Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

TƯ SẢN ĐỎ

Sau khi Nhà nước cộng sản ở Liên xô và  Đông Âu sụp đổ , quá trình “giải tư” vô cùng chật vật vì rất ít người  có tiền để  mua lại được các cơ sở công hữu . Riêng Việt Nam tuy Đảng cộng sản vẫn cầm quyền nhưng quá trình “giải tư” núp danh nghĩa “cổ phần hoá” lại tiến nhanh , tiến mạnh như “ba dòng thác cách mạng” . 
Tại sao vậy ? 
Bởi lẽ động lực của quá trình “giải tư” đó là … sự ăn cắp. Tài sản nhân dân như cái bánh bị cắt ra  và mỗi đồng chí “ chức quyền” giành nhau một miếng. Từ năm 1987, tôi đã được chứng  kiến một vị Tổng Giám đôc Tổng Công ty XLC , đã “giải tư” TCTy  bằng  moi rỗng ruột nó rồi tuyên bố “giải thể”và biến nó thành  Công ty TNHH .  Vào một ngày đẹp trời, ông Tổng Giám đốc giờ đây đã trở thành “doanh nhân”, “đại gia” ngồi chễm chệ giữa văn phòng tuyên bố xanh rờn :
” Xong…từ nay, mọi thứ ở đây là của tao . Bất cứ thằng thanh tra nào muốn đặt chân vào  phải xin phép ”.
      Vậy là xuất thân của đa số các “đại gia”, “tư sản đỏ”, “tư sản thân hữu”  là ăn cắp, là “móc ngoặc” buôn gian bán lận. Truy ngược tài sản các “đại gia” cao nguyên người ta sẽ  nhận ra những cánh rừng bị chặt trụi, hoặc  đại gia  Dũng “lò vôi” nếu không có ô lớn thì đã gỡ lịch mút mùa vì  móc ngoặc với quan lớn  mua đất công giá bèo xây khu công nghiệp quy lô bán giá lên trời rồi độc quyền xăng nhớt.
Xuất thân chẳng phải do kinh bang tế thế mà bằng “mánh mung”, “chụp giật” nên  đa số các đại gia đều “văn hoá lùn” nặng mùi “ trưởng giả học làm sang”, “phú ông  ra tỉnh”, “chó nhảy bàn độc”. Hoặc như Dũng  “lò vôi” xây chùa theo kiểu “kim cổ giao duyên”, loè loẹt chẳng giống ai, hoặc như  Cường “đô la” chơi sưu tập các em chân dài. Hoặc như bác càphê  Nguyên Vũ chơi trội muốn sánh ngang vĩ nhân trong sách của NXB chính trị quốc gia thì cũng là chuyện thường ngày ở các…đại gia xứ ta. Vừa rồi có bác lại “thấy sang bắt quàng làm họ” xin tặng biệt thự cho toán học gia , bị từ chối mà mặt mũi vẫn cứ nhơn nhơn hảo hớn thì xứ  ta phải xây gấp cái Nhà máy “sản xuất thớt “ may ra mới đáp ứng nhu câù ngày càng lớn của các doanh gia và quan lại .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét