Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

NHÀ GIÁO một thời nhếch nhác ( KỲ 16)



                                                   (tiếp theo)

                                                      Nhà văn NHẬT TIẾN


 Nhiều hôm quay lưng về phía học trò để viết bảng, có mấy đứa nhìn thấy mông quần của thầy nên nháy nhau cười rúc rích. Ấy là tại chúng tôi đã phải đạp xe nhiều quá. Từ nhà đến trường. Từ trường ra ngoại ô lao động ngoại khóa.

Rồi lại đi họp giáo viên toàn thành ở những chỗ khác nhau hoặc dẫn lớp học đi mít tinh, đi diễu hành vào những ngày lễ lớn. Trách gì mà quần áo chẳng bạc phơ, vá chỗ này, rách chỗ kia. Mà nay thì làm gì có tiền để may quần áo mới. Thế là cái sự rị mọ, tủn mủn cứ lẳng lặng len vào đời sống chúng tôi tự lúc nào để biến thành nếp sống rất tự nhiên.

Tôi còn nhớ những lần đầu tiên được phát nhu yếu phẩm, tôi đã phải thủ sẵn từ nhà để mang đi một cái túi vải. Nó vùa đủ rộng để chứa đủ nào là hộp sữa, bọc đường, mì gói, bột ngọt, đậu xanh, miếng thịt, xâu cá, lại có cả cuộn giấy đi cầu. Đeo một cái bị như thế để khi giáo viên túa ra khỏi  trường lúc tan học, bà con hàng phố không nhìn thấy mình được lãnh những gì. Một ông thầy chữ nghĩa đầy đầu mà đi xách hộp sữa hay cuộn giấy đi cầu thì còn ra cái thể thống gì nữa. Nhưng riết rồi cái thói che che, giấu giấu đặc biệt “tiểu tư sản" ấy đã không còn là một thói quen hay nhu cầu cần thiết nữa.

Bây giờ thì chúng tôi thản nhiên mang ra khỏi trường từng bọc giấy, từng gói nylon, cái thì buộc túm ở sau xe, cái thì quàng vào tay lái trước, chẳng ai còn thấy phải quan tâm tới cái vẻ văn nhân mô phạm bề ngoài của một ông thầy trước con mắt dòm ngó của phụ huynh hay đám học trò của mình nữa.



                                           ***



Trở lại chuyện đài, báo, loa Phường um sùm về vụ điển hình chiếm đoạt tài sản XHCN ở khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, mới chỉ được vài hôm thì thằng Tửu đã kể với tôi :

- Bố em văng tục, thầy ơi ? ông ấy bảo cái lũ Thành đoàn làm chuyện ruồi bu !

Tôi ngạc nhiên hỏi :

- Về chuyện gì vậy ?

- Thì chuyện bắt giữ thằng Thanh Niên Xung phong vùi trộm mấy củ khoai ở ngoài luống chờ tới tối lẻn ra ăn sống cho đỡ đói ấy. Bố em bảo làm mất uy tín lãnh đạo lại còn phản tác dụng. Đang vận động Thanh niên gia nhập Thanh Niên Xung Phong để thực thi nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng thành quả Cách mạng, hiệu quả chưa thấy đâu, chỉ thấy lộ liễu cái cảnh đói rã họng phải đi đào trộm khoai ăn vụng. Thế mà lại còn khua chuông gõ mõ lên thì còn có ma nào nó dám gia nhập nữa.

Tôi hoan hỉ đáp : .

- Bố em nói đúng đấy. Thầy cũng thấy chuyện này rất bất nhẫn.

Tửu tiếp :

- Bố em đã liên lạc với mấy tay bên Thành đoàn rồi. Cái vụ học tập điển hình này rồi sẽ tém dẹp hết ?

Quả nhiên sau đó mọi sự trở nên im rơ. Câu chuyện tham ô tài sản ở Lê Minh Xuân lặng lẽ trôi vào quên lãng và nó cũng không gây ảnh hưởng bao nhiêu đến sự thúc đẩy thanh niên nam nữ gia nhập phong trào Thanh Niên Xung Phong đang được phát động rầm rộ.

Ở trường tôi, một vài học sinh thuộc lớp lớn tự nhiên thấy nghỉ học. Riêng tôi, có một hôm tan trường  vừa đạp xe qua ngã tư đầu phố nghe có tiếng gọi lại. Lúc tôi ngừng xe thì một anh học trò vốn theo học lớp của tôi từ mấy năm về trớc đã chạy ra chào hỏi rồi bùi ngùi nói:

- Em chào từ giã thầy, ngày mai em không còn tới trường nữa.

Tôi ngạc nhiên :

- Sao vậy ? Chú chỉ còn có một năm nữa là xong bậc trung học rồi. Ráng lên ! .

- Em biết. Nhưng chẳng làm sao được thầy ơi. Bố em đi học tập cải tạo. Phường Khóm hoạnh họe mẹ em đủ điều Chỉ có cách em tham gia cách mạng thì họ mới để yên thôi. Mà cho dù có học cố hết cấp Ba để lên đại học thì cũng chẳng trường nào nhận đâu. Em con “ngụy" nặng mà !

Tôi nhìn đứa học trò mà lòng lặng đi, chẳng thế cất lên đợc một lời nào để khuyên nhủ hay an ủi nó nữa. Chính sách kỳ thị những dân thuộc chế độ cũ đã thể hiện rõ trên nhiều mặt, ở nhiều nơi, nhiều lãnh vực. Đã thế, nó lại được áp dụng một cách rất tùy tiện, chẳng có một thứ văn bản quy định nào rõ rệt. Các địa phương cứ mặc sức mà làm. Chẳng thế mà lại đã có những tòa án nhân dân họp hành, xét xử con người ta một cách rất tức cười.

Như có một lần tôi được tới coi nhân dân trong Phường nhỏm họp về vụ xét trả quyền “công dân" cho các anh lính VNCH cư ngụ tại địa phương, nơi tôi đang ở sau khi các anh đã học tập xong 3 ngày quy định. Nói chung, những ai chỉ bị đi học tập có 3 ngày thì sẽ được xét trả quyền công dân đúng như lời chính quyền đã hứa. Việc trao trả này cũng được thực hiện trong một buổi tổ chức có nghi thức đàng hoàng. Đó là một phiên tòa được triệu tập bao gồm các Tổ trưởng dân phố, thân nhân, gia đình các đương sự, các đại diện mọi Ban, Ngành, Đoàn thể. Một viên chức đại diện chính quyền Quận thì ngồi ghế chủ tọa. Bà con kéo tới tụ tập ngồi chật ních trong một căn nhà có phòng khách khá rộng mà chủ nhân của nó đã di tản và Phường trng dụng làm gì tôi cũng chẳng rõ vì không có biển treo bên ngoài.

Trong phòng có kê một dấy ghế gỗ dài, ở trên đó các cán bộ ngồi lố nhố thấy toàn khăn rằn ri  hay mũ tai bèo. Bà con nhân dân thì đứng, ngồi la liệt vây quanh một khoảng trống vừa đủ chỗ đứng của gần chục người đang  chờ xét xử. Rồi khi tên một người được xướng lên, anh ta tiến thêm ra một bước để cho mọi con mắt đổ dồn vào ngắm, nhìn. Có tiếng một người trong đám nhân dân Phường cất lên :

 - Cái anh này tôi biết. Có đi lính nhưng không phải loại ác ôn. Trước có phá làng phá xóm nhưng nay tu tỉnh lại rồi. Dề nghị cho được hưởng quyền công dân.

Một tiếng khác vẻ gay gắt hơn :

- Tu tỉnh gì mà tóc còn để dài thế kia. Thiếu phẩm chất cách mạng.

Một cụ già đứng gần đó ôn tồn :

- Tóc dài thì biểu nó hớt ngắn đi. Nó đã học tập rồi, thì trả quyền công dân cho nó. Bà con có đồng ý không ?

Một loạt cánh tay giơ lên và nhiều cái miệng ồn ào :

- Đồng ý ! Đồng ý ! .

Thế là xong một vụ. Những anh lính khác thì có mất thì giờ hơn, vì còn bị hỏi những tội như có xì ke ma túy không, có nghe nhạc vàng không, có chịu tham gia công tác ở Phường, Khóm không, có móc ngoặc, buôn bán ngoài chợ trời không ..v..v. . .Nhưng rồi cùng suông sẻ cả. Các đương sự đều qua khỏi những màn hoạnh họe hay dạy dỗ và ai nấy đều hoan hi là kể từ nay "mình được là “công dân" cùng với cái nghĩa là từ nay không còn bị Phường  Khóm làm khó dễ vì cải gốc “lính Ngụy" của mình nữa. Các đương sự sau đó đều được cấp một mảnh giấy to bằng bàn tay, trên chứng nhận đã đi học tập và đã được trả quyền công dân do ủy ban Quân Quản cấp và cỏ chữ ký của ông Cao Đăng Chiếm đi kèm với triện son đỏ chói.

Tuổi tác của các "tân công dân" này nom vẫn còn trẻ. Hầu hết chỉ trong khoảng từ 25 đến 30. Nghĩa là suốt cả thời kỳ thanh xuân của họ cũng đã nổi trôi theo vận nước mà lại ở vào thành phần lính tráng vốn phải gánh chịu hy sinh nhiều nhất, ít được hởng thụ nhất, gia đình vợ con bị khốn đốn, vất vả nhất ngay cả khi chồng mình, cha mình đang xông pha nơi trận mạc.

Ấy thế mà những người lính VNCH này vẫn sống một cách hồn nhiên, vui vẻ. Ra trận mạc, họ lăn xả vào mũi tên hòn đạn. Trên đường hành quân, họ nghêu ngao những bài hát nào “ Đường  trường xa, muôn vó câu leo chập chùng. . . ", nào " Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có con sông lờ lững vờn quanh". . . hay cũng có khi chứa chan tình yêu đôi lứa gặp nhau trong khoảnh khắc :” Anh chiến trường. em nơi hậu tuyến . Đời lính chiến vui gặp nhau đây đôi đứa mình còn mỗi đêm nay - Nói gì cạn niềm thương để rồi mai ta lên đường".

Ôi sao nghe mà mộc mạc, đơn sơ như tâm hồn bình dị của các anh. Nhiều người trong túi vải hành quân còn mang theo một cái đinh dài, bóng loáng để phòng khi không có đồ nhậu, thức nhắm thì chấm cái đinh vào chén nước tương rồi nhai vài lá ổi xanh để nhậu với chai bia, xị rượu mang theo. Vậy mà đời lính vẫn vui vì chan hòa tình đồng đội cùng với nghĩa vụ bảo vệ dân đè nặng lên hai vai.

Đấy là một vài hình ảnh của những người lính VNCH mà bây giờ phải chịu mang cái tên đầy dè bỉu là “lính Ngụy". Nhng họ cũng chẳng vì thế mà chất chứa thêm lòng phẫn hận. Ngày xưa đã quen chịu thiệt thòi, thời nay cỏ chồng chất thêm vài nỗi nhọc nhằn cũng chẳng sao.

 Tuổi thanh xuân của họ qua bao vật đổi sao dời cũng sẽ lại nôi trôi theo vận nước. Giống như bà con, cô bác, xóm giềng bây giờ. Nhìn quanh, đâu có ai nhận ra là mình sẽ có một tương lai sáng sủa đâu.

Trong cái tâm trạng ấy, tôi đã nắm tay ngời học trò cũ mà lòng đầy ngậm ngùi. Tôi thây rõ tôi đang buồn bã cho anh ta và cho ngay cả chính mình. Hai thầy trò không nói gì thêm mà chi có cảm giác nghẹn ngào trong nỗi niềm khi thấy mọi kỷ niệm êm đềm của những ngày tháng cũ đang dần dà bị phân rã.  Rồi anh ta lủi thủi đi khuất bóng vào giữa đám đông ồn ào của thành phô. Nom cứ như một giọt nước bỗng tan nhanh vào cái mênh mông của biển cả.



                                      (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét