Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (4)


                                      (tiếp theo)

Tôi chia tay Biên Cương cũng tại “con ma” đó. Vài ngày sau, anh  tới tôi “giảng hòa” và hí hửng đọc bài thơ anh làm hôm tôi trốn học đến anh. Thì ra anh đã đánh đổi cả một buổi chiều đẹp như vậy lấy bài dở đến thế ư ? Thơ thế này cần gì phải đóng chặt cửa phòng cho tâm hồn bay bổng chín tầng mây như tôi đã tưởng. Lẽ ra tôi có thể “góp ý” nhẹ nhàng hơn, nhưng không may cơn giận vì uổng phí một buổi chiều trốn học làm “con ma” trong tôi nhảy xổ ra.
Ấy, tôi đã nói gì ấy nhỉ? Tôi nói rằng bài thơ “Trái tim người thợ” chào mừng ngày “quốc tế lao động” này không phải thơ, và nếu anh cứ nhắm các ngày lễ, ngày kỷ niệm để  “sản xuất” thế này thì tốt hơn hết nên chọn nghề khác có ích hơn.
Đến lượt anh, không phải một con ma như tôi mà hẳn một “con quỷ”, vâng, “một con quỷ” trong anh xồ ra xé nát tôi bằng lời lẽ sắc bén gấp mấy lần cả thơ anh. Khi hai chúng tôi bừng tỉnh cơn sốt “ngôn từ”, hai đứa đã ở hai bờ vực không một kiểu cầu nào bắc qua được nữa.
 Hôm cưới tôi Biên Cương có tới tặng phong bì, bên trong không phải  bài thơ mà tờ... năm chục. Mấy năm nay anh vào một tỉnh phía Nam làm báo địa phương. Anh khoe đã chuyển sang  văn xuôi, đặc biệt truyện các vụ án và tiểu thuyết đề tài tiêu cực. Lúc này tôi đã ra trường, đã xin được chân biên tập viên  ở một Nhà xuất bản mà ông giám đốc nói rằng ở đây chỉ toàn …in sách hay, đã “khôn lớn” hơn  hồi còn sinh viên cãi nhau với anh, bởi vậy vài tháng sau ngày cưới, Biên Cương tìm gặp tôi ở cơ quan, tôi nói năng đã biết cách giữ gìn tới mức anh phải kêu lên:
      - Sao bây giờ Vân khác ghê thế?
      - Già đi nhiều hả?
      - Không phải, trẻ hơn xưa nữa kia, có điều nói năng như một... biên tập viên vậy. Anh có định gửi bản thảo cho em đâu.
      Tôi cảm thấy mặt mình đỏ bừng, đưa mắt nhìn quanh căn phòng cho đỡ lúng túng. Không, tôi không coi anh như một cộng tác viên, nhà văn cỡ “cây bút trẻ” như anh chưa tới lượt đến đây. Để được đóng dấu ấn của Nhà xuất bản này, ít ra anh phải nổi tiếng tới mức người ta sẵn sàng... kết nạp anh vào Hội nhà văn. Ôi ! “đường xa nghĩ nỗi này mà kinh”, chắc anh thừa hiểu điều đó chứ?
      - Vân đọc sách anh tặng hôm anh mới ra chưa?
      Đôi mắt của anh khiến tôi không dám trả lời rằng “chưa” cho dù tôi chỉ mới lướt qua vài trang đầu và bây giờ đến cái tên sách tôi có moi óc cũng chẳng nhớ nổi.
      - Lấy chồng xong chắc em bận lắm hả?
      - Không, bận gì đâu, sách của anh em đọc rồi. Nói chung... anh viết được, hơn hẳn ngày trước...
      - Ngày trước là ngày nào? Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh mà...
      - À... em định nói hồi anh còn làm thơ ở ngoài này ấy?
      Anh cười nhếch miệng:
      - Thôi, anh hiểu rồi. Bây giờ em chỉ đọc các nhà văn lớn thôi, tép riu như anh là cái gì?
      “Con ma” trong tôi ngày trước không còn sẵn sàng nhảy xổ ra nữa và “con quỷ” trong anh có lẽ cũng thế. Chúng tôi chia tay hẹn viết thư và gặp lại cho có lệ, quay trở lại bàn với chồng bản thảo cộng tác viên, tôi thấy nhẹ người.
Mở quạt thật mạnh xua cho hết oi bức buổi chiều hè và cả ám ảnh nặng nề cuộc chuyện vừa nãy, tôi cố tập trung vào những dòng chữ bò dài trên trang giấy.
 “Đêm hôm đó, chị nằm né đầu xa ra khỏi anh và thấy hối đã không nấu mớ bồ kết vẫn gác trên bếp để gội mớ tóc hẳn giờ đã sặc mùi phân lợn...”.
Tôi vớ bút gạch chéo ngoài lề trang giấy. Cái chị chủ nhiệm hợp tác xã này, mải mê công việc tới mức quên cả tắm gội khi chồng công tác xa về phép đột xuất. Chao ôi, viết thế này là ca ngợi hay hạ thấp con người?
Tôi mang chồng bản thảo sang phòng ông Trưởng phòng biên tập. Ông nghe tôi hăng hái trình bày, ngước lên đôi kính dày và cái nhìn đờ đẫn như đang buồn ngủ. Khi lật tên sách và tên tác giả, ông tỉnh hẳn ra, la lên :
 “Ấy chớ, chớ có động vào ông này. Cắt của ông dòng nào ông ấy làm ầm lên thì chết. Tốt nhất cô cứ đọc coi có chỗ nào sai lỗi chính tả hoặc thiếu chấm, phẩy thôi”.
 Tôi thở hắt ra:
“Thưa chú, vậy sao gọi là biên tập ? “
Ông Trưởng phòng nhìn tôi như thể xem tôi có ốm đau gì không? Ông vốn là nhà văn rất nổi tiếng từ thời chống Pháp với cả chục cuốn sách và từ khi ngồi ghế trường phổ thông, tôi đã phải học văn của ông rồi, làm sao tôi cãi nổi, nhất ông lại là thủ trưởng.
Tuy nhiên, trước lúc rút lui, tôi cũng yếu ớt nèo được một câu, thưa chú, cháu thấy nó … giả giả thế nào ấy. Ông Trưởng phòng bật cười, hình như ông khoái nhận xét của tôi về đồng nghiệp của ông.
Tiếp xúc nhiều với các bậc cha chú trong làng văn, tôi không lạ gì mấy ông, rất dễ bộc lộ khi nói về các tác phẩm nhất là của chính mình. Bởi vậy ông Trưởng phòng bỗng dưng trở nên vui vẻ và cởi mở. Ông khoe với tôi vừa viết xong chương mở đầu bộ tiểu thuyết trường thiên về thời thanh niên sôi nổi , qua đó ông muốn dựng lại mấy giai đoạn cách mạng từ thời  phong kiến thực dân, chống Pháp, chống Mỹ, chống Trung Quốc cho tới tận bây giờ. Ông hứa sẽ trao cho tôi cái vinh dự được biên tập cuốn tiểu thuyết tương lai đó một khi nó được viết xong.
“Thưa chú, vậy chắc cháu cũng lại sẽ chỉ đọc coi có chỗ nào phạm lỗi chính tả hoặc giả chỗ nào thiếu dấu chấm phảy thôi, kiểu như với tập này này. “
Tôi đập tay lên chồng bản thảo của nhà văn mà ông Trưởng phòng vừa mới bàn tới một cách rất sôi nổi và hào hứng.
“Ồ không, với chú thì cháu cứ phát biểu thẳng thắn, chú rất thích được nghe ý kiến mọi người. “
“Dạ vâng, nếu chú thích, cháu rất sẵn sàng. Nhưng cái chính là... chú phải viết xong đi đã….”
 Tôi biết, khi hăng lên ông hẹn phứa vậy thôi, chứ thực ra  ông sẽ viết vào cái lúc nào? Ôi, lẽ ra tôi không nên về cái Nhà xuất bản này để giữ được lòng ái mộ mấy ông kể từ ngày còn cắp sách tới trường đã mê đọc truyện.
      Tôi trở lại phòng , bàn làm việc của mấy ông biên tập đã vắng hết. Còn quá sớm đảo ra chợ mua thức ăn nấu cơm cho chồng và cũng đã muộn ghé qua thư viện mượn đọc cuốn truyện dịch mới ra, nghe đồn rất hay. Tôi biết  làm gì tiêu đi cả tiếng đồng hồ thừa thãi này? Tôi không thể “tiêu” nó như những người khác trong cơ quan: chuyện phiếm, dịch tài liệu kiếm ngoài, la cà mậu dịch tìm hàng giá rẻ... Tôi cứ ngồi thừ ở bàn cố cưỡng trạng thái ngưng đọng của suy nghĩ đang có chiều hướng làm tôi gục đầu lên bàn, mắt nhắm lại.
Vậy nhưng tôi chẳng buồn ngủ tí nào, bên tai rõ mồn một tiếng quát tháo từ phòng Giám đốc vẳng tới. Khiếp, gần bạc hết cả đầu, các vị  còn cãi cọ, tranh cãi cuốn này in trước, cuốn kia in sau đến là ghê. Ước gì giá trị tác phẩm văn học là thứ có thể cho vào máy cân đo được, chắc hẳn Ban giám đốc sẽ bớt họp hành.
Tôi ngồi tưởng tượng ra một cái cân thật lớn, nó sẽ cân không phải trọng lượng của cuốn sách mà là chất lượng của nó, ông nhà văn nào mang bản thảo tới xin cứ mời đặt lên đĩa, cuốn nào nặng ký in ngay, nhẹ quá xin cầm về, đỡ kiện cáo lôi thôi.
Liệu con người có thể phát minh ra cái máy cân như thế không ? Rất có thể lắm chứ, này nhé, vốn từ, cú pháp, nhân vật, cốt truyện, vấn đề... cứ phân loại hết ra mà đưa vào máy tính điện tử, chỉ tiếc tôi không phải là một nhà toán học.
      - Đọc cái gì mà cười một mình thế ?
      Tôi giật mình, nhìn lên, chồng tôi đã lù lù trước mặt. Khi chưa lấy nhau, anh rất ít đến phòng tôi làm việc , thường gọi điện và tôi sẽ lẻn ra quán nước đầu phố đợi anh. Những hôm trời rét, trong tay có chén chè nóng bốc khói , trên đầu lưỡi có vị ngọt kẹo bạc hà, bên cạnh là anh chồng tương lai luôn luôn nhìn mình đăm đăm với ánh mắt tình tứ. Ôi, thử hỏi có niềm vui nào cao hơn thế , bởi vậy suốt một thời gian dài ngồi ngẩn ngơ trước bàn làm việc, tai tôi cứ ngong ngóng chờ tiếng chuông điện thoại anh gọi tới.
Bây giờ, cái thú đó không còn nữa, đi qua đấy, cả tôi lẫn anh không ai còn nảy ra ý định ghé uống chén chè, nhấm nháp thanh kẹo lạc, riêng bữa nay, anh còn giục tôi về mau kẻo con cá chép anh vừa mua được ở cơ quan không làm ngay sợ  ươn mất.
 Trên đường anh phác ra cả một chương trình: đầu cá nấu dấm với dọc mùng và thìa là, khúc giữa rán lên cho anh nhấm rượu, còn cái đuôi ắt hẳn là phải kho với nước hàng .
 Tôi cũng rất bằng lòng như vậy, chỉ còn phân vân một điều là canh dấm cá phải có mẻ mới ngon. Nhưng bây giờ kiếm đâu ra cái thứ cơm nguội  lên men, chua chua đó ? Tôi thở dài và dường như nỗi buồn vì thiếu mẻ lan sang cả anh làm anh cũng thở dài luôn. Tôi thoáng nhớ tới một tựa sách của Hairich Bơn * và kêu lên khe khẽ : “Mẻ ơi, mày ở đâu”.

                         (còn tiếp)

* Nhà văn Đức, tác giả tiểu thuyết “Adam, người ở đâu?”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét