Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

HÀ NỘI "HỒI ẤY" (38)

                                                    
                       (tiếp theo)

Tôi rụt rè :
-                     Chắc nó buồn chưa mở được cái bệnh viện tư đó thôi.
Nàng “ ngựa vía” trợn mắt :
-                     Mở làm gì, nội quán cà phê này cũng thừa nuôi anh ấy rồi. Vả lại lười chảy thây như nhà em mở sao được bệnh viện tư ?
Tôi chịu thua, đành hứa với nàng sẽ hỏi hắn xem sung sướng thế còn buồn cái nỗi gì. Trịnh đã quay trở lại sau khi chỉ huy các cô bán quán khiêng cây đá bỏ thùng. Lúc còn lại có tôi với hắn, tôi hỏi :
-                     Vợ mày muốn biết tại sao mày buồn ?
Trịnh nổi cáu :
-                     Cô ta điên rồi. Cái gì cũng muốn biết. Tao cười nó cũng hỏi “ lại nghĩ tới cô nào phải không ?”, tao im, nó lại vặn : “ Nhớ vợ cũ hay sao đực mặt ra thế kia ?”. Trời ơi, lúc nào tao cũng có cảm giác nó kiểm soát cả nhịp tim lẫn huyết áp mình, mẹ kiếp.
Tôi cười an ủi :
- Chẳng qua tại nàng quá yêu mày.
-Yêu cái… cục cứt, nó chỉ muốn sở hữu tao như sở hữu cái xe đạp, cái máy khâu vậy thôi. Mày biết không, vì cô ta mang bầu tao mới đành cam chịu, nếu không tao trốn lâu rồi…
Vừa nói hắn vừa liếc xéo về phía nàng “ ngựa vía” đang ngồi thu tiền, vẻ mặt hắn mỗi lúc thêm căng thẳng, tôi đành rủ hắn đi quán “ nghệ sĩ” làm vài chén rượu trò chuyện cho thoải mái. Trịnh sáng mắt lên, nhìn quanh rồi lắc đầu:
-Thôi để khi khác, đang đông khách quá bỏ đi không tiện.
Tôi đứng dậy, bâng khuâng như sắp từ biệt bạn đi xa, Trịnh đưa tôi ra tận ngoài đường, ngập ngừng :
-Đành hy sinh cái nhỏ để làm việc lớn vậy.
Tôi không tin vào tai nữa, há miệng:
-Làm việc lớn ?
Trịnh thì thào :
-Đúng… tao sẽ… vẽ mày ạ. Thằng họa sĩ Ngời bảo tao rất có năng khiếu hội họa mới chết chớ.
Suýt nữa tôi phá ra cười nhưng rồi lại thấy thương bạn nên gật gật :
-Ừ, mày cứ thử coi, may ra thành… Bùi Xuân Phái đấy.
-Phái thì ăn thua gì, tao sẽ chỉ chuyên vẽ khoả thân thôi. Mày biết không, tao có lợi thế là bác sĩ am hiểu cơ thể học gấp mười bọn thằng Ngời, lại sẵn có … vợ tao làm người mẫu.
-Phải đấy, chỉ riêng cô ta cũng đủ cho mày vẽ được cả một nhà bảo tàng.
Lần này tôi không nhịn được nữa, đành cười ha hả làm Trịnh nóng mắt :
-Mày cười cái gì ?
Rất may nếu không có tiếng vợ gọi lanh lảnh từ trong quán hắn đã nuốt sống tôi rồi. Tôi phóng xe thục mạng qua các phố tối tăm, ướt át, cảm giác như tất cả các cửa sổ sáng đèn kia đều ngoác miệng cười theo. Một con chó hoang ốm nhách chạy qua đường, tôi đâm sầm vào nó, ngã bổ chửng càng tăng thêm nỗi hài hứơc đang bò ngang dọc khắp đường gân thớ thịt và tôi cứ nằm ngửa ra trên phố cười sằng sặc. Một đám trẻ con chẳng biết từ đâu ùa tới :
-Người điên, chúng mày ơi ra xem người điên…
-Không phải, say rượu đấy. Đ. mẹ thằng say, ném đá bỏ mẹ nó đi…
Tôi hoảng hồn, vội kêu to :
-Ấy chớ, chớ ném… chú không say và cũng không điên đâu. Cười vui tí thôi…
Đám trẻ con cười rúm vào nhau, một thằng lộc ngộc nhất bọn hét lên :
-Không điên sao cười, mặc kệ, cứ đánh bỏ mẹ nó đi.
May thay lúc đó có chiếc xe con bóp còi inh ỏi làm bọn trẻ chạy hết lên hè, nhân đó tôi nhảy lên xe cắm đầu đạp đến quán “ nghệ sĩ” của bà Dậu uống vài chén rượu !
-Hồi này cậu Trịnh đi đâu không thấy ?
Bà Dậu vồn vã hỏi và khác với mọi ngày bà không giở sổ nợ ra coi mà trỏ vào bàn trong :
-Có cô nào tìm cậu mấy tối nay… cô ấy đang ngồi chờ đấy.
Tôi suýt bật ngửa nhận ra Ánh Tuyết đang ngồi trước cút rượu đã vơi một nửa, mặt lầm lì, mắt tối, đầy giận hờn. Tôi ngồi ghé bên nghe nàng tức tối kể lể :
-Anh đi đâu mất mặt cả tuần ? Cửa nhà lúc nào cũng khoá im ỉm, ghé cơ quan tìm chẳng ai biết anh đi đâu, em đành phải chờ đây cả tiếng đồng hồ…
Tôi tròn mắt, nàng làm như tôi đã là… chồng của nàng để tha hồ mắng mỏ không bằng, vậy nhưng cũng đành ngồi trơ mặt nghe chứ biết làm sao ? Sau cùng có lẽ vẻ ảo não của tôi làm nàng thấy quát tháo thế đủ rồi nên dịu giọng :
-Thôi anh uống đi, mấy hôm em đi chợ mua thịt để sẵn trong tủ lạnh chờ anh tới mà cứ ngóng ra ngóng vào chẳng thấy đâu.
Tôi lúng túng :
-Nhưng… anh có hẹn em đâu.
-Lại còn phải hẹn mới tới hả ?
Nàng cau mặt, phủi phủi cho tôi cái vai áo bị lấm lúc ngã xe, lúc túi ra lá thư :
-Anh đọc đi, bố em gửi lại cho anh đấy…
Ông nguyên đại tá viết rằng vì nợ nần quá nhiều, không muốn để luỵ đến con gái nên ông quyết chí ra đi thật xa, xa tới mức chớ có tìm ông làm gì uổng công, có thể ông sẽ chết nơi chân trời góc biển, có thể ông sẽ trở về nếu ông kiếm được bạc triệu, có điều trên đời này ông chỉ tin tưởng duy nhất một người là tôi để gửi gắm con gái cho ông yên tâm ra đi… “ Ngày xưa đã một lần anh giúp đỡ tôi trong họan nạn, ơn đó tuy không trả được nhưng tôi chẳng bao giờ quên, còn lần này… tôi tin rằng anh không cố chấp, bỏ qua cho Ánh Tuyết sự nông nổi nhẹ dạ trước đây, về chung sống với nó thì dẫu có chết bờ chết bụi tôi cũng ngậm cười nơi chín suối…” chưa đọc hết lá thư dài dằng dặc, tôi đã kêu to :
-Bố em bỏ đi hôm nào ? Sao không báo ngay cho anh để ngăn lại ?
Nàng Anh Tuyết rơm rớm nước mắt :
-Thì em đã bảo tìm anh hụt hơi mà. Ông ấy đi cả tuần nay, em cũng có được gặp đâu, về thấy thư để lại trên bàn, bố em cũng viết cho em nữa, dặn đừng tìm vô ích, mọi công nợ ai tới đòi cứ nói ông ấy mất tích rồi, giỏi cứ đi trình cảnh sát, em chẳng có dính dáng gì hết… Tôi buông lá thư trên bàn, thẫn thờ :
-Giờ em tính sao ?
Nàng bật khóc :
-Em chẳng biết thế nào… em chỉ muốn chết quách cho xong…
-Ấy chết, đừng nghĩ quẩn…
Tôi cuống quýt can ngăn và van nài nàng cứ bình tĩnh, từ từ rồi tôi liệu. Nàng lấy khăn lau nước mắt, rút túi ra cái gói nhỏ :
-Đây này, em đã mua sẵn liều thuốc ngủ rồi đây. Em định đưa cho anh lá thư rồi đêm nay về em sẽ uống…
Tôi giật gói thuốc, vứt ra ngoài cửa sổ rồi chợt nghĩ làm thế cũng chẳng ăn thua, nếu nàng đã quyết chết thì thiếu gì cách, cứ gì phải dùng thuốc ngủ, bởi thế có lẽ tôi phải đưa Ánh Tuyết về canh giữ, kẻo nàng lại nghĩ quẩn nữa. Thoạt đầu nàng từ chối, nàng bảo không muốn phiền, tuy nhiên ra khỏi quán bà Dậu, nàng vẫn leo lên xe để tôi chở nàng về.
Dọc đường nàng cứ gục đầu vào lưng tôi khóc tấm tức khiến tôi càng lo, không , không thể để nàng một mình trong cảnh ngộ này được, tôi dứt khoát dắt xe theo chân nàng vào nhà. Mặc nàng phản đối, tôi lục soát khắp phòng, cất đi nào dao, kéo,dây dợ, tóm lại, tất cả những gì nàng có thể dùng để trốn nợ đời.
-Thôi được rồi, em leo lên giường nhắm mắt lại và chớ có nghĩ quẩn.
Nàng ngoan ngoãn vâng theo, tôi buông màn, tắt đèn, và ra phòng ngoài nằm trên chiếc ghế dài chống mắt lên khỏi ngủ để canh chừng nàng có hành động dại dột gì không ? Tôi cứ nằm như thế hút hết điếu này điếu khác, dán mắt vào đọc từng chữ trong cuốn truyện mãi chẳng hiểu trong đó nói gì. Cơn buồn ngủ mỗi lúc đè nặng nhíu cả mắt, tôi đành buông sách đứng dậy đi đi lại lại. Buồng trong vẫn im phăng phắc, Ánh Tuyết chắc ngủ rồi, nàng sẽ qua được cơn khủng hoảng và sáng mai khi ánh mặt trời ùa vào phòng hẳn nàng sẽ chế riễu cái ý định điên khùng đêm qua.
Thế rồi bỗng dưng tôi tự hỏi có thực là nàng muốn chết không nhỉ? Và giả dụ tôi không tới với nàng, cứ để mặc nàng với gói thuốc ngủ kia liệu nàng có uống không ? Để trả lời câu hỏi của tôi phòng trong chợt có tiếng vật gì rơi đánh rầm, thôi chết, hẳn nàng đã treo cổ lên quạt trần và đạp đổ chiếc ghế như biết bao nhiêu vụ tự tử cổ điển khác. Tôi cuống lên, chạy tới đạp cửa buồng, lao tới chỗ ổ điện, bật đèn. Quả nhiên giữa phòng có chiếc ghế gỗ đổ chổng kềnh, tuy nhiên nàng Ánh Tuyết không lủng lẳng ở trên trần mà nằm trong màn và khi tôi tới gần bỗng giật mình thấy trên người nàng không còn một mảnh vải và đang trong tư thế có chọn lựa cốt sao cho những đường nét tuyệt trần được phô diễn một cách hoàn hảo nhất.
Tôi đứng như dính chân trên nền gạch bông, cổ tắc nghẽn, lồng ngực như muốn nổ tung, mắt chói loà những vòng sóng trắng nõn nà. Bỗng nhiên nàng mở hé mắt và tôi hiểu ngay rằng suốt từ tối nàng cũng không hề ngủ như tôi. Trong một thoáng tôi còn đủ sức để quay ngoắt người, lao nhanh ra phòng ngoài và sập cửa lại, vậy nhưng tôi đã ngập ngừng và cái giây phút ấy đã trôi qua vĩnh viễn khi nàng nở nụ cười tinh quái :
-Anh lại đây với em đi…

                                 (còn tiếp)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét