Ong hoạ sĩ già khích cho cô hoạ sĩ bốc nữa :
“ Cô nói thế nào ấy chớ…chẳng lẽ cái gì cũng mua được bằng tiền…cũng có cái tiền mua sao được ?”
Cô hoạ sĩ hất hàm :
“ Vậy có cái gì không mua được bằng tiền bác nói thử tôi nghe !”
Ong hoạ sĩ già còn đang suy nghĩ, chị chủ gallery đã lên tiếng :
“ Chẳng hạn cô không biết vẽ hoặc vẽ rất dở thì có ai gọi cô là hoạ sĩ không ? Cô có mua được danh hiệu đó không ?”
Cô hoạ sĩ bật cười :
“ Chuyện nhỏ như con thỏ. Tôi thấy ở bên Mỹ này, ai muốn thành hoạ sĩ cứ in một cái card ghi danh mình là “painter” là OK chứ gì ? Còn ở Việt Nam khó hơn. Muốn chính danh mình là hoạ sĩ thì phải được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam , mà muốn được kết nạp thì phải đã có triển lãm , có hội viên chính thức giới thiệu, rồi được Ban chấp hành Hội thông qua...”
Chị chủ gallery vỗ tay :
“ Đấy …thấy chưa…có phải cái gì cũng mua được đâu…”
Cô hoạ sĩ lắc đầu quày quạy :
“ Nhầm chết …nhầm chết…danh hiệu hoạ sĩ mua dễ ợt…này nhé…chị bỏ tiền ra mua sơn mua toan rồi vẽ nhăng vẽ nhít kiểu như bác Ba Phi vẽ tranh trừu tượng kìa…rồi bỏ tiền ra thuê mấy cậu sinh viên mỹ thuật nó vẽ vài bức ký tên mình…rồi triển lãm…rồi nhờ mấy bác hoạ sĩ già giới thiệu vào hội…rồi phong bì cho các vị chấp hành…thế là cầm chắc danh hiệu hoạ sĩ - Hội viên Hội Mỹ thuật. Tha hồ in card mang đi phân phát doạ thiên hạ…”
Ong hoạ sĩ già bật cười :
“ Cả nhà văn cũng thế ư ?”
Cô hoạ sĩ gật đầu :
“ Cũng một giuộc vậy thôi. Tôi có cô bạn cũng dân cầm bút ở Hà Nội, nó bảo muốn được gọi là nhà văn chính thức thì phải vào Hội nhà văn. Vào đó bề ngoài thì cực kỳ khó vì mỗi năm có cả mấy trăm người xin mà chỉ kết nạp vài chục người. Nhưng đó chỉ là lý thuyết thôi. Khối anh Giám đốc bỏ tiền ra vẫn vào hội được đấy. Chết cười , có anh vào Hội nhà văn năm trước thì năm sau ra Toà tội tham ô. Hội nhà văn không dám ra Toà dự xử Hội viên của mình mà đành cứ lặng lẽ xoá tên…”
Chị chủ gallery cười cười :
“ Thì bên này anh nào muốn thành nhà văn cũng cứ bỏ tiền túi in sách , bỏ tiền túi tổ chức họp báo, ra mắt sách…thế là thành nhà văn chứ sao ?”
Cô hoạ sĩ lắc đầu:
“ Danh hiệu hoạ sĩ, nhà văn đã ăn thua gì…danh hiệu Anh hùng lao động, Nghệ sĩ nhân dân…cũng đều mua được cả đấy…Giả dụ tôi đang là nhạc sĩ vô danh tiểu tốt, tôi bỏ ra một tỉ, nhất định sẽ được kết nạp Hội nhạc sĩ và được “nghệ sĩ ưu tú “ cho coi…”
Ong hoạ sĩ thở dài :
“ Hèn chi cái vụ chở cả xe mì tôm bị giữ lại ở Sàigòn, ông bạn tôi chỉ rút phòng bì ra là giải toả cái rụp. Và rồi lại còn được hỏi có muốn giấy chứng nhận “Việt kiều yêu nước” đã có công cứu trợ đồng bào bão lụt không chớ ?”
Trong lúc mọi người đang bàn tán rôm rả thì bác Ba Phi đang thất tha thất thểu bước đi trên đường phố Bolsa. Từ hôm sang Mỹ bác toàn ngồi xe hơi, cô Ut , ông bạn già , ông hoạ sĩ lái…mãi tới lúc này bác mới phải lò dò cuốc bộ trên đường phố nước Mỹ. Cũng may phố xá ở Little Saigon không nhung nhúc xe cộ như những thành phố lớn khác. Vào buổi trưa, xe cộ cũng thưa thớt. Tại các ngã tư đèn xanh đèn đỏ cũng không đông xe. Bác Ba Phi cứ nhằm cái biển vẽ người đang bước bật đèn xanh mới dám lật đật đi qua đường.
Hoá ra đi bộ ở Mỹ, nhất ở khu Việt kiều ở Cali cũng không có gì ghê gớm . Cứ cái làn đường dành cho người đi bộ mà guồng tới. Đến ngã tử đèn xanh đèn đỏ nhất thiết phải đứng lại chờ cái đèn hình người bật xanh thì hãy sang. Tốt nhất là chờ có nhiều người cùng sang thì yên trí hơn là đi một mình.
Lần đó bác Ba Phi vừa thấy đèn chuyển sang xanh vội vàng sầm sầm bước tới. Bất ngờ bác thấy một chiếc xe con lù lù phi tới. Bác hoảng hồn phóng một phát như tên bắn qua đường . Bụng mừng thầm, rõ hú vía, chậm chân chắc xương tan thịt nát rồi. Vậy nhưng quay lại nhìn, bác thấy chiếc xe vừa nãy đã dừng đúng vạch đỏ, người da đen lái xe nhìn bác nhe răng ra cười. Hoá ra bác thần hồn nát thần tính, cứ tưởng chiếc xe phóng tới, nào ngờ không giống như ở Việt Nam, vượt đèn đỏ ở đây tuyệt nhiên không thấy.
Bác dừng trước một cửa hàng bán đủ thứ. Chẳng biết biển hiệu nó đề cái gì , chỉ đấy cửa đóng kín mít người ra người vào , người xách túi, người đẩy xe thì biết bên trong nó bán tạp hoá.
Bác Ba Phi ngần ngừ rồi tắc lưỡi. Mình có đô la, sợ gì, cứ vào thử coi sao , có bánh trái, chai nước ngọt bỏ bụng cũng tốt.
Bác vừa dợm chân bước vào cánh cửa quay thì như có ai vẫy vẫy. Hoá ra trong góc hè dưới tấm biển quảng cáo có một ông già da đen đang vẫy bác. Quái, có quen biết gì đâu nhỉ ? Thì cứ thử lại gần coi.
Ong già da đen xì xồ một tràng tiếng Anh bác Ba Phi cứ ngẩn ra không hiểu gì. Nói xong ông ta rút trong bụng ra một giây đủ các thứ pin đèn, bác Ba Phi còn đang ngẩn người ra chưa biết xử sự sao, cha kia lại rút ra đủ thứ xà bông với dao cạo râu. A…hiểu rồi..cha này bán đồ “chôm” ở cửa hàng cửa hiệu.
Quái, sao bảo bên Mỹ này nghiêm lắm kia mà. Một là nó quản lý chặt chẽ lắm, bảo vệ nó nhìn lom lom, rồi camera nó quét qua quét lại, có đến con ruồi cũng không lọt, vậy mà cha vẫn chôm của nó cả lố hàng thế kia.
Vậy mới biết chẳng có gì là tuyệt đối trăm phần trăm. Hèn chi hồi ở nhà bác đọc báo nghe chuyện có bà cán bộ cao cấp gì đó ở ngoài Huế đi sang thăm các nước châu Au, lúc vào siêu thị chôm của nó cái kính đắt tiền bị nó quay phim được hết đường chối cãi. Lúc đó bác không tin, làm gì có chuyện đó, một là bà cán bộ cao cấp thiếu gì tiềnphải chôm đồ trong siêu thị, hai là nó quản lý chặt vậy ai dám “chôm” của nó. Nhưng lúc này nhãn tiền chứng kiến ông già da đen gạ bán đồ “chôm” bác mới tin thật. Hoá ra ở đâu, ở hoàn cảnh nào cũng có kẻ cắp.
Ong già da đen lại xì xồ một tràng tiếng Anh, ấn vào tay bác Ba Phi đủ thứ đồ lủng củng. Bác Ba Phi lật qua lật lại mớ đồ rồi lắc đầu quày quạy.
Lão già da đen chợt đổi sắc mặt, lão cau mặt , vẻ hầm hầm. Lão xổ ra một tràng u ơ gì đó làm bác Ba Phi chột dạ. Không khéo cha già này là dân xì ke, đến cữ thuốc rồi mà không có tiền. Không mua cho lão thì cũng phải cho nó ít bạc cắc không có nó điên lên thì nguy .
Quả nhiên lão già da đen rút trong túi ra cái kim tiêm, rất nhanh lão chọc kim vào bắp tay, rút ra giơ lên huơ huơ trước mặt bác Ba Phi. Bác sợ điếng hồn. Chèn đéc ôi, thằng cha già này nó đâm một phát kim tiêm vào người truyền sang một ít SIĐA thì toi mạng, thoi thôi thí hồ thí cháo cho nó. Bác Ba Phi vội rút túi đưa ra mấy tờ một đô la . Nhanh như chớp, lão già chộp ngay lấy. Vừa lúc đó trong cửa hàng có mấy người đi ra, lão già vội lảng đi chỗ khác. Bác Ba Phi nhân cơ hội bước nhanh vào trong, trống ngực hãy còn đập thình thịch.
Rõ hú vía, thằng cha già đâm một phát kim tiêm mắc căn bệnh thế kỷ thì mai mốt về nước, bà con lối xóm tha hồ kháo nhau bác Ba Phi đi thăm Mỹ chơi gái tùm lum nên mang bệnh SIDA thì có mà ôm đá nhảy xuống sông Tiền Giang . Rồi vợ chồng thằng Đậu sẽ nhìn bác ra sao ? Có ai làm chứng xác minh bác nhiễm SIĐA không phải chơi bời bậy bạ mà chính do thằngxì ke da đen đâm kim tiêm vào người.
Bác Ba Phi bước lần lần qua các dãy hàng chân tay vẫn còn run cầm cập. Thôi từ nay cạch đến già không bén mảng lại gần mấy ông Mẽo bụi đời nữa. Thực ra chẳng qua hôm nay bác dỗi ông hoạ sĩ già và cô hoạ sĩ trẻ nên mới đi bộ chứ như mọi khi một bước lên xe đi đâu đến nỗi gặp xì ke.
Hàng hoá ở đây phong phú thật, thứ nào cũng đề giá rõ ràng. Dãy bánh kẹo có cả rừngcác thứ mẫu mã khác nhau. Nào kẹo viên, kẹo ngậm, kẹo mút, kẹo cao su, kẹo trái cây, kẹo sôcôla…í trời ơi…con nít trong xóm nhà bác được vào đây hẳn quýnh quáng chân tay không biết lựa thứ nào bỏ thứ nào.
Sang đến hàng rượu , hàng nước giải khát cũng hoa cả mắt .
Rượu mạnh cả mấy chục đô la, rươu vang 3 chai có mười đô, nước giải khát hoá ra lại rẻ, mua cả lố cũng chỉ có vài đô.
Rồi dãy hàng fast-food cũng làm bác Ba Phi hoa cả mắt.
Dạo đi dạo lại mãi bác Ba Phi mới mua túi bánh mì khô, hộp ba tê với lon nước giải khát tính ra chưa tới 5 đô la. Ở Mỹ mà thế này là hà tiện vắt cổ chày ra nước nhưng so với Việt Nam là quá sang rồi. Tính sang tiền ra là hơn 80 ngàn chứ ít, chèn đéc ôi, ở dưới quê ngần này tiền thì ăn được cả chục đĩa cơm tấm.
Bác Ba Phi xách túi đồ xếp hàng sau cả Mỹ đen Mỹ trắng chờ tới lượt trả tiền. Bác chợt cười một mình. Hoá ra mình cũng oách đấy chớ. Dám tự mình đi vào cửa hàng Mỹ, dám tự chọn đồ, dám tự xếp hàng trả tiền mà chẳng cần anh phiên dịch cóc nào hết.
Đấy … cứ bảo hội nhập với thế giới là ghê gớm, khó khăn , chật vật lắm , vậy mà đâu có gì đâu, cứ trong tay có tiền là dễ ợt.
Bác Ba Phi xách túi thức ăn ra cửa tiệm chợt mắt tròn xoe. Lão già da đen lúc nãy đang bị ba bốn người ăn mặc theo lối đồng phục bảo vệ cửa hàng thộp cổ áo. Thôi rồi, họ đã phát hiện ra lão chôm đồ của họ rồi. Rõ may cho bác, cứ nấn ná tham rẻ mua đồ của lão chắc hẳn bác cũng bị bắt thế kia về tội tiêu thụ của gian chứ không chơi.
Nghĩ bụng vậy rồi bác Ba Phi ba chân bốn cẳng rời cửa hàng đi nhanh vào lối người đi bộ. Bác cứ đi, cứ đi qua mấy ngã ba, qua mấy khu thương xá tới cửa hàng có đề Lee's Sandwiches.
Bác chợt nhớ có lần đã vào đây cùng lão bạn già. Ong chủ này nghe nói hồi mới vượt biên sang Mỹ cũng chỉ là anh bán thịt lương có 8 đô la một giờ, vậy mà bây giờ thành triệu phú có tới 36 siêu thị bán thức ăn Việt Nam trải khắp nước Mỹ. Nhìn gói đồ Mỹ trong tay, bác Ba Phi chợt thấy thèm ăn đồ Việt. Phải đấy bánh mì ba tê, đùi gà Kentucky ngon mấy cũng chẳng bằng cái anh bánh chưng, bánh giò, bánh dầy với cả xôi đậu xanh, xôi đậu phọng, xôi đậu đen.
Bác Ba Phi cứ ngập ngừng đứng ngoài cửa sau lại nghĩ vừa nãy cửa hàng Mỹ còn vào mua hàng được ngon ơ, huống hố đây là cửa hàng người Việt Nam , ngại gì mà không vào. Thế là bác hùng dũng đẩy cửa bước vào trong.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét