Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

NHÀ VĂN VÀ SỰ THẬT (1)

                                                            (K ỳ 1)

Nhà văn cần phải nói lên sự thật - hồi mới lâm bệnh, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời báo chí nghe rất “có lý” :”Thời đại nào cũng cần sự thật. Nhà văn càng cần phải nói lên sự thật. “.
Nhưng “trăm năm ông Phủ…Ngọc Tường ơi”, sự thật đó là sự thật nào ? Sự thật của đời sống trong dạng nguyên sơ của nó hay sự thật ghi nhận qua đôi mắt “cán bộ” của nhà văn và được xào xáo qua “bút Trường Sơn viết mực Cửu Long” một thời vốn là văn phòng phẩm quốc doanh không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn viết nên chữ nghĩa ?
Về chuyện này, kịch tác gia Shakespeare đã phải thốt lên qua miệng một nhân vật :” Sự thực luôn luôn giống như một con chó bị đuổi ra khỏi nhà ?” . Bằng vào tập ký “Rất nhiều ánh lửa”, “trình diện” sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, sau đó được Giải thưởng Hội nhà văn VN, bằng vào hàng loạt những ký sự đăng trang nhất báo Văn Nghệ…thử hỏi đã có bao nhiêu “con chó” bị đuổi ra khỏi căn nhà của ông Phủ Ngọc Tường ?
Người Việt Nam ta có biệt tài “nói ngoa”, “ nói phóng “– chẳng hạn về người con gái, các cụ ta “tả” : “lỗ mũi thì…tám gánh lông”, còn “chỗ kín” thì…”rũ một cái ra cả rổ c…”. Phát huy truyền thống cha ông, các nhà văn ta cũng chẳng chịu kém “một tấc đến trời” . Còn nhớ thời Nhân văn Giai phẩm, nhà thơ Phùng Quán viết một câu nghe rất “hình sự” :
“ Yêu cứ bảo là yêu, ghét bảo là ghét
Dù ai cầm dao doạ giết …
Cũng không nói ghét thành yêu…”
(Lời mẹ dặn)
Thề thốt vậy,những tưởng trong ‘căn nhà” của Phùng Quán sẽ nuôi toàn chó ngao thôi, ngờ đâu “Vượt Côn đảo”,” Tuổi thơ dữ dội”….lại cũng vẫn là một thứ văn chương “phải đạo” cả.
Vậy còn các cụ “tiên chỉ” chễm chệ trên chiếu làng văn thì sao ? Đi thực tế thâm nhập cải cách ruộng đất, chẳng hiểu “ba cùng” với cán bộ hay là với nông dân, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết “ Truyện anh Lục”, nhà văn Nguyễn Đình Thi viết “ Mẹ con đồng chí Chanh”, Nguyễn Tuân viết “Làng hoa” …. đọc lại cứ thấy như các cụ lấy “sự thật” từ… phim “ Bạch Mao nữ” , trong đó nông dân đều là các cô gái bị đàn áp, ức hiếp đến trắng cả tóc, còn địa chủ đều là tên Hoàng Chí Nhân khét tiếng độc ác chứ chẳng phải cái “sự thật” tàn khốc, nghiệt ngã của một thời cải cách ruộïng đất tại các làng Vũ Đại. Ôi chao ôi, nếu hồi đó, mỗi cụ chỉ đón một “con chó nho nhỏ, xinh xinh” vào căn nhà của mình thôi , thì biết đâu, bao nhiêu người đã khỏi bị chết oan, bao nhiêu gia đình đã tránh được ly tán ?
Sang thời “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”, các nhà văn ta viết lách lại càng hăng hái lắm. “Xuống” nông thôn thì có Nguyễn thị Ngọc Tú với “Đất làng”, Đào Vũ với “Vụ lúa chiếm”. “Cái sân gạch”, Nguyễn Khải với “ Mùa lạc”, “Hãy đi xa hơn nữa” , Nguyễn Kiên với “Anh Keng”…vân vân và vân vân…Tiếc thay, việc “thẩm định giá trị văn học” lại rơi vào tay mấy anh phê bình gia “tát nước theo mưa” cỡ như Vương Trí Nhàn, Phan Cự Đệ, Vũ Đức Phúc….chứ không tuốt luốt những “ tác phẩm viết về “đề tài nông thôn” hồi đó cứ giao hết cho cụ…Kim Ngọc, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú, người đi đầu trong việc xoá bỏ “bình công chấm điểm”, đề xướng “khoán sản phẩm, trả ruộng cho dân” thì các nhà văn ta sớm tỉnh ngộ ra nhiều lắm lắm.
Ở thành phố, văn học ta cũng sôi nổi chẳng kém gì . Lê Phương với “Tổ đá nhỏ ca A”,”Con chim đầu đàn”, Huy Phương với “ Khói trắng”…rồi thì vô số khác viết về than Quảng Ninh, thép Thái Nguyên, ximăng Hải Phòng…mà “sự thật” được “nói lên” trong đó chính là …”nguyên tắc quản lý xí nghiệp” với tinh thần cốt lõi của thời đại là “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, công đoàn động viên, thanh niên nòng cốt” thông qua các phong trào thi đua “năng suất tăng, giá thành hạ, tiết kiệm nhiều”… Ngày nay đọc lại những “thành tựu văn học này” , ta thật sự lấy làm tiếc rằng giá như hồi đó, Hội nhà văn thay vì đưa “các cây bút trẻ” đi học “trường viết văn Nguyễn Du “thì nên cho “bổ túc” tại “Hội phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật” chắc chắn viết lách sẽ khá hơn nhiều.
May mắn cho các nhà văn viết về đề tài chống Mỹ cứu nước, khỏi cần đi thực tế gặp gỡ công nhân với kỹ sư, khỏi cần biết “cờ lanh ke” là cái quỷ gì mà ở nhà máy xi măng người ta cần đến thế hoặc giả “phốt phát” là cái chi chi mà lại lấy đặt tên cho Nhà máy Lâm Thao ? Cứ ngồi ở phố Đấu Xảo, rung đùi uống rượu tây , cụ Nguyễn Tuân cũng viết được “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, cứ “con một bên, vợ một bên” ở bãi Phúc Xá như Nguyễn Khải cũng viết được “ Họ sống và chiến đấu ở Cồn Cỏ”, “Đường trong mây”, cứ hết hội lại đến họp ở “đất thánh” Hà Nội, Nguyễn Đình Thi cũng viết được “Mặt trận trên cao”…mà “sự thật” chẳng ở đâu xa, cứ sáng sáng vừa uống trà tàu vừa tìm trên … báo “Nhân Dân” là…thấy khối “sự thật”. Bởi thế nhìn lại một giai đoạn cầm bút, nhà văn Nguyễn Khải đã có lần vỗ bụng thở dài :” Tung toé mẹ nó hết rồi…”. Ôi thôi, giá như mấy anh thợ thổi bên Viện Văn Học, báo Văn Nghệ như Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo…nghe được câu than này thì “cảm hứng phê bình” chắc sẽ bớt đi nhiều lắm.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét