Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

BÁC BA PHI ĐI THĂM MỸ ( KỲ 61)




                                (tiếp theo)




Nói xong nó rồ ga rồi cứ nhằm bác Ba Phi phóng tới làm bác hoảng sợ nhảy nhổm lên, sực tỉnh dậy hoá ra nằm mơ. Bác ra nhà ngoài thì cả cô Út lẫn ông hoạ sĩ Tụng đều đi khỏi. Bác chợt thấy khát khô cổ, mò xuống bếp mở tủ lạnh tìm chai nước tu một hơi.

Thật chẳng bù cái trạn ở quê nhà, tủ lạnh của cô Út có kích cỡ khổng lồ, nhét cả một con bê luộc nguyên con cũng vẫn cứ vừa. Mà sao ở Mỹ lắm đồ ăn thức uống vậy ? Từng khoanh thịt bò to tổ chảng xếp đầy ngăn trên. Mỗi khoanh cũng phải cả ký ? Mà lại thịt bò Mỹ mềm và ngọt thịt lắm chứ chẳng dai nhách và nhạt hoét như thịt bò già bán ngoài chợ ăn không khác gì thịt trâu ở quê nhà.

Ngăn dưới chứa toàn gia cầm. Nguyên một con gà tây lớn như con ngỗng  làm sẵn, khi ăn  lôi ra xẻo thịt. Rồi tới ngăn để cá , cua bể, tôm hùm...Ôi chao ôi con tôm ngoại cỡ này dễ chừng hơn một ký , ở nhà chỉ nghe nói  chứ chưa thấy, đừng nói là đụng đũa vào nó.

Ngăn dưới nữa là bơ, “pho mai”...từng cục, từng cục xếp cả đống. Rồi đủ các thứ hộp, lon nước giải khát, các thứ bánh trái kẹo ăn cho ...”vui” miệng. Chẳng như ở bên ta ngày hai bữa đánh thẳng cánh hai bụng cơm rau mắm, bên này con nít, người lớn ăn uống suốt ngày . Thằng cháu ngoại  lúc nào miệng cũng nhai cái gì đó. không bánh thì kẹo, đủ thứ xanh xanh đỏ đỏ, chẳng bù con nít ở bên nhà lâu lâu mới được miếng bánh pía, cái kẹo động phọng mắt đã sáng trưng.

Bác Ba Phi cứ đứng trước cái tủ lạnh suy nghĩ ngổn ngang. Thế rồi đầu óc ngẩn ngơ sao đó, lúc bác ra vườn quên béng không đóng cửa tủ, đến chiều cô Út đi làm về thấy chiếc tủ lạnh mở toang hoác, hơi lạnh đã thoát ra hết, trơ ra những bịch ni lông và thức ăn ở bên trong. Cô la ầm ĩ :

“ Tía ơi tía...hôm nay tía quên không đóng tủ lạnh rồi ?”

Bác Ba  Phi chạy vào :

“ ừa...tao quên...vậy có sao không ?”

Cô Út lắc đầu :

“ Hư hết thức ăn rồi tía ơi...”

“ Í chết mẹ...tủ lạnh vẫn chạy ầm ầm mà...”

Cô Út càm ràm :

“ Nhưng tía không đóng cửa tủ làm sao giữ được lạnh...”

Nói rồi cô lôi ra một loạt bịch với gói, đưa lên mũi ngửi ngửi rồi mang ra thùng rác vứt cả đống làm bác Ba Phi tiếc của la lên :

“ Sao lãng phí vậy con ? Miéng thịt bò này đang còn tươi chỉ hơi hơi có mùi chút thôi. Lấy nước sôi rửa  là hết mùi ngay ...”

Cô Út lắc đầu :

“ Thôi thôi..tiếc gì, thịt có mùi rồi ăn vào sinh bệnh...Tía cứ để con vứt cả đi, sáng mai đi siêu thị mua thiếu gì. Bên này đâu có như Việt Nam, thịt cá chất cả đống, chỉ có điều từ nay tía phải nhớ lấy thức ăn xong phải đóng cửa tủ lạnh...”

Bác Ba Phi ngượng ngùng :

“ Nào tao có lấy gì ăn đâu. Tao khát, lấy chai nước trắng uống thôi mà...”

“ Thì tía cứ thoải mái, muốn ăn gì cứ ăn, chỉ cần nhớ đóng tủ lạnh là được...”

Cô Út bỏ về phòng, mặt có vẻ không vui. Bác Ba Phi cảm thấy mình có  lỗi nên lấy khăn ra lau bếp từ bàn ăn, kệ đựng chén bát  cho tới sàn nước cứ bóng loáng . Cô Út trong phòng bước thấy bác Ba Phi  đang cọ sàn nhà, vội đi tới giật lấy cây lau nhà :

“ Kìa tía...sáng mai bà Mễ tới dọn dẹp rồi, tía cứ về phòng nghỉ cho khoẻ...”

Bác Ba Phi thành thực :

“ Thuê làm gì lãng phí mấy chục đô. Cứ để tía dọn dẹp , vừa giãn xương giãn cốt lại tiết kiệm tiền...”

Cô Út vẫn cương quyết :

“ Vài chục đô chẳng đáng bao nhiêu đâu, tía cứ nghỉ đi...Người già bên này không phải làm việc như ở Việt Nam đâu, cứ nghỉ ngơi , tội gì làm cho cực thân ...”

Vừa lúc đó ông hoạ sĩ Tùng ghé chơi, thấy hai cha con giằng nhau cây lau nhà, ông xua xua tay , quay sang nói một tràng tiếng Anh với cô Út. Cô này cười cười buông cây lau nhà ra làm bác Ba Phi thắc mắc :

“Ông hoạ sĩ nói gì vậy ?”

Ong hoạ sĩ  cướp lời :

“ Tôi nói cứ để bác làm. Đó là một cách vận động thân thể rất tốt cho  người già. Ở tuổi bác mà cứ nằm một chỗ, không động chân động tay dễ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay tiểu đường ..”

Nói rồi ông hoạ sĩ theo cô Út ra phòng khách ngồi uống nước mặc bác Ba Phi cầm cây lau nhà đưa đẩy trên mặt sàn. Tuy nhiên cái cảnh hai người ngồi mát uống nước để ông già hì hục làm cái việc chỉ giành cho kẻ hầu người hạ bất chợt lại làm bác Ba Phi nổi máu tự ái. Ra con gái bác không coi bác ra gì. Sao nó dám để tía nó còng lưng lau nhà trong khi nó ngồi rung đùi tán chuyện. Không được, bất kỳ thế nào thì cái cảnh này nếu lọt vào mắt người ngoài chắc là chướng mắt lắm.

Mà nếu như ở nhà chắc chắn không bao giờ vợ chồng thằng Đậu chịu để nội nó làm cái việc như vầy. Nhất định con vợ thằng  Đậu sẽ giằng bằng được cây lau nhà , bắt bác Ba Phi ngồi nghỉ uống nước để tụi nó làm. Vậy mà sang đây mang tiếng thăm con gái, tự dưng bác rớt xuống địa vị đầy tớ thế này có tức không ?

Nghĩ vậy bác Ba Phi lửa giận bỗng ngùn ngụt . Không được, không thể thế này được, bác quăng cái cây lau nhà đánh xoảng chẳng may nó rớt trúng vào cái bình pha lê cắm hoa đặt trên cái trụ gỗ gụ tạc thành hình con cò giơ mỏ lên đỡ cái bệ đặt bình hoa làm nó đổ kềnh vỡ tan tành. Cô Út ngoài phòng khách vội chạy vào :

“ Có  chuyện gì vậy tía...”

Rồi bác Ba Phi chưa kịp trả lời, cô Út đã la lối :

“Ôi chết chết...tía làm bể cái bình pha lê rồi...”

Bác Ba Phi nói dỗi :

“ Bình bông đáng bao nhiêu ...để mai tao ra siêu thị mua cái bình khác đẹp bằng mấy...”

Cô Út rền rĩ :

“ Oh My God...tía chẳng hiểu gì hết...đây là bình pha lê có từ cả trăm năm nay anh Tommy mua được trong chuyến du lịch châu Âu đó...Nó là đồ quý hiếm đắt tiền đó tía...”

Bác Ba Phi nóng mắt :

“ Cái bình bông cắm hoa chứ có gì mà quý hiếm. Mai tao mua đền...Làm gì mà cứ rãy lên như mất đồ cổ vậy ?”

Cô Út cũng chẳng vừa :

“ Thì cái bình này cũng có thua gì đồ cổ đâu...nó đắt gấp cả chục lần lọ pha lê thường đó tía...”

Bác Ba Phi nổi cáu :

“ Cùng lắm tao bảo vợ chồng thằng Đậu bán nhà đi mua đền cho mày là cũng chứ gì ?”

Cô Út xua xua tay, thở hắt ra :

“ Không không, đời nào con bắt tía đền, Là con nói chuyện cái bình anh Tommy mang về nó vừa đắt tiền lại vừa kỷ niệm ngày cưới của tụi con đó...”

Hai cha con cứ thế bốp chát nhau và đang có nguy cơ chẳng ai nhường ai. Rất may ông hoạ sĩ Tụng nhảy vào can. Hoá ra ông này có biệt tài về hoà giải. Vừa mới chỉ nói mấy câu, hai cha con bác Ba Phi đã dịu hẳn xuống.

Để mặc cô Út lúi húi quét dọn những mảnh bình vỡ, ông hoạ sĩ kéo tay bác ra ngoài xe :

“Bác đi với tôi vài ngày cho vui, ngồi nhà mãi boring lắm...”

Nhìn mặt bác Ba Phi ngẩn ra , ông hoạ sĩ vội vàng :

“ À...tôi nói ngồi nhà mãi chán lắm...”

Bác Ba Phi miễn cưỡng ngồi vào xe. Ông hoạ sĩ nói vọng vào nhà câu gì đó với cô Út rồi rồ ga . Xe chạy qua mấy dẫy phố buôn bán rẽ vào một khu vắng vẻ có cả loạt nhà được xây giống nhau nom như khu chung cư ở Việt Nam chỉ khác trước mỗi nhà đều có hai, ba chiếc xe đậu.

Nhà ông hoạ sĩ cũng bề thế và sang trọng không kém gì nhà cô Út, chỉ khác trên tường các phòng treo toàn tranh là tranh. Ông lấy nước ngọt mời bác Ba Phi rồi thật bất ngờ ông hỏi về chuyện cá chết của vợ chồng thằng Đậu vốn đang là nỗi niềm canh cánh trong lòng bác Ba Phi :

“ Tôi thật không thể nào hiểu nổi sao người nuôi cá lại để cá chết vì đói được ? Thường thường cá chỉ chết vì dịch bệnh hoặc môi trường nước nhiễm độc kiểu như sông Thị Vải ở Đồng Nai bị nhà máy Vedan thải hoá chất ra sông trong một thời gian dài thôi chớ sao  lại để cá chết đói ?”

Bác Ba Phi đang chán chường chẳng muốn nói năng gì nhưng nghe động tới chuyện cá chết, bác như người sực tỉnh :

  “ Ông không biết ở quê tôi mang tiếng là chủ bè cá nhưng thực ra là chân làm ruộng chuyển sang, vốn liếng chẳng có, tay nghề cũng không , có đồng nào bỏ ra mua cá giống nuôi theo lối gối vụ, chờ lớp cá lớn đủ cân bán được lấy tiền mua thức ăn cho  lớp cá nhỏ. Cứ quay vòng vậy, lấy công làm lời, nào ai ngờ nhà máy cúp điện không mua cá của mình nữa thế là hết tiền mua thức ăn chết cả cá lớn lẫn cá bé...”

Ông hoạ sĩ Tụng vỗ trán suy nghĩ rồi phán như kinh tế gia :

“ Dại dột...dại dột quá...đã đầu tư vốn vào sản xuất mà chỉ có một đầu ra thôi thì trước sau cũng bị nó ép giá  hoặc từ chối không mua , phá sản là cái chắc...”

Bác Ba Phi tròn mắt :

“ Vậy phải làm sao ?”

Ông hoạ sĩ dằn giọng :

“ Phải đa dạng hoá đầu ra hiểu chưa? Tức là phải tìm nhiều cách tiêu thụ sản phẩm mình làm ra.”

Bác Ba Phi lắc đầu :

“ Cá mình nuôi chỉ bán cho nhà máy đông lạnh rồi xuất khẩu chứ còn biết bán cho ai ?”

Ông hoạ sĩ lại lên giọng giảng giải :

“ Cứ suy nghĩ một chiều vậy mới chết. Giờ giả thử không bán cho tụi nhà máy đông lạnh nữa mà bán cho đầu mối khác có được không ?”

Bác Ba Phi lắc đầu :

“ Mình đã ký hợp đồng bán cho nhà máy đông lạnh rồi thì  ai dám mua ?”

Ông hoạ sĩ sẵng giọng :

“ Nhưng thằng nhà máy đông lạnh không mua nữa thì mình có quyền bán cho người khác chớ ?”

Bác Ba Phi xua tay :

“ Khó lắm...khó lắm ...cả mấy chục tấn cá của cả làng cả xóm biết bán cho ai ?”

Ông hoạ sĩ nghiêm giọng :

“ Sao không bán ra thị trường nội địa ...kiểu này gọi là xuất khẩu tại chỗ đây ? ”



                                                                         (còn tiếp)
























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét