“ Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ
Đảo mới gần mới thật đảo của ta”
Ảnh Uyên Vũ
Xin nói ngay hai câu thơ này là của nhà thơ Đỗ Nam Cao viết vào ngày 14 tháng 3 năm 1988 khi Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma bắn chìm 2 tàu hải quân , giết hại 64 chiến sĩ ta. Hai mươi ba năm sau, ngày 11-11-2011, anh mất vì bạo bệnh .
Mới đây vào gần nửa đêm, tôi đang coi tivi chiếu nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nói chuyện “hương xưa” , bất chợt điện thoại hiện tên anh gọi, tôi trả lời :
“ Thiêng thế, tớ đang coi cậu bốc phét trên VTC đây…”
Tiếng anh cười :
“ Tớ gọi không phải chuyện đó. Sáng chủ nhật 19 -2- 2012 nhớ về Sàigòn dự ra mắt tập thơ Đỗ Nam Cao tại xưởng họa của Lê Quân …”
Hôm đó, mắc dầu ông chủ tiệc Lê Quân tuyên bố “đây không phải Hội nhà văn” nhưng thấy ông Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, ông đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, các nhà báo, bạn bè Đỗ Nam Cao như nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ Lê Xuân Đố, nhà thơ Thanh Tùng, ông chủ nhà hàng Lotus Phạm Lân các nhà thơ trẻ như Bùi Chát, Uyên Vũ , Trịnh Sơn…nhưng lại vắng bạn thân của Đỗ Nam Cao như Lưu Trọng Văn, Hà Phương, Nguyễn thị Hồng ….
Đỗ Nam Cao xuất thân gia đình cách mạng, tốt nghiệp Tổng hợp văn, đi B, làm công tác văn nghệ, sau đó công tác tại đài phát thanh TP HCM…Lẽ ra là Hội viên văn nghệ giải phóng như anh, sau 1975 đương nhiên là Hội viên Hội nhà văn VN như nhiều người khác, không hiểu sao người ta quên anh, mãi tới 2010 trong cuộc nhậu Thanh Thảo mới biết chuyện đó và nói anh phải vào hội.
Đỗ Nam Cao ra Hànội hỏi ý kiến nhà văn Hoàng Quốc Hải, ông trả lời :
” Hội nhà văn ngày nay cũng đã…hết thiêng rồi. Nhưng cứ vào để có điều kiện gặp gỡ bạn bè…”
Lúc đó Đỗ Nam Cao mới chính thức là hội viên và kịp dự đại hội nhà văn VN lần 8. Lẽ ra với lý lịch và thành tích công tác vậy, nếu là người khác, hẳn Đỗ Nam Cao thừa sức ngồi ghế chủ báo, chủ xuất bản, nhưng không, anh không bon chen, đòi hỏi gì hết, cứ lặng lẽ làm việc như một công chức mẫn cán.
Những năm1978-1980. do chủ trương ngăn sông cấm chợ của Trung ương, Sàigòn thiếu gạo trầm trọng. Ông Sáu Dân tức Võ Văn Kiệt lúc đó lả Bí thư thành ủy không chịu để dân đói chấp nhận để bà Nguyễn thị Ráo tức Ba Thi liên hệ với địa phương mua gạo, xin phép chở về Sàigòn thu tiền về và quay vòng tiếp theo. Để đảm bảo an toàn cho việc “xé rào” , Sở tài chánh cử cán bộ đi cùng làm kế toán, ngân hàng cử cán bộ giữ và chi tiền mặt, còn bà Ba Thi phụ trách chung, gọi là tổ trưởng “Tổ thu mua lúa gạo” (có người gọi đùa là tổ buôn lậu gạo).
Bà Ba Thi nói : “Làm cách này thì chúng tôi làm được, nhưng nếu Trung ương biết là đi tù đó”. ông Sáu Dân vừa nói vừa cười: “Nếu do việc này mà anh chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi”. Một câu tuyên bố như một lời thề mà nhiều người đến nay vẫn thường hay nhắc lại.
Nhưng hỡi ôi, dân gian đã có câu :
“ gió đưa cây cải về trời
rau răm ở lại chịu đời đắng cay…”
Sang năm 1980 người đi tù không phải bà Ba Thi mà là lính của bà : chị Trần Thu Hồng, nguyên nữ chiến sĩ biệt động, tù Côn Đảo và là phu nhân của nhà thơ Đỗ Nam Cao làm “phận rau răm” “chịu đời đắng cay” cho “cây cải lên trời”.
Suốt 10 năm trời Đỗ Nam Cao chật vật mưu sinh thăm nuôi vợ, gõ cửa này cửa nọ kêu oan cứu vợ khỏi vòng lao lý, mãi tới năm 2003 vợ chồng mới được đoàn tụ. Đỗ Nam Cao trở thành như Jean Valjean trong xã hội cộng sản và lạ thay đời toàn của đắng thế mà anh cứ sống điềm đạm, cứ cười hồn hậu, cứ lặng lẽ cam chịu sự trớ trêu của số phận , không oán thán và chẳng hiểu “mắt của trời” ở đâu để rồi bạo bệnh lại rơi vào chính anh?
Sống một cuộc đời như thế nên thơ Đỗ Nam Cao :
“ Thơ tôi khổ qua mướp đắng
Xù xì gai góc sầu riêng một nỗi
Thơ tôi đọc nổi da gà
Mượt mà mướt mà cỏ gấu
Đắng cay dấu dưới tầng sâu
Bùn nâu đội đầu mầm thóc
Thơ tôi phát khóc
Mỗi khi chực cười…”
Thơ Đỗ Nam Cao đã in thành tập dầy 256 trang NXB Hội nhà văn gồm các phần “ Những cánh cò lửa “, “Dính” (viết trong chiến tranh ), “Thơ sau năm 2000” với rất nhiều lời bình của bè bạn.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha :
Đỗ Nam Cao viết :
“ Mưa rào rạc nước cá rô
Tôi bơi ngược đến kiệt khô sức mình
Sống là trống thúc thình thình
Chết vác vai những cột đình gốc đa…”
Suốt cả một kiếp người Đỗ Nam Cao khi sống luôn là “trống thúc “ nhưng ước muốn khi chết được vác vai “những cột đình gốc đa”.Có lẽ anh đã làm được như thế trong tâm tưởng cho miền quê nơi châu thổ sông Hồng của anh, cũng góp sức nhỏ nhoi cho nền thi ca nước nhà. Như thế không bao giờ mất được, phải không Đỗ Nam Cao…”
Nhà thơ ThanhThảo :
“ Thơ Cao đi vào những góc nhỏ , những vệ đường, dừng lại ở một hốc cây, ở từng khoảnh khắc bình dị. Đó là thơ không tham vọng nhưng hy vọng . Đó là thơ tinh tế trong từng chi tiết nhỏ nhoi, nâng niu những gì có thể ngay lập tức tan biến. Thơ Đỗ Nam Cao bình dị như vậy và cứ như vậy nó bất chợt “dính” vào ta lúc nào không hay .
Nhà thơ Nguyễn thị Hồng :
“ Đắm mình trong cỏ
Đắm mình trong thu
Đắm mình
Bật thành thơ
Rung bất tận
với người”
và còn nhiều bạn của Đỗ Nam Cao nữa : Phan Trung Hoài, Trần Nghi Hoàng, Nguyễn Thông, Đỗ Quang Hạnh, Hoài Anh, Nguyễn Thế Khoa , Phạm Phù Sa, Bùi Nguyên Hương…
Vậy nhưng nói bao nhiêu cũng chỉ thế thôi, “ rau răm chịu đời đắng cay” Đỗ Nam Cao cũng đã về trời rồi và để lại …thơ.
Ngay trước khi mất, Đỗ Nam Cao đọc cho Lưu Trọng Văn ghi lại bài thơ cuối cùng của anh :
“ Có không trong cõi vĩnh hằng
Có cô cắt cỏ với trăng lưỡi liềm
Có không trong cõi thần tiên
Rượu ngon lại uống bạn hiền lại chơi
Chỉ còn sờ sợ chút thôi
Có thơ không để tôi rơi xuống trần…”
Đọc thơ Đỗ Nam Cao chợt nhớ tới một bài haiku Nhật Bản :
“ Hoa mimosa trên hàng dậu…”
Vâng, hãy cứ để bông hoa kia trên hàng dậu , lặng ngắm nó, ta là hoa, hoa là ta, ta sẽ hiểu được hoa và hiểu được ta. Xin đừng ngắt hoa, bẻ cánh, bẻ nụ, cho vào phòng thí nghiệm với kính hiển vi, như thế ta sẽ chỉ được”xác nó” chứ không phải là nó.
Thơ Đỗ Nam Cao cũng vậy, mọi phân tich, mổ xẻ theo kiểu “ta và nó” hồn thơ anh sẽ bay mất. Tuy nhiên trong cả tập cũng có thể dễ lựa ra những bài hay: rượu thủy tinh, Trường ca cô cắt cỏ…
Sang năm 2012 nếu Hội nhà văn VN trao giải thưởng thơ cho Đỗ Nam Cao thì không chỉ vinh danh nhà thơ mà còn làm sang cho chính mình.
21-2-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét