Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (5)




(tiếp theo)

Tôi anh về tới căn hộ tầng một khu tập thể của chúng tôi khi ánh nắng đã chuyển sang buổi trưa dọi thốc vào cửa sổ làm héo cả những giò lan anh treo trên đó. Mảng thiên nhiên anh cố tạo chẳng làm tươi mát được căn buồng lủng củng đồ đạc, lọt thỏm giữa một rừng nhà cao tầng xi măng cốt sắt. Anh mất cả tháng tạo bức tường cây đó chẳng qua chiều ý tôi chứ  với anh, sự cách biệt hoàn toàn với thiên nhiên không gây chút khó chịu nào . Ngoài những lo toan đời sống , anh hoàn toàn sống yên ổn trong thế giới trừu tượng của anh gồm toàn những hình và số, những ký hiệu và những phép biến đổi lôgích.
 Lẽ ra những công trình vượt sông rất có hiệu quả trong chiến tranh phải đưa anh tiến xa hơn chức Trưởng phòng hiện nay như bạn bè cùng lứa, nhưng bản tính rụt rè, ngại bon chen, đòi hỏi đã làm vuột mất nhiều cơ hội có thể lên lương, lên chức. Người ta có thể trách cứ anh thiếu tinh thần đấu tranh chống tiêu cực , nhưng không ai có thể phàn nàn anh điều gì trong những công trình được giao thiết kế.
Cái máu “công chức” cha anh truyền lại khiến anh làm việc cần mẫn, bền bỉ như cái đồng hồ làm tôi ngạc nhiên nhớ ra rằng bữa nay anh về sớm hơn thường lệ những hơn một tiếng đồng hồ.
“Chắc là có chuyện gì rồi phải không?” – tôi hỏi.
“ Không, không có chuyện gì - anh trả lời, anh về sớm cho em làm cá kẻo ươn.”
 Tôi nhìn anh lăng xăng trong bếp lấy cho tôi chai nước mắm, lọ tiêu, tiếc  không “đọc được ý nghĩ” như đôi khi anh làm với tôi để biết anh đã dấu tôi điều gì mà linh cảm cứ buộc tôi phải nghĩ tới.
      -Kìa dào...
      Anh nhảy bổ tới mở vung nồi canh tôi bỏ quên trên bếp dầu. Mùi khói khét thoảng lên trong căn bếp hẹp cái nóng buổi trưa đang biến nó thành cái lò hơi.
      - Mình uống cút rượu với cá rán nhé ? Chiều nay anh ở nhà.
      - Ừ thì uống, đã nóng cho nóng luôn xem sao.
      Tôi dốc ngược cả ly ruợu anh đưa, cái nóng buổi trưa cúp điện cộng với cái nóng của rượu muốn nung chảy tôi , biến hết mọi thứ nước giải khát thành mồ hôi túa ra khắp người. Anh chịu đựng giỏi hơn tôi, vừa nhấm nháp, vừa vui vẻ nói lại câu chuyện lúc nãy ở dưới bếp.
      - Ngày trước, đồ án thiết kế chưa ráo mực, công trình đã thi công ngay lập tức, còn bây giờ, em biết không, những chiếc cầu anh tính toán toàn là xếp xó trên giấy tờ cả thôi. Vật tư, kinh phí đâu ra.
      - Phòng anh không kiếm được việc khác sao?
      - Không được, nhiệm vụ của phòng anh là thiết kế cầu, không vẽ ra việc làm thì không có kinh phí, không có kinh phí thì không có lương. Rút cuộc đành phải sống bằng những “chiếc cầu chỉ được vẽ trên mặt giấy”.
Tôi bật cười :
 -Thảo nào, cơ quan anh đóng ở phố Cầu Giấy .
      Anh cười nhếch miệng . Để tránh câu chuyện buồn phiền trong buổi trưa đã quá oi bức, tôi cụng ly chúc anh mai kia những chiếc “cầu giấy” của anh sẽ được người ta xây trên đất, tôi  lại còn an ủi anh rằng ngay ở cơ quan tôi, người ta vẫn cho xuất bản nhiều cuốn sách mà ai cũng biết trước chẳng ma nào đọc và chắc chắn sẽ bị chôn trên giá sách thư viện. Anh trừng mắt :
      -Vậy ai có lỗi trong những chuyện đó ?
      Anh hỏi cứ như thể tôi là Tổng bí thư chịu trách nhiệm về vận mệnh đất nước. Tôi tiếc đã cho anh uống quá chén khiến lời lẽ cứ tuôn rào rào quanh đề tài “chống quan liêu bao cấp” đang là câu chuyện cửa miệng của mọi người ở khắp nơi khắp chốn.
      -Anh say rồi, lên giường ngủ đi.
      -Rút cuộc lỗi ở anh, ở em, ở tất cả những người hèn nhát ngậm miệng ăn tiền…”
      Anh cố vớt vát chưa hết câu nói , giấc ngủ đã lôi tuột anh vào tiếng ngáy và hơi rượu nồng nặc khắp căn phòng nóng bức. Tôi nhảy vội vào buồng tắm vặn vòi nước chảy tràn khắp nguời và cứ đứng im như thế tưởng tượng ra dòng suối mát mình đang được vùng vẫy thỏa thuê. Tại sao tôi không đi xa một chuyến , ra khỏi căn buồng, ra khỏi thành phố trong những ngày hè oi ngộp tạm đổi đi nếp sống cứ loay hoay mãi trong những câu chuyện thường nhật quá quen thuộc.
Hoặc ra Đồ Sơn nhảy sóng, hoặc lên Tam Đảo thở gió núi... đi đâu cũng được miễn đi khỏi đây. Nhưng đi sao được khi chiếc tivi mới mua còn chưa trả hết nợ, hai vợ chồng gộp hết cả lương lại cũng chỉ đủ sống tằn tiện trong khi giá cả leo thang đến chóng mặt. Rõ oái ăm, bà vợ ông giám đốc xí nghiệp may mặc tầng dưới, quanh năm chỉ muốn ở nhà thì lại bị ông chồng thỉnh thoảng lôi đi nghỉ mát Nha Trang, Đà Lạt... mỗi lần về lại leo lên phòng tôi than thở về nỗi mệt nhọc dọc đường. Tôi chẳng mong đổi lấy địa vị của bà, ôi làm vợ cái người đàn ông mặt đầy thịt, bụng kềnh càng như bụng đàn bà chửa ấy thà ở không còn hơn. Mỗi lần chạm mặt ông ở cầu thang (vào những ngày nghỉ sao tôi hay gặp ông ta thế, cứ như là ông ta rình chờ tôi vậy), ánh mắt ông lại cháy rực lên, cái nhìn sỗ sàng, hau háu như con chó đói. Chính ông ta gạ bán cho chồng tôi chiếc tivi, trả trước một nửa, còn lại cho trả góp hàng tháng. Tôi gạt phắt cái “lòng tốt” báo hiệu chẳng mấy tốt đẹp đó, bán nhẫn cưới vay mượn thêm cho đủ tiền đưa chồng bắt mang trả bằng hết.Tôi càu nhàu :
 “Không thèm nợ nần gì cái lão béo ấy”.
“Em cứ hay thành kiến với những ông Giám đốc, chồng tôi phàn nàn, anh thấy ông ta cũng tử tế, ít ra là với vợ chồng mình. “
Tôi cười vào mũi cái ngây thơ của anh. Thôi, với những ông đó, xin cứ  “kính nhi viễn chi” là hơn. Vậy mà rồi chiếc tivi suốt một thời gian dài cũng vẫn trở thành một cái cớ để mỗi lần gặp ông ta lại xán đến tôi hỏi han “hình có rõ không, âm thanh có rè không”, khi nào máy hỏng ông sẵn sàng gọi thợ đến sửa giúp.
      Tôi dọn dẹp, tắm táp xong, bước ra ngoài phòng, mừng ơi là mừng, đã có điện, chiếc quạt lớn trong góc quay vù vù làm tung cả giấy tờ trên bàn viết. Giá như đức ông chồng không chiếm hết chiếc giường để kéo bễ, chắc tôi cũng đã ngả lưng làm một giấc đến chiều. Thôi đành ra bàn ngồi đọc sách vậy. Tôi lục lọi trên giá và bỗng nhìn thấy cuốn truyện Biên Cương tặng tôi từ mấy tháng trước. Hình ảnh ông Giám đốc trong tiểu thuyết của anh giống cái ông ở tầng dưới, chỉ khác một điều nhân vật của anh bị thanh tra, mất chức còn cái ông ngoài đời kia thì vẫn sống khơi khơi chắc đến ngày ông ta về hưu. Dẫu sao cuốn sách cũng hấp dẫn tôi đọc một mạch cho đến trang cuối cùng. Quả thực Biên Cương viết khá hơn thời tôi còn đi học, vậy nhưng tiểu thuyết của anh cũng chẳng tránh cho tôi cái thói đọc lướt những đoạn rườm rà, đọc chéo những trang người viết phải rào đón để người đọc và nhà phê bình khỏi suy diễn, hiểu lầm. Thói quen này đôi khi làm hại tôi trong công việc biên tập, bỏ sót những chi tiết phi lý trong bản thảo của những tác giả bốc lên cho một anh công nhân vận hành máy phát hiện ra cả sai lầm về thuật toán trong chương trình chạy máy tính điện tử của một nhà khoa học nổi tiếng, hoặc một chị đánh máy giữa cuộc họp đứng ra phê phán luận chứng kinh tế kỹ thuật của cả một công trình lớn do một tập thể kỹ sư và chuyên gia lập nên...
      Rất may ở cuối dây chuyền xuất bản còn có bộ lọc sau chót là ông Trưởng phòng biên tập nên những sai sót kiểu đó thường do ông phát hiện, người viết đỡ bị nhà phê bình bắt giò, còn tôi được một buổi nâng cao tay nghề do đích thân ông Trưởng phòng dạy bảo. Quả nhiên mới đi làm được hơn một năm, tôi đã tiến bộ trông thấy từ chỗ chỉ được đọc và viết  nhận xét bản thảo lai cảo, người viết tự gửi tới, cầm chắc nằm chết trong tử lưu hồ sơ, tôi đã tiến bộ tới mức được ông Trưởng phòng cho phép tiếp và trả lời các cộng tác viên, đương nhiên gồm toàn những cây bút trẻ rất ít hy vọng được xuất hiện ở các nhà xuất bản lớn chỉ in sách hay này.
Vậy mà có lần tôi được cử ra tiếp hẳn một... ông lớn đương kim Ủy viên Bộ chính trị. Ông nhà thơ này lớn tới mức tôi không dám nêu tên, ngay đến ông Trưởng phòng biên tập, ông Tổng biên tập , ông Giám đốc cũng ngán không dám ra mặt trả lại ông bản thảo tập thơ mà hễ bất kỳ ai có gan đọc từ đầu đến cuối cũng phải thừa nhận một khi in ra sẽ làm hại trước hết  là uy tín của chính người viết. Điều đáng lo nhất là làm cách nào ông không nổi giận khi được báo cái tin sét đánh đó. Ong Giám đốc ủy thác nhiệm vụ cho ông Tổng biên tập, ông Tổng biên tập đùn cho ông Trưởng phòng, ông Trưởng phòng không đẩy cho ai được ngoài tôi ra, một con bé mới vào nghề “điếc không sợ súng”.
      Buổi sáng hôm hẹn ông nhà thơ tới, phòng biên tập vắng như chùa bà Đanh, ông Tổng biên tập, ông Trưởng phòng và các ông biên tập viên đều trốn sạch, trơ mỗi mình tôi ngồi ở bàn với chồng bản thảo  dày cộp. Tiếng xe Vonga rồ máy dưới sân, tiếng đóng cửa xe oai vệ, tiếng giày cồm cộp trên  cầu thang gỗ... tất cả đều gõ vào quả tim đang nảy thon thót của tôi. Tội nghiệp nó, làm sao tránh khỏi bắn ra ngoài lồng ngực khi lát nữa ông nhà thơ đấm tay xuống mặt bàn, gầm lên đòi phải chỉ ra đích danh kẻ nào dám từ chối bản thảo của ông.
May thay, khi tôi vừa mới cầm lên tay chồng bản thảo, miệng lắp bắp:
“Thưa bác... dạ thưa bác...”, ông nhà thơ đã cười nhạt:
“Không in phải không, không in thì trả lại tôi...”.
Ông nhét bản thảo vào cặp , biến khỏi phòng cũng nhanh như khi ông bước vào, bỏ mặc tôi ngồi ngơ ngẩn, trong đầu còn đầy những điều dự định trình bày về giá trị nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật của cuốn sách tuy rất cao nhưng rất tiếc vì thứ nhất... thứ hai... và vân vân mà ông Trưởng phòng đã dày công chuẩn bị cho tôi suốt cả buổi chiều hôm qua.
Như có phép màu, không đầy năm phút sau khi xe Vonga của ông nhà thơ chạy khỏi cửa, tất cả mọi người trong phòng biên tập không biết từ đâu đã tề tựu đông đủ kể từ ông Trưởng phòng cho tới anh cán bộ tập sự.
      - Sao? Thái độ đồng chí ấy ra sao? ý kiến thế nào?
      Tất cả mọi người đều nhao nhao, nóng ruột chờ ở tôi một bài tường thuật đầy gây cấn và hấp dẫn, có ông không kìm nổi đã tuôn ra những lời sôi nổi chẳng kém gì phóng viên thể thao tường thuật bóng đá. Sau cùng, ông Trưởng phòng phải lên tiếng lập lại trật tự:
      - Tất cả im lặng, cô Vân trình bày lại đầy đủ mọi ý kiến của đồng chí ấy coi sao.
      - Thưa chú, ông ấy nói không in thì trả lại bản thảo.
      - Còn gì nữa?
      - Hết ạ.
      Mọi người tiu nghỉu. Một ông nóng nảy:
      - Sao lại hết ạ. Đồng chí ấy phải nói gì nữa chứ ?
      - Dạ không, ông ấy chỉ nói có thế thôi.
      Ông Trưởng phòng cau mặt, suy nghĩ:
      - Thái độ đồng chí ấy ra sao?
      - Bình thường thôi ạ.
      - Có quát tháo không?
      - Dạ không.
      - Có đập bàn không?
      - Dạ không.
      Đó, thái độ thế mới đáng sợ, thà rằng đồng chí ấy vặn vẹo đủ điều, lớn tiếng yêu cầu trực tiếp gặp Giám đốc, Tổng biên tập hoặc chí ít cũng Trưởng phòng biên tập, đằng này không, cứ lạnh băng đi như thế mới bỏ mẹ, mai kia chỉ cần đồng chí phảy tay cái là ông Giám đốc,Tổng biên tập lẫn cả ông Trưởng phòng biên tập bay mất ghế.
Mặc cho các ông tha hồ bàn luận phán đoán, tôi lẻn khỏi phòng, chuồn mất sau khi cảm thấy mình đã “hết vai trò lịch sử”, chẳng ai còn cần tới cái thứ mình.
      Sau hôm đó, mọi người trong phòng nhìn tôi không bằng nửa con mắt  nữa, tôi đã trả được bản thảo cho một ông nhà thơ tầm cỡ lớn thế, thử hỏi mấy ông làm được như tôi? Tuy nhiên hào quang đó chẳng sáng được lâu, trong sổ lương mỗi người phải ký nhằm ngày đầu tháng, mấy ông đó vẫn chót vót bậc cao chuyên viên, còn tôi lè tè cán sự, cái nhìn thứ bậc lại trở về với thói quen hàng ngày, nhưng từ đó tôi hiểu thêm ra một điều : quyền lực là cái bất kỳ ai cũng phải nể, nhất là khi nó tác động trực tiếp tới chính mình.

                      (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét