(tiếp theo)
Lý sự của Hòa làm tôi không cãi được, nhưng hắn sử dụng ngôn ngữ “cạn tầu ráo máng” quá khiến tôi tức ứa gan đến độ muốn tuyệt giao ngay với hắn. Nhưng nghĩ cho cùng, và cho tới ngay cả bây giờ, tôi thấy Hòa có lý : một tác phẩm hay là một tác phẩm phản ảnh được đúng với thực tế. Mỗi nhân vật trong truyện khi đưa ra, tự nó đã có sự sống trong cái hoàn cảnh mà người viết đưa vào. Hoàn cảnh nào cũng có những chi tiết thực tế riêng của nó. Cho nên một ngòi bút vững là một ngòi bút phải biết giới hạn cái tôi của mình và để cho nhân vật sống theo đúng bản chất của nó. Bởi nếu không, sẽ xẩy ra cái hậu quả là tác giả nói thay, làm thay những nhân vật trong truyện chứ không phải chính những nhân vật đã nói, đã làm. Tìm ra được cái yếu tố này, tôi đã phải tự mầy mò trong nhiều năm sáng tác về sau. Đúng như nhà văn Nhất Linh đã viết trong cuốn "Viết và Đọc Tiểu thuyết" in năm 1961 như sau:
“ những việc xảy ra đều đúng sự thực. Tác giả không bao giờ uốn nắn cuộc đời để lợi cho ý định của mình; tác giả chỉ biết tả đời sống thật còn sự thực ấy nó tỏ rõ cái gì là việc về sau. ”
Và :
“ tác giả diễn tả bằng chi tiết chứ không bằng lời giảng giải. Những việc xảy ra cả đến sự u ẩn của tâm hồn như những đoạn tả một người sắp chết, một người con có ý giết bố, tả tình yêu đắm đuối v.v... tác giả không dùng lời nói dài dòng mà chỉ dùng những chi tiết nho nhỏ để diễn tả. Chính "những điều nho nhỏ, một nét mặt, một cử chỉ, một giọng nói, cho chúng ta biết rõ tâm lý hơn; những cái mà ta thường coi là nhỏ nhặt vụn vặt hay mỉ, chính lại là những cốt yếu của tiểu thuyết hay”
Rồi ông lại còn thú nhận :
"Sự lầm lẫn thứ nhất của tôi là lúc mới viết sách tôi chỉ để ý đến các ý thích của riêng mình.
….Tôi đã đứng vào vị trí chủ quan, nghĩ là mình đứng làm chủ mà nhận xét, chứ không đứng vào địa vị khách quan, nghĩa là mình biến thành một người khách đứng ngoài nhìn vào bằng con mắt sáng suốt hơn, không bị cái yêu cái ghét riêng làm cho thiên vị."
….Tôi đã đứng vào vị trí chủ quan, nghĩ là mình đứng làm chủ mà nhận xét, chứ không đứng vào địa vị khách quan, nghĩa là mình biến thành một người khách đứng ngoài nhìn vào bằng con mắt sáng suốt hơn, không bị cái yêu cái ghét riêng làm cho thiên vị."
(Nhất Linh- Viết và đọc Tiểu Thuyết)
**
Theo quan niệm thông thường bây giờ, một tác phẩm văn chương có nhiều tình tiết chưa hẳn đã là một tác phẩm hay. Nhất là những tình tiết đó lại quá đặc biệt, quá éo le làm cho người đọc tưởng như thấy rõ có dấu vết bàn tay xếp đặt của tác giả. Sự kiện đó dễ đem lại cho tác phẩm cái tính chất giả tạo. Một người viết thông minh là một người biết khai thác cái hay trong những sự kiện thật bình thường, biết phân biệt “chi tiết” với những “tình tiết ly kỳ”. Chi tiết đem lại cho người đọc nhiều thông tin, nhiều cảm nghĩ, còn tình tiết ly kỳ thì chỉ có tính chất hấp dẫn nhất thời nhưng thiếu giá trị trường cửu.
Trở lại chuyện xích mích giữa tôi và Hòa về tác phẩm đầu tiên, khi đó tôi mới biết sự tự ái văn nghệcủa con người ta to bằng cái đình. Cái gì do mình viết ra thì cứ tưởng đã là tuyệt đỉnh đáng nhất trần đời, và sự chủ quan nó làm che mờ cả sáng suốt, nên hễ ai đụng tới là sửng cồ lên muốn nhe nanh múa vuốt với kẻ phê bình mình ngay rồi. Cũng vì cái tính tự ái văn nghệ này mà bao nhiêu tình cảm tốt đẹp trong niên học giữa tôi và Hòa suýt nữa chỉ vì sự chỉ trích lẫn nhau mà đi tiêu luôn.
Nhưng may mà tuổi trẻ lại hay chóng quên, hình như tôi với hắn chỉ giận nhau đâu có mấy ngày. Sau đó mối liên lạc "văn chương" lại ràng buộc hai đứa với nhau. Số là hôm đó trên tấm bảng đen của nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh lại ra "thông cáo" mới: Thất Quốc Chí đã ra số 17, còn La Thông Tảo Bắc thì ra số 31.
Mọi ngày, tôi mua cuốn trên, Hòa mua cuốn dưới, xem xong thì trao đổi. Bây giờ giận nhau, kẹt quá chừng ! Giờ vào lớp, tôi đã muốn làm hòa lắm rồi, nhưng còn đôi chút tự ái. Hòa hình như cũng vậy, và hắn ta lắm lúc ngập ngừng tính nói ra nhưng rồi lại ngần ngại. Tôi bỗng nẩy ra sáng kiến đem trưng tập Thất Quốc Chí lên mặt bàn. Hòa cũng rút ở hộc, đặt ra trước mặt cuốn Thất Quốc Chí. Hai đứa nghênh nhau rồi chợt cùng nhoẻn miệng cười. Thế là huề nhau dễ ợt !
Buổi chiều lúc tan học, tôi và hắn cặp tay nhau đi ở ven Hồ Gươm lại bàn chuyện sáng tác. Lần này chúng tôi ra thể lệ với nhau: Đọc tác phẩm của nhau thì đọc, nhưng chỉ được viết nhận xét ra tờ giấy riêng để "tác giả" đem về nhà đọc. Không chơi cái lối phê bình đốp chát ngay vào mặt nhau, dễ nộ khí xung thiên lắm.
Thế là đêm hôm ấy tôi lại hì hục thức đêm để sáng tác truyện mới. Lần này tôi mô tả một gia đình nghèo, có hai vợ chồng làm ăn vất vả để nuôi một đứa con. Nhưng thời buổi khó khăn, cả hai cùng thất nghiệp nằm nhà. Cảnh nheo nhóc đói khổ trở thành cơn đe dọa thường trực cho gia đình. Rồi khi bán hết đồ dùng đến không còn gì để bán thì hai vợ chồng ngã bệnh. Vừa lúc đó có người đến gọi người chồng đi làm phu hồ. Người chồng cố gượng dậy, đội mưa gió bão bùng để ra đi. Kết cục anh ta chết trên đống gạch xây cất vì kiệt sức. Tác phẩm của tôi dầy tới hơn 10 trang, chữ quều quào vì viết vội nhưng cũng đã xé mất non nửa cuốn vở ghi bài Cách Trí dùng trong lớp học.
Ngày hôm sau, tôi háo hức trao đổi tác phẩm với Hòa. Cả hai đứa bỏ cả giờ ra chơi để thưởng thức tài nghệ của nhau. Truyện của Hòa mang tên là Hạ Sơn, tả một tráng sĩ hạ sơn sau mười năm luyện kiếm. Trước tiên, tráng sĩ về thăm quê nhà, nhưng gia đình đã bị cướp (lại cướp !) phá tan nát từ một năm trước đó. Tức giận, chàng xông thẳng lên sào huyệt đánh phá tơi bời, trả được thù nhà rồi vác kiếm đi chu du khắp thiên hạ, chuyên làm việc nghĩa cứu người !
Cả hai đứa đều đọc xong lúc trống vào học, nhưng không một đứa nào hé miệng để "hỏi thăm tình hình" ! Một phần sợ đối phương nói thẳng quá, mình không đủ bản lĩnh để gồng lên chịu trận. Một phần khác, luật lệ đã ra rồi thì phải tôn trọng chứ ! Thành ra suốt buổi tan học hôm đó, đi thơ thẩn ven hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi chỉ nói chuyện vu vơ mà tuyệt nhiên không ai dám đả động gì đến chuyện sáng tác cả.
Mãi đến lúc chia tay, tôi mới dúi vào tay Hòa một mảnh giấy nhận xét mà tôi đã viết lén ở trong lớp :
" Truyện làng nhàng, đề tài cũ rích, không biết thoát ra khỏi cái vỏ kiếm hiệp thì không bao giờ khá được ! Văn cũng xuôi xuôi, 3 điểm trên 10".
Kể ra lời "phê" của tôi cũng ác thật. Nhưng hai đứa đã ngoắc xẩu ngoắc xương rồi (tức ngoéo tay) là phải thành thực với nhau, không thành thực thì không tiến bộ được. Và tôi đã thành thực với Hòa đến mức viết những lời nhận xét như trên. Còn về phần Hòa, hắn cũng trao cho tôi một mảnh giấy còn bé hơn mảnh tôi viết cho hắn nữa. Bên trong vỏn vẹn chỉ có một câu :
" Thuổng ý truyện Anh Phải Sống của Khái Hưng. Sổ toẹt ! Zéro trên 10".
Thật đúng là bằng hắn tát xiếc vào mặt tôi ! Hắn lại dùng chữ “thuổng” tức là hạ giá tôi xuống hàng đi “ ăn cắp văn”, như thế thì còn trời cao đất dầy gì nữa hả trời.
Tôi nhớ lại là khi đó tôi đã chết đứng như trời trồng, mảnh giấy của hắn tôi vo tròn trong lòng bàn tay. Trong đầu của tôi tràn đầy những ý nghĩ cứ thay đổi nhau như những ảnh chạy trên màn hình lúc phim bị đứt : khi thì tức tối, khi thì rủa xả thằng bạn bất nhân om sòm, khi thì lại thoáng nghĩ đến nội dung câu chuyện, mình đã viết thế nào để thằng bạn kia nó chơi cho một câu cạn tầu ráo máng đến thế.
Mà cái thằng sao thậm bất nhân. Truyện của nó đâu có hay ho gì mà mình cũng cho tới 3 điểm. Đằng này nó phang ngay một con Zia-rô to tổ bố thế kia thì còn trời đất nào nữa.
Và thế là bao nhiêu công trình đêm trước của tôi đi tiêu hết cả.
Tuy nhiên, khi trong lòng đã nguôi ngoai tức tối đi rồi thì tôi mới lại nhận thêm ra được một điều nữa là, có nhiều khi mình đọc tác phẩm của người khác, rồi nó vô đầu mình lúc nào không hay, để ít lâu sau khi viết, cái ý đó tự nhiên nẩy ra mà mình cứ tưởng là của mình, ai ngờ lại bị kết tội là đi thuổng ý của người khác. Thằng bạn của tôi không phải là không có lý khi đã dành cho tôi một bản án tầy trời như thế.
Khó thật ! Con đường văn nghệ quả là chông gai và đối với tôi lúc đó thật xa tít mù tắp .
Ngày hôm sau, trên đường đến trường, những ý nghĩ của tôi về Hòa thay đổi luôn luôn. Có lúc tôi thấy hắn có lý khi hạ bút phê: "Sổ toẹt". Nhưng suy đi nghĩ lại, tôi vẫn tức tràn hông vì thằng nhỏ chẳng nể tình bạn gắn bó bao nhiêu năm, lại cứ khơi khơi phang nhau bằng thứ ngôn ngữ nặng nề như thế.
Cho nên tôi đã rắp tâm sẵn sàng rồi. Khi gặp hắn, nếu hắn "nghênh" tôi, thì như thế là hết. Con đường văn nghệ đồng hành coi như chỉ ngắn ngủi có ngần ấy thôi. Tôi sẽ không thèm về học chung một đường với hắn. Tôi cũng sẽ không xếp hàng vào lớp chung nữa. Tôi sẽ ngưng không cho hắn mượn truyện trong tủ sách của ba tôi mà tôi vẫn thường lấy lén đem đi. Tôi cũng sẽ không thèm "cọp giê" các bài toán khó mà bao giờ hắn cũng tìm ra đáp số trước tôi. Tôi sẽ…tôi sẽ ...đủ thứ !
Nhưng bao nhiêu cái "sẽ" ấy vụt tiêu tan khi Hòa đón tôi ở cổng trường với nụ cười thật tươi. Khuôn mặt của hắn rạng rỡ. Ánh mắt của hắn thật sáng dưới vầng trán vừa cao vừa dồ. Hắn không có vẻ gì là khinh miệt tôi cả. Hắn lại cười trước với tôi. Như vậy chắc là hắn cũng đã thấy hối hận khi trao cho tôi mảnh giấy phê bình hôm trước. Vậy thì chẳng có lý do gì mà tôi giận được hắn. Thế là tôi cũng mỉm cười lại, chẳng chút giận hờn. May quá ! Tình bạn vẫn còn y nguyên!
Hòa kéo tôi ngồi xuống bóng mát của một cây bàng rồi nói :
- Mình phải đổi phương pháp làm việc. Chứ giữa tớ và cậu, chẳng ai chịu ai. Viết hộc máu mồm suốt đêm, rút cục là bài đứa nào cũng bị sổ toẹt !
Tôi cãi:
- Cậu "sổ toẹt" tớ vô lý. Tớ thề với cậu là khi viết tớ không nhớ đến truyện Anh Phải Sống của Khái Hưng một tí nào.
Hòa cười:
- Cậu thề với tớ thì được, nhưng làm sao cậu thề được với trăm ngàn độc giả nếu như tác phẩm của cậu được in ra. Chả lại lẽ ghi chú : "Thưa quý độc giả thân mến, tôi xin thề là tôi không thuổng cốt truyện này của ai".
Cơn tức lại nhen nhúm trong lòng, tôi gân cổ cãi:
- Ai thèm thuổng, truyện của người ta như thế mà nói là giống của Khái Hưng à ?
Hòa vội xua tay:
- Thôi…chuyện ấy hãy bỏ qua không nhắc tới nữa. Vấn đề bây giờ là phải đổi cách làm việc thì mới tiến bộ được. Tớ đề nghị với cậu là từ nay viết thì cứ viết, nhưng chẳng ai có quyền chấm bài của ai. Mình ra một tờ báo. Bài anh nào viết xong cứ tương mẹ nó lên báo, chẳng ai có quyền kiểm soát ai. Hay hay dở, đã có “dư luận quần chúng” phê phán!
Ôi cha ! Đó là một sáng kiến tuyệt vời mà bao lâu nay tôi chưa bao giờ nghĩ ra.
Phải rồi, người lớn có báo thì tại sao mình lại không có riêng một tờ cho mình nhỉ. Sáng tác ra bài nào, cứ chép vào giấy, rồi cũng trình bầy “cẩn tó’, cũng đánh số trang, cũng chia mục này mục kia, rồi vẽ thêm cái bìa nữa là ra dáng ngay… một tờ báo chứ gì !
Sáng kiến này của Hòa hay quá làm tôi quên giận và vội vã đồng ý ngay:
- Phải đấy. Mình ra một tờ báo viết tay, vui hơn nhiều. Lại có đầy đủ các tiết mục, tha hồ mà khuậy.
Thế là suốt buổi học hôm ấy cứ thầy Huỳnh ngơi mắt dòm ngó ra là tôi và Hòa lại chúi đầu vào nhau để bàn thảo cho chương trình ra báo. Tới giờ tan học, tôi và Hòa không về nhà ngay mà còn ghé vào chiếc ghế đá xi măng ở đền Bà Kiệu, gần Bờ Hồ để bàn thêm. Kết quả, tờ báo của chúng tôi thành hình như sau:
- Tên báo : Bút Học trò.
- Chủ Nhiệm: Thanh Phong Tử (tức là Hòa).
- Chủ bút : Thiện Tấn (tức là tôi, tên Nhật Tiến xếp lại lộn xộn thành Thiện Tấn, bắt chước theo kiểu nhà văn Khái Hưng, xếp lộn xộn lại từ tên thật của ông là Khánh Giư mà ra).
- Biên tập viên : Huyền Minh Tử - Lang uyên Vũ- Song Điệp Khách ( 3 tên này tức là Hòa)- Nhật Quang - Nguyệt Minh - Quang Minh (3 tên này tức là tôi)
- Nội dung : Có những mục Lá Thư hằng tuần, truyện ngắn, truyện dài, thơ, phiếm luận, tin tức hằng tuần, vui cười, câu đố, tranh phim.
- Hình thức: Báo ra 12 trang mỗi tuần, viết trên giấy học trò. Hòa vẽ và trình bầy. Tôi chép bài vở.
- Hòa phụ trách Truyện dài, phiếm luận, tranh phim.
- Tôi phụ trách : Thư hằng tuần, mục giải trí, câu đố, trò chơi, tin tức.
- Cả hai phụ trách : Thơ, truyện ngắn.
Báo sẽ làm ở nhà Hòa vào mỗi sáng Chủ Nhật vì mẹ Hòa rất khó khăn, bà không cho hắn ra khỏi cửa trừ giờ đi học (con một mà !). Còn tôi, nhà đông anh em, có đi lêu bêu cũng ít bị để ý.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét