Trưa hôm đó bác Ba Phi được đãi một bữa cỗ chay ngon không kém cỗ mặn. Cũng cá kho tộ, cũng canh chua cá lóc, thịt heo quay…đều là đồ giả mặn. Bác Ba Phi vừa ăn vừa tấm tắc khen bụng thầm nghĩ giá có chai xị đế nữa thì tuyệt cú mèo. Chị Kelly Thi lại chỉ tay vào một ông sư Mỹ nữa đang lúi húi tưới những giò phong lan treo góc chùa.
“ Ông sư Mỹ kia đặc biệt ở chỗ bà vợ lại theo đạo Thiên Chúa …”
Bác Ba Phi trợn mắt :
“ Sao kỳ vậy ? Chồng tu Phật vợ tu Chúa là sao ?”
“Thì tự do tín ngưỡng mà…ai muốn tu gì tu … dù là vợ chồng đâu có nhất thiết phải cùng theo một đạo…”
Bác Ba Phi lắc đầu :
“ Ở Việt Nam không có đâu ạ. Chồng đạo Thiên Chúa vợ đạo Phật thì vợ cũng phải cải đạo mà đi nhà thờ với chồng. Vậy các cụ mới nói “phu xướng phụ tuỳ” mà…”
Chị Kelly Thi cười :
“ Văn minh là không ai ép buộc ai ?”
Bác Ba Phi thắc mắc :
“ Chồng một đạo vợ một đạo thì còn đâu hoà hợp tâm hồn ?”
Chị Kelly trợn mắt :
“ Vẫn hoà hợp chứ. Miễn tôn trọng tín ngưỡng của nhau…”
Bác Ba Phi không cãi nữa nhưng bụng chẳng phục. Làm gì có chuyện chồng thờ Chúa vợ thờ Phật mà lại hoà hợp tâm hồn được. Trước lúc ra về, chị Kelly Thi móc túi ra hai tờ trăm đô gọi là nộp tiền “công đức”. Bác Ba Phi lại tưởng đó là tiền bữa cơm chay, lên giọng càm ràm :
“ Chèn đéc ôi…sao nhà chùa lấy mắc dữ vậy ? Hai suất cơm chay thịt cá chẳng có toàn là rau với đậu hũ chế biến giả thịt giả cá mà cũng chẹt cổ người ta những hai “tờ” kia à ?”
Chi Kelly Thi vội lắc đầu :
“ Không không…đây là tiền công đức…tự nguyện đóng góp đâu phải tiền cơm…”
Bác Ba Phi vẫn không tin cứ lắc đầu :
“ Hèn chi mấy ông sư cứ mập ú …”
Chị Kelly Thi cười bất lực không giải thích được. Bác cứ lầm lũi theo chân chị Kelly Thi đi khắp nhà dọc nhà ngang trong chùa chỗ nào cũng thấy bình cắm hoa sen toả hương thơm ngát. Tới thư quán, chị mua cho bác cuốn “vì sao tin Phật”, cuốn kinh nhật tụng bằng tiếng Việt và vài cái huy hiệu kỷ niệm nhà chùa. Chị đưa bác Ba Phi ra chào tạm biệt ông sư Mỹ. Hai người lại xì xồ tiếng Anh làm bác Ba Phi cứ chắc mẩm trong bụng là họ đang bình phẩm mình.
Mãi tối mịt hai người về tới nhà . Chạy ra ngoài vườn thấy đèn đuốc sáng trưng, “lão già” đang mắm môi mắm lợi quay hai con gà ngoài sân. Mùi thịt nướng xông lên điếc cả mũi làm bác Ba Phi vui vẻ :
“ Vừa mới chùa về đã lại ăn thịt gà nướng Phật giận cho chết…”
“Lão già” trợn mắt :
“ Về nhà rồi phải để Phật lại trên chùa ? Về nhà còn mang Phật về làm chi ?”
Chị Kelly Thi quát :
“ Cái “anh già” này chỉ thích báng bổ. Người ta đi chùa về có khi giác ngộ mà tu tập thành chính quả. Sao lại cứ xúi người ta ra khỏi chùa phải để Phật lại là sao ?”
“Lão già “cười hềnh hệch :
“ Thì có khuyên vậy bác vừa ở chùa về mới dám ăn thịt gà chớ. Thôi ông bạn cứ nghỉ ngơi , bụng thật rỗng rồi khuya khuya trăng lên ta “nhậu” là tuyệt vời…”
Bác Ba Phi nghe lời trở về phòng nằm nhắm mắt rồi lăn ra ngáy khò khò. Trong giấc ngủ bác nằm mơ thấy vợ chồng thằng Đậu đang la hét om sòm. Chẳng hiểu có chuyện gì thằng Đậu vác cái đòn khiêng huỳnh huỵch đuổi con vợ miệng la lối :” Đứng lại …đứng lại không tao giết…”. Con vợ thằng Đậu đầu tóc tả tơi chạy vòng quanh sân miệng kêu oai oái :’ nội ơi,,,nội cứu con,,,nó đang giết con nè…”. Bác Ba Phi còn đang quýnh quáng chưa biết cách sao giải cứu con vợ thằng Đậu thì trời ơi thằng đó nổi máu điên sao đó vung gậy lên cứ đầu bác Ba Phi bổ xuống. Bác ba Phi nhẩy cẫng lên tránh đòn. Con vợ thằng Đậu hét toáng như cháy nhà :
“ Bớ người ta…bớ người ta…thằng Đậu nó giết nội nè…”
Mặc cho con vợ la lối, thằng Đậu cứ phớt tỉnh đuổi theo bác Ba Phi nhằm đầu bác bổ gậy xuống làm bác cũng la hoảng ầm ĩ. Bất chợt như có người đập vào mình, bác mở choàng mắt nhìn thấy “lão già” đứng bên cạnh cười toe toét :
“ Dậy thôi cha…gớm…hét gì mà hét gớm quá vậy. Cha này mới đi chùa về nằm mơ thấy bị đầy xuống địa ngục hẳn ?”
Bác Ba Phi định thần mãi mới nhớ ra mình đang ở trên đất Mỹ chứ không phải miệt vườn Nam bộ. Thoáng nỗi nhớ quê nhà. Lúc này trời đã tối , mọi khi con vợ thằng Đậu đã sắp sẵn mâm cơm có xị rượu đế, có khô cá sặc, có xoài xanh chấm mắm quẹt . Chờ bác Ba Phi lai rai xong , nó mới bưng lên tô canh chua cá lóc, thịt kho hột vịt nước dừa. Món thịt kho này nó làm rõ công phu, thịt ba dọi phải đem phơi nắng, cắt miếng bự ướp hành tỏi đun sâm sấp nước, kho xong vẫn nguyên miếng, mỡ mới cứng lại không chảy thành nước. Ôi chao ôi cơm nóng rưới tý nước và cắn miếng thịt thơm thơm, ngầy ngậy với cái hương vị rất miệt vườn thì chẳng đâu mà có được.
Thế rồi trong lúc ăn, con vợ thằng Đậu cứ chăm chăm coi chừng nội nó ăn hết chén cơm chưa để xới tiếp . Rồi thì từ trong góc nhà cái radô cổ lỗ sĩ cứ giờ ăn là phát ra cải lương truyền thanh khi thì “cây sầu riêng trổ bông”, khi thì “Dạ cổ hoài lang” hoặc “Lan và Điệp”. Cơm nước xong, thằng Đậu đã bắc sẵn cái ghế bố giữa sân, nội nó đốt điếu thuốc rê to tổ chẳng, vừa phì phèo phun khói vừa ngả lưng ngước lên cả một trời đầy sao với những luồng gió mát lạnh thổi từ miệt sông đưa theo cái mùi tanh tanh của con nước ròng.
Ôi chao ôi là nhớ cái xóm nhỏ miệt vườn ấy như một rẻo đất bị thế giới bỏ quên nhưng mà êm đềm, thân thuộc , tràn ngập tình quê biết chừng nào ! Ở đó không có nhà cao cửa rộng, không có tivi màn hình đại vĩ tuyến tinh thể lỏng, không có bộ xa lông bọc da bóng lộn, không có tiện nghi một bước lên xe hơi…không có gì , không có gì đáng giá nhưng chẳng hiểu sao tối nay thức giấc nó làm bác Ba Phi quay quắt nhớ khiến bác cứ nhoi nhói trong lòng một nỗi buồn xa xứ.
“ Lão già” đâu biết được tâm sự bác Ba Phi, lão lôi bác xềnh xệch ra ngoài vườn , ấn bác ngồi vào bộ bàn ghế kê sát ngay hồ bơi có nước phun lên trong luồng ánh sáng mầu nom như đang đốt pháo hoa. Trên bàn đã sắp sẵn hai con gà quay chờ lên đĩa cũng với những bộ đồ ăn bằng bạc sáng quắc.
Chị Kelly Thi từ trong nhà đi ra trong bộ váy áo dạ hội nom trẻ hẳn ra cả chục tuổi. Chị vui vẻ :
“ Chẳng dấu gì bác, hôm nay là kỷ niệm 20 năm ngày đặt chân lên đất Mỹ nên mới bày tiệc ăn mừng . Mong bác dẹp hết nỗi buồn, dẹp hết lo toan, vui lên cùng tụi tôi …”
“Lão già” vỗ tay :
“ Hoan hô…hoan hô…thoáng cái đã 20 năm rồi đó…”
Bác Ba Phi kêu lên :
“ Trời đất ôi…một ngày ý nghĩa vậy không nói trước để tôi góp phần chuẩn bị ?”
Chị Kelly Thi lắc đầu :
“ Hồi mới sang kìa…ngày này tụi tôi tổ chức kỷ niệm rất vui. Ngày vĩnh viễn thoát được chế độ cộng sản bạo tàn đặt chân lên thế giới tự do, bước vào cuộc sống hoàn toàn mới mà. Ngày đó mọi người tụ tập trò chuyện xoay quanh những khổ ải kinh hoàng những ngày đầu cộng sản xâm chiếm Sàigòn, nỗi gian nan nguy hiểm trên đường vượt biên. Hết chuyện ngày xưa tới chuyện ngày nay nào mua nhà, mua xe, nào lương bổng nào du lịch khắp nơi trên đất Mỹ…”
Bác Ba Phi ngạc nhiên :
“ Vậy sao năm nay chị không tổ chức mời mọi người để ôn chuyện cũ kể chuyện mới như ngày xưa nữa…”
Chị Kelly Thi lắc đầu :
“ Vài năm nay cái lệ tổ chức hàng năm kỷ niệm ngày đặt chân lên đất Mỹ đã nhạt rồi. Nhiều người quên hẳn nó …”
Bác ba Phi tròn mắt :
“ ủa sao kỳ vậy ? Một ngày kỷ niệm đáng nhớ vậy , sao không tổ chức ?”
“Lão già” chen vào giải thích :
“ Trước hết là mỗi người đặt chân tới đất Mỹ vào mỗi ngày khác nhau, , không ai giống ai, không như ngày 30 tháng Tư chung cho tất cả mọi người với ai cũng là ngày “quốc hận”. Sau nữa là các thứ chuyện “hồi ấy” dẫu là rất phong phú, rất tức cười nhưng cũng chỉ là kho chuyện có hạn, nói đi nói lại cũng chỉ có bằng ấy câu chuyện. Mà như các cụ nói …”rượu ngon uống lắm cũng say”, chuyện có rôm rả mấy thì kể đi kể lại mãi cũng nhàm…”
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét