Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

BAC BA PHI ĐI THĂM MỸ ( KỲ 87)

                                                  (tiếp theo)




Hai bác già quay sang cãi nhau về cái vụ giả tưởng Trung Quốc đưa quân xâm lược Việt Nam. Cô hoạ sĩ Ban Mai cười cười :
“ Chắc chắn chẳng có cái vụ đó đâu ?”
Bác Ba Phi cao giọng :
“Cô dựa vào đâu khẳng định vậy ? Sao bảo nó lăm le cướp đất cướp biển nước ta từ lâu rồi mà ?”
Cô hoạ sĩ lắc đầu :
“ Nó chỉ lấn dần lấn dần vậy thôi, còn đưa quân sang xâm lược thì khó có chuyện đó…”
Ong hoạ sĩ phụ hoạ :
“ Cô nói đúng đó…thằng Tàu mà đưa quân sang Việt nam thì đời nào Mỹ nó chịu…loạn to ngay…”
Cô hoạ sĩ lại lắc đầu :
“ Không phải vậy. Mỹ ăn thua gì. Nó móc ngoặc chia chác với thằng Tàu mấy hồi. Hồi 1974 hải quân Trung Quốc tấn công Hoàng Sa lúc đó thuộc Việt Nam cộng hòa, hạm đội 7  ngay gần đó mà án binh bất động mặc cho thằng Trung Quốc giết hại lính Sàigòn để chiếm Hoàng Sa. Bởi vậy chớ có tin vào Mỹ.”
Chị chủ gallery gật đầu :
“ Cô nói đúng đấy . Ngay sau hiệp định Paris năm 73 Mỹ buông miền Namcho cộng sản rồi, giờ còn trông mong gì nữa…”
Cô hoạ sĩ  tán đồng :
“ Bởi vậy, Trung Quốc không xua quân sang Việt Nam không phải vì sợ Mỹ mà chính vì nó muốn gì Việt Nam cũng chiều rồi  việc quái gì phải đem quân sang xâm lược…”
Bác Ba Phi bực mình :
“ Cô nói vậy chẳng hoá ra  Đảng và Nhà nước Việt Nam cứ nhắm mắt làm ngơ cho nó cướp nước…”
Cô hoạ sĩ gật đầu :
“ Chẳng cứ gì lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà đa số cán bộ đảng viên có chức có quyền ấm chỗ cả rồi, ông nào ông ấy nhà cao cửa rộng, có vàng trong két, có tiền trong tài khoản , có con du học Mỹ chỉ muốn yên ổn hưởng thụ khối tài sản ăn cướp được của dân nên rất  sợ chiến tranh. Một mai Trung Quốc xua quân chiếm đóng thì cái tầng lớp này sẽ nằm im thít và lại chạy nháo nhào xin một xuất phò tàu cho coi.…”
Chị chủ gallery càm ràm :
“ Còn đại đa số nhân dân ?  Đời nào  dân ta chịu thằng Trung Quốc đô hộ như ngày trước ?”
Cô hoạ sĩ lắc đầu :
“ Dân mình ngày nay cũng mang nặng tâm lý cam chịu rồi. Họ bị trải qua mấy cuộc chiến tranh liên miên trong suốt nửa thế kỷ nên quá sợ con em, chồng con phải cầm súng đi đánh nhau . Người nghèo đã vậy, đến người giàu do làm ăn buôn bán cũng rất ngán chiến tranh sợ bị tàn phá hết của cải…”.
Chi chủ gallery :
“ Vậy là cả nước , tuốt tuồn tuột từ trên xuống dưới, từ vua đến quan, từ người giàu tới người nghèo đều sợ chiến tranh mặc cho thằng Tàu muốn làm gì làm trên đất nước mình sao ?”
Bác Ba Phi phản đối :
“ Làm gì có chuyện đó ? Người Việt mình từ thời cha ông vẫn có tinh thần yêu nước chống ngoại xâm. Cả ngàn năm Trung Quốc đô hộ rồi cả trăm năm thằng Pháp xâm chiếm làm thuộc địa, người Việt mình đâu có cam chịu làm nô lệ, vùng lên giành lại độc lập đó…”
Cô hoạ sĩ cười cười :
“ Cái tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân ta từ bao đời nay đã bị Đảng và Nhà nước “thiến” mất rồi. Người VN ngày nay bề ngoài có vẻ tốt mã nhưng thân phận chẳng khác gì con gà trống thiến. Bây giờ ai biểu lộ lòng yêu nước chống ngoại xâm coi, bị bắt liền.”
Chị chủ gallery kêu lên :
“ Sao lạ thế ? Yêu nước chống ngoại xâm mà lại bị bắt sao ?”
Cô hoạ sĩ :
“ Thì chị cứ thử về Việt Nam tới trước cổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Sàigòn giương biểu ngữ “Hoàng Sa-Trường Sa” là của Việt Namcoi”. Công an bắt chị liền. Bởi vậy ngày nay tốt nhất là thôi cứ mặc kệ mấy ông Đảng và Nhà nước muốn làm gì  làm, mình cứ làm việc của mình sao cho gia đình vợ con sống sung sướng là được rồi. Sự thực  hiện nay chín mươi chín phần trăm văn nghệ sĩ trí thức Việt Namlựa chọn cách sống như vậy. Họ cũng bức xúc trước việc Trung Quốc lấn chiếm hải đảo, bắn giết ngư dân hoặc khai thác bauxite Tây Nguyên nhưng đành ngó lơ, ngậm miệng cầu an…”
Ong hoạ sĩ già cười khẩy :
“ Cả cô cũng vậy à ?”
Cô hoạ sĩ điềm nhiên :
“ Thì còn con đường nào khác nữa đâu. Cả làng mắt toét riêng mình ai đâu. Cháu cũng như mọi người trong nước thôi….”
Ong hoạ sĩ già :
“ Thế còn Lê thị Công Nhân, Phương Uyên, Đỗ thị Bích Hạnh…còn bao nhiêu người khác nữa thì sao ?”
Cô hoạ sĩ lắc đầu :
“ Chịu thôi, chịu thôi, cháu sợ ở tù lắm. Ở tù vừa khổ sở, vừa mất tự do và cái chính là không còn vẽ được gì nữa. Mà rồi được cái gì ? Chẳng được cái gì hết. Đảng và Nhà nước chắc chắn không bao giờ bị sụp đổ bởi các nhà hoạt động dân chủ đâu. Cháu kính trọng Lê thị Công Nhân, Phương Uyên và những người hoạt động dân chủ khác nhưng bảo cháu theo họ thì không, cháu chẳng dại…”
Cô hoạ sĩ nói rất hăng hái mà mặt cứ ráo hoảnh. Thậm chí cô còn tỏ ra khoái chí vì mình thức thời đã tỉnh ngộ để chọn lối sống hiện nay. Kể ra lập luận của cô cũng có chút có lý. Một đằng cứ bưng tai nhắm mắt, làm lơ trước hiện tình đất nước thì cô vẫn còn vẽ tranh, bán được nhiều tiền, đi đây đi đó, sắm xe cộ, xây biệt thự, sung sướng một đời. Một đằng dấn thân vào những hoạt động đòi dân chủ đa nguyên hoặc chống Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ thì tù giam là cái chắc mà cũng chẳng làm suy suyển được chế độ, cũng chẳng thay đổi được tình hình.
Ý kiến của cô hoạ sĩ Ban Mai tưởng như chẳng ai còn cãi được. Ong hoạ sĩ già im lặng đồng tình, chị chủ gallery còn phụ hoạ :
“ Kể ra cô Ban Mai cũng có lý . Chính các cụ ta ngày xưa cũng có triết lý theo thời mà. “Gặp thời thế thế thời phải thế “ thôi. Còn biết làm sao ?  Có thể tinh thần yêu nước vẫn còn đấy , nhưng cất giữ cho kín ở trong lòng thôi, hở ra là tù tội vô ích…”
Cô hoạ sĩ Ban Mai hớn hở :
“ Cô nói đúng đấy. Cứ tập trung vào làm ăn kiếm sống thôi, mọi việc cứ mặc kệ Đảng và Nhà nước lo, tới đâu thì tới…”
Thật bất ngờ bác Ba Phi lại lên tiếng phản đối :
“ Cô nói tới đâu thì tới. Thế tới chỗ mất nước vào tay thằng Trung Quốc để rồi  nó lại đô hộ mình mà vẫn ăn no ngủ kỹ, mũ ni che tai chăng ? Tôi sợ rằng tới cái lúc đó thằng Tàu liệu có chịu để cho cô yên mà vẽ tranh bán kiếm tiền không ?”
Cô hoạ sĩ Ban Mai đang sôi nổi , hăng hái với quan niệm “mackeno” của mình, bất chợt bị bác Ba Phi như tạt bát nước vào nhiệt tình của cô, cô bực mình :
“ Yên chứ sao không yên ? Thằng Trung Quốc có xâm lược nước mình đi nữa thì nó cũng chỉ cướp bóc tài nguyên và biến nước ta thành một tỉnh của nó như Quảng Đông , Quảng Tây thôi , nếu không chống lại  thì nó ghét bỏ, hành hạ mình làm gì ?”
Bác Ba Phi cũng không vừa :
“ Thế lúc đó cô có còn là người  Việt Nam nữa không ?”
Cô hoạ sĩ tỉnh bơ :
“ Là người Việt Nam hay là người Trung Quốc thì có khác gì nhau. Sang thời đại hội nhập toàn cầu này một người có thể có tới mấy quốc tịch ấy chứ ? Cái chính là phải thức thời lựa chọn quốc tịch nào  cho mình còn sống thoải mái được và sáng tác được…”
Bác Ba Phi nóng mắt :
“ Vậy mà tự xưng trí thức văn nghệ sĩ ấy à ?”

                                                                   (còn tiếp)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét