(K ỳ 2)
Hành trình đi tìm “sự thật’ và “nói lên sự thật” của các nhà văn “vượt Trường Sơn đi cứu nước” quả có gian nan, vất vả hơn nhiều lắm. Ngoại trừ vài anh như nguyên Bí thư chi bộ báo Văn Nghệ Xuân Vũ, mới qua một trận “trèo rừng, lội suối” đã la lối “Xương trắng Trường Sơn”, bỏ của chạy lấy người, còn đa số các nhà văn đều “đường đi đã đến” .
Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Khâm (Nguyễn Thi)…người thì tạt ngang sang Khu 5 Trung bộ, người vào trung ương cục Nam bộ… và hầu hết toả đi sống và sáng tác tại các “an toàn khu”, ngày ngày học chính trị, trồng rau, nuôi gà và chờ đón … “tin chiến thắng” các chiến trường bay về để…múa bút.
May mắn nhất Anh Đức, chỉ dự Đại hội mừng công mãi trên rú, cách “Hòn Đất” cả trăm cây số, qua vài buổi hỏi han gương hy sinh của chị Lê thị Ràng, đã bắt tay viết ngay được cuốn tiểu thuyết “Hòn Đất” lẫy lừng cả nước. Mặc dù sau này khi hoà bình, vào tận nơi nhìn “sự thật”, ông nhà văn té ngửa khi thấy cái hang Hòn ông cho cả tiểu đội du kích vào “trốn Mỹ” trong đó chỉ to ngang cái …hốc đá, con suối Lươn thơ mộng chỉ bằng cái lạch nước, ông vẫn cứ tự hào về đứa con tinh thần của mình đã nói lên được “sự thật “ chiến trường. Cái “sự thật “ đó là “người đằng nguỵ” như Thiếu tá Sành thì ác thiệt ác, “người đằng mình” như chị Sứ thì anh hùng thiệt anh hùng. Căn bệnh “giản lược hoá” con người và sứ mạng “phục vụ chính trị” đã làm nhà văn ta đuổi cổ biết cao “con chó của sự thật” ra khỏi tác phẩm của mình.
Rồi thì “ Người mẹ cầm súng “ của Nguyễn Thi, “Quán rượu người câm” của Nguyễn Quang Sáng, vài chương mở đầu “Ở xã Trung Nghĩa” của Nguyễn Thi …Rồi thì Lê Anh Xuân, Phan Tứ, Nguyễn văn Bổng, Hoài Vũ, Hoàng văn Bổn…Có ông bà nào dám “buông một tiếng thở dài” trước thảm cảnh máu chảy, đầu rơi , xương chất đống ? Không, không có một ai cả. Vậy thì làm sao mở được đôi cánh cửa tâm hồn mà “đón nhận” và “nói lên” sự thật ở chiến trường ?
Nói như ông Lênin “cách mạng là ngày hội của quần chúng”, chiến tranh chống Mỹ là cách mạng, là ngày hội, vậy cớ sao buồn ? Bởi thế cái ‘cảm hứng chủ đạo” xuyên suốt các trang viết là “ Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng ?” (Chế Lan Vien),“Đánh Mỹ là niềm vui bất tận” (Chế Lan Viên) “ Mùa xuân này ta hát khắp Trường Sơn”….đã đẩy xa “sự thật” ra khỏi các trang viết chẳng khác nào những con chó bị đánh đuổi ra khỏi nhà.
Hội nhà văn Việt Nam thường nhắc nhở nhà văn cố gắng có tác phẩm xứng đáng với tầm vóc cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”. Than ôi, cuộc chiến đã trôi vào lịch sử cả 35 năm nay, trung bình cứ tính đổ đồng mỗi năm Nhà nước chi cho các nhà văn khoảng 3 tỷ đồng, chưa kể nuôi một bộ máy “quản lý công tác văn học” trên trăm người thì phải nói là “tiền đặt cọc” móc từ túi dân khá là lớn. Tốn kém vậy mà tới nay vẫn chưa thấy xuất hiện tác phẩm nào “xứng đáng với tầm vóc” của sự nghiệp “chiến tranh cách mạng vĩ đại “, mỗi khi hội họp “bàn về sáng tác “ các nhà văn vẫn vò đầu bứt tai :” chúng ta còn nợ lịch sử…”. Món nợ này xem ra khó đòi làm Bộ tài chánh phải đặt vấn đề :” Tại sao các nhà văn được Đảng và Nhà nước đầu tư bạc tỷ , khuyến khích ưu ái hết mức mà cả mấy chục năm nay vẫn cứ“mang thai” chưa thấy ông nhà văn nào “ hạ sinh quí tử” ?”
Nói cho ngay, cả một đội ngũ đông đảo các nhà văn viết về đề tài “chiến tranh chống Mỹ” cũng chịu khó “rặn đẻ” lắm ,mỗi tội con đàn con đống mà chẳng đứa nào vượt khỏi những “Dấu chân người lính “ của Nguyễn Minh Châu, “ “Hòn đất” của Anh Đức, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi…dẫu rằng những tác phẩm này cũng chỉ là “những giá trị ảo”, nhất thời được dùng đến và sẽ phôi pha theo thời gian.
Ba mươi lăm năm nhìn lại, rõ ràng “ tắc đẻ” đang trở thành vấn nạn của văn học chiến tranh. Vì sao vậy ? Phải chăng sự bề bộn của nền kinh tế thị trường đã làm phân tâm các nhà văn ? Nào lo “chạy ghế, chạy nhà, chạy đất”, “chạy tiền đầu tư sáng tác, chạy đi nước ngoài “” chạy tiền cho con du học…” …Nào lo “giao lưu” với các quý vị “ngày xưa là kẻ thù , ngày nay là chiến hữu” trong William Joiner Center để may được một xuất đi Mỹ, dịch sách…? Phải chăng “vốn sống ở chiến trường” quá lâu trong ký ức ngày càng phai mờ ? Thế nhưng toạ đàm “viết về đề tài chiến tranh”, các nhà văn lại thường đòi hỏi “ cần có độ lùi” (recul) để ngắm nghía “bức tranh của cuộc chiến” cho toàn diện. Than ôi, cái “recul” này không biết còn kéo dài cả mấy kilômét “thập kỷ” nữa đây ?
Thực ra nguyên nhân “tắc đẻ” chẳng ở đâu xa mà ngay trong đầu nhà văn. Ngay từ thủa ban đầu cầm bút, các đồng chí đó ( 90% là đảng viên cộng sản) đã “quán triệt” câu hỏi của bác Hồ :"Viết để làm gì? Viết cho ai? Viết thế nào?" . Tất nhiên câu trả lời bây giờ sẽ là :” Viết để được ‘trên khen”, báo chí “tung hô”. Viết cho mấy ông đọc duyệt.Viết thế nào cho khỏi bị…”mất điểm” thi đua…”.
Khổ nỗi 35 năm qua, rất nhiều “sự thật ở chiến trường” đã được phơi bày trước mắt các nhà văn qua tiếp xúc với chính đồng bào miền nam, qua sách báo trước 1975. Hoá ra “người đằng nguỵ” chẳng phải ai cũng “ác thiệt ác” như thiếu tá Sành của ông Anh Đức, “ người đằng mình” không phải ai cũng “anh hùng thiệt anh hùng” như “bà mẹ cầm súng “của Nguyễn Thi. Hoá ra“sự thật ở chiến trường” phức tạp, phong phú, đa đoan hơn là các nhà văn tưởng tượng nhiều lắm.
Lại thêm cái “cảm hứng chủ đạo” “đánh Mỹ là niềm vui bất tận “ đã không còn nữa, nó đã được thay thế bởi nỗi buồn thời thế , “cái đẹp, cái cao cả của lý tưởng đã bị dìm chết trong nền kinh tế thị trường” . Các nhà văn muốn viết về đề tài chiến tranh sẽ xoay xở sao đây khi phải phân đôi con người “nghĩ một đằng, viết một nẻo” ? Cái công việc đầy trái khoáy đó làm sao tránh khỏi gây “tắc đẻ” ? Tất nhiên cũng có người đã dám viết tới cả một “trung đoàn trưởng chiêu hồi” như Nguyễn Trọng Oánh trong “Đất trắng”, hoặc những cảnh “bộ đội cũng giết chóc tàn ác” như một vài đoạn trong “Nỗi buồn chiến tranh “ của Bảo Ninh, “ Đi tìm nhân vật” của Tạ Duy Anh, nhưng vẫn chỉ là những chấm phá chứ chưa hẳn là “những sự thật cốt lõi” của cuộc chiến. Ngoài sự trật đường rầy hiếm hoi đó ra, hàng núi truyện ngắn, tiểu thuyết viết về “đề tài chiến tranh” vẫn chỉ là nối dài con đường mòn “ mùa xuân này ta hát khắp Trường Sơn” của các bậc đàn anh đi trước.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét