đài Loan) đều rất ít đề cập, hoặc tránh không nhắc đến. Đây là giai đọan khởi từ cuối triều Mãn Thanh: Sau Ngũ Tứ Vận Động, là thời mà Trung Quốc đang chuyển mình. Có rất nhiều khuynh hướng: vừa muốn bảo thủ (“phục tích”: tôn quân, khôi phục ngôi vua); vừa muốn lập Quân chủ Lập hiến (như Anh-Nhật); vừa muốn theo Cộng Hòa (như Pháp); vừa muốn cách mạng giai cấp (triệt để như Cách Mạng Nga), trong lúc trên đất Trung quốc Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Nhật cùng hiện diện tại Trung Quốc, mỗi thế lực có ý đồ riêng, cùng tranh giành ảnh hưởng - tư bản thì muốn độc chiếm thị trường Á Châu…giữa lúc Trung quốc ở ngưỡng cửa thời khoa học kỹ thuật mới, đang du nhập tư tưởng thế giới mới. (Đầu thế kỷ 20, Trung Quốc có 10 triệu người du học, tản mác trên toàn cầu.)
Giữa những biến cố, có những khúc ngoặt do hoàn cảnh, do ý định của các thế lực quốc tế bên ngoài, do các đấu tranh gian khổ của người bị áp bức bên trong…đã đối chọi nhau. Thất bại của cuộc cách mạng lần 2, không chỉ vì sự sai lầm đường lối, thiệt thời cơ, thua nước cờ chính trị…mà còn là bài học do sự thiếu kiến thức về đấu tranh giai cấp mà ra. Kết qủa không chỉ tốn thời gian, hại vật lực, mà còn tổn phí oan uổng bao nhiêu xương máu.
Lịch sử Việt Nam và lịch sử Trung quốc gắn bó, soi chiếu lẫn nhau. Việt Quốc, Việt Cách, Việt Minh, Đồng Minh Hội, Tam Dân chủ nghĩa, Quốc Dân Đảng…các danh tính như Trương Phát Khuê, Lý Tế Thâm, Tưởng Giới Thạch, Cù Thu Bạch, Lý Lập Tam, Ngũ Tứ Vận Động và Quốc Tế Cộng Sản…đều không xa lạ với tai nghe, nhưng tài liệu đọc, thì không có mắt thấy…cho những ai muốn nghiên cứu lịch sử.
Thảng hoặc, cả hai chế độ muốn cho tất cả chìm vào quên lãng? Thời thực dân, dĩ nhiên chúng không cho biết, thông tin báo chí bị kiểm duyệt đã đành. Nhưng Lịch sử Việt Nam cận đại, miền Nam dưới chế độ Cộng hòa, thì chế độ Ngô Đình Diệm không muốn nói rõ tại sao Tưởng bỏ chạy trong khi Mỹ ủng hộ hết mình; miền Bắc không muốn động chạm đến Mao, vì Đảng CS TQ đã có thời cộng tác Quốc Dân Đảng tới ba lần. (Ngay như đến cuộc đè bẹp các nhà văn đòi tự do sáng tác từ “thời kỳ Diên An”, “Mao Thọai” chủ trương thế nào, Hoàng Thạch Vệ là ai, Hồ Phong đòi hỏi gì, Đinh Linh bị lưu đày thế nào…cũng không mấy ai rõ đầu đuôi; phong trào Trăm Hoa có ý định gì…cũng không được biết ngọn ngành. Muốn học hỏi khởi nguồn Đảng Cộng Sản Trung quốc, thì vướng ngay tới Trần Độc Tú, là nhân vật lịch sử mà “các Cụ lãnh đạo” ở Trung cũng như ở Việt đã lên án tàn mạt!)
Nhưng chìa khóa vào cái lâu đài chứa kho tàng lịch sử cứ mãi lấp lánh, ẩn hiện chập chờn mãi cho những ai muốn tìm nó. Khi có chiếc chìa khóa, như mở được cửa lâu đài. Chúng ta mở được cửa vào trong rồi, thôi thì vô vàn cánh cửa buồng khác nhau. Mỗi phòng là một kho chứa, nào nhân sự, nào thời sự, nào văn chương, lý luận, chủ nghĩa, chủ trương…mỗi cánh cửa mở ra, tàng trữ một kho tàng khác nhau.
Thomas C.Kuo, là tác gỉa “Trần Độc Tú (1879-1942) và Phong trào Cộng Sản Trung quốc” -1975; cùng Harold R. Isaacs, “Sự thê thảm của Cách mạng Trung quốc” -1938; và Roy A. Medvedev “Về Stalin và Chủ nghĩa Stalin” -1979…là vài cuốn sách cùng có mục đích, theo tôi, là muốn trao cho người đọc chiếc chìa khóa vào lịch sử cận đại Trung quốc.
Đành phải khái lược ít nhiều. Bẹnjamin I. Schwartz, giáo sư Sử của ĐH Harvard phải kêu lên,” Thời kì hợp tác Quốc Dân Đảng-Cộng Sản (1923-27) không còn nghi ngờ gì nữa, là một thời kì bối rối và phức tạp nhất của lịch sử cận đại.” (“Chinese Communism and the rise of Mao” – B.I. Schwartz, tr.46.) Trong thời kì này, nhiều nguồn thông tin khác nhau, cái nào cũng có lí, cái nào cũng đáng ngờ. Ngay cả tài liệu của Quốc Tế Ba cũng vậy. Các chính khách thì nói một đàng làm một nẻo.
Nếu chúng tôi cứ nói mãi về một nhân vật – bất cứ nhân vật nào - như Lý Đại Chiêu (trí thức), Diệp Đĩnh (tướng); Borodin (cố vấn); Phùng Ngọc Tường (sứ quân); Cù Thu Bạch (chính trị), cũng như cuộc chứng kiến của chỉ một nhà văn (như H.R.Isaacs)…cũng đủ mất nguyên một cuốn sách về họ. “Thủy Hử” chỉ có 108 anh hùng mà thôi, “Tam Quốc” chỉ có ngựa gỗ, trâu gỗ, cung tên, cùng mươi ông mưu sĩ mà thôi. Nay thì nào Mỹ Anh Đúc Nhật Nga Pháp, còn cả ngàn nhân vật biến hóa, lại thêm xe tăng, phi cơ, đại bác, chiến hạm…cùng hàng trăm triết gia, lý thuyết gia! Trước chỉ có nông dân khởi nghĩa. Nay thì công nông, tư sản, tư sản mại bản, tư bản, đế quốc…cùng hàng nghìn ông cố vấn.
Nay xin trở lại đề tài chính.
Trong số sách hiếm hoi - có thể là độc nhất - tôi đọc được về lịch sử cận đại Trung quốc mới đây bằng Việt ngữ, là cuốn “Sử Trung quốc” của Nguyễn Hiến Lê – 1998. Nửa phần sau (quan trọng nhất) nói về “Chiến Tranh Quốc Cộng”, (tên một chương của tác gỉa NHL đặt) tức là về thời kỳ Tưởng Giới Thạch tiến hành cuộc Bắc phạt, (đánh các sứ quân miền Bắc) năm 1937.
Tác gỉa Nguyễn Hiến Lê (NHL) không thích thối nát của Quốc, cũng như không ưa “độc tài’ của Cộng, nhưng danh nghĩa mà NHL gán cho cuộc Bắc Phạt của Tưởng Giới Thạch là “cuộc chiến Quốc Cộng”…thì có hấp tấp. Khi đối chiếu với dữ kiện lịch sử: Các sứ quân mà Tưởng làm đối tượng cho cuộc Bắc Phạt là Ngô Bội Phu, Diêm Tích Sơn, Trương Tác Lâm, Tôn Truyền Phương, Trương Học Lương, Dương Hổ Thành…đều là các “sứ quân chống Cộng” cả. Tưởng có khi nào chống Cộng trước đó? Ngay từ lúc thành lập Quốc Dân Đảng, đảng này đã có khuynh hướng hợp tác với Cộng Sản - do Tôn Dật Tiên và QTCS cùng thỏa thuận.
Đại diện QTCS đầu tiên là Gregori Voitinsky, người thứ hai là Maring (Hendricus Sneevliet), người thứ ba là Michael Borodin, rồi Pavel Mif…đều chủ trương QDĐ và CSTQ hợp tác, do chỉ thị của Stalin. Ban chấp hành (5 người) đầu tiên của QDĐ có Lý Đại Chiêu (CSTQ) là đại diện. Trong lịch sử thì có 3 lần hợp tác Quốc Cộng. Lần nào cũng có kết qủa bi thảm cho Đảng CSTQ. Nếu có tàn sát, thì không phải Cộng đánh Quốc, càng không phải Quốc đánh Cộng, mà chỉ là Tưởng giết công nhân nông dân, giết cả sinh viên, văn nhân, ký gỉa – nếu cần - để phục vụ cho tư sản mại bản (comprador). Không nhìn thấy giai cấp buốc gioa (Tư sản), không nhìn thấy Công Nông, và gán cho các cuộc nổi dậy của họ là Cộng sản nổi dậy, là trở ngại chính cho cuốn “Sử Trung Quốc.”

                (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét