NHÀ THƠ NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Vào những ngày Đại hội nhà văn VN lần thứ 7, tháng 4 năm 2005 tại Hà Nội, trong các cuộc nhậu có nhà thơ , nhà văn Trần Ninh Hồ, Nguyễn Hồ, Trần Công Tấn, Mường Mán…thường “buôn chuyện” về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi đó đang là Trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương.
Chuyện “buôn” rằng đồng chí Nguyễn Khoa Điềm thông minh dĩnh ngộ từ nhỏ. Hồi năm 7 tuổi, trong bếp có “trách” * cá nục kho. Bé Điềm thèm quá, đành ăn vụng, sau sợ bị mắng nên rắc vài mẩu cá từ chỗ để cái “trách” tới gầm trạn để vu cho…con mèo ăn vụng cá. Dựng “ hiện trường giả” từ tuổi nhi đồng vậy, quả nhiên sau này làm nên nghiệp lớn.
Chuyện “buôn rằng” hồi chiến tranh chống Mỹ ở trên rẫy A Sầu, A Lưới mọi thứ đều thiếu thốn, cán bộ đói lắm , nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thường cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đốt rẫy bắt con “rít” ( rết) nướng ăn , ngon không thua gì ..tôm nướng. Một hôm hai đồng chí phát hiện ra cái…hang chuột. Eureka…một bữa chuột nướng tuyệt vời . Thế là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tương quạt lửa hun khói một đầu hang, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lăm lăm cầm con rựa ( dao) đứng chờ cuối hang, chuột chạy ra là…chém. Hai nhà bác cứ chờ, chờ mãi chẳng thấy con chuột nào chạy ra. Sau cùng một ông già Vân Kiều đi qua vỗ vai Nguyễn Khoa Điềm :
“ Họ đi rồi…họ còn ở đó thì không tìm được nhà của “họ” đâu…”
Ý cụ muốn nói chuột đã chạy rồi, nếu còn ở đó thì không phát hiện được ra hang của nó đâu. Chuyện này có lẽ ám vào đồng chí Nguyễn Khoa Điềm khiến suốt cả thời kỳ giữ chức Trưởng ban văn hóa tư tưởng đồng chí chẳng chém được con “chuột” nào, chúng nó lẩn hết đâu mất.
Thời nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm trùm tư tưởng văn hóa, không khí sáng tác không được “hồ hởi, phấn khởi” lắm, khiến ngay trong Đại Hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ VII , tại Hội Trường Ba Đình - Hà Nội chiều ngày 23-4-2005, nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhảy lên diễn đàn than thở :
“ Vâng, tự do sáng tác là khi ngồi trước trang giấy, nhà nghệ sĩ là Chúa Trời sáng thế. Anh tuyệt nhiên không được phép để một ám ảnh sợ hãi nào quấy nhiễu mình. Ví như anh còn phải day dứt viết thế này, viết thế nọ mới được duyệt in; rằng đang có bao nhiêu đôi mắt soi mói vô hình kiểm duyệt anh từ xa ví như viết xong một câu văn là cứ phải mắc bệnh tương tư, nhớ đến anh Khổng Minh Dụ ( thiếu tướng công an- Cục trưởng Cục Bảo vệ tư tưởng văn hoá ( A 25 Bộ Công An), Đỗ Kim Cuông ( Vụ trưởng Vụ Văn Nghệ Ban tư tưởng văn hoá Trung Ương), Trịnh Đình Khôi ( chuyên viên cao cấp Ban Tư tưởng Văn Hoá Trung Ương phụ trách theo dõi Hội Nhà Văn VN), Nguyễn Đình Nhã ( Cục trưởng Cục xuất bản – Bộ Văn hoá Thông tin), Vũ Duy Thông ( Cục trưởng Cục báo chí Ban Tư Tưởng Văn hoá Trung Ương) , nhớ mấy anh canh cửa phê bình, nhớ anh giám đốc duyệt bài, anh biên tập viên cầm hai tay hai cái kéo, nhớ anh duyệt lưu chiểu hồi này với máy dò câu chữ nghe đồn còn kỹ hơn máy dò hành lý hải quan; thì than ôi, bằng ấy cơ chế kiểm duyệt đè nặng lên tâm lý sáng tạo của anh, nên “vừa viết vừa run” như thế; nghĩa là anh vừa viết vừa tự thiến đứa con tinh thầm của mình, cho khi ra đời nó không được có cơ hội cuồng lên vì phát dục, xóa hết bản năng sinh tồn bùng sôi của nó đi, đẽo gọt chân nó sao cho vừa với đôi giày “chính trị” đi, thì nhà văn ơi, tự do sáng tác ơi, ta chào mi, vì mi quá nhiêu khê, quá rách việc, quá nhiều cơ quan và nhiều cá nhân quyết định việc sống còn của ngòi bút mi theo kiểu nhiều cha con khó lấy chồng. Quá nhiều người gác cửa, có thể bất cứ lúc nào vui thì cho anh qua, buồn thì giữ anh lại khám xét, lục vấn, xử lý cấm cản tuỳ tiện vô nguyên tắc như từng thô bạo xử lý bao nhiêu nhà văn, bao nhiêu tác phẩm chết oan vì vừa ra đời đã bị bóp mũi.”
Một tổng kết về “tự do sáng tác” như vậy hẳn rát mặt ngài trưởng ban tư tưởng văn hóa. Vào khoảng năm 1994 , tôi cùng ông anh ruột sống ở Sàigòn trước 1975 nay định cư ở Mỹ, nhà văn Nhật Tiến “hưởng ứng chủ trương hòa giải hòa hợp hợp dân tộc” ra chung tập truyện ngắn “Quê nhà, quê người” – Nhật Tiến viết phần “Quê người”, tôi viết “Quê nhà”. Bản thảo gửi NXB Văn Học, trầy trật mãi không xin được giấy phép. Nghe nói có ông lãnh đạo chửi “ Mẹ nó, thằng Việt kiều ( ý nói Nhật Tiến) thì viết y như Việt cộng, còn thằng Việt cộng ( ám chỉ tôi) thì lại viết như…Việt kiều (!)". Cuốn sách tưởng bế tắc, không xuất bản được. Sau nghe nói đồng chí Nguyễn Khoa Điềm có ý kiến sao đó, cuốn sách lại có giấy phép tuy nhiên kèm theo yêu cầu là sách được xuất bản nhưng cấm không được tuyên truyền trên các báo. Báo hại phóng viên một số tờ báo sửa soạn phỏng vấn nhà văn Nhật Tiến đều phải rụt lại hết.
Thế rồi sang năm 2000, khi Nguyễn Khoa Điềm trúng cử Ủy viên Bộ chính trị , Trưởng ban tư tưởng văn hóa thì liền sau đó cuốn “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn bị cấm, phải xay thành giấy vụn.
Cùng lúc với “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, một cuốn sách khác cũng bị dìm chết tức tưởi khi mới xuất xưởng in mà dư luận dường như không hề biết tới : cuốn “Những người con của đất” – NXB Văn học của Đỗ Bàn.
Cuốn sách viết về thời kỳ đổi mới những năm tám chín mươi ở một tỉnh miền núi nghèo đói. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã gây nên tình trạng đấu đá tranh giành quyền lực trong Đảng. Ông Duy đại diện cho phái tân tiến, có học, cần phải đổi mới gấp, chịu làm, năng động muốn phá vỡ cơ chế hiện tại. Ông Bí thư Tỉnh phái ôn hoà, làm hay không làm cũng chưa chết ai, cứ đợi đấy. Ông Trịnh Giám đốc công an Tỉnh ở phái bảo thủ cơ hội, chờ thời tiêu diệt những người coi thường mình.
“Tao vô học nhưng tao phải là tao, chúng mày thích “tự cởi trói cho mình trước khi trời trói”, thì hãy đợi đấy !
Một xã hội lùng nhùng, một nền kinh tế lùng nhùng, chỉ có thằng nói không có thằng dám làm ? Nghị quyết, chỉ thị, nghị định, quy chế… chỉ là những văn bản cho bọn cơ hội bóp chết người trung thực dám làm và dám chịu trách nhiệm. Văn bản chỉ thị của Tỉnh thay đổi xoành xoạch : bắt dân phá rau, hoa, chè, cà phê trồng khoai lang, cao lương… khi thất bại đành bán rừng đổi gạo cứu đói và một loạt sai phạm đó lại dội vào đầu những người thực hiện.
Trong một thời gian ngắn, Giám đốc công an Trịnh đã bắt ngót trăm giám đốc của các đơn vị kinh tế trong tỉnh, từ ngành chè, cà phê, lâm nghiệp, thương nghiệp…có người đáng bậc cha chú, đàn anh của mình, có người đồng chí trong những ngày Trịnh truy quét Fulrô… bắt và bắt làm cho cả tỉnh rúm ró lại. Những người như ông Duy chỉ còn biết thở dài ngao ngán, còn ông bí thư thì như bù nhìn “rằm cũng ừ mười tư cũng gật”. Một xã hội công an trị đến ngộp thở, bị bưng bít tới cùng đường thì còn gì là cuộc sống.
“Những người con của đất “ là tiếng nói cảnh tỉnh của những con người trung thực thẳng thắn, sống hết mình vì nhân dân, đã bị hào quang của đảng qua những kẻ dối trá làm mờ mắt mà hy sinh tính mạng một cách vô ích. Nhưng đất vẫn là đất, ai cũng phải sống rồi chết trên mảnh đất này, những kẻ độc ác, cơ hội, tham lam rồi sẽ bị đất huỷ hoại không thương tiếc.
Khi cuốn sách được phát hành cùng thời với cuốn “ Chuyện kể năm 2000” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn,Giám đốc Trịnh đã tìm mọi cách cấm phát hành, làm việc với các ngành pháp luật của tỉnh để truy tố người viết… Lúc đó tôi là Trưởng Chi nhánh phía Nam Nhà xuất bản Văn Học, đành phải im lặng tiến hành thủ tục “thu hồi sách”. Sách bị giam cầm, người viết như tù giam lỏng trong thời ông Nguyễn Khoa Điềm ngồi chót vót trong ngành văn hóa tư tưởng.
( còn tiếp)
* trách : một loại niêu đất .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét