(kỳ 4)
Vậy sang thời “kinh tế thị trường” các cây bút vẫn tự nhận là “thế hệ thứ tư” liệu có làm được cái việc “nói lên sự thật” như ông Phủ Ngọc Tường yêu cầu ?
Trả lời câu hỏi này, ta cần đi ngược thời gian về thời các quý vị Nhân văn giai phẩm còn đang bị “xử lý nội bộ”.
Còn nhớ ngày lĩnh giải Nobel, Andre Gide có nói một câu đại ý:
” Trong một thời đại càng bị kìm kẹp, hiệu năng của đầu óc con người càng đạt tới mức cao nhất…”.
Than ôi, ở nước ta thì ngược lại. Ở vào thời đại nhà văn bị bủa vây tương tự như Liên xô, ta không có được những tác phẩm tràn đầy sự thật của đời sống như Pasternack, Solgiênhítxưn…cũng không có được một dòng văn học “phản kháng samizđát” (tự xuất bản). Sợ đòn vọt, sợ cắt tem phiếu, sợ mất hộ khẩu, sợ đi chăn bò ở Mộc Châu, sợ đi đội than ở Cẩm Phả… phần lớn những nhà văn Nhân văn Giai phẩm còn cầm bút sau đó đều tự dâng tác phẩm lên “anh Năm “ , tức “kính chuyển đồng chí Trường Chinh” để bày tỏ sự “an phận”, không chống đối.
Khi cánh cửa mở vào “sự thật của đời sống” đã đóng lại rồi, thì các nhà văn, nhà thơ “phát huy truyền thống” của nhóm “Xuân thu nhã tập “ ( Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm), tìm tới “cuộc chơi với chữ” cho…an toàn.
Những chủ soái của phong trào Nhân văn Giai phẩm như Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Lê Đạt… đều đắm mình trong trò chơi lý thú này, cố tạo cho mình một gương mặt mới bằng bẻ cong , lật ngửa, xáo trộn “những con chữ” , gây hình thái mới lạ, kích thích trí tò mò của người đọc và mỗi nhà thơ đều chui vào “phòng thử nghiệm những con chữ “ của riêng mình.
Nào :
“Sáng bảnh-bành-banh
mày vẫn ngủ-ngù-ngu.”
hoặc :
“em dài man dại
em dài quên che đậy
em dài tê tái
em dài quên cân đối
em dài bối rối”
hoặc :
“ Poème – roman à accompagnement
jờ
joạcx “
của chủ soái Trần Dần, rồi thì “Ô mai” của Đặng Đình Hưng, “U gì “ của Hoàng Cầm…mở đầu cho dòng thơ “chơi với chữ”, “thơ ngó lời” khai sinh ra lớp đàn em như Lê Huy Quang :
Em dài mua mùa may…
Em dài hai bàn tay…
Em dài đi vô lối…,
Dương Tường :
“ tôi thường jặt tôi như người đàn bà jặt trăng…zòm zèm cửa sổ…)
và sau này là Hoàng Hưng “vụt hiện” :
“Háp háp háp…con gà quay, con gà quay…).
Ở đây ta chưa bàn tới “cơ sở lý luận” về thể loại thơ “chơi với chữ”, cái đó xin giành cho các quý vị trên diễn đàn đemthu, Tiền vệ, Hợp Lưu, tạp chí Thơ….ta cũng khỏi nhắc tới chuyện “ký hợp đồng với những con chữ” của nhà văn gái Phạm thị Hoài… Thôi thì hàng thịt bán thịt, hàng cá bán cá, ở đây ta chỉ khoanh lại cái yêu cầu “ nói lên sự thật” của nhà văn Phủ Ngọc Tường .
Từ thủa khai sinh lập địa, Chúa đã dậy :” Khởi thuỷ là lời”, và rồi cả ngàn năm sau đó , kịch tác gia William Shakepeare lại thêm rằng:
“Lời mà không có tư tưởng thì bay sao được lên thiên đàng”.
Đảng ta thì lại nói :
” muốn bay đâu thì bay, lên thiên đàng hay xuống địa ngục mặc kệ chúng mày, miễn là “lời” đừng có tư tưởng”.
Ở đây, chính là tư tưởng “phản kháng”, “xét lại” hoặc “ chống Đảng”. Vậy thì các nhà thơ “ngoài lời” cứ thoải mái mà “ chơi với chữ”, “thử nghiệm chữ ”, “bẻ cong, xáo trộn chữ”,cứ mạnh dạn ký hợp đồng với “con chữ” đi nhé, cứ “ ngó lời”, cứ “vụt hiện”…miễn sao không có “tư tưởng” hoặc nếu có thì cất kỹ dưới đáy các “con chữ” để các anh Mít nhà ta có trợn mắt lên cũng không nhận ra là OK rồi.
“Tôi khóc những người bay không có chân trời
Lại khóc những chân trời không có người bay”
(Trần Dần)
Hai câu thơ bóng gió quá xa xôi như sao hôm sao mai về “những người mơ mộng không được phép mộng mơ” và “một xã hội đã chết hết cả những người mơ mộng ” của thi sĩ họ Trần đâu đã “thần Siêu thánh Quát” gì cho lắm mà rất nhiều “trang nhà văn học” trích dẫn và kéo lên tít tận chín tầng mây xanh .
Không phải vô cớ mà một dạo thơ văn Trần Dần được khá nhiều các web site đồng loạt bốc thơm như là một “hiện tượng bí ẩn “, “chủ soái viết tự động”,“con hùm, con hổ” trong thi ca Việt Nam.
Vì sao vậy ?
Tài năng nghệ thuật và tinh thần phản kháng của nhà thơ ?
Không hẳn vậy, chính vì “công nghệ” của thơ ông rất phù hợp với “tạng” thơ lớp trẻ bây giờ. Né xa “chính trị” và “ thoải mái ngôn từ” – theo đúng tinh thần “ muốn làm gì thì làm, miễn đừng động tới “ghế” của mấy ổng” – “công nghệ Trần Dần” đã giúp các nhà thơ trong nước rất dễ nổi tiếng mà thơ vẫn in dài dài, một số cây bút hải ngoại tha hồ đăng đàn khoát luận mà khỏi lo Nhà nước đóng trang web, và vẫn còn có cửa xin … visa về Việt Nam tiếp xúc văn nghệ sĩ, vui chơi , tiêu xài xả láng “giá bèo”.
Ngày nay được hỗ trợ bởi “internet” và xả cảng “đùi vú”; “công nghệ Trần Dần” càng mở cho các cây bút thuộc “thế hệ thứ tư” một chân trời văn học rộng thênh thênh.
Nếu như ngày xưa, truyện có hơi hướng phản kháng như “Hòn đá lang thang” của Lê Bầu, “ Hoang tưởng trắng” của Xuân Khánh… thơ của vài “nhà thơ chân đất” như Lê Huy Quang, Hoàng Hưng, Phan Đan…chỉ dấm dúi truyền tay nhau đọc trong bạn bè thân thiết, thì bây giờ các tác phẩm gọi là “phi chính thống” của các cây bút “dấu mặt” như Phan Đan, Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Hoàng Vỵ, Trần thị Ngh., Nguyễn Thuỵ Long ….thả sức mà xuất hiện trên mạng internet hoặc in thành sách ở hải ngoại mà vẫn sống “phủ phê” khỏi lo bắt bớ. Các nhà thơ thuộc thế hệ thứ tư còn “sướng “ hơn nữa, vừa được in thả dàn trong nước, vừa được “tái bản” tức thời trên mạng với những lời “bốc thơm” mà ngay đến các đồng chí Tố Hữu, Sóng Hồng … lúc sinh thời cũng chẳng có được.
Vậy thì diện mạo thế hệ “ A còng (@) “ trong văn chương có gì mới ?
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét