Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

nhà văn NHẬT TIẾN : THUỞ MƠ LÀM VĂN SĨ - KỲ 1




Bìa bản in lần thứ  nhất - Họa sĩ Vi Vi trình bầy
do Huyền Trân ấn hành
Sài Gòn tháng 6-1973

*****
LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Qua năm Quý Tỵ, dương lịch là 2013, nhà xuất bản Huyền Trân có chương trình tái bản tác phẩm của nhà văn Nhật Tiến.
Dĩ nhiên không phải là in lại tất cả, nhưng trong giai đoạn khởi đầu, chúng tôi sẽ chọn lựa những cuốn được độc giả ngày xưa rất yêu thích mà nay cũng đã tuyệt bản trên thị trường, như những cuốn Những Người ÁoTrắng, Mây Hoàng Hôn, Chuyện Bé Phượng, Tay Ngọc…
Theo nhà biên khảo văn học Nguyễn Vy Khanh thì tạp chí Hành Trình (do Giáo sư Nguyễn văn Trung chủ trương) năm 1964 đã làm một cuộc "Trưng cầu ý kiến bạn đọc về những tác phẩm văn học được nhiều người ưa thích nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây (1954-1964)".
Cuộc trưng cầu ý kiến này, tờ Hành trình dự tính sẽ đăng trong số đặc biệt “Nhìn lại 10 năm văn học miền Nam”, nhưng chưa kịp ra thì báo ngưng xuất bản. Giáo sư Nguyễn Văn Trung mới đây thu thập những bài chưa in, cả những thư viết tay lập thành một Hồ Sơ Về Tạp Chí "Hành Trình" , trong đó ông công bố danh sách các tác phẩm được ưa thích nhất. Về tiểu thuyết có 21 tác phẩm thì Nhật Tiến đã có 4 tác phẩm được chọn, 2 được xếp hàng đầu là Mây Hoàng Hôn và Thềm Hoang, tiểu thuyết kịch Người Kéo Màn hạng 7, và Những Người Áo Trắng thứ 11. Tưởng cũng cần nói ở đây là độc-giả của tạp chí Hành Trình phần lớn là sinh viên và trí thức miền Namlúc bấy giờ! ( Một Thời Như Thế, tức Hành Trình Chữ Nghĩa cuốn III-trang 235)
Ngoài những tác phẩm thuần túy văn nghệ kể trên, trong thời gian làm chủ biên tờ tuần báo Thiếu Nhi, nhà văn Nhật Tiến cũng đã sáng tác một số tác phẩm dành cho  tuổi trẻ, như cuốn Tiểu thuyết-Hồi ký “Thuở Mơ làm Văn Sĩ” được đăng từng kỳ trên báo, sau in thánh sách (1973), hay những cuốn chỉ in thành sách như Lá Chúc Thư, Đường lên Núi Thiên Mã. Đây là những cuốn tiểu thuyết có tính cách phiêu lưu do tác giả viết cho cho lứa tuổi thiếu nhi. Qua diễn biến của câu chuyện, tác giả đã du nhập một cách linh động những kiến thức khoa học phổ thông để dẫn giải các sự kiện xẩy ra trong đời sống các nhân vật. Ở đây, những phương pháp suy luận theo tinh thần khoa học, những áp dụng mới mẻ trong lãnh vực điều tra, hư nghệ thuật theo dõi kẻ gian, kỹ thuật lấy dấu tay, kỹ thuật giảo nghiệm các tài liệu giả mạo, những áp dụng mới của khoa học vào lãnh vực truy tầm, nghiên cứu…cùng các vấn đề phổ thông liên hệ đến Sử Ký, Địa lý, Lịch sử Địa chất Việt Nam…Tất cả sẽ là những bài học linh động vừa giải trí vừa bổ ích.
Có thể nói, những loại truyện vừa kể đã từng làm say mê một số rất đông độc giả, không chỉ thuộc lứa tuổi thiếu nhi mà ngay cả những độc giả người lớn cũng rất hoan nghênh. 
Nhà văn miền Bắc Trần Ngọc Tuấn sau năm 1975 đến từ Hà Nội, đã cho biết, không kể đến lãnh vực văn học nghệ thuật thuần túy, thì cuốn Đường Lên Núi Thiên Mãlà cuốn đã làm ông say mê theo dõi nhất.
Chúng tôi tin tưởng rằng, tác phẩm này khi được tái bản cũng vẫn sẽ được nhiều độc giả hoan nghênh.
  Tuy nhiên, tác phẩm đầu tiên trong năm 2013 mà nhà Huyền Trân tái bản chính là cuốn “Thưở Mơ làm văn Sĩ” mà quý độc giả đang cầm trên tay.
Nội dung tác phẩm sẽ tiết lộ rất nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ của tác giả trong giai đoạn đầu đời, luôn ước muốn sau này sẽ trở thành Văn Sĩ.
Tác giả đã khơi dựng trở lại khung trời Hà Nội vào những năm cuối thập niên 40 và đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Những cậu trò của thời buổi đó đi vào con đường văn nghệ, báo chí ra sao, sinh hoạt Bút Nhóm thời ấy thế nào, và những tên tuổi rất quen thuộc trong lãnh vực văn chương chữ nghĩa vào thời kỳ ấy gắn bó thế nào với tuổi trẻ….tất cả đều đã được ghi lại rất hào hứng, rất linh động qua những sinh hoạt mà chính tác giả đã từng  trải qua.
Có thể nói, “Thuở Mơ làm Văn Sĩ” là một tiểu thuyết hồi ký vừa có tính cách giải trí nhẹ nhàng, vui nhộn nhưng cũng lại chất chứa rất nhiều hình ảnh sinh hoạt của một thời đã qua, có lẽ không bao giờ còn trở lại.
Xin mời độc giả thưởng lãm.

                                                    California ngày 10-1- 2013
                                                                                
                                                           MICHAEL BUI
                                                                         Giám Đốc                                                                 Nhà xuất bản Huyền Trân


******



lời người viết

(thay cho lời tựa bản in lần thứ nhất, tháng 6-1973 tại Sài Gòn)

Hồi ký là một thể văn ghi lại những sự kiện đã xẩy ra trong quá khứ của người viết.

Những người viết hồi ký thường thường là những nhân vật có liên hệ mật thiết đến một giai đoạn lịch sử của dân tộc, hoặc họ đã tham dự, hoặc họ đã có ảnh hưởng đến một biến cố chung xẩy ra trong quá khứ. Đọc quá khứ của họ, có thể những dữ kiện lịch sử được làm cho sáng tỏ hơn, những tình tiết xẩy ra trong một biến cố chung sẽ được phơi bầy, và như vậy, một tác phẩm hồi ký có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà khảo cứu về Lịch Sử, Địa Lý, Văn Học, Khoa học Nhân Văn hay Khoa học thuần túy..v…v….

Trong phạm vi của loạt bài nhỏ bé này, và nhất là trong cương vị khiêm nhường của người viết, tôi không có cao vọng viết một hồi ký. Lý do dễ hiểu là tôi không thuộc về bất cứ một loại nhân vật danh tiếng nào có ảnh hưởng mật thiết đến một giai đoạn nào trong quá khứ.

Viết loạt bài này, tôi chỉ có một ước vọng nhỏ bé là nhắm vào các độc giả tý hon của tuần báo Thiếu Nhi đang phát hành, những độc giả vốn đầy nhiệt thành và thiện chí mong ước trở thành những bàn tay tiếp nối công trình xây dựng văn hóa của những đàn anh đi trước.

Nhân dịp trông nom tòa soạn tuần báo Thiếu Nhi, qua những bài vở, thư từ gửi về tòa soạn trong suốt một năm, tôi đã nhìn thấy những mạch nhựa căng phồng đang chuyển mình mạnh mẽ để sửa soạn cho một giai đoạn nẩy hoa, kết trái  trong tương lai gần gũi. Tuổi các em là là tuổi nhiều mơ ước. Tâm hồn của các em là tâm hồn  trong sáng, nhiệt thành và rất giầu thiện chí. Rất tiếc là trong sinh hoạt văn chương hiện nay (thời điểm năm 1972), ngoại trừ các bài giáo khoa giảng dạy cho các em ở nhà trường, các em không còn một môi trường nào khác để hướng dẫn và dìu dắt một cách chặt chẽ để tài năng của các em có cơ hội phát triển mạnh mẽ và mau chóng.

Một bài văn các em gửi đi, nếu không đăng được, các em không hiểu vì lý do gì. Một tác phẩm khác được đăng lên, các em không thấy hết được vẻ hay của chính mình. Các em lại rất nồng nhiệt tham gia các sinh hoạt bút nhóm, các thi văn đoàn, các nhóm viết nhỏ mà hiện nay có thể tính được hàng ngàn rải rác trên toàn quốc. Nhưng sinh hoạt bút nhóm của các em cũng không phát triển được đúng mức vì thiếu hướng dẫn và dìu dắt. Mạch nhựa dồi dào sức sống vì nguyên do đó cứ chuyển vận quanh quẩn trong thớ gỗ mà ít có cơ hội trổ hoa, kết trái. Đó là một sự thiệt thòi đáng tiếc của truyền thống tiếp nối văn hóa trong liên tục lịch sử. Đành rằng trong quá khứ, thưở ban đầu của các bậc anh đi trước cũng không có điều kiện phát triển  hơn gì của các em hiện tại. Họ đã mầy mó trong kiên nhẫn và thiện chí như một con tằm âm thầm tìm cách cắn kén chui ra. Có người đã thành công, nhưng cũng có người đã thất bại, bỏ cuộc nửa chừng.

Ước vọng của tôi là mong góp phần dù rất nhỏ bé vào công việc gửi đến các em những kinh nghiệm của người đi trước, những điều các em nên tránh, những việc mà các nên làm, với hy vọng các em có thể trau giồi được dễ dàng hơn khả năng sáng tạo của mình, ngoài thiện chí mầy mò một mình trong nỗ lực cô đơn.

Đáng lẽ những dữ kiện phải được trình bày dưới hình một tác phẩm biên khảo tương tự như tác phẩm "Viết và Đọc Tiểu Thuyết" của cố văn hào Nhất Linh đã làm (dưới một tầm mức đơn giản hơn và cho một đối tượng giới hạn hơn). Nhưng để phù hợp với đường lối linh động của tờ báo, tôi phải trình bày dưới hình thức một Tiểu Thuyết Hồi Ký, dẫu sao đối với các em nó sẽ trở nên bớt khô khan, buồn nản hơn.

Đặt chữ Tiểu Thuyết bên cạnh chữ Hồi Ký là một dụng ý cần thiết. Điều đó chứng tỏ các em không cần đối chiếu những sự kiện có thực đã xẩy ra trong quá khứ của người viết. Cái quá khứ ấy đã được tiểu thuyết hóa đi để tăng phần linh động và giảm phần nhàm chán vì bắt độc giả cứ phải nghe quá nhiều về một cái tôi bình thường của một cá nhân bình thường trong tập thể.

Vấn đề chính yếu là các em sẽ tìm thấy ở đây nhiều dữ kiện. Những dữ kiện rất gần gũi với các em, những dữ kiện có nhiều lợi ích thiết thực cho vấn đề sáng tác mà các em đang theo đuổi.

Bởi lý do rất dễ hiểu là nhân vật xưng tôi  trong tác phẩm này, cũng như các em, tất cả đều đã gặp nhau ở một thuở có nhiều ước mơ vốn đầy thiết tha và dồi dào cảm hứng, đó là Thưở Mơ Làm Văn Sĩ

                                                                                                                                                     Nhật Tiến
                                                Sài Gòn tháng 7 năm 1972

( Đã do nhà xuất bản Huyền Trân ấn hành lần đầu vào tháng 6 năm 1973, với giấy phép số 1905 PTUDV/PHBCNT/KSALP ngày 4-6-1973).
                                     
                              CHƯƠNG  I



                                             Trường tiểu học Nguyễn Du 

Cuối mùa hè năm 194….tôi xin được vào học lớp Nhất ở trường Hàng Vôi - Hà Nội, ngôi trường xinh xắn có sân chơi, có cây cối um tùm và dẫy lầu cao mà đứng ở cửa sổ tầng trên nhìn ra, tôi thấy được cả cây cầu Long Biên vắt ngang một giải sông Hồng bát ngát.

     Lớp của tôi là Lớp Nhất B, phòng cuối cùng của dẫy hành lang trên lầu. Thầy dạy tôi là thầy giáo Huỳnh, một ông thầy nghiêm nghị, tận tâm, đối với chúng tôi thì lạnh lùng ở bề ngoài nhưng rất lo lắng cho chúng tôi ở bề trong. Tôi sợ thầy Huỳnh lắm. Đứng trước mặt ông, tôi không dám cử động mạnh, không dám nhìn thẳng vào mặt ông và giọng nói của tôi trở nên ấp úng, mất bình thường. Đối với thầy thì tôi như vậy, nhưng ngược lại, đối với tôi, thầy cũng ngán  tôi hầu như suốt cả niên học. Nguyên do là trong một ngày thuộc tuần lễ thứ ba của niên học, thầy ra một đề bài cho học trò tập vẽ truyền chân. Đề tài là vẽ tấm lịch treo tường có chân dung của Hoàng Đế Bảo Đại (khi đó đã hồi loan). Thời hạn một tuần.

Khỏi phải nói dông dài, là trong suốt tuần lễ đó tôi đã mất ăn mất ngủ thế nào về bài làm này .  Bài khó chi lạ. Vẽ lịch thì dễ, nhưng trên lịch lại có chân dung Hoàng Đế  thì thật là cả một vấn đề nan giải. Tôi đã chịu khó đi mượn được ba, bốn kiểu hình. Có hình chụp Hoàng Đế bận áo bào vàng, đầu chít khăn. Có hình chụp Hoàng Đế chải đầu láng mướt, bận đồ tây, thắt cà-vạt. Lại có bức hình chụp Hoàng Đế đứng trên xe hơi bóng loáng giơ tay vẫy vẫy mọi người, chụp trong dịp ngài ra mắt đồng bào Thủ đô mà báo chí đăng tin rầm rộ là “ Hoàng đế hồi loan”.

Ngần ấy hình, ngần ấy kiểu, tôi đã hì hục làm việc, hết tẩy lại xóa, tẩy xóa đến rách giấy thì xé vở soàn soạt, mà cuối cùng bổn phận của tôi vẫn chẳng chu toàn.  Cuốn lịch thì đã có hình thức rõ ràng, nhưng Hoàng Đế trên lịch thì vẫn còn tèm lem những chỗ tẩy xóa chưa hoàn tất. Một "tác phẩm" như thế sao gọi được là vẽ "truyền chân", ấy là chưa kể tới cái tội "khi quân" bôi bác Hoàng Đế nữa. Ấm ớ có khi rũ tù. Tôi cứ bấm bụng luôn than thầm sao thầy Huỳnh lại đi cho cái đề bài tập sao mà "ác" thế !! Tới hôm nộp bài, tôi lo sợ phập phồng cứ như tử tội chờ đợi ngày xét xử.   

Quả nhiên thầy Huỳnh "túm" lên bảng cả thẩy tám đứa, trong đó dĩ nhiên có cả tôi. Đó là những đứa không nộp bài. Thầy hạ lệnh đánh phủ đầu mỗi đứa ba gậy. Vâng, ba gậy chứ chẳng phải ba roi. Gậy đây là cái thước gỗ to, dài, dầy ba, bốn phân mà thầy vẫn dùng để kẻ những dòng trên bảng đen khi có bài tập viết. Nó làm bằng gỗ, thứ gỗ chắc nịch, rất nhiều gân, nhiều thớ nhưng lâu ngày nó đã phủ đầy bên ngoài bằng những lớp bụi phấn trắng. Cái "hình cụ" này mà phệt vào mông thì ôi thôi, cứ chỉ nghĩ tới cũng đủ rùng mình sởn gáy lên rồi.

Ấy vậy mà mấy đứa bạn của tôi chịu hẳn ba gậy của thầy mà mặt cứ nhơn nhơn. Có đứa lại còn cười ngỏn ngoẻn lúc đi về chỗ ra cái điều “ có quái gì đâu !”, mặc dù tôi biết cu cậu cười là chỉ để chữa thẹn cho cái tội không nộp bài đó thôi.  Riêng phần tôi, ở gậy thứ nhất, mồ hôi lạnh đã đổ ra ướt đẫm cả trán và lưng áo. Đến gậy thứ hai thì lớp học của tôi trở nên chòng chành như thuyền đi trên sóng, và thầy chưa kịp thi hành nốt gậy thứ ba thì tôi đã khuỵu ngay xuống nền gạch. Cả lớp chợt nháo lên. Thầy Huỳnh cũng xanh mặt. Thầy hạ lệnh bế tôi nằm lên ghế dài, tìm dầu Con Hổ xức lia lên trán, lên cổ, vào lưng, vào bụng rồi cả hai bàn chân nữa. Mười phút sau tôi mới tỉnh lại. Thầy ngán ngẩm nhìn tôi không nói, rồi thầy tống tôi về chỗ ngồi và tha cho hình phạt chưa thi hành hết, lại tha luôn cả con trứng vịt to và tròn đã nằm gọn ngon ơ trong sổ điểm.

Kể từ hôm đó, thầy biết rõ tôi là một con sên thuộc bầy quỷ sứ trong lớp của thầy. Thầy vẫn tiếp tục khện các cu cậu kia bằng những cái thước kẻ bảng đau quắn mông, còn với tôi thì thầy chỉ trị bằng những cái nhìn dữ dội, những cái xoắn tai đổ mồ hôi hột hay những con zéro ghi bằng mực đỏ lòm trong sổ điểm. Nhưng cho dù thế nào thì cũng đỡ hơn nhiều so với bản án "ba gậy" dành cho mấy đứa.

Ngồi cạnh tôi là anh bạn tên Hòa. Hắn lớn hơn tôi một tuổi nhưng tầm vóc thì phải lớn hơn đến gấp rưỡi. Tôi với Hòa thân với nhau ngay từ mấy ngày đầu. Và càng chơi với nhau lâu, chúng tôi càng khám phá ra rằng hai đứa rất giống nhau về sở thích. Giờ ra chơi, tôi với Hòa không chạy nhẩy mà chỉ kéo nhau ra gốc bàng ngồi tán chuyện ….tiểu thuyết !

                            (còn tiếp )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét