Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (10)




(tiếp theo)   

 - Cậu bảo tớ phải làm gì bây giờ ?
      - Làm cái gì là làm cái gì ?
      - Thì đấy, chúng ta thì như thế ..
      Hồng Loan bật cười:
      - A, ra cậu nghĩ tới bài thơ của tớ. Vậy nó cũng có ích đấy chứ ?
      - Đừng cười nữa, ít ra cậu cũng cho tớ một câu trả lời chứ?
      - Nhất định rồi, cái việc cậu cần làm nhất trong lúc này là đi ngủ đi.
      Nó đứng ngay dậy bỏ vào phòng trong không muốn kéo dài câu chuyện nặng nề mà cả tôi và nó đều biết trước chẳng dẫn tới đâu, chẳng mang tới điều gì khác ngoài lời an ủi “đó là những khó khăn tất yếu trong thời kỳ quá độ”.
Trong bóng đêm oi bức, tôi trằn trọc mãi và chợt thấy thương chồng. Anh ấy là một kỹ sư có tài, máu mê nghiên cứu, phát minh, vậy nhưng anh đành chờ việc, ăn lương 70 phần trăm, sau một loạt các đồ án thiết kế cầu “giấy”. Ý nghĩ tôi nhảy cóc tới ông Trưởng phòng biên tập, ông nhà văn tầm cỡ quốc gia tôi đã trả lại bản thảo, ông Giám đốc trong khu tập thể, rồi tới cả Biên Cương, Hồng Loan và anh chàng họa sĩ mới quen lúc tối... Hình như có một trục trặc nào đó, một điều gì không ổn trong từng mỗi người. Và tôi ngủ thiếp khi trước mắt tôi là hai em bé giơ ra hai bàn tay lem luốc trong phòng đợi tàu tại sân ga Hàng Cỏ.

6
      
Tôi thức dậy rất muộn, ánh nắng dọi thẳng vào mắt chói lòa. Hồng Loan đã đi tới tòa soạn, để lại cho tôi bánh mì cặp chả và tờ giấy dặn dò nấu nướng các món ăn trưa. Hóa ra nó tưởng tôi bỏ chồng, bỏ việc tới tá túc nhà nó thực sao ?
Thôi kệ người đời, hôm nay tôi tạm dạt vào ốc đảo này, sống thử một ngày không giống mọi ngày xem sao ? Tôi nhai bánh rất thong thả, nghiền ngẫm hương vị của nó cứ như thể lần đầu tiên được ăn. Quả thực khi ta dọn dẹp hết lo toan, ám ảnh, đắm mình thật sâu vào món ta đang ăn, ta sẽ thấy nó ngon gấp bội.
Vậy nhưng cuốn sách tôi đọc sau đó tuy cũng hết mình lại không đạt hiệu quả giống như cái bánh mì cặp chả, ngược lại tôi thấy khó chịu khi sự tiếp nhận chân thành của mình bị đặt vào một thứ đồ giả.
Tôi quăng cuốn sách vào hộc tủ và bỏ luôn ý định nằm dài trên giường đọc sách. Từng giọt, từng giọt một, phin cà phê cũng trễ nải chẳng kém gì tôi. Bây giờ nhấm nháp từng ngụm sóng sánh, đầu óc trong veo, bỗng dưng tôi thèm ngắm một bức tranh tĩnh vật. Màu vàng của nải chuối khiến ta có thể liên tưởng tới một chiều thu, màu đỏ sang trọng của bông hồng cắm lẻ loi trong cốc pha lê gây vẻ trưởng giả...
 Lâu lắm rồi, chẳng có lúc nào đủ tĩnh tâm ngồi thả hồn trong một bức tranh như thế. Hoàng Minh có vẽ tĩnh vật không? Chắc lại toàn tiêu bản những con vi trùng cả thôi. Tranh không trưng bày, thơ không in, dẫu sao Hồng Loan và Hoàng Minh vẫn là một loại nghệ sĩ  khác hẳn với Biên Cương, ông Trưởng phòng biên tập, nhà văn có tầm cỡ quốc gia kia.
“Em đi ròng ròng anatomie...(*)”
Thơ Hồng Loan thế đó. Tôi chịu không tài nào hình dung được một người con gái khỏa thân qua thơ nó. Cái  phần  độc giả hẹp – “happy few” - của nó, chắc không có tôi. Nó là một người duy mỹ hay là một người tiền phong đi tìm thơ mới? Ai biết được, Sự phán xét cuối cùng phải do thời gian. Khối tác phẩm lừng lẫy một thời , bây giờ ngay đến ông Trưởng phòng tôi cũng ngần ngại đưa  vào kế hoạch tái bản. Có lần ông tặc lưỡi :
“ Thôi kệ, cứ in, ông ấy đang túng quá, tội nghiệp, mấy tối liền ông ấy tới nhà ông Giám đốc”.
Cấp trên đã nói thế, tôi phản đối đâu được.
     - Nghĩ ngợi gì mặt nghệt ra thế a?
Hồng Loan bước vào với túi xách nặng. Nó giở ra trên bàn la liệt nào cam, ổi, bưởi và láu táu kể chuyện buổi họp sáng nay ở Tòa soạn làm tôi thèm được hồn nhiên và khỏe khoắn như nó.
     - Này, muốn xem tranh Hoàng Minh vẽ tối qua không?
     - Thôi thôi, chưa xem tớ cũng đã biết mặt tớ hình cái ống, hai con mắt là hai hình tròn.
     - Chưa đâu, cậu chưa đủ trình độ để Hoàng Minh vẽ tặng thế đâu.
      Tôi kinh ngạc. Cô gái trong tranh rất giống tôi, đôi mắt, cái mũi, cái miệng, không, đúng tôi đấy, có điều tất cả đều chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc. Hồng Loan rũ ra cười :
     - Thế nào ? Người hay ma?
     - Tài thật, tài thật...
     - Ấy chớ, chớ có chửi tiên sư anh Hoàng Minh đấy nhé .
      Tôi nhếch lên một nụ cười như mếu. Tôi đã tụt lại quá xa, đã trở thành ngoài cuộc trong đám bạn bè thuở trước từng mơ làm nghệ sĩ.
Thông minh, có năng khiếu đặc biệt về văn chương” - lời phê dại dột của cô giáo năm lớp bẩy ám ảnh tôi suốt những năm học cấp ba. Cả một thời mơ làm văn sĩ, tôi lao vào đọc, viết truyện, làm thơ và kết quả cao nhất tôi đạt được là giật giải nhì thi học sinh giỏi văn toàn thành phố và trúng tuyển vào Đại học Tổng hợp. Thế rồi, cuộc đời rõ éo le, tên tôi cũng được in trong sách như tôi thường mộng ước, nhưng không phải ngoài bìa chỗ dành cho tác giả mà ở trang sau chót dành cho … người biên tập.
     - Hoàng Minh muốn vẽ cậu một bức sơn dầu, đồng ý không?
     - Thôi thôi, mặt tớ có ra quái gì.
      Tôi đứng bật dậy, vào phòng thay quần áo và xách túi quay ra.
     - Ơ hay, đến bữa rồi còn định đi dâu ?
     - Tớ phải về không... chồng nó mong.
     - Bịa, cậu bịa, giận người ta thì có.
      Không, tôi chả giận gì Hồng Loan, tôi giận chính tôi ấy. Tôi nhảy xích lô chạy thẳng về nhà mẹ đẻ. Mọi người đang ăn cơm, thấy tôi, buông bát xuống tíu tít hỏi han. Thôi, quẳng cái nỗi buồn dở hơi bất thành nghệ sĩ đó đi, tôi sà vào mâm, rối rít kêu đói.
     - Tối qua thằng Bình chờ con đến hơn mười một giờ. Vợ chồng lại cãi nhau hả ?
      - Mẹ cứ hay suy diễn, làm gì có chuyện cãi nhau.
      - Đã là vợ chồng thì phải có con. Mày cũng nên đẻ lấy một đứa.
      - Con với cái gì, mẹ chỉ rắc rối...
      Tôi vùng vằng bỏ lên gác. Căn phòng tôi vẫn nguyên vẹn như hồi tôi chưa lấy chồng. Con búp bê da đen với mái tóc dài thượt giơ tay đòi bế. Tôi chợt nhận ra chưa bao giờ tôi âu yếm, vuốt ve nó như lúc này. Có lẽ mẹ tôi nói đúng, tôi cần phải có một đứa con. Tất cả những trái tính, vui buồn bất chợt trong tôi chẳng qua là do bản năng làm mẹ không được thỏa mãn ? Như vậy chẳng hóa ra chỉ cần đẻ con, tôi sẽ biến thành người khác sao ? Tôi cúi xuống hôn lên đôi má con búp bê. Không phải, cuộc đời không đơn giản vậy, mọi thứ mổ xẻ phân tích chẳng qua chỉ cho ta cái lược đồ về nó.
Tôi đặt búp bê xuống bàn và thơ thẩn dạo quanh 18 mét vuông, vương quốc của riêng tôi. Tôi rất thích bức tranh trên tường “chân dung thiếu nữ” do một họa sĩ Ngh. nào đó vẽ từ thời ông nội tôi truyền lại. Cô gái bế trong lòng con mèo có đôi mắt xanh biếc, cô nhìn ra ngoài cửa sổ một chiều hè trong vắt, bồi hồi tiếng tiêu chú mục đồng vắt vẻo trên mình trâu đang thổi. Không biết bao nhiêu lần tôi đã buông thả tâm hồn vào cái yên ả thinh không đó, tưởng như cô gái đã biến thành tôi, chính tôi đang ngồi bên cửa sổ chìm đắm trong cảnh đồng quê bát ngát. Có lần tôi bảo Hồng Loan :
      - Cậu thử đề thơ bức tranh đi .
      Nó ngắm nhìn rất lâu, rồi lắc đầu :
      - Không được trong tớ quá nhiều tạp niệm, sao đủ tĩnh tâm làm bài thơ như thế.
      Tôi cười rũ :
      -Tại yêu nhiều quá đấy thôi.
      Hồng Loan lắc đầu, nghiêm trang :
      - Bài thơ đó cần một bút pháp siêu thực, tớ chưa đạt tới cái đó.
      Và rồi nó đọc một bài thơ mà nó bảo là của Saint John Perse và giảng giải tôi nghe thế nào là siêu thực. Tôi ái ngại thay cho tính viển vông của nó. Hồi đó chúng tôi đang chuẩn bị thi chuyên đề văn học cận đại Việt Nam, tôi lôi nó về thực tại:
      - Thế nào, tìm được cuốn “Con trâu “ của Nguyễn Văn Bổng chưa ?
      Nó xụ mặt xuống và rồi lại bật cười như nắc nẻ:
      - Tớ thó được cuốn đó rồi. Biết ở đâu không? Cấm lộ nhé, ở nhà thày Đức béo đấy. Hôm qua tớ với con Kim Anh tới chơi. Nhè lúc thày đang thao thao bất tuyệt về sự thay đổi có tính cách nhảy vọt về chất của văn học sau cách mạng, nó bèn rút ngay cuốn sách, đút ngay vào túi, nhanh hơn chảo chớp...
      Tôi bật cười nhớ lại kỷ niệm xưa và dừng lại trước tấm ảnh Gogol treo đầu giường. Ông văn hào này cũng làm tôi cười lăn cười lộn như phát rồ khi đọc “Những linh hồn chết”. Cứ mỗi lúc buồn bực, tôi lại mở sách ra tìm đoạn Tsitsikốp nằm mơ thấy ngủ trên một con cá rán, bên tai văng vẳng : “Nhỏ lửa, đun nhỏ lửa...” bao nhiêu buồn bực tiêu tan hết, trận cười tiêm cho tôi một liều tăng lực, mọi thứ trở nên nhỏ nhoi và ngớ ngẩn so với người đàn ông có bộ ria mép và cái mũi khoằm mà tôi treo trên tường: GOGOL .
 Hồng Loan chê tôi dở hơi, nó bảo trên ông ta còn có Tônstôi, ông Đốtstôiépski... và trên đó nữa còn khối ông khác, sao không chọn lấy một ông thượng đẳng? Vậy thì cậu chọn ai? tôi hỏi nó thế. “Hồ Xuân Hương”, nó đáp gọn thon lỏn, rồi nó giảng giải dài dòng cho tôi nghe những cái nhất của bà và kết luận :
“Đó chính là một trái hỏa châu bắn lên trời đêm trung cổ”.
Ý kiến đó làm tôi bất ngờ, tôi cứ tưởng nó chọn một ông Rimbeaud, Mallarmé, Apollinaire ... nào đó chớ.
      Tôi nảy ra ý định mang tấm ảnh Gogol này về treo ở đầu giường để lúc nào sắp cãi nhau với chồng cứ ngước nhìn ông chắc hết cãi nhau. Tôi bắc ghế toan hạ nó xuống, chợt có tiếng gõ cửa.
      - Em vào được không, chị Vân?
      Thằng Tú, em trai tôi, sinh viên bách khoa năm thứ hai mang lên cho tôi cốc nước chanh mẹ mới pha.
      - Chị giận nhau với anh Bình phải không?
      Tôi cười, lảng chuyện, hỏi han việc học hành. Tú sống khỏe khoắn hơn tôi, nó chỉ có một mục tiêu duy nhất: “Học, học và học”. Nó không có bạn gái, rất ghét nói chuyện yêu đương, phận lớn thời gian của nó ngồi ở lớp, ở thư viện và bàn học trong phòng riêng.
      -Sao? Hồi này em đã chán những tấm sơ đồ bán dẫn ấy chưa? Tạm rời nó ra, kiếm lấy cô xinh xinh cho vui vẻ cuộc đời chứ?
      -Còn lâu. Cứ nghe ông Bình ngồi than thở suốt tối hôm qua mà thấy ớn lấy vợ.
      -Anh ấy chửi chị ghê lắm phải không?
      -Không, ông Bình rất quân tử, ở địa vị em ấy à? Tung hê đi luôn.
      Tôi phì cười vì cái vung tay quả quyết của nó. Hai chị em sống với mẹ từ nhỏ, nó không còn lạ gì tính nết tôi, mỗi khi tôi nổi cáu, nó chỉ cười xòa, bỏ đi.
      - Em hỏi thực chị nhé, chị có còn yêu anh ấy nữa không?
      - Chính chị cũng không biết là có hay không.
      - Chị nói thực không? Em không tin là chị không biết. 
      - Giải thích thế nào cho em hiểu được nhỉ ! Chuyện đó có khi còn rắc rối, phức tạp hơn cả những sơ đồ mạch tích phân của em ấy kia.
      -Tại chị đọc nhiều tiểu thuyết quá đấy. Chị còn lạ gì các ông nhà văn thường thích phức tạp hóa những thứ vốn rất đơn giản.
      Tôi nhìn đứa em mà ngạc nhiên không hiểu vì sao cùng lọt từ lòng mẹ mà tôi với nó khác nhau đến thế. Ừ thì em cứ đi theo con đường đó, đường vào khoa học, tuy chẳng hứa hẹn một ông Einstein nhưng chắc chắn sẽ làm được những công việc có ích hơn chị. Hy vọng rằng với đà đổi mới tư duy, tháo gỡ cơ chế quan liêu bao cấp như đang diễn ra, sau này chắc em tôi không phải thiết kế những chiếc “cầu giấy” như chồng tôi nữa.

                                 (còn tiếp)

·        Giải phẫu học . Mượn thơ Dương Tường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét