Trò chuyện với nhà văn Hoàng Quốc Hải
Có thể nói nhà văn Hoàng Quốc Hải là con người của lịch sử. Từ năm 1993, bộ tiểu thuyết lịch sử gồm 4 tập: "Bão táp cung đình", "Huyền Trân công chúa", "Thăng Long nổi giận" và "Vương triều sụp đổ" của ong đã ra mắt đọc giả. Bộ tiểu thuyết đã được trao giải "Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội" (2008). Tiếp theo ông viết thêm hai tập: "Đuổi quân Mông - Thát" (chống giặc Nguyên - Mông lần I) và "Huyết chiến Bạch Đằng" (chống giặc Nguyên - Mông lần thứ III) làm thành bộ "Bão táp triều Trần" gồm 6 tập (2.928 trang in khổ 14,15 x 20,5cm).
Tiếp theo nhà Trần, ròng rã 20 năm trời ông lại lội dòng lịch sử về nhà Lý với bộ tiểu thuyết 4 tập: "Thiền sư dựng nước", "Con ngựa nhà Phật", "Bình bắc dẹp nam", "Con đường định mệnh" dày 3.514 trang in khổ 14,5 x 20,5cm.
Cho dù ngược dòng lịch sử, ông vẫn đau đáu lo đến vận nước hôm nay và mai sau. Nhân kỷ niệm 33 năm ngày Trung Quốc tấn công biên giới VN ( 17-2-1979/ 17-2-2012) tôi có cuộc trò chuyện với ông về chủ đề này.
* Thưa nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhân kỷ niệm 33 năm ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Xin anh cho biết tình hữu nghị “môi rằng” Việt Nam – Trung Quốc” vào thời gian trước chiến tranh.
NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI : “Từ năm 1977, quan hệ hai nước đã căng thẳng, nhiều chương trình viện trợ đình hoãn, các công trình xây dựng tiến độ rất chậm và chấm dứt đột ngột. Chỉ dấu đầu tiên tôi nhận thấy trên sân Hàng Đẫy đội bóng của tỉnh Cát Lâm hay Vũ Hán gì đó đấu giao hữu với đội Thể Công của ta.
Mới ra sân trông sắc mặt các cẩu thủ bạn đều đằng đằng sát khí. Và sau khi thủ môn bạn phải vào lưới nhặt bóng lần thứ hai thì hầu như các cầu thủ bạn đều bỏ bóng đá người. Trận đấu phải dừng lại nhiều lần, phía Việt Nam xử lý rất đàng hoàng, khán giả không la ó, không tràn xuống sân cỏ mà chỉ vỗ tay và cười òa. Đây là trận bóng đá xấu nhất, bạo lực nhất mà tôi được thấy trên sân cỏ. Chỉ nhìn cách hành động của cẩu thủ Trung Quốc thể hiện trên sân cỏ qua gương mặt và đôi chân của họ, tôi hình dung đầy dủ nền ngoại giao đại Hán từ cổ xưa vẫn chưa có gì thay đổi. Nên nhớ vào các thập niên 60-70 của thế kỷ trước có ba thứ của Trung Quốc mà người Hà Nội không xài được đó là bóng đá, phim ảnh và văn chương. Tôi nhớ mỗi khi tổ chức “ Tuần lễ phim Trung Quốc” thì ban tổ chức phải ép cán bộ đi xem kiểu như bắt phu, bắt lính vậy. Bởi buổi khai mạc có Đại sứ Trung Quốc đến dự. Các buổi sau rạp sáng đèn, mở cửa cho người vào xem tự do, nhưng tuyệt nhiên không có một khách nào ngồi trước màn ảnh.
Chỉ dấu thứ hai là cây cầu Thăng Long do phía Trung Quốc giúp ta xây dựng, theo mẫu thiết kế cầu Trường Giang mà Liên Xô làm giúp Trung Quốc, mới đổ trụ thứ 9 chưa xong thì họ rút toàn bộ thiết bị và chuyên gia về nước. Nom dòng sông với mấy cột trụ trơ vơ giữa dòng nước như các dấu chấm than, người Việt Nam đều thở dài ngao ngán:” cái tình hữu nghị môi răng này có nguy cơ răng sắp cắn đứt môi rồi”.
Trên biên giới thì từ Lạng Sơn đến Cao Bằng luôn xảy ra các vụ tranh chấp đất đai, cường độ ngày một tăng một quyết liệt hơn. Sự thực là họ đẩy dân sang cản trở phía ta cầy cấy, gặt hái và nhận bừa rằng đó là đất của họ. Phần nhiều số dân này là do lính đóng giả. Bà con địa phương bên ta nhẵn mặt dân bên kia nên họ thường xuyên bị bên ta vạch mặt.
Thế rồi từng dòng người gốc Hoa từ các nơi lũ lượt bỏ Việt Nam về Trung Hoa ùn tắc ở các cửa khẩu như Nam Quan, Chi Ma, Thanh Thủy, Trà Lĩnh… Đông nhất vẫn là cửa Nam Quan, thường xuyên ùn ứ tới vài ba ngàn người ăn ở phóng uế bừa bãi, bẩn thỉu. Tuy vậy phía Trung Quốc chỉ mở cửa nhận người nhỏ giọt . Hàng ngày hai bên đấu khẩu tố cáo nhau bằng loa phóng thanh công suất cao nghe oang oang như sắp vỡ trời.
Đó là những biểu hiện bên ngoài mà người dân thường cũng biết. Còn bên trong thì Trung Quốc đã chuẩn bị chiến tranh biên giới từ 1976-1977. Cho tới 1978 thì các con đường chiến lược , hầm hào, lương thảo cũng như điều động quân đội từ các quân khu Đông bắc về áp sát biên giới Trung – Việt, họ đã làm xong.
Phía ta tuy biết âm mưu của Trung Quốc cũng chuẩn bị đối phó. Hình như ta đánh giá đối phương hơi thấp nên khi cuộc chiến nổ ra ta vừa bị bất ngờ, vừa không đủ lực lượng cản giặc theo ý muốn.
* Khi chiến tranh nổ ra, anh đang ở Lạng Sơn , xin anh cho biết sơ qua diễn biến cuộc chiến…
NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI : Theo chỗ tôi được biết thì quân Trung Quốc tràn vào nước ta bằng các con đường truyền thống mà các đội quân xâm lược từ phương bắc đã đi, ví dụ mũi chính chúng thường kéo quân vào là ải Pha Lũy ( tức cửa Nam Quan) tại Lạng Sơn. Mũi vượt sông Bắc Luân vào Móng Cái( Quảng Ninh). Đường qua Qui Hóa giang ( tức sông Hồng) tiến vào Lao Cai. Đường qua Quảng Nguyên( tức cửa Trà Lĩnh) mà vào Cao Bằng. Tổng số quân giặc điều động xâm lược 6 tỉnh biên giới nước ta theo tài liệu phía Trung Quốc là hơn 300.000 quân. Các đài nước ngoài nói con số đó ít hơn so với thực tế. Có nơi giặc vào đất ta từ 3 giờ sáng. Nói chung mũi nào muộn nhất là 5 giờ sáng. Có một điều cần lưu tâm , tất cả các mũi tiến quân của giặc vào biên giới nước ta,nơi có bộ đội đóng chốt thì từ chốt 3 người đến chốt một tiểu đội, một trung đội…đều có kẻ dẫn đường. Dường như tất cả bọn nội gián là dân “ khách trú”, tức người Hoa đã sinh sống lâu đời tại Việt Nam.
Các chiến sĩ trên tuyến biên giới mà tôi gặp đều nói là giặc đánh bất ngờ. Bởi ta dự báo là giặc có thể đánh vào dịp tết Nguyên đán, nên báo động toàn tuyến, cảnh giác rất cao. Và khi ta vừa rút lệnh báo động vào ngày 15 thì sớm 17 giặc ập vào. Khi vào, giặc tiến rất dễ dàng, nhưng khi có báo động, bộ đội ta đánh trả quyết liệt. Đối phương dùng chiến lược biển người, cứ lớp này ngã, lớp khác xông lên và kèn thổi thôi thúc phía sau lưng, ai chứng kiến đều thấy cuộc chiến diễn ra như thời trung cổ.
Tuy nhiên, vì rút lệnh báo động đặc biệt nên các đơn vị chiến đấu, cơ số đạn dược đều có hạn, mặc dù giặc chết nhiều nhưng phía ta vẫn cứ phải lui dần vì hết đạn.
Vào các ngày sau yếu tố bất ngờ không còn nữa, dối phương bị chặn từ khắp các ngả. mặc dù lực lượng không cân bằng, toàn tuyến của ta chỉ có quân đoàn 1 của tướng Hoàng Đan chiến đấu cực kỳ dũng cảm. Quân ta về vũ khí khí tài hơn hẳn quân giặc, kinh nghiệm chiến đấu già dặn hơn, và chống quân xâm lược phương Bắc thường là chất men xúc tác cho lòng yêu nước của mỗi con em Lạc Hồng.
Tới khi ta điều thêm quân từ phía Nam ra định tiêu diệt gọn quân xâm lược, thì không thám của Hoa Kỳ báo cho Đặng Tiểu Bình biết, giặc tháo chạy trong đêm và hôm sau thì tuyên bố rút quân.
* Những ấn tượng của anh về quân ta và quân địch trong chiến đâu ?”
NHÀ VĂN HÀNG QUỐC HẢI : “Trong thời điểm diễn biến chiến trận quân ta vẫn là lấy ít địch nhiều, tuy lực lương không cân sức nhưng tinh thần chiến đấu cực kỳ quả cảm và mưu thuật dụ địch, lừa địch diệt địch thì biến ảo khôn lường. Tôi ví dụ chốt cầu Khánh Khê ( Lạng Sơn) chỉ có hai trung đội, nhưng tổng số giặc bị giết trên tuyến này phải kể tới hàng ngàn, vậy mà tới khi phải tháo chạy, giặc vẫn không qua nổi cầu.
Một ấn tượng nhất với tôi là khi tiếng súng vừa ngớt, tức là giặc tan, chúng tôi điện xin lên thăm anh em bộ đội. Tướng Hoàng Đan vui vẻ nhận lời và giao việc tiếp đón cho đơn vị trực tiếp chiến đấu cản giặc xung quanh khu vực từ Đồng Đăng tới Thất Khê trong đó có Khánh Khê. Khoảng 3 giờ chiều chúng tôi có mặt. Đoàn chúng tôi là đoàn của Bộ Văn hóa chứ không phải của hội đoàn nào cả.
Điều làm tôi ngạc nhiên là phòng tiếp khách bài trí tuy sơ sài nhưng hết sức ấm cúng, không những thế lại vẫn có một cành đào đang nở cắm ở góc phòng khiến bọn tôi có cảm giác Tết vẫn còn mặc dù mở cửa ra ngoài ta vẫn còn thấy khét mùi thuốc súng, và mỗi khi có cơn gió thoáng qua thì mùi xác thối của quân giặc còn bỏ lại làm tanh lợm và khăn khẳn như mùi chuột chết vây bủa khắp không gian. Và khi đoàn chúng tôi có một cô nữ tiến vào thì một cử chỉ làm tôi kinh ngạc, vị đại tá trẻ măng không biết ông lấy từ đâu một bó hoa lay ơn trắng bó rất khéo trao tặng.
Ngồi cạnh, tôi hỏi ông về lai lịch bó hoa. Vị đại tá dân Hàng Đào Hà Nội mỉm cười đáp:” Từ chiều qua, tôi cho quân về Đồng Đăng tìm vào các nhà dân hái”
- Vậy anh không sợ lính chết vì mìn giặc gài lại à?
Ông đại tá đáp khẽ:” Phải có công binh dò mìn trước khi hái chứ”.
Về việc giặc gài mìn lại thì Vương Quốc Hiến một kẻ từng tham gia xâm lược nước ta 1979 thú nhận trên mạng Hoàn cầu thời báo: “ Trước khi rút quân Trung Quốc còn gài 10 triệu trái mìn tại các tỉnh biên giới Việt Nam”.
Thật tình ấn tượng về vị đại tá và bó hoa lay ơn trắng trong cuộc gặp gỡ ở Khánh Khê vẫn còn in sâu trong óc não tôi sau 33 năm chống quân xâm lược phương Bắc.
* Nhìn lại cuộc chiến tranh biên giới, anh có thể rút ra những nhận định khái quát về quan hệ giữa VN và TQ trong quá khứ - hiện tại – tương lai.
NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI :” Quan hệ Việt Nam- Trung Quốc từ cổ xưa tới nay vẫn là quan hệ láng giêng thôi. Làm sao có thể đổi khác được. Tuy nhiên, làm hàng xóm tốt hoặc trở nên cừu thù vẫn là do phía Trung Hoa quyết định .
Tôi ví dụ có thời họ đối với ta cực tốt như từ 1956 tới 1968. Thậm chí họ đổi tên gọi “Ải Nam Quan” hoặc “Trấn Nam Quan” vào các thời Minh- Thanh thành “ Mục Nam Quan” tức là cái cửa thành hòa hiếu. Về phía ta thì tôn thành “ Hữu Nghị Quan”. Và các nhạc sĩ ta ca ngợi” Việt Nam- Trung Hoa núi liền núi sông liền sông…mối tình hữu nghị thắm như biển đông…”. Các nhà chính trị thì gọi” quan hệ Việt Nam – Trung Hoa thân thiết như môi với răng”. Trong “Nhật ký đường về” năm 1964, Tố Hữu trưởng ban Tuyên giáo trung ương sau khi sỉ vả khối Đông Âu xét lại, tới Trung Hoa ông viết:
“ Bắc Kinh tay chị tay anh triệu vòng
Bạn mừng ta những chiến công
Vui như tiền tuyến giữa lòng hậu phương…?
Thì bỗng nhiên độp một cái ngày 17 tháng 2 năm 1979 răng nghiến nát môi.
Hiện nay thì như mọi người đều biết, chính quyền Trung Hoa đang giương cao khẩu hiệu cũng tức là đối sách mơn trớn của họ là :” láng giêng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” mà họ gọi là 16 chữ vàng.
Ta nên hiểu cái thâm ý “ổn định lâu dài” của người Trung Hoa là họ chờ thời đấy. Khi thời cơ đến thì họ lập tức chấm dứt ngay sự ổn định. Phương châm này đã được Đặng Tiểu Bình di ngôn:” Bình tĩnh quan sát,ứng xử hài hòa, giữ vững lập trường, che giấu năng lực, chờ đợi cơ hội, thực hiện những gì có thể”. Cơ hội của họ như ta thấy, năm 1949 họ tranh thủ chiếm một phần đảo Hoàng sa của ta.Năm 1974, họ chiếm nốt phần còn lại của đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Việt Nam cộng hòa. Và năm 1988 họ chiếm một phần Trường Sa của ta nhằm lúc Liên Xô sắp sụp đổ.
Tổ tiên ta từ xưa vẫn coi họa của nước thường đến từ phương Bắc. Và đối sách cực kỳ khôn ngoan có thể xem đối sách của nhà Lý, nhà Trần đối với phương Bắc như những bài học bang giao mang tính kinh điển.
Nghĩa là muốn nói chuyện bình đẳng với đối phương thì thực lực ta phải mạnh và muốn mạnh thì phải khoan nới sức dân, phải đoàn kết được toàn dân muôn người như một. Nếu chia lòng cũng có nghĩa là tự sát, như trường hợp Hồ Quý Ly đối với dân cũng là một bài học xương máu.
Phương lược ứng xử với phương Bắc từ các đời xưa là rất mềm dẻo.Mềm dẻo chứ không mềm nhũn. Rất nhún. Nhún chứ không nhường. Rất ôn nhu. Nhu chứ không nhược. Luôn coi trọng đối phương, nhưng lãnh thổ quốc gia và danh dự đất nước là nguyên tắc bất di bất dịch buộc đối phương phải tôn trọng.
Nói tóm lại, bài học giữ nước; bài học bang giao từ thế hệ chúng ta và từ lịch sử để lại cực kỳ phong phú, có điều là ta có đủ trí tuệ và đủ can đảm, đủ liêm sỉ để thực hiện hay không. Suy cho cùng thì dân tộc nào học hỏi được kinh nghiệm từ lịch sử của chính dân tộc mình thì sẽ có trí khôn và sức mạnh gấp nhiều lần. Nhưng qua thực tế cho thấy bài học lớn nhất của lịch sử là người ta không chịu rút ra từ lịch sử những bài học.
* Câu sau chót :” liệu lịch sử có lặp lại một cuộc chiến biên giới như năm 1979. Bản lai diện mục của nó sẽ ra sao ? Kết cuộc thế nào ?”
NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI : “Tôi không có khả năng của một nhà dự báo hoặc một nhà tiên tri hoặc một vị thầy bói. Nhưng những gì đã diễn ra từ trong quá khứ và cả hiện nay thì ý đồ thôn tính Việt Nam là ý đồ thường trực trong giới cầm quyền Trung Hoa từ cổ chí kim. Và không gì làm họ thay đổi được. Nếu ta mạnh, ta phản công mãnh liệt gây cho họ sự kinh hoàng để dạ thì thời gian hưu chiến dài tới mấy trăm năm kia.
Còn như muốn phát động một cuộc chiến tranh trong thế giới phẳng này thật không dễ, mặc dù họ mạnh và rất hung hăng. Tuy nhiên họ sẽ uy hiếp trên bộ và gậm nhấm biển Đông, và khi có thể họ sẽ úp ta trên biển. Hiện nay họ đang dụ ta vào cái vòng kim cô “16 chữ vàng”” đàm phán song phương” và cùng khai thác biển Đông với âm mưu “ Chủ quyền thuộc ngã, cách tri tranh luận, cộng đồng khai thác”. Nghĩa là gác mọi sự tranh cãi lại, hãy cùng nhau khai thác nguồn lợi đi, nhưng chủ quyền vẫn thuộc về tôi”
Và nếu như họ muốn chứng minh với thế giới rằng họ chỉ” trỗi dậy trong hòa bình” thì họ phải thực thi đúng tinh thần 16 chữ vàng là trả lại quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam, trả lại các vùng đất lấn chiếm một cách xảo trá và tinh vi từ 1950 đến 1990 cho Việt Nam, còn phần đất do hiệp ước Pháp –Thanh , phía Pháp đã cắt cho Trung Hoa một cách đểu giả vì quyền lợi của thực dân Pháp, tạm gác lại bàn sau.
Nếu Trung Quốc làm được việc đó thì không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều đặt lòng tin vào họ, và đương nhiên họ xứng đáng đứng vào hàng các cường quốc lãnh đạo thế giới. Ngược lại, họ chỉ là kẻ xảo trá chân thực.
· Cảm ơn anh.
Hà Nội, 17.2.2012
(Nhật Tuấn thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét