NHÀ THƠ NGUYỄN KHOA ĐIỀM
(kỳ cuối)
Hẳn ai cũng biết, những cây bút “quốc doanh” đặc biệt lý luận phê bình cả đời chỉ quyết làm cháu ngoan bác Mao, sống chết với tinh thần văn nghệ Diên An chẳng mấy thiện cảm với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - người cứ thích nói ngược những gì thiên hạ nói xuôi.
Trong con mắt các lý luận gia mác xít hơn cả cộng sản như Mai Quốc Liên, Trần Trọng Đăng Đàn, Trần Thanh Đạm…Nguyễn Huy Thiệp như một kẻ có tội, một con chiên ghẻ cần rút phép thông công, một kẻ “ngoại tình” cần ném đá, một tên “ăn cơm cộng sản thờ ma Việt kiều”…
Vì sao Thiệp trở thành “phần tử nổi cộm”, cái gai trong con mắt giới lý luận bảo thủ cực đoan như vậy ?
Thưa rằng xưa nay Thiệp vốn “ăn lộc” tối đa của Nhà nước, suốt một thời đổi mới cho đến nhiều năm sau, cả bộ máy tuyên truyền của Đảng “bốc thơm” Nguyễn Huy Thiệp lên mây xanh, trao ‘cây bút vàng” cho Thiệp trên khắp các mặt báo chí, sách, điện ảnh, truyền hình làm lu mờ cả những giá trị văn chương “cây đa cây đề “ . Ăn “lộc Đảng” nhiều vậy mà xem ra Thiệp không chịu ca ngợi Đảng lấy một câu gọi là ghi nhận mình cũng từ cái nôi văn hoá xã hội chủ nghĩa chui ra.
Đã không “trả nghĩa” cho Đảng thì chớ, Thiệp ngày càng ngoa ngoắt xỏ xiên . Bỏ qua những lỗi bôi bác lịch sử hoặc bôi đen xã hội như chuyện con dâu ông tướng hưu nhét cả thai nhi nấu cho chó ăn, trong vở kịch “ Suối nguồn êm dịu” vốn được bà Thuỵ Khuê ở đài RFI “tôn vinh” là “nhà thạch học”, tức sử gia không viết lên giấy mà khắc vào đá, Thiệp đã chơi lại cái mẹo “biểu tượng hai mặt’ của Nhân Văn ngày trước, bôi bác nhân vật lãnh tụ trong một xã hội “toàn trị” và bóng gió đề cao “Ông 2000” dễ thấy là biểu tượng của “ông” “Hiến chương năm 2000” mấy năm trước được phát động rầm rộ ở Paris đòi dân chủ, đa nguyên .
Không kể chuyện “đánh võ mồm” như trả lời phỏng vấn ở Pháp “ói mửa vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, trong truyện vừa “Tuổi 20 yêu dấu” , ông Thiệp chửi tuốt luốt cả từ nhà trường tới quốc hội, và trong “Chuyện trò với hoa thuỷ tiên” , Thiệp gọi đám nhà văn trong nước là bọn “giặc già” vừa bất tài, vừa tham lam vừa thất học…
Bị chửi ông chửi cha vậy mà Hội nhà văn Việt Nam vẫn im thin thít, ngay cả Tổng thư ký Hội Hữu Thỉnh vào những dịp đăng đàn diễn thuyết cũng…”ngó lơ”. Tình trạng nuông chiều , e nể Nguyễn Huy Thiệp làm các phê bình lý luận gia mao ít ngồi đầy trong các Viện nghiên cứu và các trường Đại học tức lộn ruột chỉ mong một ngày “hoàng đạo” nào đó sẽ tay dao tay thước xúm vào đánh đòn hội chợ. Nào ngờ, ngày ấy chưa đến, đã thấy Nguyễn Huy Thiệp chơi luôn một tiểu phẩm “ Mổ xẻ nhà văn” xỏ xiên các nhà phê bình chỉ muốn tiến thân bằng xác các nhà văn. Hành động đổ dầu vào lửa của Nguyễn Huy Thiệp càng nung nấu thêm “lòng căm thù” của giới lý luận “mác xít tới bến” chỉ chờ cấp trên gật đầu là xúm vào “bề hội đồng ”.
Vậy mà có ai ngờ, đồng chí Trưởng ban văn hoá tư tưởng Nguyễn Khoa Điềm chẳng những không phát lệnh “giết chết thằng Thiệp” lại còn khen ngợi Thiệp thì còn trời đất nào nữa hở …trung ương Đảng ?
Lẽ ra là người cầm cân nảy mực giữ gìn, bảo vệ tư tưởng của Đảng, ông Nguyễn Khoa Điềm phải nghiêm khắc “lên án” và vạch ra những tội lỗi của Thiệp, đằng này ngược lại đưa ra những luận điểm khá mới mẻ so với cái vốn có của Đảng khi khen ngợi và có ý “tha bổng” Thiệp :
” Có người đã nói anh Thiệp đã viết những điều trước nay chưa ai viết . Tôi thấy điều ấy không quan trọng lắm. Về mặt nội dung, có những điều anh Thiệp sai nhưng về mặt đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật thì anh Thiệp lại có nhiều đóng góp…Ở vào thời điểm mang tính chuyển đổi thì nhiều lúc hình thức lại mang tính cách mạng của nó…”
Vậy là những điều Nguyễn Huy Thiệp viết dù xưa nay chưa ai dám viết cũng chẳng là cái gì phải làm ầm ĩ lên, cái chính là Thiệp đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật. Ông trùm văn hoá đã nói vậy tức đã “tha bổng” Thiệp. Lập tức Trần Thanh Đạm dám xổ toẹt quan điểm của đồng chí Trưởng ban tư tưởng :
“ Không cần phải là nhà lý luận uyên thâm gì cũng có thể thấy nhận định của tác giả về Nguyễn Huy Thiệp là không chính xác, là tách rời nội dung với hình thức, tách rời ngôn ngữ nghệ thuật với tư tưởng nghệ thuật…”
Và to gan lớn tiếng mắng mỏ ông Ủy viên Bọ chính trị dốt lý luận :
“ Có lẽ do chưa nhận thức rõ về mặt lý luận cũng như thực tiễn nên diễn giả đã tiếp cận các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp một cách siêu hình , tách rời máy móc nội dung và hình thức…”
Rôi bằng một giọng đay nghiến, khinh khỉnh hoàn toàn ngược với giọng cấp dưới với cấp trên, Trần Thanh Đạm tuôn ra liên hồi những lời lẽ đả phá mạnh mẽ ý kiến của Nguyễn Khoa Điềm :
“ Há rằng “ phi anh hùng hoá “ một ông tướng về hưu , “ phi thần tượng hoá một anh hùng dân tộc vv…chỉ là đổi mới và đóng góp cho ngôn ngữ nghệ thuật hay sao ? “
Táo tợn hơn , đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, một ông Trưởng ban văn hoá tư tưởng bị kết tội công khai trên báo :
“ Trong khi một số nhà văn, nhà phê bình lên án những ngôn luận xằng bậy của anh Thiệp đối với các văn hữu trong Hội nhà văn thông qua các bài như : Hoa thuỷ tiên, Mổ nhà văn, Tuổi 20 yêu dấu v…v…thậm chí xúc phạm đến cuộc kháng chiến dân tộc thì đồng chí Nguyễn Khoa Điềm hình như có ý muốn che chắn cho Nguyễn Huy Thiệp …”
Hơn thế nữa ông Nguyễn Khoa Điềm còn có một bước tiến đổi mới khá xa so với những người tiền nhiệm khi ông phát biểu :
“ Người nghệ sĩ có tư chất và thẩm quyền của họ , không nên buộc họ lệ thuộc quá nhiều vào thực tại…”
Nghĩa là không nên ép uổng nhà văn viết “người thực việc thực”,”người tốt việc tốt”, không nên bắt buộc nhà văn phải “đi thực tế” dựng nên “bức tranh hào hùng về cuộc sống sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta “ . Vậy là Đảng đã “cởi trói’ cái nghĩa vụ “phi sáng tạo “ cho nhà văn, đồng thời còn thừa nhận “thẩm quyền” của người cầm bút.
Vớ được câu này, Trần Thanh Đạm mừng rỡ chẳng khác hải quan khám ra hàng lậu. Lẽ ra mang danh nhà nghiên cứu, Trần Thanh Đạm phải nhiệt liệt ủng hộ những tín hiệu đổi mới của ông Nguyễn Khoa Điềm, ngược lại đưa ra những phản đối cũ rích :
“ Người nghệ sĩ không phải lệ thuộc quá nhiều vào thực tại , song tôi nghĩ người nghệ sĩ chân chính nào cũng quan tâm đến con người và cuộc sống, có trách nhiệm với thực tại chứ không chỉ biết có tư chất và thẩm quyền của mình…”
nghĩa là Trần Thanh Đạm vẫn đề cao cái “nghĩa vụ xã hội” , cái trách nhiệm “tổ chức quần chúng của Đảng” vốn là tôn chỉ của Hội nhà văn Việt nam. Nguy hiểm cho ông Nguyễn Khoa Điềm hơn nữa khi ông nói :
“ cần tránh khuynh hướng cực đoan khi xem xét văn học chỉ như một sáng tạo nghệ thuật thuần tuý và văn học chỉ như một vũ khí chính trị …”
ngay lập tức, Trần Thanh Đạm mang cả “lời Bác dậy” để dằn mặt :
“ Văn hoá nghệ thuật không ở ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị”.
Vậy đừng có tơ lơ mơ, chính trị bao giờ cũng là ‘thống soái” ,thế là Trần Thanh Đạm tiếp tục tiến lên, tiến lên ta quyết tiến lên, tiến lên ta gọi cấp trên bằng...thằng. Tuy Đạm chưa dám gọi đồng chí Nguyễn Khoa Điềm bằng thằng nhưng đã lớn tiếng mắng mỏ :
“ chưa bao giờ văn học và chính trị rời xa nhau nửa bước, chỉ những kẻ tự lừa dối mình hoặc lừa dối người khác mới không trông thấy hoặc giả vờ không trông thấy …”
Rồi đao to búa lớn, Đạm khẳng định lại cái “vòng kim cô” vẫn úp trên đầu các nhà văn :
“Khẩu hiệu của Hội nhà văn Việt Nam và của báo Văn Nghệ là :” Vì Tổ quốc , vì Chủ nghĩa xã hội” là một cam kết chính trị trung thực , thẳng thắn và đẹp đẽ. Theo tôi đó là ngọn cờ chính trị và chính nghĩa của văn học Việt Nam hiện đại…”
Và sau hết Đạm nổi còi báo động :
“ Mưu mô “diễn biến hoà bình “ khởi đầu từ trận địa văn hoá tư tưởng trong đó có văn học nghệ thuật , truyền bá và thẩm thấu các các quan niệm sai trái về nghệ thuật , nhân danh cái đẹp mơ hồ , trừu tượng để nguỵ trang sự lừa dối , cái ác , cái xấu , nhằm làm hủ bại đạo đức tư tưởng của chúng ta và con cái chúng ta…”
Suốt bài viết Đạm không hề nhắc tới chức vụ Uy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tư tưởng văn hoá của Đảng của ông Nguyễn Khoa Điềm làm người ta không thể không đặt câu hỏi :
” Ai đang đứng sau Trần Thanh Đạm và tạp chí Văn của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh , nhất trong hình hình cuộc đấu đá ngày càng gay cấn khi Đại hội Đảng đang tới gần ?”
Tất nhiên nếu đồng chí Trưởng ban tư tưởng văn hóa Nguyễn Khoa Điềm vẫn ngồi vững trên ghế ngay cả khóa sau thì Trần Thanh Đạm có uống cả ký “mật gấu” cũng không dám “mó dái ngựa” . Cả cái tạp chí “Văn” của Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng vậy, nếu không đánh hơi thấy sếp cũ sắp đi, sếp mới sắp về thì dù có lệnh của tuyên huấn thành ủy cũng không dám “cãi cấp trên” vốn là điều tối kỵ trong “sổ tay phóng viên”.
Vì sao đồng chí Trưởng ban tư tưởng văn hóa Nguyễn Khoa Điềm lại “đốc chứng” vậy ngay khi còn tại vị ? Ngày nay trong kinh tế người ta hay nói tới thuật ngữ “tái cấu trúc” tức là sắp xếp, tổ chức lại để xí xóa mọi chuyện tham ô, tham nhũng. Các nhà văn, nhà lý luận văn học vào cuối đời cũng có mốt “tái nhận thức “ kiểu như Chế Lan Viên với “ Bánh vẽ”, Nguyễn Khải với “ Đi tìm cái tôi đã mất”, Nguyễn Dình Thi với “bài thơ gửi lại “…có tính cách “phản tỉnh”, “nghĩ lại những điều đã nghĩ”.
Khác với họ, Nguyễn Khoa Điềm sớm “tái nhận thức” vào cuối nhiệm kỳ và chắc cũng đã biết ngày trở về cố đô Huế cũng sắp tới.
Qua trường hợp Nguyễn Khoa Điềm, người ta thấy được cái khó của các “nhà lãnh đạo tư tưởng “ Việt Nam . Giữa một biển cán bộ mênh mông, ý thức hệ còn sặc mùi mao-ít, ông Nguyễn Khoa Điềm có muốn đổi mới, rũ bỏ những cái cũ kỹ và lỗi thời, thực sự ông phải đương đầu với cơn bão bảo thủ ghê gớm cả trong Đảng lẫn ngoài xã hội, đòi hỏi ở ông lòng dũng cảm và tâm huyết thật sự vì dân vì nước là cái chưa thấy ở ông .
Từ dạo quay về làm dân ở Huế, tuy nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - sống rất lặng lẽ và kín tiếng. “Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ”, nhưng dường như ông vẫn tiếp tục “tái nhận thức”. Tháng 6 -2011, trả lời phóng viên báo Lao Động, ông nói những câu khối anh phải giật mình :
“ Bài trừ tất cả các loại văn hoá liên quan tới phong kiến, thực dân... chúng ta đã cắt đứt quá khứ, cắt đứt sâu chừng nào thì được cho là có quan điểm lập trường tốt chừng đó. Đó là một thái độ rất nguy hại.”
“ Thơ thì phải nói thật lòng mình, không thể giấu mình, không thể nói dối... Việt Nam chúng ta lại quan niệm văn học là đạo lý, trách nhiệm... nên gò bó sự sáng tạo cũng như hạn chế sự thổ lộ. Trong khi văn chương phải thể hiện cái đẹp nội tâm của con người
“Vì vậy tôi đã nghỉ hưu, nhưng nhiều người lãnh đạo mong tôi phải thế này thế kia, phải làm thơ ngợi ca, phải hô hào tiến lên... Vừa rồi khi tôi công bố một số bài thơ trên báo sau khi về Huế, có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có người chê trách tôi “đổi giọng”, nhưng tôi không quan tâm...
Tuy nhà thơ không quan tâm nhưng chắc độc giả thì chờ đợi ông tiếp tục “đổi giọng” như thế. Nhà thơ Xuân Sách dường như chưa nhận ra quá trình “tái nhận thức” của Nguyễn Khoa Điềm nên viết chân dung khá đơn giản :
Một mặt đường khát vọng
Cuộc chiến tranh đi qua
Rồi trở lại ngôi nhà
Đốt lên ngọn lửa ấm
Ngủ ngoan A kai ơi
Ngủ ngoan A kai ời...
8-2-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét