(tiếp theo)
- Anh Bình đang phải nghỉ ăn lương chờ việc.
- Như vậy là dấu hiệu đổi mới đấy chị ạ.
Tôi ngạc nhiên :
- Đói đến nơi rồi, đổi mới cái gì?
- Người ta đã biết dừng lại, không còn làm bừa những việc không nên làm nữa, như thế tức là mới chứ còn gì.
- Em nói đúng đấy,thà ngồi chơi còn hơn nhắm mắt thiết kế những chiếc “cầu giấy”.
Vậy còn trong xuất bản , sản phẩm của nó chẳng dễ dàng giám định như những chiếc cầu, người ta có cả tá lý do cho ra đời một cuốn sách dù rõ mười mươi nhạt nhẽo, vô tích sự. Tôi kể Tú nghe và đặt câu hỏi:
-Ở địa vị chị, em làm thế nào?
- Mỗi người phải chịu trách nhiệm lấy chính mình.
Tôi nhìn nó, không hiểu sao nước mắt cứ ứa ra:
- Chị yếu đuối lắm em ạ .
- Chà, đàn bà đến là phức tạp.
Nó nhún vai, bước ra khỏi phòng. Tôi lạnh toát cả người. Tôi không sẵn sàng đón nhận một thái độ như thế. Tôi mong nó phân tích, phê phán, thậm chí xỉ vả thậm tệ cũng được. Oi đứa em tôi, nó thông minh cương nghị nhưng sao dửng dưng, lạnh lùng? Nó có một mục tiêu thôi, cứ thế nó tiến tới làm như thể trên đời này chỉ còn có riêng nó với những tấm sơ đồ vi điện tử.
Thức dậy sau giấc ngủ chiều đầy mộng mị, tôi được mẹ đón bằng nụ cười hớn hở:
- May quá thằng Tú nó vừa đi con lại xuống, nhà vắng mẹ chẳng biết trò chuyện với ai.
- Thế khi nó ở nhà có lúc nào chuyện trò với mẹ không?
- Ôi dà, nó còn bận học túi bụi, suốt ngày trong buồng. Nhà mình thật có phúc lắm đấy con ạ. Có thằng con trai chỉ biết sách vở, học hành, cấm có thấy nó rượu chè, đua đòi ăn diện.
Tôi cười nhạt:
-Có lúc nào nó hỏi đến mẹ làm ăn ra sao không? Lớn bằng ngần ấy rồi, cơm xong cái bát không chịu rửa, quần áo thay xong vứt đấy mẹ giặt ...”
-Thôi con ơi, em nó mải học hành, nghiên cứu. Ngày xưa con kém gì nó. Mẹ ốm còn bỏ đi xem phim, về còn cằn nhằn mẹ sao không thổi cơm.”
Tôi đỏ mặt, mẹ tôi nói đúng quá, chính tôi cũng có”để mắt” tới ai quanh tôi đâu. Ngày còn đi học, tôi cũng như Tú, cũng suốt ngày trong buồng đọc sách không hề biết cái chổi dựng xó nào.
- Mẹ ơi, tối qua anh Bình kể xấu gì con đấy ?
- Kể gì, nó chỉ sốt ruột không hiểu con đi đâu. Mày cũng đáo để vừa thôi, thằng Bình tốt bụng, tử tế, đừng có đứng núi này trông núi nọ.
Tôi biết trước thế nào bà cũng giảng giải một thôi một hồi về đạo làm vợ, những quy tắc tôi phải theo khi đã bước chân khỏi nhà mẹ đi lấy chồng.
- Các cô bây giờ đổ đốn, ngày xưa vợ bỏ nhà đi đêm thì chồng nó giết.
Buổi tối qua nhanh sau bữa cơm ba mẹ con lặng lẽ ăn, chẳng ai hỏi ai. Thằng Tú chắc trong đầu đang có một sơ đồ điện tử, tôi mải nghĩ tối nay có nên tới Hồng Loan , còn mẹ tôi chạy lên chạy xuống bưng thức ăn.
Cơm xong, tôi bỏ lên buồng và chẳng biết làm gì hơn vớ lấy cuốn sách. Tôi “chui” vào câu chuyện viễn tưởng về tuyệt diệt của thế giới sau khi con người mang vũ khí hạt nhân ra choảng nhau. Khí quyển bị nhiễm xạ, trái đất biến thành hoang mạc, thời kỳ băng giá trở lại làm sạch tất cả và loài khỉ cao cấp lại đứng hai chân lên thành người, nhân loại hồi sinh sau khi đã xóa sạch mọi dấu vết của chính mình trên trái đất. Khi đó, Shakespeare, Cervantès, Đốtstôiépski, Tônstôi, Tsêkhốp... cùng tất cả di sản của các bậc thiên tài khác đều biến đi hết, con người lại bắt đầu từ cái rìu đá, và rồi kiếm sắt, súng đồng, bom nguyên tử, tên lửa hạt nhân..., lại khép kín cái vòng tròn thuở trước. Cái đẹp liệu cứu chuộc được thế giới như ông Đốt đã từng rao giảng chăng? Hay dấn sâu vào những bí mật của tự nhiên, con người rồi đây sẽ dùng chính khoa học kỹ thuật của mình để hủy diệt mình. “Nhỏ lửa, nhỏ lửa, đun nhỏ lửa...”, ông Gôgôn nháy tôi từ bức ảnh trên tường, rung rung đôi ria mép. Tôi mỉm cười và quên hết mọi thứ, buông mình vào giấc ngủ.
7.
Ông Trưởng phòng biên tập đón tôi với vẻ vui mừng thành thực sau ba ngày tôi biến mất mà chắc bà công đoàn đã chấm công “nghỉ không lý do”.
- May quá, vừa định cử người tới thăm cô. Sao ốm hả?
- Cháu bị cảm.
Ông nuốt trôi lời nói dối của tôi một cách dễ dãi. Tôi ưng nhất ở ông cái tính cả tin, tôi nói gì ông cũng gật, ít tra hỏi vặn vẹo. Hai chú cháu cứ thế sống hòa bình với nhau, chẳng có phát sinh mâu thuẫn “cấp trên, cấp dưới”, “nhân viên, thủ trưởng” như nhiều nơi khác.
Hôm nay ông vồn vã thế chắc sắp sai bảo tôi chuyện gì, chẳng hạn, viết phiếu tạm ứng tiền cho một ông nhà văn mà sau khi lĩnh, chắc chắn hai ông sẽ kéo nhau đi uống rượu. Tôi nghe đồn ông đã ghi nợ bà chủ quán số tiền lên tới gần ba tháng lương rồi. Bà chủ đã hết kiên nhẫn cho ông uống chịu dù ông đã hứa một tháng nữa khi ông ra sách, ông sẽ thanh toán bằng hết theo cái cách “bán lúa non” như ông thường nói. Tôi mở ngăn kéo, rút sẵn ra cuốn phiếu tạm ứng, nhưng không, ông lại hỏi một câu chẳng ăn nhập gì :
-Theo cô, mình đã nên tái bản “Số đỏ” chưa?
-Chuyện đó lẽ ra phải làm từ mấy năm trước cơ chú ạ. Xã hội mình còn khối Xuân tóc đỏ. Sách ra vẫn nóng hổi tính chất thời sự. Mà cái số ông “Số đỏ” lại rất là đen, mấy lần định in cho ông rồi cứ bị “tốp” lại mãi. Nhưng tài năng thật sự đẻ ra năng lượng đấy chú ạ. Hễ là năng lượng chẳng bao giờ mất đi.
Ông Trưởng phòng tròn xoe mắt vì câu nói làm ông rất lý thú. Giá như tôi đi xa hơn nữa, chọn một tác phẩm của ông và coi đó là “năng lượng” thì nhất định ông phải kéo tôi... đi uống rượu.
Nhưng không, tính tôi vốn “keo kiệt”, không mấy khi thích làm người khác cao hứng, tôi hỏi một câu vào”huyệt” ông:
- Tiểu thuyết của chú sau cái chương mở đầu ấy, chú viết được mấy chương rồi?
Quả nhiên, ông buồn hẳn, nhìn tôi vẻ trách móc:
- Nửa năm nay chả viết thêm được một chữ . Việc cơ quan tối mắt tối mũi, lúc nào ngồi viết được. Chú ngán cái chức Trưởng phòng này quá rồi, nay mai trả lại ông Giám đốc đi viết thôi.
Ông lập lại cái điệp khúc ông đã nói với tôi tới lần thứ mấy mươi. Nhưng tôi biết, ông chỉ rời ghế của ông đi sáng tác chừng nào ông... về hưu thôi. Bao nhiêu nơron thần kinh của ông hầu như đã hòa tan hết trong rượu, còn đâu chất xám viết được cuốn sách như hồi trai tráng nữa. Ông ý thức được điều đó không? Chắc không, bởi vì ông vẫn chưa ôm đá nhảy xuống hồ Hoàn Kiếm.
- Hồi bằng tuổi cô, tôi viết ngày 10 tiếng. Thời đó có bao nhiêu chuyện để viết. Chưa xong cuốn này, trong đầu đã ngọ nguậy cuốn khác. Luôn luôn mình cứ như mắc nợ ai đó, nghỉ viết một ngày cũng không chịu được, đi thực tế một chuyến về là lao đầu vào viết ngay.
Bỗng dưng ông tâm sự với tôi một cách rất thành thật. Giọng ông trầm xuống, cặp kính lão mờ đi, vẻ thỏa thuê, khoái hoạt thường ngày biến mất, ông trở nên rụt rè, bẽn lẽn và tôi chỉ còn cách ngồi im không dám cả thở.
-Tung tóe đi hết cả rồi cô ạ, tính sổ, tôi viết tới vài ba chục cuốn, đứng được với thời gian, may ra chỉ được một, hai...
-Thưa chú việc đó còn chờ các nhà phê bình.
Ông trừng mắt:
-Đó là bọn ngu nhất trong những thằng ngu.
Có lẽ chợt nhớ đã đi quá xa, ông im bặt, nhìn tôi bối rối. Điện thoại làm tôi mừng rỡ, chấm dứt câu chuyện xem ra đã trở nên nặng nề. Ông Giám đốc gọi tôi sang trực tiếp làm việc. Chuyện gì nhỉ? Chẳng lẽ ba ngày nghỉ bất tử, bỏ chồng về nhà mẹ đẻ đã thành chuyện tới tai ông?
Tôi rụt rè bước vào phòng Giám đốc trong lúc ông đang cúi xuống đọc chồng bản thảo. Ông vốn xuất thân từ những người như ông Trưởng phòng tôi , nghĩa là ông đã viết cả chục đầu sách phê bình và tiểu luận văn học, tôi ngồi trên ghế xalông chờ ông , bụng thầm tính trong 30 năm hoạt động không mệt mỏi, ông đã “hạ sát” bao nhiêu nhà văn, nhà thơ kể cả trẻ lẫn già? May cho tôi quá, tôi không có ý định cầm bút và năm nay ông cũng đã quá cái tuổi về hưu và nếu không có sự vận động của những người mà ông đã hào phóng viết sách ca ngợi, hẳn là ông đã ở nhà bế cháu nội.
-Cô biên tập cuốn này phải không?
Cuối cùng tôi đã hiểu ra vấn đề. Trên bàn ông là bản thảo tập thơ tuyển của một tác giả viết từ thời tiền chiến.
-Vì sao phần tuyển sau cách mạng cô cắt bỏ của người ta nhiều thế?
-Thưa chú, cháu thấy nhiều bài không phải thơ, đưa vào sợ mất uy tín tác giả, và dễ làm người đọc nhận ra thơ ông làm sau cách mạng không hay bằng trước cách mạng. Chẳng hạn bài “Thu thuế nông nghiệp”, bài “Cõng con đi tố khổ” bài...
-Thôi thôi, tôi biết rồi, tôi biết rồi...
Ông chặn đứng lời tôi như thể nó dư thừa tiêu phí thời gian quí báu của ông.
-Cô phải hiểu: đó cũng là thơ. Nó nóng hổi hơi thở thời đại, nó mang đầy yếu tố sử thi, nó nôm na giản dị nhưng mà lại...
Ông dừng lại tìm từ ngữ rồi cáu kỉnh vì lục mãi không ra từ nào đắc địa, ông quẳng cho tôi tập bản thảo:
-Cô cầm về, lấy lại tất cả những bài nào cô đã cắt bỏ.
-Thưa chú kể cả những bài quá yếu?
-Tuốt tuột, sao cho tập hai phải dày hơn tập một.
Tôi ngước lên, chẳng thể làm được gì hơn là nhìn vào mắt ông. Tôi không nhìn thấy gì cả, cặp kính lão dày cộp đã che kín hết, chỉ còn thấy những lớp mỡ chảy xuống phía đuôi mắt. Tôi thẫn thờ ôm chồng giấy bước trong hành lang vắng và lẽ ra trở lại phòng làm việc, tôi lững thững bước ra cổng cơ quan.
(còn tiếp)