Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

nhà văn NHẬT TIẾN : THUỞ MƠ LÀM VĂN SĨ - KỲ 2


                                               (tiếp theo)

Phải nói rằng vào thời kỳ đó, tôi cũng như Hòa đã ngốn vào đầu biết bao nhiêu là thứ truyện tả pí lù. Về kiếm hiệp thì có Bồng Lai Hiệp Khách, Côn Lôn Kiệp Khách, Thiên Thai Lão Hiệp, Độc Nhỡn Kiếm, Ngày Xuân của La Bích Vân…về loại phiêu lưu giải trí thì có Dao Bay, Đoan Hùng, Lệ Hằng, Người Nhạn Trắng...Còn tiểu thuyết đúng nghĩa thì hầu như chúng tôi thuê đọc hầu hết tác phẩm của Nguyên Hồng, Trần Tiêu, Nguyễn đình Lạp là những tác giả viết loại tiểu thuyết xã hội, hay của Thế Lữ với loạt truyện trinh thám quanh nhân vật Lê Phong như Lê Phong Phóng Viên, Mai Hương và Lê Phong,  Gói Thuốc Lá, hay Phạm Cao Củng với nhà thám tử lừng danh Kỳ Phát trong những truyện như Vết tay trên trần, Bàn tay sáu ngón, Đám Cưới Kỳ Phát, Kỳ Phát giết người..v..v…
                      


Nhưng phải kể là tôi mê nhất truyện của Lê văn Trương với triết lý người hùng rất thích hợp với máu anh hùng và tinh thần hướng thượng của tuổi trẻ. Những tác phẩm của Lê văn Trương mà tôi còn ghi nhớ là những cuốn Trường Đời, Tôi là Mẹ, Người Anh Cả, Hai đứa trẻ mồ côi, Thằng Còm, Anh em thằng Việt, Thằng Việt nghỉ hè..v..v…Tuy nhiên cũng có truyện của Lê văn Trương tôi đọc nửa cùng thì phải bỏ giở, không thích vì tánh cách tàn nhẫn của câu truyện, đó là cuốn Những đồng tiền xiết máu. Thì ra khả năng thổi phồng cá tính “anh hùng” “hướng thượng” của ông nếu đem áp dụng vào việc “diễn tả tội ác”  thì điều này sẽ lại nhân cái tính tàn bạo lên gấp bội, và đấy là lý do mà tôi không thích cuốn này.
Dạo ấy ở Hà Nội có một nhà xuất bản lấy tên là Văn Hồng Thịnh, chuyên in đủ thứ truyện Tầu. Mỗi truyện lại không in nguyên cả cuốn mà chỉ ra từng số, mỗi số 32 trang khổ trang giấy sách, truyện, cứ vài ba ngày lại ra số kế tiếp, bán với giá mỗi số 1 đồng, rất phù hợp với túi tiền của bọn trẻ.
Chúng tôi là độc giả trung thành của loại sách này. Thôi thì đủ loại tựa đề, như Tam Quốc Chí, Thất Quốc Chí, Chiêu Quân Cống Hồ, La Thông Tảo Bắc..v…v..   Và có thể nói, không có ai thông thạo tình hình phát hành của nhà xuất bản này bằng chúng tôi. Ngay trước cửa nhà in, người ta dựng lên một tấm bảng đen lớn, ghi tên đủ các thứ truyện, truyện nào ra đến số mấy, số mấy thì ghi bằng phấn trắng cho mọi người được rõ. Chúng tôi đã theo dõi tấm bảng này sát nút, cứ như những nhà doanh nghiệp chuyên môn theo dõi tin tức, giá cả trên thị trường.
Thật không còn gì thú vị cho bằng đọc Thủy Hử đến đoạn Võ Tòng đả hổ hấp dẫn, mê ly, chờ ra số mới cứ như chờ mẹ về chợ, đến lúc cô bán hàng đi ra tấm bảng, xóa cái số cũ, đề số mới vô, thế là thế nào chúng tôi cũng phải là những người khách đầu tiên. Tôi mua Thủy Hử thì Hòa mua Tây Du. Tôi mua Thuyết Đường thì Hòa mua La Thông Tảo Bắc. Tôi mua Máu Đỏ Lòng Son của Phượng Trì, một bút hiệu khác của Phạm Cao Củng thì Hòa mua Đêm Hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng v..v..…Cứ mỗi lần mua được số mới, tôi hay đi dọc suốt con phố hàng Bông qua hàng Gai để ra Bờ Hồ trên đường tới trường học, một tay ôm cặp, một tay cầm số mới ra, vừa đi vừa đọc. Nhiều hôm mải đọc, cả tôi cũng như Hòa, đều hay bị củng đầu vô cột điện, đau như trời giáng, trán sưng u lên, tím bầm bầm, ấy vậy mà vẫn không chừa cái tật vừa đi vừa đọc truyện ở ngay giữa hè phố.
Về phần tôi, chẳng những tôi mê mẩn vì lý do câu chuyện hấp dẫn lý thú mà còn cả vì xấp giấy mới mua đầy mùi thơm quyến rũ nữa. Đó là mùi thơm của giấy, của mực in với những hàng chữ sắc nét, tinh xảo lấp lánh ánh mực nổi lên trên trang giấy nom tươi thắm  như hoa.  Tôi đã từng hít cái mùi thơm của giấy mực ấy thật lâu, với tất cả sự rung động xao xuyến khó giải nghĩa. Rồi từ sự quyến rũ ấy, tôi sinh ra cái thói quen là hay đứng ở các tiệm sách để dán mũi vào tủ kính của các hiệu sách để ngắm không chán mắt những sách mới in ra, được bầy trên những cái kệ nhỏ mà chung quanh thì toàn những thứ văn phòng phẩm mới tinh hấp dẫn khác như thước kẻ, com-pas, hộp bút chì mầu, hộp ngòi bút rông, hộp ngòi bút Mallat, tập vở, giấy mầu làm thủ công..v.v.
Tuy nhiên những thứ ấy không thể nào hấp dẫn bằng các cuốn sách mới ra. Nào là 380 Bài Tính Đố của ông Nguyễn Vạn Tòng, nào cuốn Vật Lý lớp Đệ Tam của ông Phan Thế Roanh, hoặc về tiểu thuyết thì những cuốn như Quán Gió, Cầu Sương của Ngọc Giao, Hồi Chuông Thiên Mụ của Phan Trần Chúc, Răng Đen Ai Nhuộm Cho Mình của Hà Bỉnh Trung,  Bến Nước Ngũ Bồ, Trại Tân Bồi  của Hoàng Công Khanh, Gái Hà Nội, Nước mắt đêm mưa của Nguyễn Minh Lang, Vượt Cạn của Mộng Sơn, Trên Vỉa Hè Hà Nội của Triều Đẩu, Kẽm Trống của Trúc Sỹ...v.v…cuốn nào cuốn nấy có những cái bìa đầy mầu sắc quyến rũ, đến nỗi chúng tôi chỉ cần nhìn hình bìa sách hay bìa bản nhạc là biết ai minh họa để rồi bàn tán xôn xao, so họa sĩ này với  họa sĩ kia, bởi chỉ cần nhìn nét vẽ là chúng tôi có thể phân biệt được họa sĩ Lê Trung hay họa sĩ Mạnh QuỳnhHoàng Lập Ngôn hay Tạ TỵDuy Liêm hay Phi Hùng, Mai Lân hay Thy Thy Tống Ngọc...v..v…Thế giới tưởng tượng của chúng tôi vì thế mà cũng tràn đầy mầu sắc và chan hòa cả âm thanh của những bản nhạc hùng như Khỏe Vì Nước, Anh hùng xưa, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Gò Đống Đa, Nhà Việt Nam..v.v...
Về mặt sách báo, tôi luôn thầm ước ao sau này mình cũng sẽ được là tác giả của một trong những cuốn sách còn thơm mùi mực mới. Có lần tôi hỏi Hòa:

- Sau này cậu có thích làm văn sĩ không ?
Hòa đáp ngay :
- Thích mê đi chứ lỵ.
Cu cậu lại còn phát biểu thêm:
- Tớ sẽ viết toàn chuyện kiếm hiệp, ly kỳ hơn cả Bồng Lai hiệp Khách với Kim Hồ Điệp nữa !


Tưởng cũng nên nhắc thêm rằng Kim Hồ Điệp là một nữ hiệp khách lừng danh, cứ sau mỗi lần làm một công việc nghĩa hiệp thì nàng lại gài một con Bướm mầu vàng trước khi bỏ đi để làm dấu tích, bởi Kim là vàng, Hồ Điệp tiếng chữ nho là Con Bướm mà ! Rồi “người theo bén gót” để hỗ trợ cho Kim Hồ Điệp là chàng tráng sĩ Ngọc Kỳ Lân nữa. Cả hai tạo nên những tình tiết ly kỳ làm cho lũ độc giả lau nhau như chúng tôi mê tơi, lắm khi tôi còn bỏ cả học để chui vào cầu tiêu đọc lén cho nhà khỏi thấy nữa!
Cho nên nghe Hòa phát biểu, tôi không mấy ngạc nhiên. Bệnh kiếm hiệp đã ăn sâu vào xương tủy của cu cậu rồi. Trong tập vở của hắn, tôi thấy hắn vẽ đầy những tranh kiếm hiệp hầu hết là những trận đấu kiếm giữa hai hiệp sĩ, mình mặc áo võ sinh, quần bó chẽn, đầu chít khăn, bên tai lại có gài một bông hoa nữa mới đủ bộ. Nhiều khi hứng chí, Hòa còn cho hai người phun ra kiếm quang, một bên thì phun ra ở mồm, một bên thì phóng ra từ mấy đầu ngón tay, nom rất điệu nghệ ! Như thế cũng được đi, vì dù viết thế nào mà có cứ sách in ra thì cũng là văn sĩ rồi. Một văn sĩ kiếm hiệp, có sao đâu !
Riêng về phần tôi thì tuy không thích mấy việc viết truyện kiếm hiệp, nhưng cũng chưa có một ý hướng nào rõ rệt trong đầu. Tôi thấy nếu phải chọn lựa thì Lê văn Trương với Thằng Việt Nghỉ Hè, Người Anh Cả, Trường Đời, Tôi Là Mẹ  làm tôi thích thú hơn.
 Tôi bàn với Hòa rằng muốn làm văn sĩ (dù là văn sĩ loại nào) thì trước hết phải tập viết cái đã. Chứ không viết mà lại cứ mơ làm văn sĩ thì có khác gì anh Lười ngồi ước ao lên Cung Quảng.  Thế là tôi đưa ra một đề nghị khá hay ho : hắn sẽ viết một truyện, tôi một truyện rồi hai bên trao đổi cho nhau đọc.
Mắt Hòa sáng lên một cách khoái trá. Rõ ra là tôi đã gãi đúng chỗ ngứa của hắn mà từ lâu hắn không nghĩ ra. Ừ ! Đã vẽ la liệt hình đấu kiếm trên khắp các trang vở thì tại sao lại không…viết nhỉ !! Thế là Hòa giơ cả hai tay lên, bằng lòng gấp.
Thời hạn viết mới đầu Hòa đặt ra là một tuần. Tôi nói chỉ cần ba ngày thôi ! Nhưng khi đã thỏa thuận với nhau ba ngày rồi, mà chỉ mới tới buổi học hôm sau  là trong cặp của tôi cũng như của Hòa đã có sẵn sàng một truyện để trao đổi rồi.
Truyện của tôi đầy 5 trang chữ nhỏ li ti, truyện của Hòa gần 10 trang, chữ lại còn nhỏ hơn nữa. Chắc cu cậu hẳn phải thức trắng đêm mất, chứ về phần tôi thì đêm trước tôi đã phải thức đến gần hai giờ sáng, bỏ không học bài Sử Ký, bỏ luôn hai bài toán mà thầy Huỳnh ra hôm trước.
Tác phẩm đầu tay của Hòa là một truyện có nhan đề "Tráng sĩ Áo Xanh" (rõ ràng ảnh hưởng tên truyện "Tráng sĩ Áo Lam" tức  truyện Thạch Sanh đăng trong báo Phổ Thông Bán Nguyệt San mà cả hai đứa đã đọc). Tuy nhiên về nội dung thì có khác. Hòa tả một tráng sĩ xông lên lên sào huyệt giặc (?), một mình chống cự suốt đêm với chủ tướng và lũ lâu la, cuối cùng giặc qui hàng, lại cứu thoát được một thiếu nữ con nhà quan, về sau hai người kết duyên "tần tấn" (nguyên văn).
Còn truyện của tôi thì nhan đề "Chiếc Nhẫn Mặt Ngọc", tả một thằng bé đi hốt rác, lượm được chiếc nhẫn mặt ngọc trong thùng rác liền gõ cửa chủ nhà để trả lại (truyện này về sau tôi sửa lại cho thêm phần văn chương, đem gửi nhật báo Giang Sơn của bác sĩ Hoàng Cơ Bình, được đăng không có nhuận bút, nhưng đó là ngày "vinh quang tuyệt đỉnh", có nhiều chi tiết đáng nói, xin để qua phần sau).
Đọc truyện của Hòa, tôi thấy chẳng có gì hay ho, nhưng vì cả nể nên tôi không dám nói ra. Còn Hòa thì thực thà hơn, phê phán tác phẩm của tôi  huỵch toẹt:
- Chuyện của cậu viết là chuyện phịa. Làm gì có anh hốt rác nào nhặt được cái nhẫn mà lại đem trả. Có họa nó đem ra tiệm mua bán vàng bạc thì có.
Nghe xong, tôi bỗng thấy nóng mặt, hết cả nể nang, liền phản pháo lại :
- Chuyện của cậu thì hơn gì ! Còn phịa gấp mười của tôi nữa. Giặc ở đâu ra ? Tráng sĩ nào, ở đâu? Lại còn con quan nữa chứ ! Đâu mà có thứ con gái nhà quan lại nằm sẵn trong sào huyệt giặc để cho tráng sĩ của cậu cứu ra đem về làm vợ !
Hòa cãi:
- Chuyện kiếm hiệp thì phải thế chứ. Ngày xưa khác, ngày nay khác. Viết chuyện ngày xưa thì có quyền hoang đường, còn cậu chọn chuyện xã hội ngày nay, viết hoang đường là phét lác! Thử hỏi trên đời này làm gì có anh hốt rác nghèo rớt mùng tơi, nhặt được cái nhẫn mà đem trả lại. Thế chẳng hoang đường thì là cái cóc gì ?

                    

                                         (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét