(Tiếp theo)
May thay, tiếng chuông điện thoại đã kéo tôi ra khỏi trạng thái tinh thần đáng ghét ấy . Tiếng Hồng Loan vang lên trong máy, ríu rít hỏi tôi hồi này sống ra sao , chồng con thế nào, đã có “tin mừng” gì chưa? Cô bạn mồm miệng láu táu này, hồi cưới tôi, cứ một mực xui : “bỏ lão ấy đi”, không hiểu bây giờ bồ bịch gì chưa hay vẫn tìm người yêu lý tưởng trong các cuốn tiểu thuyết như hồi chưa ra trường.
Chao ôi,cái trường Đại học Tổng hợp văn của tôi, sao đào tạo ra lắm đứa con gái nửa điên nửa khùng đến thế. Ấy vậy mà hầu hết chúng nó đã chiếm lĩnh không ít vị trí phóng viên, biên tập viên các nhà xuất bản, báo chí, đài phát thanh, có đứa còn nhảy được cả vào biên kịch xưởng phim nữa kia.
Hồng Loan “chui” được vào một tờ báo tuần làm phóng viên bám cơ sở viết tin thi đua, ngược hẳn với tính cách “phi lôgích” của nó là thích làm thơ. Không giống Biên Cương coi thơ là thánh đường, nơi những kẻ phàm phu tục tử như tôi đừng mon men tới, Hồng Loan làm thơ bất cứ đâu, ngồi trong lớp thầy giảng, xếp hàng mua thịt theo phiếu, đi xe đạp trên phố... bất kỳ lúc nào nổi hứng bất tử nó cũng nảy ra những vần thơ ghi đầy trong sổ và ngoài nó ra chẳng ai được đọc. Tôi rất phản đối cái kiểu làm thơ “cho riêng mình” đó, tôi nói điều đó thực chẳng khác gì trang điểm thật đẹp để rồi đóng cửa ngồi nhà, soi gương tự ngắm. Lúc đó suýt nữa nó nổi cáu, chuyện rất hiếm xảy ra, rồi nó kìm được, khàn giọng:
- Mày đi mà nói với anh Biên Cương nhà mày chuyện đó. Thơ của hắn không những suốt ngày đi rong ngoài phố mà còn ưỡn ẹo cho thiên hạ chú ý nữa kia.
-Tuy thế vẫn có ích hơn mày.
Tôi ân hận đã nói một câu ngu như vậy. Hồng Loan thuộc loại người nói cười càng nhiều bao nhiêu, thế giới riêng ở bên trong càng kín mít bấy nhiêu, chính cái bí ẩn không bao giờ tôi lọt được vào đó, kích thích làm tôi gần như trở thành nghiện nó, lâu lâu không gặp, tôi thấy thiếu hẳn đi một cái gì đó trong thế giới mọi cái được tin tưởng hóa, kế hoạch hóa mà tôi đang sống.
Từ ngày lấy chồng, đắm chìm vào những lo toan dự định, tính toán từng khoản thu chi sao cho hàng tháng dư ra được món tiền dành sắm đồ, sắp xếp giờ giấc ở nhà và ở cơ quan cho khoa học, tôi quên bẵng hẳn Hồng Loan và đám bạn gái mặc cho tụi nó mỗi đứa đi mỗi ngả.
Cú điện thoại lúc nãy vang lên trong tôi gây nên bao nhiêu là bồi hồi, xáo động. Nó gọi tôi đến nhà, bố mẹ vừa đi nghỉ mát thằng em đi thực tập, còn nó mới hoàn thành kế hoạch bài vở cho đến hết năm, hiện giờ đang muốn phát cuồng lên vì thời gian thừa thãi chẳng biết dùng vào cái trò gì.
- Vậy thì tớ sẽ ghé qua chợ, allo, tôi hét lên như vậy, tớ sẽ mua ba kilô ốc nhồi mang tới luộc chấm nước mắm dấm gừng...
- Thôi thôi, Hồng Loan cắt lời, đừng có tả tỉ mỉ nữa kẻo nuốt nước bọt không kịp, tốt nhất thực hiện ngay khỏi nhiều lời phương hướng, mục tiêu.
- Ở đằng ấy đã có dấm và gừng chưa ?
- Có rồi, có đủ mọi thứ rồi, trừ mỗi ốc thôi. Nhưng này, sao lại ba kilô ? Thay con số ba bằng con số bảy đi, tớ thích số bảy hơn.
Đó, một khía cạnh của những cái nó không bao giờ giải thích dù tôi có đeo theo vặn vẹo đến đứt lưỡi, nó cũng chỉ cười trừ : “tớ thích thế”.
Nhà Hồng Loan trong một dãy phố mát, vắng vẻ, gồm toàn biệt thự chắc là của những ông cỡ to như bố nó. Lâu lắm tôi không tới mà cũng chẳng có gí thay đổi trừ cái bảng “Nhà có chó dữ” mới treo ngoài cổng làm thất vọng những kẻ nào lăm le muốn dòm ngó vào trong sân qua hàng song sắt nhọn hoắt.
Đặt bị ốc xuống đất, tôi vừa nhoài lên định bấm chuông, lập tức một đàn chó từ nhà trong ùa ra sủa tới tấp. Trời ơi chỉ cần một con lọt ra khỏi cổng cũng đủ cắn tan xác tôi rồi. May quá, Hồng Loan kia rồi, nó cầm cái roi thật to, quát tháo, mắng mỏ từng cái tên tây, nào là Tina, Kiki... nào Sơvan, Cubi... thôi cứ náo loạn cả lên. Ngồi được vào ghế xa-lông trong phòng khách, tôi vẫn chưa hết hoàn hồn, mắt vẫn còn dáo dác nhìn xem có con nào bén mảng quanh chân không. Dẹp xong bầy ác thú, Hồng Loan mới quay vào cười ríu rít. Da bánh mật, mắt sáng trưng, miệng tươi tắn phô ra hàm răng trắng muốt, đều đặn, trời đất, mới non một năm không gặp mà nó đã nẩy nở, xinh đẹp như thế kia ư? Tôi nắm nắm đôi cánh tay rắn chắc của nó, xuýt xoa:
-Trời ơi, ước gì tớ biến thành con trai, hai đứa mình lấy nhau thì tuyệt trần đời.
-Thôi đi cô, vớ được chàng kỹ sư là mất mặt luôn, hôm nay tới đây không mang theo cái bồ để đựng chửi?
Phòng khách nhà Hồng Loan bày ra sự phô trương đến rối con mắt. Nào tủ chè trong có mấy bộ ấm chén Nhật, búp bê Liên Xô. nào là đôn sứ, độc bình, quạt Mỹ... trên tường treo hai con đồi mồi chầu quanh một cái đầu hổ, chắc toàn của biếu xén cả thôi. Rất may Hồng Loan không tỏ vẻ hãnh diện vì mấy cái đó, nó vẫn hồn nhiên, dân dã như hồi còn đang đi học. Nó bô lô ba la đủ thứ chuyện rồi xách bị ốc của tôi lên lè lưỡi:
- Bảy ký lô mà nhiều thế này kia ư ? Hai đứa có nhét vào mũi cũng chẳng hết.
-Gọi thêm thằng bồ tới nó ăn đỡ.
-Rất tiếc lại chẳng có thằng nào.
-Vẫn phòng không một bóng cơ à ? To gan thế?
Hồng Loan rũ ra cười, tường thuật tôi nghe chuyện những anh chàng theo đuổi ráo riết tới lúc nó phải ngờ rằng sức hấp dẫn không phải ở nó mà là ở... cái ghế cuả bố nó.
- Gớm sao cô ác khẩu thế ?
- Rất tiếc đó là sự thực.
Tôi phải dục nó đi luộc ốc kẻo cứ đà này, câu chuyện lại hướng về cường hào mới ăn hiếp dân lành.Dường như người ta bây giờ có cái “mốt” thế, dăm ba người ngồi với nhau, câu trước câu sau là nhằm ngay tới chuyện mầy ông tham nhũng , mấy bà áp phe. Tôi nghiệm ra người đời phần nhiều khi “phê phán” bao giờ cũng sôi nổi, hăng hái hơn là lúc “khen ngợi”, chấp nhận cái “mất” dễ dàng hơn cái “được” của người khác. Tại sao như vậy nhỉ? Tôi chưa kịp nghĩ , dưới bếp Hồng Loan đã gọi toáng lên sai tôi đi giã gừng pha nước chấm. Chao ôi, lâu lắm mới có một bữa như thế , những con ốc béo ngậy, sần sật trước hai hàm răng, hai đứa vừa ăn vừa xuýt xoa cay đến trào nước mắt. Khi vỏ ốc chất đầy rá, tôi ngước lên nhìn đồng hồ, thôi chết, đã năm giờ chiều.
- Xé rào ở lại với tớ, tối đi xem phim.
- Thôi thôi, hôm nay hành lão vậy đủ rồi.
Tôi kể sơ chuyện đi ăn phở không thành và cả ngày nay chắc chồng tôi sục sạo tìm tôi, Hồng Loan chép miệng :
-Tội nghiệp, tớ thấy lão ta cũng tử tế với cậu chứ.
- Quá tử tế.
- Vậy thì tại sao?
- Tớ cũng không biết nữa.
- Thôi đi cô ạ, sống đơn giản một tí, gói chỗ ốc này về nấu cho lão ấy bát canh.
Nó lấy xe máy chở tôi về, hai đứa bịn rịn mãi đầu phố nhà tôi. Khỉ thật, Hồng Loan có bao nhiêu điều định kể lể, nó than thở vậy, rút cuộc gặp nhau cứ rối lên toàn những chuyện tầm phào. Nghề phóng viên của nó va chạm với đời sống nhiều hơn nghề biên tập của tôi, chính vì vậy, chỉ mới non một năm nó đã có được cái vẻ tự tin, tươi mát, từng trải không sao tôi có được.
Ông Giám đốc may mặc tầng dưới chào tôi dưới chân cầu thang với thái độ trịnh trọng làm tôi phải ngạc nhiên. Chuyện gì làm ánh mắt ông ta mất hẳn đi vẻ xoi mói, thèm khát mọi ngày? Những con người như thế không bao giờ có hành động thừa, tức là không làm điều gì mà không nhằm mục đích nào . Vậy thái độ thay đổi của ông ta nhằm tới cái gì?
Tôi ngần ngại gõ cửa buồng, sẵng sàn đón nhận cơn cáu giận của chồng chắc chắn sẽ nổ ra ghê gớm sau một ngày tích tụ. Tôi chẳng cần bịa ra cái cớ hợp lý nào hết, tôi sẽ nói thẳng ra rằng đã đi chơi suốt từ sáng đến giờ, rằng nếu cứ quanh quẩn trong căn hộ 24 mét vuông với cơm nước và chương trình truyền hình buổi tối chắc một hôm nào đó tôi phát điên.
Rất may, anh không hạch hỏi gì hết, ngược lại còn vui vẻ giục tôi tắm cho mát rồi ăn cơm .Tôi vào bếp nấu thêm món canh ốc rồi nhảy vào buồng tắm mở vòi nước và thở ra ngao ngán: mất nước. Tôi tức mình chưa kịp rủa thầm mấy ông Sở nước, đã nghe anh ấy thở phì phò và gọi tôi mở cửa lấy nước. Trời, anh xách thùng xuống tận dưới đường hứng máy công cộng. Có chồng sướng bằng tiên thế này còn gì. Tôi dội ào ào và cất tiếng hỏi vọng ra ngoài :
- Anh ơi, sao bữa nay anh chiều em thế?
Tôi nghe tiếng anh cười và nói cái gì đó không rõ lắm nhưng chắc một câu nói đùa.
Tôi bước ra khỏi phòng tắm và dường như chờ sẵn, anh ôm chầm lấy tôi. Hệt như người đang ở trong nhà có gắn máy lạnh bước ra ngoài trời nắng, tôi vùng ra khỏi cái oi bức, ngột ngạt đè nặng trên người, rồi sực nhớ tới nỗi khổ tâm đã gây cho anh ngày hôm nay, tôi thở dài phó mặc cái thân thể mát lạnh cho anh thỏa thuê.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét