Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

VỀ MỘT THỜI...HÀ NỘI (6)



(tiếp theo)

Thành phố đã lên đèn , từ cửa sổ nhìn xuống, những đốm sáng di chuyển ngược xuôi chẳng biết đi về đâu. Chồng tôi thức dậy trên giường, gọi tôi bật đèn. Cơn say rượu buổi trưa đã qua, anh kêu nhức đầu và thèm uống nước chanh đá.
      - Em có biết anh nằm mơ thấy gì không? Chao ôi, thật kinh khủng...
      Anh trao lại tôi cái cốc không và bắt đầu kể lể. Tôi vừa nghe vừa nhặt thóc trong rá gạo, vừa nghĩ xem bó rau muống để tủ lạnh từ mấy hôm nay liệu còn ăn được ?
      - Em thấy anh nằm mơ vậy có kinh không?
      - Kinh thật đấy.
      - Nhưng người ta bảo “sinh dữ tử lành” .
      - Vậy thì lành.
      - Chắc nó báo hiệu một điều gì đó.
      - Em cũng nghĩ thế.
      - Ô... em không thể có ý kiến khác anh được ư?
      Tôi nhìn anh chăm chú:
      - Anh muốn vậy hả ?
      - Không, thực sự anh muốn biết trong đầu em đang nghĩ gì ?
      - Em nghĩ anh nên dậy đi tắm , chuẩn bị ăn cơm còn coi tivi.
      Anh lẳng lặng bước xuống giường đi vào phòng trong với vẻ nhẫn nại làm người ta phải mủi lòng. Nhưng tôi còn có công việc của tôi : vo gạo, rửa rau, hâm nồi cá kho và nhất là tìm gói hạt tiêu không hiểu sáng nay ruột gan lú lẫn để vào đâu. 
Tôi chăm chú nhìn những hạt cơm sôi lục bục trong nồi như thể trên đời này ngoài chúng ra chẳng còn tồn tại cái gì . Phòng ngoài đã vang lên nhạc hiệu Đài truyền hình. Tối nay sẽ lại có chương trình Bông hoa nhỏ, chương trình Thời sự và chương trình Văn nghệ. 
Tôi không thể nào có được cái say mê như chồng tôi ngồi trước màn ảnh nhỏ từ bản tin thời sự cho đến khi cô phát thanh viên chào tạm biệt. Nếu không tập được thói quen như anh thì suốt buổi tối dài dặc tôi biết làm gì? Ngoài nhũng cuốn truyện tôi rất khó tập trung đọc trong tiếng tivi oang oang, chắc tôi phải tìm thêm việc gì đó, nếu không lại phải kê ghế ngồi ban công đếm sao trời .
Tuy nhiên trong chương trình truyền hình có một tiết mục tôi rất mê tuy họa hoằn mới có : trượt băng nghệ thuật. Những lúc đó dù đang làm bất cứ việc gì, trò chuyện với bất kỳ ai, tôi cũng “cúp” hết để ngồi trước màn ảnh nhỏ thưởng thức vẻ đẹp của hai con người bay lượn theo tiếng nhạc và so sánh với quang cảnh căn phòng tôi lúc đó, tôi cứ có cảm giác rằng họ ở một hành tinh khác, một nhân loại khác đang được những con tàu vũ trụ truyền hình về. Những lúc đó, bao bực dọc, buồn phiền, bao suy tính nhỏ nhen  tiêu tan hết, còn lại trong tôi nỗi hớn hở : đó, con người đẹp và văn minh thế đó.
      Tối nay, bếp núc đã xong, tôi đang nghĩ nên bày việc gì tiêu thì giờ, chồng tôi chợt ló đầu vào gọi ra xem trương trình trượt băng nghệ thuật. Cha, hẳn một buổi tường thuật cuộc thi giành danh hiệu quán quân Châu Au. Thế rồi đúng vào lúc tôi trố mắt ra vì sung sướng nhìn cô Natalia quay 3 vòng santô, anh ấy bỗng kêu lên:
      - Anh nghĩ ra rồi, em có biết thế nào là trượt băng nghệ thuật không?
      - Anh nhìn trên tivi ấy, như thế là trượt băng nghệ thuật đấy.
      - Tất nhiên , nhưng phải định nghĩa được nó kia. Theo anh, trượt băng nghệ thuật tức là khiêu vũ với đôi chân có ma sát bằng không hoặc chính xác hơn coi như bằng không.
      Tôi nhoài người vươn tay vặn nút âm lượng cho tiếng nhạc to hết cỡ, có lẽ đó là cách trả lời tốt nhất. Khi hết chương trình, cô phát thanh viên cúi đầu chào khán giả, tôi lẳng lặng bắc ghế ra ngồi ban công. Tuy nhiên, đêm nay trời đen kịt, không bóng dáng một ngôi sao, chúng đã trốn đâu mất trong cái khoảng tối vô cùng, vô tận kia?
 
4.

      Tôi vào giường khá muộn, chồng tôi chưa ngủ, vẫn loay hoay kẻ ngang kẻ dọc trên những bản vẽ nhận về làm ngoài giờ kiếm thêm một phần đáng kể lấp chỗ trống chi trội trong ngân sách hai vợ chồng. Tôi giục anh đi ngủ, giữ sức khỏe mai đi làm sớm. Anh nhìn tôi chăm chú trong chiếc váy ngủ quá mỏng làm tôi hiểu lầm. Nóng quá, tôi nói, đêm nay em mắc màn nằm dưới đất, còn anh cứ ngủ trên giường. Anh cười, không trả lời và lại cúi xuống bản vẽ. Hôm nay anh có gì đó hơi khác thường làm tôi nhớ lại linh cảm hồi sáng và nổi máu tò mò muốn biết anh dấu tôi chuyện gì?
      - Sao hôm nay anh về sớm vậy?
      - Anh đã nói rồi, anh sợ cá ươn.
      - Không, không phải vậy. Anh có thể cho tủ lạnh, chiều mang về cũng chẳng sao.
      - Em đoán đúng , phòng anh thất nghiệp rồi, đang thiết kế cầu PX thì có lệnh ngừng, chờ chủ trương của bộ. Nghe nói mấy ông trên muốn đặt cầu ở nơi khác.
      - Sao không nghiên cứu kỹ từ đầu. Vậy lỗi ở ai?
      - Nếu quy được lỗi ở ai thì làm gì có chuyện thay đổi. Không ai có lỗi hoặc lỗi ở hoàn cảnh khách quan.
      - Vậy từ mai anh sẽ làm gì?
      - Nghỉ và ăn 70 phần trăm lương chờ kế hoạch.
      Tôi thả màn xuống, nằm dài trên nền gạch men mát rượi. Ngọn đèn đêm hắt một cái bóng to tướng của anh lên mặt tường. 
Tôi buông một tiếng thở dài. Những cuốn sách không ai đọc và những chiếc cầu “giấy” không bao giờ thi công, tuổi trẻ của tôi và của anh đang dốc vào những giả sản phẩm như thế đó. 
Nỗi buồn mới thoáng qua, tôi đã trôi vào giấc ngủ. Không biết chồng tôi thức đến mấy giờ, sáng hôm sau, bừng mắt dậy, tôi vẫn thấy anh ngủ say trên giường. Tôi có tính hay quan sát người đang ngủ, mẹ tôi chẳng hạn, hai tay khoanh lên đầu, miệng khép kín, mặt thư thái, ngược hẳn với vẻ nhăn nhó, đầy vất vả của bố tôi. Còn chồng tôi thì sao? Tôi cứ đứng bên giường nhìn mãi, chẳng tìm ra được nét gì đặc biệt, anh nhắm mắt và ngủ, thế thôi, chẳng biểu lộ một cái gì ngoài tiếng ngáy rất to vào quãng nửa đêm.
Tôi bước ra ban công hít lấy hít để không khí trong lành. Một ngày đã bắt đầu trong khu tập thể: mấy ông già về hưu tập thể dục dưới sân, gánh xôi sáng đã xúm xít người , phía ban công đối diện một bà đang dăng ra phơi đủ các thứ quần áo... Ngày nào quang cảnh cũng diễn ra như thế , nếu không có sự kiện hôm nay chồng tôi ở nhà, tôi cũng chẳng nhận ra cái vòng quay thường nhật đang đun đẩy mình lặp lại một ngày y hệt  hôm qua.
Vậy thì sáng nay dứt khoát không rang cơm ăn sáng như mọi ngày, tôi sướng run với ý định lát nữa chờ anh ngủ chán chê, hai đứa sẽ đủng đỉnh ra phố, ăn một bát tái nạm có mỡ gầu ở hiệu phở Thìn nổi tiếng. Tôi nhanh nhẹn dọn dẹp ,mãi khi nắng bò vào màn anh mới choàng dây, hoảng hốt:
      -Mấy giờ rồi Vân ơi !
      - Mới gần chín giờ , anh dậy sớm quá đấy.
      -Ơ... em không đi làm hả?
      -Dậy đi, ra phố ăn phở cái đã.
      Giá trúng số chắc anh cũng chỉ ngạc nhiên đến thế, anh nhảy phắt khỏi giường, hỏi tôi sao không đi làm, mới lĩnh khoản gì mà “nổi hứng” vậy? Tôi trả lời qua quýt, dục anh sửa soạn nhanh lên. Cho tới khi tôi viết những dòng này, trên đường phố Hà Nội vẫn còn những chiếc xích lô cổ lỗ, chẳng thay đổi là bao so với mấy chục năm trước , thấp lè tè, chạy lọc cọc chả nhanh hơn người đi bộ mấy tý, thỉnh thoảng bánh xe lọt xuống ổ gà, người ngồi lại giật nảy, va vào khung sắt đau điếng. Ngoại trừ những người từ bến xe , bến tàu đi xa về nhà, những người ốm đi bệnh viện , người trong thành phố không mấy khi dùng tới phương tiện giao thông cổ lỗ ấy. Bởi vậy thật khó thuyết phục anh bỏ xe máy ở nhà, ra đầu phố vẫy xích lô hai vợ chồng ngồi diễu qua các phố vừa tốn tiền vừa chẳng may gặp người quen lại bị rủa cho là cậy lắm tiền nhiều bạc.
      - Nhưng em thích vậy- tôi bướng bỉnh.
      - Một ý thích kỳ quặc.
      - Nếu vậy anh ở nhà, em đi một mình .
      Rốt cuộc anh đành phải leo lên xích lô, chạy qua các phố với vẻ mặt làm tôi cụt cả hứng chẳng muốn kể lể với anh vì sao sáng nay tôi lại nảy ra những ý thích theo anh là kỳ quặc vậy. Khi tới nơi, bỗng dưng tôi hết muốn ăn phở, hết muốn lang thang phố với anh, hết muốn làm việc gì chệch khỏi cái hàng ngày đã cố định như toa tàu điện đang leng keng chạy trên đường ray.
Tôi vẫy xe cho chạy thẳng, thẳng tới cơ quan, dúi vào túi anh xấp tiền, nói vài lời ngắn ngủi rồi lẳng lặng bước lên cầu thang vào phòng làm việc .Qua cửa sổ căn gác, tôi nhìn thấy chồng tôi lững thững đi bộ trên hè phố. Điên, có lẽ tôi điên thật rồi, tôi đã hành anh đến khổ khi chưa cưới, đến bây giờ nhiều lúc anh vẫn phải chịu đựng những cơn đốc chứng của tôi như lúc nãy.
Nhưng tôi cũng có sung sướng gì, chẳng phải vì cắn rứt thương anh, cũng chẳng phải vì hối hận tự kết tội mình, tôi có lỗi gì đâu, tôi chỉ thấy bứt rứt, muốn làm một việc gì đó mà chẳng có việc gì , tôi cứ loanh quanh trong căn phòng vắng, bản thảo nào dở ra cũng thấy ngại, xếp tất cả lại, ngồi thừ ra trước bàn.

                         (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét