Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

nhà văn NHẬT TIẾN : HÀNH TRÌNH CHỮ NGHĨA (KỲ 10)




                                                 (tiếp theo)



Lá thư được gửi đi trong tâm trạng đợi chờ đằng đẵng, nhưng cũng chẳng bao giờ chúng tôi có được hồi âm. Có thể nó đã bị vứt bỏ ngay giữa biển khơi nên không tới tay người nhận, lòng tin tưởng của chúng tôi về tình người, vào khi đó, cũng vì thế mà phai nhạt dần.



          ***

Nhập trại tỵ nạn Songkhla được ít ngày, ngoài thư từ thông báo cho nhà tôi còn ở VN (Ðỗ Phương Khanh vượt biển tháng 4-1980, tạm trú ở Pulau Tengah - Mã Lai), tôi đã liên lạc và báo tin về chuyến đi hãi hùng của mình cho một người bạn rất thân thiết mà tôi có địa chỉ, đó là nhà văn Lê Tất Ðiều, người đã và hiện đang còn định cư ở San Diego. May mắn thay, cùng cư ngụ ở một nơi với Lê Tất Ðiều còn có nhà văn Phan Lạc Tiếp, một người bạn học cũ của vợ chồng chúng tôi thời còn cắp sách ở Hà Nội mà sau 1975, chúng tôi không có địa chỉ liên lạc. Nhờ nỗ lực mau chóng và chứa chan tình cảm chia sẻ, các anh Lê Tất Ðiều và Phan Lạc Tiếp đã phổ biến rất rộng rãi bài tường thuật “ Hành Trình Ði Tìm Tự Do Qua Ngả Thái Lan”, đặc biệt là trên tờ Người Việt Cali của ký giả Ðỗ Ngọc Yến, tờ Việt Nam Hải Ngoại của Ðinh Thạch Bích, Tờ Ðất Mới của Vũ Ðức Vinh, tờ Văn Nghệ Tiền Phong của Lê Thanh Hoàng, tờ Ngày Nay của Lê Hồng Long, tất cả ở Hoa Kỳ, tờ Quê Mẹ của Võ Văn Ái ở Paris, Pháp quốc, tờ Ðộc Lập của Vũ Ngọc Yên ở Tây Ðức, tờ Chuông Sài Gòn của Nguyễn Vy Tuý ở Úc Châu, cùng nhiều báo Việt ngữ rải rác khắp nơi trên thế giới nữa.



Nhưng điều may mắn hơn nữa, ở San Diego, ngoài Lê Tất Ðiều và Phan Lạc Tiếp cư ngụ, còn có đông đảo đồng hương với nhiều nhân vật có uy tín, có tên tuổi, như Giáo sư Nguyễn Hữu Xương, hoạ sĩ Văn Mộch, luật sư Ðinh Thạch Bích, dược sĩ Lê Phục Thuỷ, ông Nguyễn văn Nghi..v.v..và đặc biệt, có cả một tấm lòng hết sức nhiệt thành và tha thiết với người Việt Nam, đó là dịch giả người Hoa Kỳ, anh James Banerian nữa. Chính những nhân vật này cùng các nhân sĩ khác trong cộng đồng VN ở San Diego đã mau chóng thành lập một tổ chức đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của chúng tôi. 

Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat People S.O.S Committee) chính thức ra đời ngày 27 tháng 2 - 1980 với những hoạt động rất tích cực và hữu hiệu, mà qua đó các bản cáo trạng gửi đi từ hộp thư dành riêng cho trại tỵ nạn : P.O Box 3 Songkhla Thái Lan, ký tên Nhật Tiến - Dương Phục - Vũ Thanh Thuỷ đã được phổ biến rộng rãi, rồi những kháng thư thống thiết đã được Ủy Ban soạn thảo và gửi tới nhiều tổ chức cũng như nhân vật quốc tế, kể cả Quốc Vương và Hoàng Hậu Thái và đặc biệt là những vận động của Uỷ Ban (cùng với tiếng nói của tờ Quê Mẹ ở Paris và nhiều tờ báo Việt ngữ khác ở hải ngoại) mà nhiều con tầu Vớt Người Biển Ðông như Ile de Lumière, Akuna, Cap Anamur, Medecins Sans Frontière, Clara Maersk (Đan Mạch)..v..v.... đã liên tục ra khơi.



Sự đáp ứng sốt sắng cùng những sự bầy tỏ chia sẻ những đớn đau mà chúng tôi đã phải chịu đựng của các đồng hương hải ngọai thực sự đã an ủi và làm ấm lòng chúng tôi, những thuyền nhân sống sót cư ngụ tại các trại tỵ nạn ở Ðông Nam Á, rất nhiều. Mỗi lần có đợt báo mới (Việt ngữ) vào tới trại, lòng chúng tôi rưng rưng không cầm được nước mắt khi được đọc những bản tin tường thuật các cuộc họp mặt, các cuộc mít tinh, các cuộc xuống đường ồn ào của đồng hương trên khắp thế giới mà nội dung chỉ nhằm mục đích đấu tranh cho thuyền nhân tỵ nạn. Nhiều cáo trạng của chúng tôi đã được đọc lại trong các buổi tổ chức này. Và đồng bào khắp nơi đã khóc cùng với chúng tôi qua những giọt nước mắt xót thương trước những thảm nạn có một không hai trong nửa sau của Thế kỷ Hai Mươi này. Nói vài lời tri ơn về những công cuộc này, tôi nghĩ là chưa đủ nhưng cũng có thể là thừa. Vì đã chung một dòng máu Việt, ai mà không thấu hiểu ý nghĩa của câu: “ Một con ngựa đau, cả tầu không ăn cỏ” .



Những con ngựa đau ấy đã có một thời kỳ làm nhân chứng tố cáo mạnh mẽ trước dư luận thế giới, đặc biệt là trước chính phủ và nhân dân Thái. Tôi còn nhớ một ngày trong tháng 4 năm 1980, vào buổi trưa lúc mọi người trong trại đang dùng bữa thì tên tôi đã được gọi trên loa toàn trại để gọi ra trình diện tại trạm cảnh sát Thái.



Thì ra chính phủ Thái đã cử một Trung Tá cảnh sát lặn lội từ Bangkok về Songkhla ở phía Nam, cách xa hàng ngàn cây số để điều tra hư thực về những bản cáo trạng mà chúng tôi đã công bố. Nào vụ giam giữ 157 thuyền nhân trên đảo Kra với nhiều nạn nhân bị xô xuống biển (tổng cộng có 5 con tầu vượt biên bị hải tặc kéo vào đảo trong lúc chúng tôi đang ở đó, trong số này có 1 thuyền chỉ còn sống sót đúng duy nhất có một người sau khi cả thuyền bị hải tặc xô xuống ở ngoài khơi cách bờ hàng trăm thước), nào vụ một thiếu nữ trốn tránh trong bụi rậm bị hải tặc tưới dầu phóng hoả xua ra khiến cho cô bị cháy hết cả một mảng lưng hàng mấy tháng liền không nằm ngủ trong tư thế bình thường, nào vụ một ông già bị 4 tên hải tặc trên đảo giữ chân, giữ tay và dùng tourne-vis đục một nửa hàm răng trên để lấy đi mấy chiếc răng vàng. v...v...



Viên Trung tá cảnh sát Thái Lan mở hồ sơ chất vấn tôi đến đâu, tôi đều gọi được nhân chứng trong trại ra trực tiếp xác nhận đến đó. Cuối cùng thay vì vẫn còn giữ thái độ giận dữ vì chúng tôi đã “ bôi nhọ danh dự dân tộc Thái” mà ông ta có lúc ban đầu, sau khi nhìn rõ sự thực, chính ông cũng đã phải rút khăn tay lau nước mắt vì xót thương cho những hoàn cảnh quá phũ phàng mà thuyền nhân VN đã phải chịu đựng.



***

Như trên tôi đã trình bầy, thảm kịch trên đảo Kra trong vịnh Thái Lan chỉ là một khúc phim cũ và đã bị khoả lấp bởi sức sống vươn lên mạnh mẽ của thuyền nhân tỵ nạn và cũng bởi thời gian bao giờ cũng làm tăng lên sự phai nhoà của trí nhớ.



Sự nhắc lại những đau thương của thuyền nhân tỵ nạn trong muôn ngàn nỗi đau thương của bao nhiêu con người khác nữa kể từ sau biến cố 30-4-1975 là công việc dựng lại một mảnh gương lịch sử để cho các đời sau nhìn lại. Nó cũng là một thứ chứng tích sống động trước công lý để sự xét xử sau này, từ đó sẽ trả lại công bằng cho mọi thành phần dân tộc.



Hẳn cũng vì những lý do đó mà trong tháng Ba năm nay (2005), hơn một trăm cựu thuyền nhân từ nhiều nơi trên thế giới đã đến Mã Lai và Nam Dương trong cùng một chuyến đi để thăm viếng mồ chôn những thuyền nhân xấu số và thiết lập ở mỗi nơi một tấm bia tưởng niệm. Thế mà chỉ trong vòng không đầy 2 tháng sau, nhà nước CS Việt Nam đã áp lực chính phủ hai nước này huỷ bỏ hai tấm bia đó, đến nỗi tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một khuôn mặt trí thức đấu tranh cho tự do dân chủ hiện còn đang sống ở trong nước đã phải thốt lên trong một cuộc phỏng vấn do phóng viên Ðinh Quang Anh Thái thực hiện trên đài Little Saigon Radio ở Nam Cali qua điện thoại :



Nếu thật sự có việc nhà cầm quyền Hà Nội đã áp lực với hai chính phủ Mã Lai và Nam Dương đập phá bia tưởng niệm, tức là miếu thờ của thuyền nhân Việt Nam ở Bidong và Galang, thì đó là một hành động ngu xuẩn và tàn bạo không thể tưởng tượng được.”



Vào thời điểm tôi viết bài này, tấm bia ở Galang, Nam Dương đã bị đục bỏ đi rồi, còn tấm bia ở Pulau Bidong, Mã Lai thì đang ở trong vòng vận động hay tranh cãi, chưa biết số phận của nó sẽ ra sao. Nhưng sự việc đã cho thấy nhà nước Cộng sản VN dù đang kêu gào mở cửa, đổi mới, nhưng họ vẫn tiếp tục xuyên tạc hay bôi xoá lịch sử.



Những tấm bia cụ thể có thể bị những âm mưu chính trị đục bỏ nhưng ai có thể xoá được tấm bia đã ghi sâu trong lòng của những người Việt Nam tỵ nạn?



Thế thì cái trò ngu xuẩn đòi phá bỏ những tấm bia lưu niệm ở Pulau Bidong và Galang chỉ một lần nữa khẳng định thêm chính nghĩa mà thuyền nhân đã mang theo khi họ liều chết ra khơi.



Ngoài những lý do kể trên, tôi cũng mong mỏi bài viết này, tuy nhỏ bé nhưng cũng đủ thay cho một nén hương lòng, thắp lên để tưởng niệm biết bao nhiêu con người đã vùi thây oan khốc trên biển cả, trong rừng sâu, trên đường họ trốn chạy một chế độ tàn bạo đang ở vào một thời kỳ mông muội nhất so với cộng đồng nhân loại.

                                                 

                                    

                                    Garden Grove, Californiangày 1 tháng 7 năm 2005.

                                                              NHẬT TIẾN



                                                         (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét