(tiếp theo)
Thành ra trong cái nhà ga chật chội này đâu cũng thấy túi, thấy gói mà cột buộc bên trong là những ổ bánh mì. Đấy không phải là thứ thực phẩm để ăn dọc đường nhưng quý giá hơn, nó là món quà rất được người ở nhà ưa chuộng và đón chờ khi có người thân đi xa trở về.
Chỉ cần liếc qua tất cả những hàng hóa mang theo đó người ta mới thấy nhu cầu của đồng bào miền Bắc đơn giản như thế nào, đời sống của họ đã thiếu thốn ra sao.
Nhất là cái tính ẩn nhẫn, chịu đựng đã bền bỉ đến mức như thế nào. Bởi trong cái bầu không khi chật chội, oi bức, nồng nặc xông mùi như thế, sự chờ đợi lâu lắc không phải từng giờ, từng phút mà từ ngày nọ qua ngày kia đã khiến cho sự chịu đựng của con người có thể lên tới mức rũ liệt Chẳng còn ai muốn góp phần vào đời sống chung quanh như chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn của sự đoàn tụ với thân nhân sau bao nhiêu năm chia cách. Ngoại trừ chỉ có đám người nào vừa mới tới thì mới cất tiếng om sòm, hỏi han nhau tíu tít chỗ nào xếp hàng để đăng ký giấy tờ, giờ nào thì nhà ga bắt đầu bán vé v v Nhưng những câu hỏi dù cất lên cách nào thì cũng chỉ rớt vào khoảng không, chẳng có ai lên tiếng mách bảo. Những người tới trước chỉ khẽ ngước lên nhìn, rồi lại thản nhiêu nhắm mắt nằm im lìm, có vẻ như muốn biểu lộ cái ý “ta đã thế này thì người khác cũng phải chịu đựng như thế thôi". Diễn tả theo một kiểu khác thì đó là những thái độ vô cảm trong đời sống hằng ngày. Mà suy cho cùng thì đấy là một sự tróc gốc đạo đức của con người ở vào tầm mức đáng buồn nhất. Một quan niệm sống “mắc-kê-nô" tức "mặc kệ nó" như thế nếu xây ra chỉ ở vài cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt riêng tư thì cũng là lẽ thường. Nhưng khi nó biển thành cái quán tính chung của nhiều người thì phải nói đấy là một thảm kịch kinh hoàng của toàn xã hội.
Nhưng biết làm sao. Tôi cho rằng thứ tâm lý đó là hậu quả của những con người vốn đã từng trải qua những kinh nghiệm khiếp đảm. Họ chỉ hoàn hồn khi thấy mình cỏn sống sót, nhưng là một sự hoàn hồn trong tình trạng thất thần, không còn dám nghĩ đến những ước mơ gì, không còn dám cựa quậy gì để làm mất lòng các giới chức cầm quyền từ cỡ to xuống tới cỡ nhỏ. Bởi lãnh đạo dù ở cấp nhỏ nhoi thế nào cũng có quyền nắm sinh mạng của mình trong tay. Trong một đời sống đã quá cơ cực, thì một cái tem phiếu, một món hàng quốc doanh được mua ngoài tiêu chuẩn, một tấm giấy ngợi khen, một suất đi tham quan, hội họp, liên hoan ở ngoài địa phương đang sống . . .tất cả đều có thế tác động được vào hành vi sinh hoạt của tất cả mọi người . Bọn lãnh đạo, dù ở cấp cao hay cấp thấp, dù ở trong Ban Ngành hay tổ chức nào thì cũng đều lợi dụng tối đa để bắt nạn nhân phục vụ cho mình.
Cho nên, chi kinh qua những hoàn cảnh như thế, người ta mới thấm thía câu thơ nhại theo Kiều của Nguyễn Du :
Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may-ô mới được phần may-ô.
Các nhà văn, nhà báo trước đây thường ca ngợi ở Việt Nam cứ ra ngõ là gặp anh hùng, không biết khi bị nhân dân anh hùng đọc lên hai câu lục bát ấy, thì họ có thấy lòng băn khoăn, hối tiếc hay không ?
20
Một cuộc gặp gỡ
Thật đáng ngạc nhiên khi có một hôm thằng Tửu đến tìm tôi và nói :
- Bố em muốn mời thầy tới nhà để hỏi thăm chút chuyện.
Tôi ngạc nhiên :
- Có chuyện gì vậy ?
- Em không biết. Nhưng bố em nói là giờ giấc tùy nghi ở thầy. Lúc nào cũng được. Sẽ có xe tới đón thầy tận nhà.
Tôi xua tay :
- Khỏi cần. Tôi đạp xe tới được rồi. Khoảng bảy, tám giờ tối mai, sau bữa cơm chiều.
Lúc Tửu đi khỏi rồi, tôi có hơi băn khoăn về cuộc gặp gỡ này, nhưng xét ky thì năm trước, tôi là chủ nhiệm lớp cỏ thằng Tửu theo học. Hẳn ông ta muốn hỏi tôi kỹ càng hơn về thằng con của mình. Đấy cũng là chuyện bình thường.
Hôm sau, cơm nước xong, tôi thong thả đạp xe lên đại lộ Trần Hng Đạo ở trung tâm Sài Gòn, rẽ vào đường Phát Diệm rồi đi thêm một hồi nữa. Ngôi nhà của thằng Tửu là một căn biệt thự rộng rãi, có hàng rào xi-măng phủ gần kín bởi một dàn ti-gôn đang có những chùm hoa nở rộ. Phía cổng ngoài, có một anh cảnh vệ đang ngồi gác trên một cái ghế gỗ kê ở sát mé tường. Bức tường kéo dài cả ở hai phía với rặng cây um tùm che phủ gần kín đã khiến cho căn biệt thự này có một vẻ cách biệt hoàn toàn với những nhà chung quanh cùng một khu xóm.
Thằng Tửu đón tôi ngay ở cổng vào. Nó tíu tít khoe mấy cái lồng chim đang treo cao trên một cái xà ngang gần đó. Tôi vì đang bận tâm với cuộc gặp gỡ nên chỉ đáp ứng nguồn vui của nó với giọng ậm ừ. Sau cùng thì tôi cũng đặt chân vào tới căn phòng khách rộng thênh thang, có tràng kỷ, có sa lon, có tủ kính đựng những món đồ trang trí. Trên tường thì tranh được treo la liệt. Đặc biệt, tôi còn thấy cả một tấm hình chụp quang cảnh của một buổi lễ gắn lon có vẻ được tổ chức sơ sài ngay ngoài trận tuyến với dãy trực thăng còn nhìn thấy ở phía xa xa. Nếu không có thằng Tửu bên cạnh thì tôi cứ ngỡ là mình đang đứng trong phòng khách của một vị sĩ quan cao cấp của QL/VNCH trước năm 1975.
Chủ nhà tiếp tôi là một người đàn ông trung niên, nước da đen xam, mái tóc cắt ngắn, đôi mắt linh hoạt sau cái kiếng trắng lắp trên gọng vàng, và cử chỉ nhanh nhẹn trong một bộ đồ pyjama mầu xanh nước biển có chạy những đường viền mầu đỏ sậm, nhìn cũng khá diêm dúa.
Ông ta từ trên cầu thang lầu bước xuống, thấy tôi chăm chăm nhìn những bức hình, liền lên tiếng :
- Toàn là hình chụp của tay Đại tả chủ nhân căn nhà này đó. Ông ta di tản vội vã nên bỏ lại nguyên cái cơ ngơi này.
Tôi không đáp lại mà đảo mắt nhìn ra chung quanh. Quả là "nguyên cái cơ ngơi" còn tồn tại nơi đây, với những bức tranh khảm xà cừ, những cụm đèn để trong các góc có gắn những chùm dây hoa văn đan kết bằng thủy tinh nom rất công phu và quý giá. Đặc biệt, trên trần nhà cao, một dàn đèn dễ có tới cả chục bóng xếp theo hình tròn tỏa ra chung quanh như những cánh hoa đang nở. Mặc dầu dàn đèn này chưa được bật lên, nhưng dưới ánh sáng dịu dàng của mấy ngọn đèn trong góc cũng đủ làm cho những chùm thủy tinh đan kết chung quanh vòm trần tỏa ra những mầu sắc lóng lánh. Thấy tôi có vẻ thắc mắc, ông ta liền giải thích :
- Tôi không cỏ nhu cầu sử dụng cái phòng khách này. Rồi mấy cậu công tác bên điện ảnh lại xin giữ nguyên trạng căn phòng này để làm sân khấu quay phim nên tôi không dọn dẹp cái gì đi hết. .
Quả là cái sự nguyên trạng của căn phòng này như kéo giật tôi về khoảng thời gian trước đó vài năm, khi mà chúng tôi còn nhởn nhơ tin tưởng vào đời sống và không bao giờ nghĩ tới chuyện đổi đời. Có điều, khi nhìn trên tường thấy những huy hiệu, những bằng khen, nhữmg bằng tuyên dương hay hình ảnh chiến trường với những chiếc trực thăng lượn lờ, tôi có cảm giác xa lạ như những thứ đó đã trôi vào dĩ vãng rất xa vời. Tôi cũng không lấy làm lạ về cảm giác này bởi vì đời sống bây giờ có quá nhiều điều o ép khắc nghiệt, hầu như không mấy ai còn tâm trí đâu để mà suy nghĩ vẩn vơ. Hầu hết đầu óc mọi người bây giờ chỉ còn quanh quẩn trong những chuyện tính toán làm sao để có được sự tồn tại trong an ninh, hay những lo lắng tủn mủn nhưng rất bộn bề trong đủ loại hình thức của cuộc mưu sinh.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét