Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

HÀNH TRÌNH CHỮ NGHĨA ( KỲ 1) - nhà văn NHẬT TIẾN



                
                


                      Hành Trình Chữ Nghĩa

                                Tư liệu Văn Học Nghệ Thuật của

                                      NHẬT TIẾN



                                              In lần thứ nhất : Tháng 2-2012

                                              In lần thứ nhì   : Tháng 5-2013

           Nhà xuất bản Huyền Trân - Nam California ấn hành

                             ***

        ( Được sự chấp thuận của nhà văn Nhật Tiến, Thời 2Đ khởi đăng tác phẩm này)                                     



                  LỜI  NÓI  ĐẦU

            Hồi xưa, thuở còn trẻ, khoảng thập niên 50 ở Hà Nội, ai đã từng thích viết văn thì thường hay sinh hoạt trong những Bút Nhóm. Có nhiều tên tuổi của những sinh hoạt Bút Nhóm đó sau này trở thành những cây bút thành danh như Nguyễn Đình Toàn, Song Hồ, Dương Vy Long, Hồ My, Tạ Vũ, Vũ Mai Anh, Hùng Phong Nguyễn Đức Cầu…v.v…

Khoảng năm 1952, nhờ sự khích lệ của bạn bè trong Nhóm, tôi cũng đã được đăng một truyện ngắn đầu tiên trên báo Giang Sơn, tờ nhật báo của bác sĩ Hoàng Cơ Bình ở Hà Nội. Thế rồi sau đó, tôi cứ tiếp tục hăm hở viết và có bài trên các báo ở thời đó như Giang Sơn, Chánh Đạo, Thời Tập, Cải Tạo, Hồ Gươm…v..v…Những năm chập chững đó, tôi không ngờ đã là những bước khởi đầu cho một cuộc hành trình chữ nghĩa không ngơi nghỉ,  kéo dài cho tới năm nay (2012) thì đã là đúng 60 năm. Gọi là không ngơi nghỉ vì sau Hiệp định Gènève 1954, tôi di cư vào Sài Gòn gặp được nhiều cơ hội tốt đẹp để có thể  tiếp tục tham gia các sinh hoạt văn hóa, liên tục cho tới tháng 4-1975. 

Bẵng đi gần 5 năm, từ 1975 đến 1979 tưởng như sẽ không bao giờ còn có dịp cầm bút trở lại, thế mà tôi lại vượt thoát ra đi, may mắn tới được bến bờ tự do, để cuối năm 1979, ngồi dưới túp lá tả tơi của trại tỵ nạn Songkhla Thái Lan, tôi lại có thể tiếp tục trở lại với sinh hoạt chữ nghĩa. Hiện nay, trong tay tôi còn 2 bản thảo, một cuốn mang tên Bèo Giạt Mây Trôi viết dở dang, một cuốn sắp hoàn tất, sẽ in trong nay mai, mang tựa đề “Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác Dưới Mái Nhà Trường XHCN”.

Trong suốt cuộc hành trình chữ nghĩa dài dằng dặc đó, tất nhiên tôi đã để lại trên đường đi khá nhiều dấu ấn. Vui có, buồn có, hay có, dở có, thất bại đã  lắm mà thành công thì cũng được ít nhiều. Tuy nhiên chẳng bao giờ, tôi cảm thấy phải hối tiếc về bất cứ điều gì mình đã viết ra, dù cho có phải trải qua bất cứ giai đoạn khó khăn nào của thời thế. 

Thông thường, những dấu ấn trên đường đi, ta vốn chỉ nên coi là những kỷ niệm. Mà kỷ niệm nào trong quá khứ dù vui hay buồn thì cũng chỉ nên ghi gói trong lòng. Cuộc hí trường trong đời một con người, bất quá cũng chỉ kéo dài trong giới hạn dăm bẩy chục năm, nhiều lắm là trăm năm. Rồi hai tay buông xuôi. Mọi thứ trên hình hài sẽ trở về với cát bụi.

Nhưng hình hài thì về với cát bụi, còn những dấu ấn để lại trong phạm vi tinh thần thì có sẽ phai mờ trong lớp bụi thời gian hay không ?

Tôi nghĩ là không, vì nếu nó phai mờ trong trí nhớ để không còn được ai nhắc nhở tới thì lịch sử đâu còn lý do gì mà tồn tại ? 

Cho nên, trong sinh hoạt chữ nghĩa, đừng tưởng cứ hạ bút xuống rồi là phủi tay hết trách nhiệm. Rất có thể một vài năm sau, có khi cả chục năm sau, hay lâu lắc hơn nữa, ở những thế hệ kế tiếp cũng vẫn sẽ có kẻ lần mò vào thư viện tìm đọc lại những trang sách báo cũ để tìm hiểu về các lớp cha, anh với những gì mà họ đã làm, đã đóng góp cho lịch sử, và ngay cả về phương thức xử thế, đạo đức, nhân cách của họ nữa. 

Nhưng tiếc thay, trong cả rừng sách báo còn lưu trữ đó, vàng thau mọi thứ đã vô cùng lẫn lộn. Ở giữa những trang giấy mang tâm huyết của nhiều tác giả thì cũng đã tồn tại nhiều thứ giả trá của những tên lộn sòng nhân danh ngòi bút đã và đang còn tiếp tục quấy hôi bôi nhọ lên sinh hoạt chữ nghĩa bằng cách sẵn sàng vấy bùn lên bất cứ ai mà chúng ganh ghét. Thậm chí có nhiều trường hợp chúng coi nạn nhân như một thứ bàn đạp, sẵn sàng giẫm lên danh dự, tư cách, sự nghiệp của người khác để thỏa mãn một thứ mặc cảm tự ti hay hòng tạo dựng những nấc thang danh vọng cho bản thân mình. Tình trạng này thật sự đã và đang còn làm vẩn đục thị trường chữ nghĩa từ nhiều chục năm qua. Và vì đây là xứ sở tự do, nên sự tự do đã bị lạm dụng với một tinh thần rất vô trách nhiệm nên nó vẫn đang còn được nuôi dưỡng để tiếp tục kéo dài.

Trong cuộc hành trình của chữ nghĩa như đã kể trên, chính tôi đã từng là nạn nhân của nhiều tên lộn sòng vào giới cầm bút qua nhiều vụ xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, chà đạp danh dự một cách bất cận nhân tình. Rất nhiều thứ ngôn từ thô lỗ, hạ cấp đã được bọn chúng sử dụng để lăng mạ tôi một cách vô tội vạ, cứ như thể chúng có toàn quyền áp đặt lên những người chúng ghét bất cứ hình phạt nào, chẳng cần quan tâm đến truyền thống giữ gìn lương tâm, liêm sỉ của một con người mang danh nghĩa cầm bút. 

Nhưng đã có một thời gian dài tôi hoàn toàn giữ im lặng trước những đòn thù vũ bão đó. Một phần vì tôi bận rộn nhiều chuyện phải làm, một phần khác, tôi tự nghĩ không nên phí thì giờ vào cái việc cứ phải săm soi lo gột rửa gót giầy giữa lúc trời còn đang mưa.

Tuy nhiên có những vụ vì lý do an ninh, có khi đến cả sinh mạng của người công chính mà tôi bó buộc phải lên tiếng. Đây là trường hợp tên Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ bút tờ Làng Văn ở Canada, vào thời điểm 1994, hắn vu khống tôi quyên góp của văn nghệ sĩ hải ngoại tới 18 ngàn đô la rồi đem về nước trao cho nhà văn Hoàng Lại Giang, Giám đốc phía Nam của nhà xuất bản Văn Học để nhà văn này in cuốn Tuyển Tập Văn Chương Hải Ngoại của 35 tác giả ngoài nước.

Hắn viết rằng số tiền này tôi đã trao tận tay cho Hoàng Lại Giang để lo việc in ấn, nhưng sách thì không in mà tiền thì biến mất. Thử hỏi vào thời điểm 1994, VN hãy còn ở giai đoạn sơ khởi vừa mới mở cửa như thế, thì trong vòng vây của các thế lực bảo thủ ở trong nước, vấn đề  an ninh hay sinh mạng của nhà văn Hoàng Lại Giang sẽ ra sao khi bị nghi ngờ nhận tiền đút lót của người nước ngoài, im ỉm giữ một mình không chia chác cho ai ? Trước tình cảnh này, tôi bó buộc phải lên tiếng trả lại sự thật cho vụ này, vì nhà văn Hoàng lại Giang chưa bao giờ cầm một xu teng nào do chính tôi trao lại ( Xin mời đọc bài viết ở trang 125).

Rồi một chuyện khác. Có thể độc giả nhiều nơi tại hải ngoại vốn ra đi từ những ngày đầu sau biến cố 30-4-1975, sẽ khinh miệt cá nhân tôi đến mức độ nào, khi đọc những lời vu khống, bịa đặt một cách trắng trợn của tên Nguyễn Thiếu Nhẫn đăng trên tờ SaiGon Times của nhà thơ Thái Tú Hạp xuất bản ở Los Angeles với nội dung cho thấy rằng :

... “ ...sau 30 tháng 4 năm 1975, ông Nhật Tiến đã đeo băng đỏ, hướng dẫn “công an nhân dân” đi bắt giữ văn nghệ sĩ phản động để lập công với nhà cầm quyền Việt Cộng, rốt cuộc chẳng được trả công bèn dẫn vợ con xuống thuyền vượt biển, gặp cướp Thái Lan!”

Từ bấy đến nay (1995), thời gian cũng đã trên hai chục năm qua, các văn nghệ sĩ bị kẹt lại, bị CS bắt cầm tù hồi năm 1975, 1976 đã được trả tự do hết và rất nhiều người đã ra định cư tại hải ngoại. Nhiều người còn tiếp tục viết sách, viết báo ở ngay  California này. Thế mà Nguyễn Thiếu Nhẫn có trưng ra được một bằng cớ nào về vụ tôi đeo băng đỏ, hướng dẫn công an nhân dân đi bắt văn nghệ sĩ đâu? Bởi làm sao mà trưng bằng cớ được khi mà trong suốt 20 năm vừa qua, những văn nghệ sĩ bị CS bắt cầm tù đã ra định cư ở hải ngoại  không hề có một ai lên tiếng về chuyện này, lý do dễ hiểu là chuyện đó  hoàn toàn do Nguyễn Thiếu Nhẫn bịa đặt. Với tâm địa nhân danh người cầm bút nhưng sẵn sàng bịa chuyện để hạ nhục người khác như thế, thử hỏi tất cả những gì do Nguyễn Thiếu Nhẫn viết ra có còn đáng được tin cậy nữa hay không ? (Xin coi bài phỏng vấn của Vị Giang, trang 133).

Nói chung thì nếu tôi có bắt buộc phải lên tiếng một đôi lần trong quá khứ thì đó cũng chỉ là chuyện chẳng đặng đừng. Và phải nói cho chân thật rằng tôi thật sự đau buồn khi phải chứng kiến những con người công chính trong sinh hoạt văn chương chữ nghĩa như Phan Nhật Nam, như Hà Thúc Sinh, như Đỗ Ngọc Yến hay Nguyễn Chí Thiện….tất cả cũng đã từng là nạn nhân của các cuộc vùi giập không thương tiếc.

***

Quả là đời sống có muôn ngàn hoàn cảnh, nỗi niềm kể sao cho hết. Nhưng khi ngồi nhìn lại cả một hành trình chữ nghĩa kéo dài đã tới 60 năm, tôi thấy việc gom lại những bài viết có tính cách tiêu biểu, những đọan tường thuật hay những ghi nhận về các biến cố lớn lao đáng ghi nhớ trong suốt khoảng thời gian dài nói trên, thành những tập tài liệu lưu trữ hay tham khảo thì cũng là việc nên làm. Đó là lý do bạn đọc đã cầm trên tay cuốn đầu tiên trong nhiều tập Hành Trình Chữ Nghĩa sẽ còn tiếp tục ấn hành trong tương lai.

Và bởi vì mỗi thời điểm có những biến cố hay dữ kiện phát sinh trong hoàn cảnh lịch sử của thời điểm đó, nên trước mỗi bài viết, tôi in thêm dấu nhãn thời gian của từng bài. Đây là một dụng ý cần thiết, vì nó nhắc nhở rằng bạn đọc đang lùi về quá khứ. Và để nhận biết rõ ràng các tâm trạng đang được diễn tả, người đọc cũng cần lui nhận thức của mình về thời gian đó. Bởi mỗi thời điểm đều có một hoàn cảnh lịch sử đi kèm, nó chi phối hay phản ánh cung cách ứng xử hay suy nghĩ của mọi con người. Trong cương vị của người đã từng viết, từng phát biểu trong nhiều cuộc phỏng vấn, chính tôi cũng chỉ là một cá nhân đã từng chia sẻ nhiều suy tư hay cảm nhận của mọi người vốn đang sinh sống trong hoàn cảnh lịch sử đó. 

                                                                                NHẬT TIẾN

                                               California ngày 8 tháng 2 năm 2012

                                         (còn tiếp)

             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét