Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

SỰ THÊ THẢM CỦA CÁCH MẠNG TRUNG QUỐC (KỲ CUỐI)


                                                      Nhà văn VŨ HUY QUANG
                                                                        (Hoa Kỳ) 
                   (tiếp theo và hết )

Nguyên lai việc tố Trốtkít tại Trung Quốc là gián điệp cho Nhật.

Những vu vạ trắng trợn nhất cho Trần đều có kế hoạch: Bài đầu tiên ký tên Khang Sinh. Khang Sinh là cán bộ học từ Nga về.
Khang Sinh quê ở Tượng Sơn, mạn đông Sơn Đông. Năm 1921, học trong lớp dạy của Cù Thu Bạch tại Đại Học Thượng Hải, rồi gia nhập Đảng CS. Giữa 1925-28, hoạt động trong phong trào Nghiệp đoàn do Tường Dĩnh, lúc ấy là bí thư phân bộ Thượng Hải, lãnh đạo. Sau được làm nhân viên an ninh cho ban An ninh chính trị Thượng Hải. Sau cuộc tan rã hợp tác Quốc Cộng năm 1927, Khang Sinh sang Moscow du học, ở đó cho đến 1937 thì về Trung Quốc - cùng Vương Minh (tên họat động của Trần Thiếu Vị) và Trần Vân. Rồi là thành viên trong ban Tổ chức tại Diên An, phụ trách về An ninh tình báo. Khi Khang Sinh viết bài tố Trần Độc Tú là Trốtkít và là gián điệp Nhật, nhiều người cũng đoán ngay lý do Đảng CSTQ hẳn có chủ ý khi ĐCSTQ để Khang Sinh là người đứng tên bài tố cáo đó.
Trong những năm Trần tạm thích, ông sống ở Nam Kinh, thời kỳ mà Trần muốn giải tỏa mọi nghi ngờ ông sẽ lập chính đảng khác. Ông thường nói với người thân cận rằng ông sẽ không có ý định đó. Trước khi Nam Kinh rơi vào tay quân Nhật tháng Chạp 1937, (do Tưởng đánh điện ra lệnh cho Tướng Đường Sanh Chí rút lui, bỏ Nam Kinh cho Nhật ngày 11, đến ngày 13 thì quân QDĐ rút xong hết) Trần đã đi Vũ Hán, ở đó ông diễn thuyết vài lần, kêu gọi chống Nhật. Cùng lúc ông viết những bài nghị luận trên “Chính Luận tuần báo”, “Dân Ý tuần báo”. Tư tưởng của ông vẫn được quần chúng kính trọng, nhưng không được lòng Đảng Cộng Sản.
Trên số tuần báo Tiền Phong, cơ quan ngôn luận chính của Đảng CSTQ ở Diên An, có bài trong mục “Diễn Đàn” (mục chính luận cốt yếu), đăng ngày 20 tháng 11, 1937, nhan đề “Ông Trần Độc Tú đi đâu?” Bài viết gỉa vờ như thấy quan điểm của Trần Độc Tú mới đây, tuy khác với tư tưởng của nhóm Trốtkít Trung quốc, khi mà ông kêu gọi đoàn kết chống Nhật để được quần chúng ủng hộ, nhưng bài báo chỉ trích tư tưởng ông thực ra không biết làm cách nào để thực hiện mục đích. Cơ quan ngôn luận của Mao chêm lời bình luận,
“Tư tưởng của ông Trần vẫn là tư tưởng thời Ngũ Tứ Vận Động – tuy thân thể đang tự do, nhưng tinh thần vẫn còn ảnh hưởng tâm lý tiểu tư sản”.
Sau đó, một bài dài hơn nữa cũng của Khang Sinh, “Để tiêu diệt Nhóm Trốtkít là gián điệp cho Nhật và là kẻ thù chính của quốc gia” (“Chỉnh Phong” số 29-30, ngày 28-29 tháng Giêng, 1938) trong đó tố cáo,
“Ông Trần và “bè lũ Trốtkít” dung dưỡng cho sự xâm lăng của lính Nhật “để đổi lấy viện trợ tiền bạc của Nhật”.
Ngay hôm sau, trên các báo chính ở Vũ Hán, như “Đại Công Báo”, “Vũ Hán nhật báo”, “Sao đảng nhật báo” đều đăng Thư Ngỏ của những trí thức tên tuổi, các Lãnh tụ Quốc Dân Đảng, các ký gỉa, đồng thanh phản bác, rằng “những giọng lưỡi của kẻ ngọai cuộc không có quyền can thiệp vào đường lối, lý tưởng của Đảng CSTQ”.
Thế mà, báo Cộng Sản tại Diên An, như “Chỉnh Phong”, “Tín Hoa nhật báo”, sau đó vẫn buộc Trần là gián điệp một cách vô sở cứ như cũ – dù,
Tư cách cùng nhân phẩm của ông Trần đối với quốc dân không ai chối cãi được, và những kêu gọi kháng Nhật của ông thì dân Trung quốc, ai cũng biết. Chữ “Phản bội” chính ra để chỉ ngược lại cho những kẻ tố cáo ông.” (“Đại Công Báo, tháng Ba, 16-1938).
Mọi cáo buộc nêu đích danh Trần Độc Tú đã phải chấm dứt ngay từ hồi đó.
(Cách đây vài năm, có lần cạnh ngay nhà, tôi có quen vợ chồng hàng xóm người Trung, cựu sinh viên Bắc Kinh qua Mỹ làm việc. Khi hỏi họ về Trần Độc Tú, họ trả lời ngay, như cái máy - rằng Trần là “người sai lầm, hợp tác với Nhật”. Chúng tôi không có dịp tiếp xúc thêm nữa. Những điều họ phát biểu, là điều họ được dạy từ trong sách giáo khoa hồi nhỏ. Nhưng thế mới biết, phỉ báng có tác dụng lâu bền thật.)
Giọng lưỡi tố cáo của Khang Sinh này, nghe quen thuộc lắm, nhất là trùng với thời kỳ Đảng CSTQ ở Diên An. Lại liên tưởng tới “Tọa Đàm Diên An”, “Mao Thoại” cùng những oan khuất của nhiều nhà văn muốn li khai khỏi quyền lực chính quyền.
Nhưng sự thê thảm nhất của thế hệ chúng ta, là chúng ta đã không hiểu nhiều nhặn gì về chủ thuyết Cộng Sản đã đành, chúng ta cũng chẳng hiểu lắm về chủ thuyết Tam Dân.
Khi mà các luồng sóng tư tưởng chính trị thế giới tràn tới Trung Quốc năm 1919, Quốc Dân Đảng mới từ đó mà thành hình. Những “quyền” mà họ đòi cho được, đều lấy quyền lợi của giới trí thức tư sản bảo thủ làm chính, là yếu tố triệt sản cho tương lai, là thành tố bất lực cho đấu tranh. Họ không có thực lực nào cả, tùy thuộc hoàn toàn vào những quyền lực thực sự đang nắm trong tay các sứ quân. Tôn Dật Tiên, lãnh tụ của phái trí thức tư sản triệt để này, đem chiêu bài có vẻ trí thức du học là Tam Dân chủ nghĩa, (dân tộc, dân quyền, dân sinh) không kế họach nào, chỉ muốn hoạt động với mục đích là sử dụng quân lực của các sứ quân nào quyền bính lúc ấy, chống với phe yếu thế hơn hầu thống nhất giang sơn. (Sun Yat-sen, The International Development of China, New York 1922, p.xi; Memoir of a Chinese Revolutionary, London, 1927, pp. 179-83). Cho nên ngày 16, tháng Giêng, 1922 khi Tôn đòi cách chức Trần Quýnh Minh, Tôn không biết mình chỉ  hữu danh vô thực, lại đòi sử dụng quyền Tổng Thống mà không thực quyền, Trần Quýnh Minh đã cho quân bao vây dinh Tổng Thống của Tôn ở Quảng Châu, làm Tôn phải chạy trốn ra chiến hạm, ở đó năm-mươi-bốn ngày.Thuyết Tam Dân không có gì cụ thể, lại mơ hồ (Trần Độc Tú phê bình là chủ thuyết đống rác, tên “vua con Phổ Nghi” nói Tam Dân cũng được) thì làm sao có thể làm cách mạng Trung Quốc? “Dân tộc” của Tôn Văn, là chủ trương lấy dân đa số lấn dân thiểu số (Tạng Mãn Hồi Mông, sẽ được ớ dưới dân tộc Hán, là “TỘC” có số đông nhất. “Dân quyền”, không dính gì đến dân chủ hết, quần chúng chỉ  coi như đang trong thời kì giám hộ của Tôn Văn và các lãnh đạo khác của QDĐ, rồi dân sẽ tiến tới thời kì tự quyết sau. Không có gì là ý niệm dân chủ phương Tây dính đến “Dân quyền” của Tôn Văn cả. “Dân sinh”, trong một nước nông nghiệp, thì Tôn Văn đề rằng, “giới hạn tư bản” và “bình hóa quyền sở hữu đất đai”, hai công thức bao quát với nhiều thay đổi cách giải thích thế nào cũng được coi là đúng. “Giới hạn tư bản”, Tôn Văn chỉ tỏ ý giữ cho Trung Quốc không rơi vào tay người nhiều vốn (tư bản) qua ngả đầu tư ruộng đất (?), còn “bình hoá quyền sở hữu đất đai”, Tôn Văn cho là kế họach để điều chỉnh sự bất công đã bóp nghẹt thôn quê, để cho, ”ai đã sở hữu đất trong quá khứ cũng không bị thiệt”. Kế họach là sẽ được giải quyết bằng cách lượng lại giá đất “với sự thỏa thuận của địa chủ”, và mọi chuyển nhượng đất đai trong tương lai sẽ do nhà nước chỉ định gía cả. Sức mua sẽ do chính quyền định giá sao cho thích hợp với dân cày. (Tôn Dật Tiên, “Tam Dân Chủ Nghĩa”, Thượng Hải 1927, tr.431-34). Nhưng bao năm trời, Tôn không minh định chính sách này, vì ngại đụng chạm đến những thành phần trong QDĐ vốn là đại địa chủ. Tôn không bao giờ đề cập đến đấu tranh giai cấp, cùng sự tham gia đông đảo quần chúng vào cách mạng Tam Dân.
Quốc gia chủ nghĩa của Tôn Văn cũng không làm gì để chống các ông chủ ngọai quốc đại diện của đế quốc đang ở trên đất Trung Quốc. Cho đến khi làm Tổng Thống (Tổng Lý) Trung Quốc, Tôn Văn chỉ tỏ thái độ khúm núm, hứa cho các ông chủ nước ngoài đang hiện diện Trung Quốc sẽ có đặc quyền trong tương lai, để “hai bên cùng có lợi” khi Trung Quốc phát triển kỹ nghệ, kinh tế về sau. Một khi triều đình Mãn Thanh sụp đổ, Tôn Văn hứa - nhất định những trái khoán mà nhà Mãn Thanh còn nợ đế quốc, chế độ Dân Quốc mới sẽ lãnh trả. Sau Thế chiến, Tôn Văn hi vọng các ông chủ mới thắng trận sẽ ban phúc, giúp đỡ QDĐ để có sự “hợp tác” mà “hai bên cùng có lợi”. Cho nên đã “ngây thơ” tin là sẽ có sự hợp tác chân thật giữa Trung Quốc và các Đế quốc: Trung Hoa Dân Quốc sẽ cùng Đế quốc đồng “thịnh vượng kinh tế”. Ông ta hi vọng mối thơ mộng đồng quê này với đế quốc, cùng hát khúc ca ngày mùa với họ…sẽ làm cho “đấu tranh giai cấp” không bao giờ xảy ra, và “mâu thuẫn giữa các nước tư bản với nhau” sẽ tránh được trong tương lai. ”Không bao giờ có Thế Chiến nữa, như ý muốn của Tổng Thống Wilson và Hội Quốc Liên”! (The Chinese Social and Political Science Review, Peiping, April-October, 1934, p.113)
Ngay trong năm đầu tiện chống Nhật, giai cấp buốcgioa Trung Quốc chỉ chiến đấu phòng thủ. Thành qủa chỉ làm tiêu hao được Đế quốc Nhật, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ không hiệu qủa gì cho việc chặn Đế quốc tấn công, và cũng chắc chắn là không đưa tới mục đích giải phóng quốc gia. Vẫn sợ giai cấp lao động hơn là sợ đế quốc, buốc gioa Trung Quốc chỉ còn trông vào Hoa Kỳ và Anh quốc viện trợ. Các thế lực này, chưa chuẩn bị cho việc bá chủ Thái Bình Dương, chỉ viện trợ nhỏ giọt cho QDĐ, trong khi liên hệ ngọai giao của họ với Nhật chưa ngã ngũ.. Áp lực của Mỹ với Nhật, chỉ trong mục tiêu là cuộc tranh giành ưu thế Thái Bình Dương. Những phản đối văn bản đối với Nhật, chỉ là chuẩn bị cho tuyên truyền trong dư luận quần chúng Mỹ, và dọn đường cho việc tung ra mặt trận mới bằng chiến hạm, bằng ưu thế không quân từ các căn cứ dưới đất. Nga Xôviết, thì nội bộ đang khủng hỏang, chỉ trợ giúp QDĐ cho có bề mặt…Cho nên khi giới lãnh đạo buốc gioa Trung Quốc, chỉ còn trông vào hoặc Nhật, hoặc Anh-Mỹ, dùng bên này chống bên kia, không trông mong gì vào quần chúng. Cuộc chiến chống đế quốc Nhật chỉ đi đến thắng lợi nếu như được quần chúng ra sức ủng hộ, một khi họ ý thức là cuộc chiến đấu của họ là cho chính họ. Không có được điều này, thì không bao giờ có kết qủa gì. Đây là điều QDĐ không bao giờ hiểu.
Sự tan rã của quân đội QDĐ không do tài cầm quân của Mao-Chu mà ra. QDĐ là đảng của tư sản, hậu thuẫn của nó là giới tài phiệt. Khi chiến tranh kéo dài 8 năm, thu hút rất nhiều phí tổn, đồng thời kỹ nghệ, thương mại đình trệ, kinh tế tê liệt làm lạm phát đến một mức chưa bao giờ thấy, chỉ có chết chóc và nạn đói trước mắt làm quần chúng, kể cả tư sản, kể cả giới chức cấp dưới, nền móng của chính phủ QDĐ  cũng muốn chấm dứt sự ủng hộ QDĐ. Cuối Thế Chiến, chính giai cấp buốcgioa Trung Quốc đã kiệt quệ cũng chán ngán Tưởng, Chế độ của Tưởng bị thối rữa tận gốc…Sự trông chờ tiếp viện của QDĐ chỉ còn trông vào một mình Mỹ.
Khi Nhật đã bị quét khỏi Trung Quốc, đế quốc Anh – lúc đó rất yếu, cũng chỉ rút về Hồng Kông và Cửu Long. Đế quốc Mỹ duy nhất còn lại chỉ muốn độc chiếm thị trường Trung Quốc qua sự trợ giúp tay sai Đế quốc của Tưởng, sẽ cùng phối hợp chống Sô-viết. Đó là lúc Mỹ đổ viện trợ vật lực cho Tưởng. Khi Mỹ nhận ra sự thối nát của chế độ Tưởng cùng sự tăng trưởng tiềm lực của Mao, đã gửi tướng Marshall đến Trung Quốc, với kế hoạch đặc biệt là thuyết phục Tưởng cùng lúc cải tổ chế độ, cùng lúc thỏa hiệp với Mao, chờ thời cơ.
Nhưng Tưởng vì ngu xuẩn, bướng bỉnh, lại là đại diện cho giai cấp buốc gioa và địa chủ Trung Quốc, chỉ điên cuồng chống Cộng, đã từ khước. Chính sự từ chối đề nghị Marshall là việc Tưởng làm hòa với Mao, đã giết chết kế hoạch Marshall, cho nên Mỹ bỏ mặc cho Tưởng chống Mao. Thêm vào đó, tình trạng cuối Thế Chiến không cho phép Mỹ tự tạo ra, hay mở một cuộc chiến mới với bất cứ đồng minh nào. Xong Thế chiến, là lúc lính Mỹ đòi hồi hương. Hoa Kỳ không thể đơn độc phát động một thế chiến khác để chống Sôviết - điều mà ngay cả đồng minh của Mỹ là đế quốc Anh cũng phản đối. Cho nên khi quân Mao phản công, lính Mỹ cũng rút, bỏ mặc chế độ Tưởng. Quần chúng nghèo khổ dĩ nhiên không muốn chiến đấu cho giai cấp buốc gioa, chính quân lính, cán bộ của QDĐ cũng muốn bỏ mặc Tưởng. Hoa Kỳ thì đứng ngoài, giữ thái độ “Chờ và xem” (Wait and see”). Đó là hậu quả thêm vào lí do vì sao quân Tưởng tan rã, bỏ súng tháo chạy trước khi gặp địch.
Nhưng thôi, để dịp khác, sẽ xin nói tiếp chuyện sử sách. Nếu có dịp, để thấy thủ đoạn tiêu biểu “chống Cộng điên cuồng“của Tưởng Giới Thạch, chúng tôi sẽ trở lại lịch sử Trung Quốc trong thời kỳ này: “Cuộc chính biến của QDĐ ngày 12 tháng Tư 1927 tại Thượng Hải.”
Bởi vì còn các nạn nhân khác, còn những điều bị che đậy khác, và những bi thảm mà chúng ta chỉ biết loáng thoáng bấy lâu …
                                   

VHQ
7-2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét