(tiếp theo)
Phần thứ hai :
HÀNH TRÌNH CHỮ NGHĨA
Qua những chặng đường “Nhận Thức”
****
Thời điểm 1985 : Sinh hoạt Văn hóa
ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn
MỘT SUY NGHĨ CỦA
NGƯỜI CẦM BÚT LƯU VONG
( Phát biểu trong dịp ra mắt tác phẩm “MỘT THỜI ĐANG QUA” của Nhật Tiến và tập nhạc THẤM THOẮT 10 NĂM của Phạm Duy do Tạp chí Xác Định, Hội Văn Hóa VN tại Bắc Mỹ và Tủ sách Cành Nam tổ chức tại Washington DC ngày 11-10-1985)
Kính thưa toàn thể quý vị,
Tôi rất lấy làm vinh dự lần đầu tiên được ra mắt quý vị tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn trong một buổi sinh hoạt mang nhiều ý nghĩa văn hóa như buổi tổ chức ngày hôm nay.
Trong suốt cuộc đời gần 30 năm cầm bút, đây là lần đầu tiên tôi tham gia công việc tổ chức ra mắt cho một tác phẩm của chính mình. Điều này đối với một tác giả đương nhiên là một sự kiện đầy cảm hứng, khích lệ và vô cùng đáng ghi nhớ, nhưng thực ra, cái ý nghĩa hệ trọng đáng nói hơn cả, chính là ở mục tiêu cao đẹp mà nhóm chủ trương bao gồm Tạp chí Xác Định, Hội Văn Hóa VN tại Bắc Mỹ và Tủ sách Cành Nam đang nỗ lực thực hiện mà buổi tổ chức hôm nay coi như cuộc thử nghiệm khởi đầu.
Trong lá thư ngỏ đã được phổ biến ở ngay trang đầu mỗi tác phẩm ra mắt ngày hôm nay, nhóm Chủ trương đã nêu nhận định : “Viết đã đòi hòi nhiều nghị lực, bỏ tiền túi ra in lấy thì thực là một việc làm quá đáng, đó là chưa kể việc phân phối đang đặt ra những trở ngại tưởng như không thể giải quyết được.”
Nêu lên được thực trạng này, quả thật Nhóm Chủ trương đã cảm thông được một cách sâu xa những nỗi khó khăn chật vật của giới cầm bút kể từ lúc cặm cụi ngồi sáng tác cho đến khi đánh máy lấy bản thảo, chạy tiền in và lo phân phối tác phẩm của mình như tôi đã được biết những trường hợp của Hà Thúc Sinh với Đại Học Máu, Phạm Quốc Bảo với Cùm Đỏ, Đời Từng Mảnh, Trần Diệu Hằng với Vũ Điệu Của Loài Công, Nguyễn Bá Trạc với Ngọn Cỏ Bồng, Tưởng Năng Tiến, Võ Hoàng với Măng Đầu Mùa, Trong Lòng Cách Mạng và còn bao nhiêu nhà văn, nhà thơ khác không thể kể hết ra như Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp, Đức Chính, Đỗ Quốc Anh Thư, Nguyễn Đức Bạt Ngàn..v..v..
Cho nên kêu gọi thân hữu góp vốn để ấn hành các tác phẩm của những tác giả không có khả năng tài chánh để tự lo liệu là một sáng kiến hết sức kịp thời và rất đáng được cổ võ. Có thể nói, đây lại cũng là lần đầu tiên ở hải ngoại, một nhóm chủ trương đã được hình thành để hỗ trợ cho công cuộc bảo vệ và phát huy văn hóa có tính cách liên hệ rất trực tiếp đến sinh hoạt của giới cầm bút.
Điều này, tôi hy vọng sẽ mở ra được một hoàn cảnh thuận lợi mới để cho Văn Học Nghệ Thuật ở hải ngoại có cơ hội phát triển. Người viết có cơ may khỏi bận tâm gì đến việc ấn loát, phát hành. Người đọc có cơ may được cung ứng thêm những tác phẩm có giá trị về mặt nội dung thông qua sự tuyển chọn của Nhóm chủ trương điều hành.
Như thế, nếu sinh hoạt văn học nghệ thuật từ nhiều năm qua có những điều được ghi nhận là bế tắc, thì nay một trong những lãnh vực bế tắc ấy đã có chiều hướng được khai thông nếu như sáng kiến của Nhóm Chủ Trương được sự tiếp tay nồng nhiệt của toàn thể đồng bào.
Vấn đề còn lại phải được nêu ra là về phía người cầm bút cần nghĩ gì và viết gì để đáp ứng nhu cầu văn hóa đích thực trong hoàn cảnh hiện nay.
Tôi muốn nhân cơ hội này xin được bày tỏ trước quý vị một vài điều suy nghĩ của mình với lòng mong ước được quý vị và đặc biệt là các anh chị em trong giới cầm bút sẽ góp phần soi sáng, bổ túc thêm ngõ hầu toàn thể chúng ta khai mở được một chiều hướng nhận thức mới vào sinh hoạt văn học nghệ thuật vốn đang còn trì trệ , dậm chân tại chỗ như hiện nay.
***
Thưa quý vị, nói đến sinh hoạt văn học nghệ thuật là nói đến sự TỰ DO. Vì thiếu tự do ở trong nước nên hàng triệu người đã bỏ nước ra đi, trong đó có rất đông anh chị em cầm bút.
Trong một lá thư gửi ra từ quốc nội, một văn hữu có hỏi tôi một câu ngụ ý rằng “ở hải ngoại, các anh đã thực sự có tự do cầm bút hay không ?”
Tôi không thể dài dòng trả lời câu hỏi này vì lý do thư từ qua lại tế nhị, nhưng thực sự tôi đã tìm ra lời giải đáp một cách dễ dàng. Đó là sau năm năm trời sống ở nước ngoài, trải qua những buổi sinh hoạt, những cuộc gặp gỡ tiếp xúc, những lần trao đổi góp ý và cả sự được đọc những bài viết đăng rải rác trên nhiều mặt báo, tôi thấy rõ người cầm bút ở đây chưa thực sự có tự do cầm bút.
Tôi không thể diễn tả một cách cụ thể những hình thức gò bó nào đã giới hạn ngòi bút của những người lưu vong, nhưng tôi cảm nhận được những sự giới hạn ấy nằm ở trong nhiều lãnh vực: Những thành kiến cố hữu, những quan điểm chính trị cực đoan, một chiều, những đầu óc bè phái, chia rẽ, những thái độ nhút nhát, thiếu can đảm, sợ hãi trước những thủ đoạn bôi nhọ, chụp mũ và sâu xa hơn cả là ở sự thiếu sót một cái nhìn sáng suốt và toàn diện những diễn biến về mặt tâm thức của tuyệt đại đa số đồng bào còn nằm trong gông cùm cộng sản ở quê nhà.
Những sự kiện vừa kể đã mặc nhiên dựng lên trong sinh hoạt văn học nghệ thuật ỏ hải ngoại những hàng rào, những hố ngăn cách, những con đường mòn hay những ngõ cụt, nó khiến cho sinh hoạt văn hóa, ít ra là ở lãnh vực sáng tạo, mang một bộ mặt nghèo nàn, phân hóa và hầu như có một tính chất đồng dạng là ở chỗ tự mãn, ủy mị với quá khứ, nhởn nhơ, ù lì trong hiện tại và mờ mịt thiếu cảnh giác trước mhững bước đi của lịch sử trong tương lai.
Trong lời tựa của cuốn Đạo trường Ngâm, một tác phẩm đã được nhóm Nhân Chủ Học Xã cho tái bản gần đây, tác giả Thái Dịch Lý Đông A đã viết rằng : “ Tin thờ lý tưởng đang tranh đấu đâu phải “mắt mù”, “mặt cúi”. Nhà làm văn nghệ không thể làm tiếng “chó sủa” đồng thời không thể làm đồ đùa cho cho giai cấp độc quyền “ (Đạo Trường Ngâm, thay lời tựa, trang 5).
Vì không thể mắt mù, mặt cúi và vì không thể là tiếng chó sủa hay đồ đùa cho giai cấp độc quyền nên tất cả anh chị em văn nghệ sĩ ở miền Nam cũ đều đã quẳng bút khẳng khái chấp nhận kéo dài một đời ảm đạm nơi quê nhà, sinh sống bằng đủ loại nghề nhưng không phải là cầm bút ca ngợi chế độ.
Một số đông anh chị em khác đã bỏ nước ra đi. Nhưng sự ra đi ấy chỉ có nghĩa khi người làm văn nghệ không tự biến thành mõ chợ hay nhởn nhơ quay về tiếc nuối quá khứ tưởng là vàng son nhưng thực chất vẫn là một xã hội còn tham nhũng, bất công, và nhiều người vẫn còn khốn khổ vì đất nước đang trong thời chiến. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận quá khứ. Chẳng có điều gì trong quá khứ, dù hay hoặc dở lại không giúp cho chúng ta rút ra được một điều gì để học hỏi. Cho nên tôi khẳng định rằng người cầm bút phải từ những đau thương của quá khứ mà vươn lên. Cả vinh quang cũng như tủi nhục xuất phát từ quá khứ đều là những hành trang tốt cho con người sáng tạo, hành trang được sử dụng như một thứ dấn thân vào con đường tiếp nối trước mặt chứ không phải một dãy sự kiện cồng kềnh cột chân con người tại chỗ để rồi chính họ tự chôn mình trong những đắm đuối, dễ dàng của một thời đã trôi hoàn toàn vào quá khứ.
Một số đông anh chị em khác đã bỏ nước ra đi. Nhưng sự ra đi ấy chỉ có nghĩa khi người làm văn nghệ không tự biến thành mõ chợ hay nhởn nhơ quay về tiếc nuối quá khứ tưởng là vàng son nhưng thực chất vẫn là một xã hội còn tham nhũng, bất công, và nhiều người vẫn còn khốn khổ vì đất nước đang trong thời chiến. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận quá khứ. Chẳng có điều gì trong quá khứ, dù hay hoặc dở lại không giúp cho chúng ta rút ra được một điều gì để học hỏi. Cho nên tôi khẳng định rằng người cầm bút phải từ những đau thương của quá khứ mà vươn lên. Cả vinh quang cũng như tủi nhục xuất phát từ quá khứ đều là những hành trang tốt cho con người sáng tạo, hành trang được sử dụng như một thứ dấn thân vào con đường tiếp nối trước mặt chứ không phải một dãy sự kiện cồng kềnh cột chân con người tại chỗ để rồi chính họ tự chôn mình trong những đắm đuối, dễ dàng của một thời đã trôi hoàn toàn vào quá khứ.
Thêm vào đó, ít ra con người sáng tạo phải thấy rõ những diễn biến về mặt tâm thức của tuyệt đại đa số đồng bào còn đang lầm than ở quê nhà.
Cái tâm thức đó không còn là tâm thức của những con người thuộc ngày tháng trước khi miền Nam sụp đổ.
Cái tâm thức đó cũng không còn là của riêng đồng bào ở miền Nam , phía bên này của vĩ tuyến 17.
Cuộc cưỡng chiếm của CS tại miền Nam sau 1975 đã đem lại cho quê hương VN ít ra là hai yếu tố mới :
Một là : sự giao thông đi lại giữa hai miền Nam, Bắc đã soi sáng một vấn đề mà trước đó ít ai nhận ra : đó là tuyệt đại đa số nhân dân miền Bắc dù đã bị nhào nặn trong lò cừ của chế độ XHCN nhưng con người đích thực của họ vẫn còn tồn tại, sự tồn tại trong cái thế phải co rút vào cái vỏ dối trá, diễn kịch, nói một đàng nói một nẻo vì lý do phải tự bảo vệ để tồn tại trước những đàn áp của bạo lực. Điều đó có nghĩa là dù bị cộng sản nhồi nhét chủ nghĩa cách nào thì tâm thức con người miền Bắc vẫn chỉ là tâm thức của một tầng lớp bị trị, và cho dù CS chủ trương xóa bỏ giai cấp nhưng thực tế vẫn chỉ là dựng lên một giai cấp mới, giai cấp mà tính quan liêu, bóc lột cũng không khác gì cái thứ trước đây họ đã diễn tả để hô hào xóa bỏ.
Hai là : Sau hơn 10 năm sinh hoạt dưới chế độ CS, dù muốn dù không, hầu hết đồng bào miền Nam cũng đã bị lôi cuốn vào guồng máy của xã hội CS. Điều này có nghĩa là hiện nay ở quê nhà đã có không thiếu gì anh chị em ta, con cháu ta, đồng bào ta đã hoặc đang trở thành những cán bộ, những đoàn viên, những công nhân viên, thậm chí cả những bộ đội đi xâm chiếm Lào và Kampuchea đối với những tầng lớp trẻ ở vào tuổi phải đi “nghĩa vụ quân sự”.
Đó là chưa kể tới thế hệ mầm non, ra đời vào năm 1975, nay đã ở tuổi lên 10, không biết quá khứ là gì và thực sự đã bị nhào nặn từ thuở bé trong guồng máy nhồi nhét về giáo dục hay văn hóa của CS.
Như thế, chống Cộng là một khẩu hiệu giản dị, nhưng tìm ra được một đối tượng đích thực để tiêu diệt sẽ không phải là một điều dễ dãi.
Có một vị nữ ca sĩ nổi tiếng đã có lần tuyên bố với báo chí ở Úc châu rằng “Ước gì tôi có phép, tôi sẽ giết hết người cộng sản”. Câu nói có vẻ mang một lập trường chống Cộng vững chắc, nhưng đi sâu vào vấn đề, những loại cán bộ, đoàn viên, công nhân viên, bộ đội như tôi vừa kể có phải là những loại người đáng giết hết hay không, thì câu trả lời hẳn sẽ gây ra những điều khó khăn, phúc tạp hơn nhiều.
Nêu lên cùng quy vị những nhận thức như thế, tôi muốn bầy tỏ một điều suy nhgĩ rằng, sau 10 năm trời của sự sụp đổ đất nước, mọi vấn đề nhận thức đều cũng theo đó mà thay đổi. Nếu đem tâm tình của một con người chống Cộng cực đoan trước năm 1975 áp dụng vào thời điểm này hẳn sẽ có những điều trục trặc, bất ổn. Nó chẳng những giới hạn khả năng đấu tranh của những người Quốc Gia tự do mà còn gián tiếp ngăn cản con đường trở về với đại gia đình dân tộc đối với một tập thể đông đảo nhân sự, trong đó bao gồm cả những con người đã từng có thời gian chiến đấu trong hàng ngũ CS, nay đã bừng tỉnh nhưng chưa có cơ hội nói lên tiếng nói đích thực của mình.
Văn hóa, trong hoàn cảnh đó, không thể chỉ là cái khuôn để chỉ những người cùng một phe chui lọt mà phải là tấm gương trong sáng của dân tộc, ở đó ai cũng soi thấy vị trí của mình và thấy con đường sinh lộ duy nhất mà mình phải đi để đem quê hương ra khỏi cảnh lầm than, cơ cực.
Trên cơ sở nhận thức đó, tôi chủ trương rằng người cầm bút chống lại chế độ Cộng Sản nhưng không loại trừ toàn thể những con người đang sống trong chế độ Cộng sản. Mặc dầu quá khứ của họ là gì, xuất thân từ miền Bắc hay miền Nam, nhưng một khi đã nhận chân được nhu cầu phải tiêu diệt cơ chế tổ chức xã hội theo kiểu Cộng sản để xây dựng một quốc gia có ý thức nhân bản mới thì họ chẳng thể chỉ được coi như một kẻ chiêu hồi, đầy mặc cảm mà hơn thế, họ chính là những kẻ đồng hành, sát cánh cùng chúng ta đi xây dựng một quê hương mới.
Tôi luôn luôn tin tưởng rằng trong cuộc sụp đổ của chế độ CS sẽ xẩy ra chắc chắn trong tương lai, thì nỗ lực chính yếu phải là những con người đang ngụp lặn lầm than nơi quê nhà, những con người đã nhìn ra thân phận bị trị của mình và đang nuôi dưỡng một tinh thần quật khởi, vùng lên.
Một bằng chứng cụ thể gần đây nhất là tâm tình sắt son của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện với tác phẩm đầy máu và nước mắt trong suốt hơn hai mươi năm lăn lộn ở chốn lao tù.
Trước đó, bản Tuyên Ngôn của Nhóm Văn Nghệ Chân Đất được phổ biến vào ngày 30-4-1979 tại Paris, do một nhà văn miền Bắc vượt thoát từ Hà Nội mang đi đã mang chữ ký của 14 nhà văn, nhà thơ với đầy đủ tên tuổi và địa chỉ , sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả , bởi vì theo họ : “ Chúng tôi đã khổ quá rồi, không còn có thể khổ hơn nữa. Ở trong hay ngoài nhà tù cũng thế thôi.”
(Ghi chú : Nhà văn này là Diệu Tô Minh làm việc ở Đài Phát thanh Tiếng Nói Việt Nam, vượt biên và công bố trước một tòa án nhân quyền ở Paris bản “Tuyên ngôn của nhóm Văn Nghệ Chân đất” và tài liệu “ Một nền thơ ly khai chủ nghĩa xã hội ở Hà Nội”)
Trong bản Tuyên Ngôn này, những văn nghệ sĩ can đảm ở miền Bắc đã dõng dạc tuyên bố với thế giới rằng :
“ Chúng tôi kêu gọi những người cầm bút lâu năm, những văn nghệ sĩ trí thức, những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi và có nhân cách vốn đã từng là những bó đuốc dẫn đường cho chúng tôi. Hãy theo đúng tinh thần nghệ thuật, đứng lên trên những thành kiến và tín điều đang vây bọc và che phủ chúng ta. Hãy lên tiếng ủng hộ chúng tôi, hỗ trợ chúng tôi để cùng nhau nối tiếp và phát huy truyền thống của nền văn hóa 4,000 năm.
Hãy cùng chúng tôi vượt qua những hình thức nô lệ và bỉ ổi vốn đã từ lâu gò ép chúng ta trong mỗi sáng tác phẩm. Làm chúng ta cùn mòn trong suy tư và nghèo nàn trong sáng tác.
Chúng tôi cảnh cáo những mưu toan lố bịch nhằm biến nền văn hóa thành công cụ riêng của một tín ngưỡng. Hãy trở về với TỰ DO, hỡi những người cầm bút !”
(trích Tuyên Ngôn của Nhóm Văn Nghệ Chân Đất)
Thưa quý vị, tiếng kêu trầm thống đó của những nhà văn, nhà thơ miền Bắc tưởng sẽ tạo nên ảnh hưởng sôi nổi trong sinh hoạt văn học nghệ thuật lưu vong ở hải ngoại, nhưng tiếc thay trong thực tế, nó đã không gây được một biến động nhỏ nhoi nào. Là một người cầm bút, tôi thực tình lấy làm hổ thẹn vì sự thờ ơ đó trong giới của mình, ngoại trừ sự cố gắng của nhóm Quê Mẹ của nhà thơ Thi Vũ Võ văn Ái ở Pháp cùng một thiểu số các bài báo khác.
Nhưng dù bản Tuyên Ngôn của Nhóm Văn Nghệ Chân Đất có được tiếp đón cách nào, thì vấn đề tâm thức của dân tộc vẫn còn nguyên vẹn ở đó.
Đây là một trong những bằng cớ hiển nhiên, cụ thể cho thấy rằng dù con người sinh sống ở miền nào trên quê hương và bị nhào nặn cách nào, thì cuối cùng ai cũng sẽ nhận ra được thân phận bị trị của mình để nuôi dưỡng một lý tưởng quật khởi,vùng lên.
Hiện nay đã có rất nhiều người ở quê nhà có được cái tâm thức đó.
Đối với những người khác, nếu chưa có cơ hội nhận thức ra thì chính vai trò của văn học nghệ thuật là phải góp phần khai mở cho những sự bừng tỉnh kể trên được lan tràn. Nói khác đi, chúng ta không những chỉ chống Cộng giữa chúng ta với nhau mà còn phải góp phần lay chuyển cái thành trì tâm thức của toàn thể mọi người đang bị bạo lực CS vây hãm ở quê nhà hiện nay.
Để thực hiện mục tiêu đó, tôi tin tưởng rằng không có loại võ khí nào sắc bén hơn là công tác văn hóa. Văn hóa, do đó không thể vùi giập con người dưới những lằn roi của sự cực đoan, một chiều mà trái lại phải nâng cao giá trị của con người, vạch rõ thực trạng đớn đau, tủi nhục để trang bị cho con người một nhận thúc mới, ở đó con người nhìn ra thân phận bị trị của mình, biết phẫn nộ trước sự phi lý về nông nỗi con người đã bị khai thác triền miên trong bao nhiêu năm ròng bởi một thiểu số đầy tham vọng và quyền lực mà không biết đứng dậy làm một cuộc cách mạng giải phóng chính mình.
Trên cơ sở đó, văn hóa đòi hỏi mỗi người làm công tác văn hóa phải có môt cái nhìn mới,biết rõ mình đang ở đâu và cần thiết phải làm gì. Để thực hiện được điều đó, người làm văn hóa ít ra là phải có một sự can đảm. Sự can đảm trước hết là phải biết khước từ những sinh hosạt dễ dãi, biết chọn lựa để từ chối những đề tài sáng tạo chỉ có tác dụng ru ngủ chính mình trong một cái nôi vị kỷ, chật hẹp và sự can đảm sẵn sàng nhận lãnh những búa rìu có thể sẽ đến từ nhiều phía khi khởi sự đụng vào bức tường kiên cố của những cực đoan chính trị hay những cơn nung nấu của lòng hận thù. Và tối thiểu, đến ngay cả sự nhận thức là mình chưa có tự do cũng đã ngại ngùng không dám nói đến.
Đã hơn 10 năm trôi qua, người cầm bút lưu vong tuy đã nói lên được rất nhiều thực trạng của quê hương, nhưng chưa bao giờ họ có tự do để nói hết.
Không như ở quê nhà, sự tự do bị triệt tiêu bởi guồng máy cai trị chuyên sử dụng bạo lực để đàn áp, nhưng ở hải ngoại, ai cũng có thể viết lên những điều gì mìnhh muốn viết, chỉ trừ khi chính mình tự giới hạn lấy mình bởi sự lười biếng suy nghĩ hay e ngại những hàng rào thành kiến vây quanh, sự bao che, bè phái hay sự tâng bốc, thù tạc.
Cho nên đã tới lúc người cầm bút lưu vong phải tự giải phóng chính mình để tìm lại chân trời tự do sáng tạo ngõ hầu có thể cung ứng những tác phẩm đáp ứng với nhu cầu của quê hương, đất nước hiện tại. Tôi vẫn hằng tin tưởng rằng đồng bào ở quê nhà , và đặc biệt là những anh chị em cầm bút ở miền Bắc hay miền Nam, dù đang ở bên lề xã hội hay vẫn còn bị ràng buộc trong một cương vị nào đó của guồng máy xã hội, thì thâm tâm của mọi người vẫn hướng về những người có may mắn ra đi với một tấm lòng kỳ vọng. Tấm lòng kỳ vọng đó, sau 10 năm mòn mỏi đợi chờ, có được chúng ta đáp ứng hay không, điều này xin để tùy thuộc câu trả lời của từng người,
Tôi chỉ xin mạo muội nêu lên vài ý tưởng có tính cách gợi ý. Rất mong những điều phát biểu của tôi sẽ còn được đồng hương, các anh chị em cầm bút soi sáng thêm để vấn đề nêu ra còn được làm cho sáng tỏ hơn nữa.
NHẬT TIẾN Tháng 10-1985
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét