2.
Thức giấc trong đêm đầu tiên làm vợ, tôi bỗng xấu hổ, hoảng hốt mặc nhanh quần áo và nhảy xuống giường. Chưa quen thế, tôi vội quay mặt đi, không dám nhìn anh đang ngáy say sưa, len lén bước ra ngoài ban công như con ăn trộm. Trời tối và thấp làm những tàng cây cao hai bên hè đường chìm khuất trong bóng đêm trên thành phố. Tôi chẳng còn biết đặt con mắt vào đâu ngoài con đường vắng chạy hun hút qua hai dãy nhà đang ngủ im trong làn sương mờ.
Nỗi buồn vĩnh biệt thời con gái làm ứa ra những giọt nước mắt tủi hờn. Than ôi, tôi đã thành một người đàn bà, cái mốc phân cách rất rõ ràng ấy chỉ diễn ra trong khoảnh khắc vậy mà đã trở thành lằn ranh vĩnh viễn không trở lui được nữa. Hệt như một người đã sang sông, cây cầu đã gãy gục, mọi hoa trái thời con gái đã nằm lại bờ bên kia, tôi vẫn còn ngẩn ngơ chưa muốn bước tiếp vào miền đất lạ của đời sống vợ chồng mà người đời vẫn cho rằng quả ngọt cũng nhiều và gai góc cũng lắm.
Tôi bỗng nhớ căn buồng nhỏ của tôi ở đằng nhà mẹ, thế giới riêng bất khả xâm phạm, ở đó mọi thứ đã chung sống với tôi từ thời mới lớn, cái tủ con đặt đủ thứ vặt vãnh, con búp bê ngồi trên bàn viết, cái kệ sách chứa từ A đến Z những cuốn tôi gom góp được suốt từ hồi tôi còn làm kế hoạch nhỏ trong Đội thiếu nhi. Mấy ngày trước khi cưới, tôi khăng khăng không cho đứa em dọn lên ở và chẳng hiểu sao lại bật ra một câu làm kinh ngạc cả nhà: “Chị sẽ còn quay lại”. Lúc đó mẹ tôi cười, mắng yêu con gái gở miệng, chưa kịp về nhà chồng đã tính chuyện bỏ đi. Lập tức tôi nổ ra một cơn giận rất vô lý, bỏ vào buồng nằm, đóng chặt cửa, đến bữa nhất định không chịu chường mặt ra ăn cơm với cả nhà. Than ôi, bây giờ những cái đó đã qua đi hết, trong căn nhà mới này từ nay tôi phải bắt đầu một đời sống khác, một tư cách khác.
Anh đã thức giấc, gọi tôi với giọng hoảng hốt. Từ từ, đừng có dục nhắng lên thế, rồi tôi sẽ quay trở vào, anh sẽ lại vạch sâu thêm cái lằn phân cách kia, xóa bỏ một cách hả hê mọi dấu vết thời con gái còn sót lại...
“Em làm sao thế?”
“Không, chẳng sao cả”.
“Anh biết rồi, lạ nhà không ngủ được phải không?”
Tôi đẩy bật anh ra:
“Em hỏi thực nhé, phải anh đọc được ý nghĩ của em không?”
Anh cười bí mật:
“Vậy càng tốt chứ sao? Vợ chồng càng dễ hiểu nhau”
“Hiểu nhau kiểu đó, em bỏ anh liền”.
“Đùa đấy, anh đùa đấy, làm gì có chuyện đó”.
Tôi yên tâm và lại để anh lôi tuột vào cuộc triệt phá đời con gái trong giấc ngủ đứt đoạn và mối nghi hoặc khiến tôi cố xóa trắng đi mọi ý nghĩ để gần gũi anh có thể đoán chúng. Sáng hôm sau, anh hỏi giọng buồn buồn:
- Em có điều gì không bằng lòng phải không?
- Sao anh hỏi vậy?
- Em cứ lành lạnh làm sao ấy.
- Vậy anh muốn em phải thế nào?
Anh nhún vai quay đi không trả lời. Tôi cũng im luôn, không, trong chuyện này tôi chẳng có lỗi gì hết, cho nó qua luôn, chẳng hơi đâu phanh phui mệt xác.
Hôm sau anh đưa tôi trở về ăn “nhị hỉ”. Để anh ngồi trong phòng khách trò chuyện với cả nhà, tôi tót lên gác mở khóa bước vào phòng của tôi. Con búp bê trên bàn viết vẫn chìa ra đôi tay như mọi ngày, đám sách trên giá vẫn phô ra những chiếc gáy quen thuộc, tôi nằm lăn trên giường cá nhân dang chân dang tay sung sướng như người đi xa mới trở về.
Bây giờ tha hồ nghĩ lung tung đủ mọi chuyện khỏi lo ông chồng đọc được ý nghĩ. Trước hết phải kiến nghị với bà bô dứt khoát giữ lại căn buồng để thỉnh thoảng giận nhau với chồng còn có chỗ lẻn về và biết đâu, phải biết đâu mai kia nhỡ ra cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, sống không nổi với nhau, khỏi phải phiền anh ngăn đôi căn buồng như khối cặp vợ chồng bỏ nhau nhan nhản quanh tôi. Khỉ thật, mới lấy chồng chưa được một ngày đã nghĩ tới chuyện chia tay, tôi cười thầm mình lẩm cẩm và rồi lại thấy buồn nhói lên, biết đâu cái số tôi chẳng vậy và linh cảm điều đó đã sớm đến với tôi.
Tôi ngồi nhỏm dậy mở ngăn kéo rút cuốn nhật ký ghi lại những ý nghĩ này mai kia... nghiệm coi có đúng không? Trong cuốn sổ dày cộp của tôi có ghi tới dăm trường hợp “linh nghiệm” như thế. Chẳng hạn như với Biên Cương, nhà thơ trẻ, tôi gặp hồi còn năm thứ ba. Nhớ lại tình yêu không thành đó, tôi phải cảm ơn anh về những điều tôi học được ở anh vào cái tuổi “con nai vàng ngơ ngác” thủa ấy.
Anh đã tặng tôi nhiều thứ, một quả thông khô trong chuyến anh đi thực tế Đà Lạt, một chiếc lá be bé nhặt được ở thôn Nấm Lư vào một chiều nỗi nhớ tôi làm anh phát cuồng và tất nhiên là cả những bài thơ viết cho tôi anh đọc vào những buổi tối hai đứa ngồi bên đê sông Hồng ngắm trăng treo trên dòng nước ngầu đục phù sa.
Tôi hòa hợp được với anh mọi thứ, riêng mỗi một điều : Tôi không chịu xếp thứ hai sau Nàng Thơ của anh, và anh cũng chẳng chịu chiều tôi dẹp nàng ta lại, tạm dời những vần thơ lai láng để đưa tôi đi đâu đó.
Có lần, vào buổi học lý luận “xưa như trái đất”, tôi bỏ lớp nhảy tàu về với anh. Chao ôi, tôi muốn té xỉu, giận muốn điên lên khi trước cửa buồng đóng im ỉm có treo một cái bảng “miễn gõ cửa - bất kỳ ai”.
Tôi biết anh đang lên cơn sốt ngôn từ, đang bị “chữ nghĩa nó sai khiến”, đang như con chiên quì trước thánh đường thơ ca, tôi thừa biết trạng thái tâm hồn anh lúc đó, nhưng nỗi tự ái khiến tôi bất chấp cứ gõ như phát cuồng lên cánh cửa. Trong buồng có tiếng đấm mạnh xuống bàn, tiếng kéo ghế và cái đầu bù xù của anh ló ra.
Bỗng dưng trong tôi tiêu tan hết - “tính cách điển hình của nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, biết rồi, khổ lắm dạy mãi, ôi thôi xin chào thày em lặn...” đoàn tàu điện trông xa như một con sâu khổng lồ màu đỏ, gió lộng lên se se lạnh từ những cánh đồng mênh mông gốc rạ đánh vào hai bên tai lùng bùng, “bắt lấy nó, bắt lấy nó”, tiếng con nhỏ bạn hét lên bên cổng trường ngổn ngang những mẹt ngô nướng, bánh rán, bánh giò, tôi cắm đầu chạy như tên kẻ trộm bị đuổi bắt trong phim trinh thám, “đưa tay đây, đưa tay đây”, anh chàng bán vé tàu điện nhe ra chiếc răng vàng gọi rối rít, hấp, tôi nắm lấy cái tay vịn nhảy lên tàu và vẫn thấy mặt đường vẫn trôi vùn vụt dưới chân.
“Lần sau đừng có liều mạng thế, về bờ Hồ hay chợ Mơ đây, cô em?” về - với - anh, về - với - anh, tiếng lịch kịch của đoàn tàu chạy trên đường ray reo lên trong tôi bao nhiêu là vui vẻ, bồn chồn, náo nức những chuyện dự định kể với anh cho bõ vất vả, hiểm nguy lúc nãy.
Bỗng dưng tất cả những thứ đó tiêu tan hết khi anh sẵng giọng hỏi “Chuyện - gì - thế?”. Không, chẳng có chuyện gì cả, chiều nay được nghỉ, tiện thể ghé anh thôi. Em định kiểm tra đột xuất phải không? Xin lỗi anh, suy diễn nhỏ nhen thế mà cũng đòi bay bổng chín tầng mây tìm vần thơ...
Lúc đó, mặt anh nhăn lại, vẻ mặt đầy khó chịu và kinh tởm cái đứa con gái chanh chua đang đập phá thế giới mộng mơ thơ mộng anh đang thả hồn trong đó.
Không đếm xỉa tới chuyện đó, tôi cứ mặc kệ cho nỗi bực bội, tức tối ào ào tuôn ra trong những lời lẽ chính tôi cũng cảm thấy vô lý cho tới lúc cánh cửa buồng anh đóng sập lại trước mặt tôi. Ê chề, nhục nhã, giận giữ, tởm cả chính mình... ngần ấy thứ cảm xúc bùng ra trong tôi nỗi kinh hoàng của đổ vỡ khiến tôi đứng đực trước cánh cửa đóng kín, tròn xoe mắt, kinh ngạc chẳng hiểu tại sao bỗng dưng rơi vào thảm trạng thế này.
Tôi cứ khư khư ôm cặp sách, thất thểu đi dọc phố, lần ra mãi tận hồ Hoàn Kiếm từ lúc nào chả biết. Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn và... tháp Rùa. Cả trăm cả ngàn lần những hình ảnh quen thuộc đó lướt qua mắt tôi, chỉ tới bây giờ, nỗi buồn bơ vơ đẩy bật tôi ra khỏi cái hàng ngày bận rộn, còn lại một mình trên chiếc ghế đá lạnh, tôi mới ngắm nhìn cái tháp cổ kính, thán phục vẻ đẹp vĩnh cửu của nó.
Chiều xuống rất nhanh, màu xanh của nước hồ đã nhuộm biếc, những ngọn đèn rực rỡ ở nhà Thủy Tạ phía bên kia đã hắt xuống mặt hồ một vùng sáng. Chuông nhà thờ lớn ngân nga lạc lõng trong mớ âm thanh hỗn độn của tiếng còi ô tô, tiếng nổ xe máy và tiếng tàu điện cập keng trôi trên phố.
Hết một ngày rồi đó, tôi đã bỏ ba tiết “lý luận văn học”, nổ ra một trận to tiếng với Biên Cương mà linh cảm báo hiệu một cuộc chia tay để rồi ngồi như một con ngớ ngẩn trên ghế đá bờ Hồ suốt cả một buổi chiều trống rỗng.
Vậy nhưng tất cả những trục trặc ngoài dự định đó lại giúp tôi khoảnh khắc tách mình khỏi vòng quay hàng ngày, ngẫm nghĩ đôi chút về mình với cái nhìn quan sát. Tại sao tôi cứ thích vặn vẹo thầy giáo về những điều tôi biết thừa thầy sẽ giải thích bằng ngụy biện. Thưa thầy tại sao thơ tình của Xuân Diệu ngày trước lại hay hơn bây giờ? Thầy giảng là thành tựu văn xuôi của ta rất lớn nhưng tại sao chưa thấy xuất hiện những điển hình sinh động như Xuân Tóc đỏ, Chí Phèo. chị Dậu? Tại sao tôi không chọn Puskin mà lại chọn Lamartine để viết chuyên đề gây rắc rối cho cả tôi lẫn cho thầy? Không biết ức chế sở thích để hùa theo trào lưu chung chẳng lẽ tôi ngu hơn “tụi bạn” chăng? Chẳng cần đợi đến Biên Cương khuyên nhủ, tôi cũng thừa biết cái mục tiêu cao hơn hết trong mấy năm ngồi ghế nhà trường là cái mảnh bằng. Khổ một nỗi trong tôi dường như có “con ma” nào đó, cứ nhảy bổ ra bẻ queo cả hành động chẳng đúng như cái đầu dự định.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét