Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (9)

                                    
                                           (tiếp theo)

  Hồng Loan còn sốt ruột hơn tôi, nó luôn mồm giục Hoàng Minh, tôi biết không phải vì nóng muốn xem tranh mà chính tiếng nhạc làm tay chân cô nàng ngứa ngáy chẳng kém gì tôi. Từ lâu rồi, chúng tôi không nhảy nhót như những ngày còn đi học: sinh nhật, Nôen, Tết dương lịch, chẳng tháng nào là mấy đứa không dựa vào cái cớ gì đó để tổ chức một buổi nhảy cỡ “bỏ túi” có chai rượu mùi, dăm ba cô cậu biết lượn vài đường cơ bản và cứ thế là ôm nhau nhảy tán loạn làm các ông bà già giật mình thon thót chỉ lo công an khu vực đến lập biên bản.
 Than ôi, thời “oanh liệt” đó nay còn đâu, bây giờ, xung quanh tôi chẳng còn ai muốn “nhảy”, ở cơ quan toàn các ông bà già suốt ngày nói những câu chuyện nhạt phèo, về nhà lại va phải ông chồng chỉ biết lo làm ăn, tôi biết sống thế nào hòa hợp được với các vị ấy khỏi mang tiếng là thiếu cởi mở ?
      - Trời, gương mặt Vân thay đổi dễ sợ, lúc nãy sáng bừng, giờ lại trầm hẳn xuống, chịu, tôi chịu thôi không thể vẽ vội được.
Hoàng Minh kêu lên, vứt bút lên bàn, cuộn lại tờ tranh, nhất định không cho ai xem. Tôi cười khẩy, biết ngay mà, anh chàng chỉ quen vẽ “ma” thôi, trò chuyện về hội họa thì sao đại ngôn thế, nào là “đối thoại”, “tâm linh”, nào là “hư vô”, “thực thể”, tưởng như ông Picasso sống lại nói năng cũng chỉ đến thế. Vậy mà hỡi ôi, khi cầm đến bút vẽ mới rõ ra là họa sĩ “rởm”.
      -Tớ phải đi đây...
      Tôi đứng phắt dậy, nỗi giận dữ vô cớ tuôn hết cả ra giọng nói khiến Hồng Loan phải bật cười. Niềm vui vừa lóe lên trong ánh mắt chàng họa sĩ đã vội tắt ngấm, anh đành chưng hửng đứng dậy xin cáo về khi Hồng Loan nằng nặc đòi đi với tôi. Ra khỏi cổng, nhìn dãy phố vắng lờ mờ trong ánh đèn đường, nó thở hắt ra:
      -Khuya rồi còn đi đâu, con dở hơi?
      -Đi đâu thì đi, ngồi nhà nghe chàng họa sĩ triết lý vụn, sốt cả tiết.
      - Ấy, ấn tượng ban đầu như thế mới nguy hiểm chết người đấy.
      Tôi đấm vào người nó và vẫy chiếc xích lô đang đủng đỉnh diễu qua. Tuyệt, một sáng kiến độc đáo, Hồng Loan reo lên hưởng ứng, ngất ngưởng trên chiếc xích lô cổ lỗ, đi chơi đêm phố xá Hà Nội, thử hỏi còn cái thú nào hơn thế nữa?
Lạy trời, đó là một ông “xích lô thứ thiệt” chứ không phải một ông kỹ sư hoặc một giáo sư nào đó buổi tối đạp xe kiếm thêm. Không mảy may ngó nghiêng, hóng chuyện, ông ta cứ lầm lũi rướn người trên chiếc bàn đạp, mặc kệ hai đứa chúng tôi tha hồ trò chuyện.
Phố Hà Nội về đêm đẹp hơn ban ngày, liệu có ông họa sĩ nào vẽ nổi cái dáng nghiêng nghiêng của hai hàng cây cơm nguội muốn ngả đầu vào nhau, cái sắc vàng huyền ảo của ánh trăng rót xuống mặt phố, mọi ồn ào náo nhiệt của con người biến hết, lúc này chỉ còn thấy rõ sự hiện diện bất biến và vĩnh cửu của thiên nhiên mà ban ngày bị chìm mất trong lớp bụi đường, trong tiếng máy, tiếng cười nói và la hét.
“Hai cô ra ga phải không?”, tiếng bác xích lô phì phò qua hơi thở rướn cong làm cả tôi lẫn Hồng Loan như bị dứt khỏi những ý nghĩ về đêm.
“Phải đấy, ra ga đi, ừ thì ra ga...”.
Hồng Loan reo lên mừng rỡ như vừa tìm ra được mục tiêu bất ngờ cho cuộc đi chơi đêm vô định. Tôi không thích ra đó chút nào, bến xe, bến tàu vốn là cái nơi người ta thường chen lấn xô đẩy giành giật nhau từng cái vé quá rẻ so với thời giá leo thang , việc chia tay lúc tàu xe chuyển bánh thường bị nỗi lo kiếm được chỗ ngồi lèn cá hộp làm giảm sút đi bao nhiêu là buồn đau, bịn rịn.
      Chiếc xích lô đã đưa chúng tôi ra khỏi cái êm ả đầy thơ mộng của thành phố lúc nửa đêm và tiến vào vùng sáng ồn ã, náo nhiệt của sân ga vốn chẳng lúc nào ngừng hoạt động. Chúng tôi xuống xe ngay đầu một dãy bày bán đủ thứ từ thịt kho trứng vịt, canh rau cải nấu xương tới đậu nhồi thịt băm, mọi người ăn uống náo nhiệt bất chấp những con thiêu thân thi nhau lao đầu vào ngọn đèn dầu, rơi loạn xuống những bát canh váng mỡ.
      “Điên rồi, cậu điên rồi, dắt díu nhau đến chỗ này làm khỉ gì?”
Hồng Loan cười cười, không thèm đếm xỉa đến lời ta thán, lôi tay tôi len lỏi qua những dãy hàng ăn, hàng chè chén, hàng bán đủ thứ vặt vãnh, toát mồ hôi mới chen chân vào được sân ga.
Ánh sáng mờ mờ soi xuống khung cảnh quen thuộc của những người đợi tàu trải chiếu nằm la liệt dưới mái hiên, ngoài trời và đông đúc hơn cả vẫn là trước những ô cửa phòng vé. Tôi để mặc Hồng Loan lôi kéo và ấn tôi ngồi xuống một băng ghế gỗ. Mùi mồ hôi người, mùi những chiếc bao hàng, mùi hố tiểu đâu đó... tất cả xộc thẳng vào mũi, loáng thoáng bên tai tiếng vịt kêu khàn khàn, tiếng chửi nhau giành chỗ, tiếng một ông lão ho sù sụ... Tôi gắt lên:
      - Sao lại ngồi đây?
      - Chờ đợi mà...
      - Người ta chờ tàu, mình chờ cái gì?
      - Ừ nhỉ...
      Hồng Loan thở ra, mặt xịu xuống vì không có cái gì để mà chờ đợi. Tôi an ủi nó:
      - Thôi mình ngồi đây chờ sáng vậy...
      - Cho cậu ngồi chờ sáng, còn tớ, tớ chờ... Godot.
      - Có đến tết ông ta cũng chả tới...
      Đúng, ông Godot chẳng bao giờ tới (*) nhưng một đứa bé dắt theo con em nó còn bé hơn đã đi tới trước mặt chúng tôi. Vẻ mặt hom hem đói ăn, hai đôi mắt tròn xoe ngước nhìn vật nài, và hai bàn tay nhỏ bé lem luốc giơ ra khiến tôi liên tưởng tới cánh đồng ngập nước trắng xóa sau những cơn mưa liên miên tràn ngập châu thổ sông Hồng.
      - Bố mẹ các cháu đâu?
      Theo ngón tay nhỏ bé của nó, tôi nhìn thấy một người đàn bà ôm con ngồi góc phòng trên manh chiếu rách, đứa nhỏ bà đang bế trên tay rúc mãi vào bầu vú mà dòng sữa của nó chắc chắn chảy ra từ những bát cơm thừa, canh cặn xin được dọc đường.
Hồng Loan nắm lấy bàn tay nhỏ đặt vào đó tờ giấy bạc rồi bỗng đứng phắt, đùng đùng kéo tay tôi bước ra khỏi phòng đợi tàu.
Suốt trên đường về, lại trên một chiếc xích lô, nó câm như hến,mặc cho tôi trầm trồ về mùi hương dạ lan lúc này đang thoang thoảng loang khắp trên phố. Những lúc mặt nó kín bưng thế này, tôi hiểu, nó đang làm thơ. Ngày xưa nó là đứa nổi tiếng nhất lớp về”sản xuất thơ tình” và phải công nhận rằng thơ nó rất hay khi nói về nỗi đau”thất tình”. Hàng tuần, nó lôi tôi lên hồ Tây, hai đứa ngồi ghế đá ăn kem và nghe nó đọc những bài mới làm, toàn về “những mảnh tình đã vỡ rơi trên phố, trên hè” khắp phố phường Hà Nội. Nhiều lần tôi phải chảy nước mắt vì nỗi đau trong thơ nó, và nói cho công bằng, nó còn tài năng hơn khối ông nhà thơ nổi tiếng vẫn thường  đăng thơ dài dài trên đủ các thứ báo và đủ các thứ “nhân dịp”. Vậy nhưng chả lẽ thơ  nó làm chỉ riêng cho mấy đứa bạn?
      -Sao cậu không gưi đăng báo? - Tôi khuyên nó.
      -Thơ thế này báo nào đăng?
      -Chỉ cần cậu sửa đi vài đoạn, chẳng hạn” nụ hôn khuya” này nên giành cho anh bộ đội về phép và cô công nhân đi làm ca ba...
     Nó cười rú lên và hỏi hôm nay tôi “có bị chập dây thần kinh không đấy?”. Mặc kệ, vài ba tháng tôi lại thúc nó làm thơ gửi báo và lần nào nó cũng riễu tôi “bà lão lẩm cẩm”. Thật tiếc, cho tới bây giờ, bao nhiêu bài thơ nó làm vẫn nằm im trong những cuốn sổ tay cất kỹ trong ngăn kéo. Mấy năm vừa rồi, không hiểu nó còn làm thơ không, và hiện đã “hành trình” tới đâu trong “sự nghiệp” riêng của nó?
      Chúng tôi về tới nhà đã gần nửa đêm, chán nản và mệt mỏi vì cuộc dạo chơi bất thành. Nhìn tôi nhăn nhó, nó bật cười:
      -Sao? buồn ngủ chưa?
     -Ngủ thế quái nào được, buồn thật, hết trò chơi rồi.
      -Vậy đi pha cà phê, tán dóc cho hết đêm.
      - Uống đen hay nâu đây?
    Hồng Loan không trả lời, cúi xuống cuốn sổ tay, lúi húi viết. Khi từ trong bếp, tôi bưng ra hai ly cà phê sữa thơm nức, nó đã ngủ gục trên bàn. Thế đấy, vậy mà dám rủ người ta tán chuyện sáng đêm. Tôi ngồi nhấm nháp một mình kệ cho Hồng Loan ngủ say sưa và rồi trên cuốn sổ tay, tôi đọc được bài thơ viết nguệch ngoạc:
                          “Cái đói dồn về ga
                          Chúng ta thì như thế...
     Tôi đặt ly cà phê uống dở xuống và lập tức tôi nhớ tới bộ mặt hom hem, bẩn thỉu của người đàn bà ngồi cho con bú trong góc phòng đợi tàu hồi nãy. Bà ta là ai nhỉ? Chồng bà đi đâu? Bà sống ở nơi nào trong những làng thôn đói kém vì mất mùa do sâu rày, hạn hán, lũ lụt và do cả cơ chế “bình công chấm điểm” một thời đã gây nên thảm trạng người nông dân vắt sức trên luống cày ngày cũng chỉ đủ kiếm vài ba lạng thóc?
       Tôi nhìn những sợi tóc lòa xòa trên đôi mắt nhắm nghiền của Hồng Loan chợt hiểu thái độ câm nín của nó từ lúc hai đứa bước khỏi phòng đợi tàu. Hóa ra từ những bài thơ thất tình, nó đã hành trình tới những suy nghĩ  như thế này. Chỉ lạ một điều, sống trong một gia đình khá giả thế, con một ông lớn thuộc tầng lớp “quí tộc”, đặc quyền đặc lợi, vì sao nó sớm day dứt cảnh đói nghèo đến như thế. Đọc lại cả bài thơ, tôi không nén được tiếng thở dài làm Hồng Loan mở choàng mắt:
      - Chưa ngủ kia à?
      - Cà phê đấy uống đi kẻo nguội.
      Nó gấp cuốn sổ, nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi.
     - Thơ thế này còn khó đăng hơn cả thơ thất tình.
     - A, đọc rồi hả? Cậu lại sắp tái bản những lời răn cũ rích ấy. Tớ đã bảo, tớ làm thơ chơi thôi, ham hố danh lợi gì mà đăng báo cho rắc rối cuộc đời
    -Cậu có nghĩ rằng vài chục năm nữa người ta sẽ đăng thơ cậu không?
    -Cũng có thể lắm chứ. Tuy nhiên, khi làm thơ tớ không hề nghĩ tới in ấn dù là ngay bây giờ hoặc mai sau.
        - vậy cậu làm thơ làm gì?
       - Ngày xưa khi chưa có báo chí, xuất bản, có ai hỏi cụ Nguyễn Du như vậy không? Tất nhiên tớ không có ý so tớ với cụ Nguyễn Du...
       Hồng Loan khen tôi pha cà phê rất ngon để lảng chuyện. Tôi ngồi ngẩn ngơ trong tiếng nhạc êm dịu làm căn phòng sang trọng hẳn trong ánh sáng dịu của chùm đèn tỏa xuống bộ salông bọc da, hình hoa văn rối mắt trên tấm thảm len trải trên nền gạch men, những bông hồng nhung mơn mởn trong bát sứ trắng.
    “Cái đói dồn về ga,
Chúng ta thì như thế...
Đúng như thế đấy, no nê, thừa thãi, lang thang, chán chường với những dằn vặt xa xỉ, chúng ta như thế đấy, nhưng còn biết làm sao ?

(*) “Trong khi chờ đợi Godot”, kịch phi lý của Samuel Beckett.

                                        (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét