Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (8)


                             

                           (tiếp theo)
Trời tối hẳn, toàn thân mệt mỏi tôi mới ngồi vào mâm cơm . Anh ân cần gắp cho tôi những miếng ngon nhất. Vào lúc khác tôi có thể cảm động, nhưng lúc này  tôi chỉ khó chịu.
      - Anh cứ ăn đi, mặc em.
      - Em sao thế?
      - Không sao cả.
      Tôi cúi xuống và cơm vào miệng, cố ngăn không cho nước mắt trào ra. Không, tôi giữ được, nhất định không được khóc vào lúc này : trong bữa ăn và ngay trước mặt anh. Thông thường, những lúc này, tôi bắt đầu óc mình nghĩ sang chuyện khác thật hài hước hoặc thật xa xôi chẳng ăn nhập gì tới cái đang diễn ra. Phải rồi, hôm nay Hồng Loan kể chuyện một anh chàng si tình cứ nhè vào lúc tivi chiếu phim mới gọi điện thoại tới để ông bà bô mải xem mặc con gái tự do trò chuyện. Allô, Hồng Loan đấy phải không ? Không, tôi là mẹ cháu đây, anh hỏi gì ? Anh chàng đặt máy xuống cộp một cái làm Hồng Loan rũ ra cười.
      - Hôm nay em đi những đâu ?
      - Không đi đâu cả.
      - Sao anh đến cơ quan không thấy?
      - Chắc em đang Thư viện quốc gia.
      - Anh cũng đến đó tìm em khắp các phòng.
      -Lần sau anh đừng tìm em như thế nữa.
      Tôi trừng mắt lên và cũng như những lần khác, rất biết kiềm chế, anh dừng lại đúng lúc, chẹn giữ cơn giận của tôi và tôi chỉ còn cách nuốt vào nó cổ họng, mang theo lên giường, thả màn xuống với ý nghĩ nó sẽ được giải tỏa vào giấc mơ.


5.


      Trong đêm khuya, tôi thức giấc và chẳng hiểu sao tôi bỗng nhớ tới căn phòng riêng đằng nhà mẹ vẫn khóa kín từ ngày tôi đi lấy chồng. Nhắm mắt, tôi hình dung ra con búp bê da đen, có mớ tóc rất dài chắc vẫn ngồi trên bàn viết giơ hai tay chờ tôi trong đêm vắng, tội nghiệp, lâu rồi tôi không về bế nó, chiếc giá sách hẳn là bám vài lớp bụi dày, cũng lâu rồi tôi không thêm cho nó được cuốn sách mới nào, thế giới riêng của tôi đó, với tôi như bảo tàng của quá khứ, tuổi nhà trẻ, tuổi phổ thông, tuổi đại học tôi đều trải qua trong căn phòng đó, đôi khi trở về, tôi như được sống lại những ngày xa xưa chẳng giống chút nào với cái tôi đang sống.
      - Mình nên sống xa nhau một thời gian, anh cứ ở lại đây, em về nhà mẹ...
      Anh tròn mắt kinh ngạc khi mấy ngày sau nghe tôi nói thế, điều đó với anh có nghĩa trong quan hệ vợ chồng đã xảy ra rạn nứt. Anh hốt hoảng hỏi dồn tôi đủ thứ để biết cho được vì sao tôi nảy ra ý nghĩ kỳ quặc thế. Tôi nói chẳng có chuyện gì cả, tôi thích vậy và nói chung anh không nên quan trọng hóa mọi thứ trên đời.
“Cô ích kỷ lắm, lúc nào cô cũng chỉ nghĩ tới cái ý thích riêng của cô thôi...”
Và thế là cái việc tôi trở về nhà mẹ ít hôm lẽ ra rất nhẹ nhàng, vui vẻ, hóa ra lại trở thành hậu quả của trận cãi cọ kịch liệt, cả hai đều mất khả năng kiềm chế như mọi ngày để tuôn ra những lời lẽ bóc trần nhau cứ như quỷ ám, không còn là mình nữa.
Đạp xe khỏi nhà với túi quần áo buộc đằng sau, tôi bỗng hết cả hứng thú trở về nhà mẹ, mọi dự định trong mấy ngày tới sống một mình trong phòng riêng tan đi hết, tôi cứ lang thang phố này sang phố khác, chẳng có chủ đích gì và sau cùng chân tay mỏi rã rời, tôi đã thấy mình đứng trước nhà Hồng Loan.
Nó ra mở cửa tíu tít đón tôi vào, mừng rỡ khi biết tôi có ý định ở với nó ít ngày.
“May quá, ông bô bà bô đang nghỉ mát dài dài, tớ ở nhà một mình buồn muốn phát điên lên đây. Nhưng cậu làm sao thế, cãi nhau với chồng hả?”.
Tôi vứt túi quần áo vào góc buồng, không trả lời, ném người lên giường, buông một câu ngắn ngủn: “tớ ngủ”. Tội nghiệp Hồng Loan, nó cụt hứng, đứng ngây ra ở đầu giường, há mồm nhìn tôi cứ như mới từ trên trời rơi xuống. Mặc kệ, tôi phải ngủ cái đã.
      Hồng Loan kéo màn gió, khép nhẹ cánh cửa, bước khỏi phòng để tôi ngủ yên. Trong bóng tối lờ mờ, tiếng quạt quay nhẹ, tôi cố dìm sâu mọi ý nghĩ đang có chiều hướng phanh phui, phân tích, mổ xẻ con người mình dưới ánh sáng tỉnh táo của lý trí, một việc xưa nay tôi rất ghét. Tôi là thế nào? Tôi đã làm được những gì? Tôi đang hướng đi đâu? Ôi, những câu hỏi thực khó chịu , cũ kỹ, đầy phiền muộn không hiểu sao như những con đỉa đói bám riết trong đầu, hút ra bao nhiêu là ý nghĩ trái ngược nhau, cái này phủ định cái kia, sau cùng chỉ còn một mớ rối bòng bong làm tôi phát mệt vì cáu kỉnh.
Phải làm gì đó thoát khỏi trạng thái khó chịu này đi, tôi ngồi nhỏm dậy, bò gối trên giường và mặt tôi phải ngớ ngẩn lắm nên khi Hồng Loan bước vào mới phì cười.
      - Sao nhăn nhó như khỉ ăn ớt thế kia? Không ngủ nữa hả?
      - Lại đây, lại đây...
      Nó ngập ngừng bước tới, e dè cứ như thể tôi là con yêu râu xanh lăm le ăn thịt nó. Tôi kéo cái thân hình chắc nịch trong váy mỏng của nó, vuốt ve làn da mát mẻ, xuýt xoa tiếc cho chính mình đã có một thời như thế.
      - Đừng lấy chồng cậu ạ, tớ khuyên cậu đừng nên lấy chồng...
Tôi lập lại đúng câu Hồng Loan khuyên tôi ngày trước làm nó rũ ra cười. Nó vặn vẹo tôi đủ điều về đời sống vợ chồng mà vẫn chưa hết thắc mắc vì sao tôi lại đùng đùng xách túi quần áo đến ở với nó. May có tiếng chuông điện thoại réo lên ở phòng ngoài, không thì tôi còn khổ vì những câu hỏi lẩn thẩn của nó. Chắc hẳn cô nàng đã nhắm được anh chàng nào nên muốn học hỏi kinh nghiệm làm vợ để “bảo vệ hạnh phúc gia đình” tương lai. Vậy cái anh chàng tốt phước đó là như thế nào ! Một cô phóng viên duyên dáng, trẻ trung, xinh đẹp, một ông bố cán bộ cấp cao, một dinh cơ sang trọng và tiện nghi sẵn sàng đón một chàng đến “ở rể” với cô con gái rượu... chà, anh nào nhảy được vào nhà này hẳn phải khéo tu từ ba kiếp trước.
      - Tớ sắp có khách, - Hồng Loan bước vào báo tin.
      - Hắn phải không?
      - Không, không, bạn thôi, một anh chàng họa sĩ trình bày báo.
      Nó dục tôi sửa soạn tiếp khách với nó. Thôi cũng được, tán gẫu cho qua hết một tối vô vị. Tôi miễn cưỡng trở dậy, trang điểm qua loa, theo Hồng Loan ra phòng khách. Nó hứa với tôi đó là anh chàng rất hay, một kẻ sáng tạo luôn luôn hành trình, một chàng si tình sẵn sàng quỳ gối hiến dâng cho người yêu toàn bộ sự nghiệp.
Quả thực, tôi không am hiểu nhiều về hội họa, bởi vậy thật chẳng thú vị gì khi anh ta tới ôm theo một cái cặp rất to, chuyện trò mới dăm ba câu đã hăm hở bày ra la liệt trên bàn những bức tranh anh mới vẽ.
Chao ôi, thế này là tranh ấy ư, nom chúng giống tiêu bản các loại vi khuẩn  nhìn qua kính hiển vi thì đúng hơn. Một hình hơi tròn, một hình ống dài, một hình nón cụt... tôi để ý có chừng non một chục hình được sắp xếp khác nhau qua mỗi bức tranh. Tôi cứ trợn ngược mắt cố tìm ra một ý nghĩa nào đó trong “những tiêu bản của những con vi khuẩn” kia.
      - Chịu, tôi không thể hiểu được anh định vẽ cái gì?
      Chàng họa sĩ liếc nhìn Hồng Loan với ánh mắt đồng lõa vẻ như muốn nói một con ngốc như tôi hiểu sao được nghệ thuật cao siêu. Sợ tôi phật ý, Hồng Loan vội vàng giảng giải:
      - Đây là những bức Hoàng Minh vẽ thể nghiệm. Anh đang đi tìm một ngôn ngữ mới cho hội họa.
      Tôi nhìn chòng chọc vào Hồng Loan cố hiểu xem nó đang nói thực bụng hay là bỡn cợt chàng họa sĩ “tiền phong”. Lạ thật, không lẽ Hồng Loan cũng tin   cái trò điên khùng này sao? Hay sau hơn một năm chúi mũi vào tổ ấm gia đình, tôi đã quá lạc hậu với đời sống nghệ thuật? Dẫu sao, cái nhìn của Hoàng Minh vẫn làm tôi nóng mặt:
      - Có thể tôi chưa cảm nhận được cái cao siêu trong tìm tòi của anh, nhưng tôi thấy ở ta họa sĩ trẻ chưa vẽ thạo được “người”, đã nhảy sang vẽ “ma”...
      Câu nói móc của tôi không lay chuyển được vẻ tự tin của chàng họa sĩ, anh ta nở một nụ cười lịch sự:
      - Vậy hôm nào tiện, xin phép Kiều Vân cho tôi được vẽ chân dung.
      Hồng Loan reo lên:
      - Phải đấy, anh thử vẽ Vân một bức sơn dầu đi, vẻ mặt nó cũng đầy bí ẩn như “Người đàn bà không quen biết” trong tranh của Kramskôi đấy.
      - Loan nhận xét rất tinh, ngay từ lúc tới đây, tôi đã nhận thấy ở Vân một vẻ gì đó rất khó thể hiện.
      Chà, cái anh chàng  “nhãi ranh” này thật khôn khéo, một mũi tên nhằm tới được cả hai cô bạn gái. Quả thực cả hai chúng tôi đều không ngăn được nỗi sung sướng làm nở nang cả mặt mày. Táo tợn hơn, anh ta còn lôi giấy bút trong cặp ra, nhìn tôi một cách thẳng thắn và xin vẽ tặng tôi một bức ký họa. Tôi cứ để mặc anh lôi bừa vào trò vẽ vời, không phản đối và cũng không sửa đổi lại thế ngồi cho có tính cách “tạo hình” hơn. Và rồi tôi chợt rùng mình khi bắt gặp cái nhìn của anh, một cái nhìn rất lạ, không biểu lộ cảm xúc, lạnh lùng và xa vắng, một cái nhìn “vô ngã”. Tôi cố trấn tĩnh không để lộ bối rối , nói một điều bâng quơ với Hồng Loan để tỏ ra không quan tâm tới việc anh đang nhìn tôi và truyền “cái nhìn” đó xuống bàn tay đang nguệch ngoạc trên trang giấy. Chắc anh chàng sẽ tìm thấy trên mặt mình toàn những hình tròn và hình ống để rồi lát nữa lại chìa ra cho xem một bức “tiêu bản vi khuẩn” như mớ tranh anh vẽ kia. Hồng Loan đứng dậy, vòng ra sau mở máy cassette. Tiếng nhạc từ hai thùng loa Akai gieo nhẹ những âm thanh trầm buồn rồi tức khắc chiếm lĩnh toàn bộ căn buồng bằng tiếng trompette vút lên trên nền bộ gõ phá vỡ cái lệt bệt, uể oải đang đè nặng trong tôi, khiến tay chân ngứa ngáy chỉ muốn đứng phắt ngay dậy, ôm một người nào đó quay tròn theo tiếng nhạc. Sự biến đổi đó ắt hẳn phải bày ra hết trên gương mặt tôi làm cái nhìn của Hoàng Minh ánh lên ranh mãnh và tôi bỗng tò mò muốn biết anh có thể hiện được nó trên giấy không, nó như thế nào, cái ngôn ngữ “hình tròn và hình ống” ấy liệu có thể biểu đạt được những biến đổi tế vi ấy chăng?

                       (còn tiếp)
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét