Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

NHÂN SINH NHẬT NHÀ THƠ BÚT TRE

          Quý vị nào ham...vui với thơ hẳn đều biết hai câu thơ này :                    
                             “Anh đi công tác Pờ lây...
                     Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra”
là của nhà thơ Bút Tre. Vậy nhưng cũng có người cho rằng không phải, Bút Tre chỉ làm một số bài thôi, người đời đã “nhại” theo “lối thơ” của ông mà thêm vào kho thơ Bút Tre. Thế gian đa sự, ngay tới một số bài của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương có người cũng bảo không phải của bà, thôi thì ta cứ coi những bài thơ “ấm ớ” mà lại rất vui, rất “cười”, rất dân gian ,rất “ dân chủ”, rất...bút tre là thuộc nhà thơ Bút Tre người đã khai sinh ra một thể thơ độc đáo mà các nhà phê bình bác học không thể đặt cho một cái tên nào khác ngoài cái tên “thơ Bút Tre”.
               Thơ Bút Tre không “dân chủ” sao được , ngay từ thời các lãnh tụ cộng sản, mửa ra khói, ói ra lửa, chỉ một cái lừ mắt khối anh sợ mất vía, ấy thế mà Bút Tre dám giễu đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban nông nghiệp của Đảng bằng hai câu láo lếu :
                       “ Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
                       Anh về phân bắc phân xanh đầy đường...”
       hoặc “dị bản” :
                         “Anh Thanh ơi hỡi anh Thanh
                      Anh về, phân bắc, phân xanh đầy chuồng”
              Tức là anh đi đến đâu thì phân người, phân cây bày ra đến đấy. Riễu đến thế thì ngẫm ra quá “cay” cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh rồi còn gì . Ấy thế mà Ban tuyên huấn không bắt tội được Bút Tre mới tài. Thì đúng là đồng chí Nguyễn Chí Thanh kính mến đã chẳng dấy lên phong trào “phân bắc, phân xanh” ở khắp chốn cùng quê nhờ đó mới phất cao ngọn cờ Hợp tác xã Đại Phong đó là gì. “ca” đó mà lại “chửi” đó mà không “bắt giò” được mới hay.
                       “ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên
                     Giáp ta thắng Điện Biên trở về...”
             Ừ thì Đại tướng Tổng tư lệnh , Uỷ viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng oai danh lẫy lừng suy ra cũng chỉ là Mít ta, Mỗ ta...chứ sao ? Thử hỏi 1000 nhà thơ Hội viên Hội nhà văn Việt Nam đã có ông nào “sáng tác” được hai câu thơ “dân chủ” đến thế chưa ?
            Chẳng hiểu sao, tâm tình kính mến thế nào, Bút Tre lại làm lắm thơ về các “lãnh tụ” như thế.
            Với Nguyễn Chí Thanh, còn một bài nữa khi “lãnh tụ” về thăm Phú Thọ :
                    “ Anh đi đồng ruộng lắng nghe
                   Lúa mừng phân bắc khoai che mảnh vườn...”        
             Cả hai bài ca ngợi “lãnh tụ” đều có “phân” cả, bài sau phân nặng mùi hơn vì là phân bắc, tức phân chuồng, phân xã viên.
        Với đồng chí Ung Văn Khiêm, Bút Tre cười  tủm tỉm :
            “ Đồng chí Uỷ viên Trung ương Ung văn Khiêm
                    Đi trên tàu bật một que diêm
                   Mắt lim dim nhìn lên đồi cọ
                  Gật gù khen tỉnh ...Phú Thọ”
        Ô hay bao nhiêu “thành tích cách mạng” của đồng chí Uỷ viên trung ương không được nói tới mà lại nói cái chuyện “ bật que diêm”,” mắt lim dim” ...thì thật là phạm thượng, khác gì vẽ ‘chân dung lãnh tụ” thành biếm hoạ.
       Rồi thì tặng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Duy Trinh  :
              “ Anh thăm hợp tác xuống từng nhà
               Vang lừng tiếng trống đỏ cờ hoa
                Đàn bò béo múp, coi bụ bẫm
               Đẹp vườn mía tía đẹp luống cà...”
         Tôi dám đoan chắc Bút Tre chẳng lấy từ chân dung lãnh tụ mà vẽ ra “bò béo múp, coi bụ bẫm” đâu, nhưng sao câu thơ cứ gợi ra cái vẻ như vậy nếu như ta biết rằng đồng chí Nguyễn Duy Trinh vốn ghiền ...”trứng vịt lộn”, sang tới hoà đàm Paris còn bắt lính chở theo thì đủ biết cái sự “ăn uống” đã làm đồng chí...nặng ký tới cỡ nào.
      Tặng đồng chí Bộ trưởng Bùi Quang Tạo , Bút Tre cũng nôm na :
            “ Mùa thu cách mạng sao bay
           Anh về công tác ở ngay tỉnh nhà
            Năm đầu kháng chiến nổ ra
             Khu Mười dìu dắt dân ta diệt thù...”
       Quả thực nếu chưa bị “quy chụp “ là biếm hoạ lãnh tụ thì bài thơ cũng chỉ là vài nét chì nguệch ngoạc vẽ vội. Tuy nhiên, khi không “viết” về lãnh tụ, thơ Bút Tre mới thực là ...bút tre :
             “ Tàu xe đi lại nhịp nhàng
              Thái Nguyên, Yên Bái lại càng Lào Kai...”
      hoặc :
             “ Cầu tiêu giếng nước đủ đầy,
             Chuồng lợn hai bậc dựng xây từng nhà...”
      hoặc :
             “ Đồng Lương, Phú Thọ, Sai Nga...
             Bao nhiêu lợn nái trâu cà bấy nhiêu...”
    Thơ xem ra có vẻ ca ngợi xã hội phát triển, đời sống sung túc, nhưng kỳ thực là ...giễu. Chế độ ưu việt, dân giàu , nước mạnh gì mà chỉ thấy “tàu xe đi lại”, “ cầøu tiêu giếng nước”” chuồng lợn hai bậc” với “ lợn nái, trâu cà”... Ở các nước xã hội chủ nghĩa, ngày xưa thỉnh thoảng lại phát động lên một phong trào gì đó trong toàn Đảng toàn dân. Ở Trung Quốc người ta đã được thấy các phong trào “nhà nhà sản xuất...thép”, “toàn dân ...bắn chim sẻ”, thì ở Việt Nam ta cũng rầm rộ không kém các phong  trào “toàn dân diệt chuột”,”toàn dân tổng vệ sinh”...  và nhất là toàn dân “tăng gia sản xuất”. Một khi phong trào đã được phát động lên , không một ai được phép đứng ngoài, không một ai được phép bàn lùi thậm chí buông một tiếng thở dài. Áy thế mà Bút Tre dám cả gan giễu cợt cái phong trào “toàn dân tăng gia sản xuất “ bằng mấy câu thơ :
           “Núi Voi trong thật giống...con voi...
            Voi cũng như người hăng sản xuất
            đầu thì trồng đậu , đít trồng khoai...”
      Ấy thế, ca ngợi cả một phong trào thi đua rầm rộ như thế mà chơi ngay hai chứ “đầu” với “đít” thì thử hỏi có còn coi “tăng gia sản xuất” ra cái thứ gì ? Tuy nhiên thơ Bút Tre không nhằm “giễu cợt”, ông sống hồn nhiên, vô tư, tâm thiện , chẳng tranh chấp, trách móc gì ai mà phải...”giễu”, đối lập với cái thứ thơ “đội mũ đi hia” của các “quan thơ” trong Hội nhà văn , thơ Bút Tre cốt...vui là chính. Vui để bà con nhân dân lao động cười...một phát, tạm quên đi cái cơ cực , nhọc nhằn.
      “ Con đò dịch đít sang sông,
       Bên kia có một cái làng...thò ra...”
   hoặc :
        “ Anh đi công tác Buôn Mê...
        Thuột xong một cái lại về với em...”
    hoặc :
         “ Em về công tác bảo tàng
         Cũng là công tác cách màng ( mạng) giao cho...”
    hoặc :
           “ Hôm nay trời nhẹ mây cao
           Anh Ga Gà Rỉn bay vào vũ...tru...”
   hoặc :
           “ Trông xa một đống đen xì
             Lại gần mới biết ấy thì là than...”        
          Đọc những câu thơ ấy, quý vị nào không cười thì hẳn là đang bị nhức răng hay bụng đang táo bón....Thơ vui, ‘vô thưởng vô phạt”, không phạm chỗ “nhạy cảm chính trị” thế mà vẫn bị ông Xích Điểu, nhà thơ chuyên châm chích...đế quốc Mỹ, đánh cho một bài trên báo Cứu Quốc kết tội Bút Tre là...tự nhiên chủ nghĩa, thiếu tính giáo dục, tính Đảng , tính....vân vân. Ông Xích Điểu đã được chôn ở nghĩa trang Mai Dịch cùng với sự nghiệp thơ “châm chích đếù quốc Mỹ” từ lâu lắm rồi, còn thư thơ “tự nhiên chủ nghĩa” mà ông lớn tiếng phê phán – thơ bút tre thì vẫn sống nhăn cho tới tận bây giờ và cả mai sau. Đời trớ trêu vậy. Rõ ràng trong lịch sử thơ ca VN hiện đại, cái tên Bút Tre là không thể thiếu được.
         Công bằng mà nói, hai chứ “bút tre” là của ông nhà thơ kiêm lãnh tụ cộng sản Tố Hữu làm từ năm 1946:
       “   Ta nghèo không mực thì son
           Bút tre phấn gạch bà con tạm dùng ...” 
                                                    ( Trường tôi).
   Bút Tre đã mượn hai từ đó làm bút hiệu cho thơ ‘bút tre” của mình. Vậy phải chăng ông xuất thân từ giai cấp bần cố nông, ít học nên thơ mới “nôm na, tự nhiên chủ nghĩa” như lời kết tội của ông Xích Điểu chăng ?
        Thưa không phải,
     Bút Tre tên thật là Đặng văn Đăng, sinh ngày 23 tháng 8 năm 1932, tại xã Đông Lương, huyện Cẩm Khê nay là Sông Thao tỉnh Phú Thọ. Từ trước năm 1945 ông đã tốt nghiệp tú tài “tây”, đọc văn thơ Pháp lầu lầu, sau đó lên Tuyên Quang  dạy học, được gọi là “ông giáo Đặng”, ở đây ông yêu một cô giáo người Tày. Mối tình này được ông viết truyện in nhiều kỳ tại mục “tiểu thuyết thứ bảy” của báo Đông Pháp với bút danh “ Lục y lang” ( Chàng áo tràm). Với máu lãng mạn đầy chất lý tưởng của tuổi trẻ ông đã đi theo Việt Minh, làm tới chức Trưởng ty văn hoá Phú Thọ, nghỉ hưu năm 1971. Oong sống thanh bạch cho tới lúc ông từ trần ngày 18-5-1987 tại quê nhà.
   Nhà thơ Bút Tre- Đặng văn Đăng đã qua đời , nhưng cho tới tận ngày nay, hàng ngàn câu thơ “bút tre” vẫn sinh sôi trong dân gian và ngày càng đậm màu  phê phán, tố cáo xã hội hơn. Chẳng hạn :
           “ Mỗi người làm việc bằng hai
          Để cho cán bộ mua đài mua xe...”
  hoặc :
          “ Tôn Đản là chợ vua quan
          Đồng Xuân là chợ nhân dân anh hùng “

        Mong sao, một ngày nào đó, các nhà nghiên cứu văn học sẽ sưu tầm được hết các loại thơ “bút tre” như vậy để in thành sách như là ‘chứng tích” của một thời kỳ lịch sử...

               
      
      
  
                 
         

                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét