Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

HÀNỘI...HỒI ẤY (34)

                            (tiếp theo)   


 13

   Bức chân dung nàng của họa sĩ Ngời đã vẽ xong. Vào một buổi sáng bước vào phòng, tôi nhìn thấy nó dựng ngay cạnh nàng như sự đối chiếu giữa nghệ thuật và thực thể. Nếu cảm hứng bao trùm trong những bức tranh tôi được thấy trong “ xưởng họa” nhằm diễn tả sự méo mó, biến dạng của con người thì ở đây, trong bức tranh này, dường như họa sĩ Ngời đã làm ngược lại, khắc họa vẻ đẹp siêu việt, trác tuyệt của người con gái nơi trần thế. Quả thực cái đầu đầy những phân tích, luận lý của tôi không thể nào phân biệt nổi sự khác biệt giữa nàng trong tranh và nàng ở ngoài đời, chỉ biết khi vừa được thấy, ngay tức khắc một niềm cảm phục, sung sướng đến ngây ngất đã choáng ngợp khiến tôi cứ đứng ngẩn trên đôi chân mỗi lúc một khuỵu xuống như một con chiên trước phép lạ của Đức Chúa Trời.
- Anh ta vẽ đẹp thật… mà lạ lạ thế nào ấy.
 Ông Đ.vào phòng từ lúc nào, sờ vào người tôi thì thào. Ngay cả ông nữa, người “duy vật” trước bức tranh cũng trở nên thành kính, trang nghiêm như mỗi lúc ông thắp hương trước bàn thờ nhỏ ông mới đặt góc buồng sau ngày con gái lâm bệnh. Ông kể với tôi sau khi vẽ xong họa sĩ thu dọn dụng cụ, ngồi rất lâu dưới chân giường cô gái, lúc về chỉ dặn khi nào cô ấy tỉnh cần quan sát kỹ thái độ của cô ấy khi nhìn thấy bức tranh. Tôi ngạc nhiên.
- Vậy hắn không mang đi ư ?
- Không, anh ấy bảo để lại tặng em nó đấy.
 Tôi nhìn nàng đau nhói, chừng nào nàng hết bệnh để được thấy bức chân dung tuyệt tác vẽ chính mình ? Tôi không dám tưởng tượng quá xa nhưng một mai nếu điều thần kỳ ấy xảy ra, tôi sẽ cưới nàng và treo bức tranh ấy trong phòng ngủ để được sống với nàng cả ở ngoài đời lẫn trong nghệ thuật.
Rời nhà nàng tôi bổ đi tìm họa sĩ Ngời và gặp hắn ở quán “ Nghệ sĩ”. Tôi vồn vã chào hỏi, kéo ghế ngồi cạnh, trầm trồ khen ngợi tài năng hắn trong bức chân dung nàng, thế rồi bốc máu lên, tôi cứ nói đi nói lại rằng cái mạnh của hắn chính là vẽ về cái đẹp, cái cao thượng của con người, từ nay cứ cái nguồn ấy mà khơi chớ nên động tới sự xấu xa, sự biến dạng, sự sa đọa vốn không hợp với tạng hắn. Hắn vừa uống vừa nghe tôi nói, chẳng ra phản đối cũng chẳng ra phụ họa, sau cùng khi tôi đã dứt lời hắn mới thủng thẳng :
- Xin lỗi cậu nhé, tớ đang mệt, cút mẹ cậu đi chỗ khác.
 Nói xong chẳng thèm nhìn xem tôi phản ứng ra sao, hắn lại cắm mặt vào chén rượu với vẻ lừ đừ rất cô hồn. Tôi đứng phắt dậy, vừa tức vừa nhục, nhưng không lẽ đánh nhau với thằng say, đành lếch thếch ra khỏi quán, bụng thề rằng từ nay dứt khoát không bắt chuỵện với thằng họa sĩ điên kia nữa, và nói chung, cả những thằng vẫn ngồi trong cái quán gọi là “ nghệ sĩ” này, tôi cũng sẽ “kính nhi viễn chi” cái lũ rồ ấy ra, trò chuyện với các ông Trưởng phòng, Bí thư Chi bộ, Công đoàn phòng bao giờ cũng dễ dàng, khoan khoái hơn, chẳng bao giờ các ông ấy nói chuyện viển vông con người là ai, con người đi về đâu, các ông ấy chỉ nói rặt những chuyện thiết thực lên lương lên chức, cùng lắm là chuyện sáp nhập Bộ dôi ra các Cục Vụ Viện thì các thủ trưởng sẽ đi đâu thôi. Vậy mới đúng là nền “văn minh cán bộ”. Bởi thế cái chuyện tôi “chạy” thiệp cưới cho ông Viện trưởng vốn là chuyện “nội bộ” giữa tôi và ông Trưởng phòng chẳng hiểu sao lọt ra ngoài và thế là suốt tuần, đề tài bên các bàn trà cơ quan chỉ xoay quanh mỗi đám cưới cô Cẩm Lai và tương lai ông Viện trưởng. Và cả tôi nữa, bỗng dưng trở thành trung tâm chú ý của toàn cơ quan, chỉ cần bước vào cổng, qua sân là hàng trăm cặp mắt từ ông thường trực, bác lao công cho tới các ông trưởng phòng, Ban, Ngành, đoàn thể đều đổ dồn vào cái túi xách tay của tôi cứ y như là trong đó đã có sẵn cái thiệp cưới mời ông Viện trưởng rồi.
Càng gần tới ngày cưới Cẩm Lai, sự chờ đợi càng căng thẳng, chuông điện thoại réo liên tục trên bàn ông Trưởng phòng khiến ông lo xanh lè cả mặt, chẳng biết làm gì hơn là trút nó sang tôi bằng những lời thúc giục, khẩn khoản, vừa như ra lệnh lại vừa như van nài.Trong mấy ngày liền,tôi thấy bộ máy lạnh đạo Phòng hội ý liên tục và rồi một buổi tối, ông Công đoàn bỗng dưng lại quá bộ tìm tới tận nhà tôi. Khác với lần trước tới “ làm công tác tư tưởng” cho tôi khỏi bị quan yếm thế trong việc cắt đứt quan hệ với ái nữ đồng chí cán bộ cấp cao, lần này ông tới chẳng hiểu vì chuyện gì mà trong tay cắp hẳn một cân đường trắng tinh, với thái độ ưu ái chưa từng thấy kể từ khi ông được bầu vào chức Công đoàn.
Ông mở lời thật cảm động :
- Lẽ ra tôi có trách nhiệm tới thăm cậu ngay sau ngày cậu được tha trong cái vụ… cái vụ ấy ấy…
 Ông tìm mãi chẳng ra chữ, tức mình buông luôn sang chuyện khác :
- Cậu đi vắng ít nắm được tình hình, phòng ta bây giờ gay lắm, hai chuyên đề VLDK1 và VLDK2 phiêu lưu quá, tiêu tốn cả chục triệu mà kết quả chưa thấy đâu, ngoài mặt ông Trưởng phòng ra vẻ cứng vậy thôi, trong bụng núng lắm rồi. Tôi đang tính có nên họp Đại hội công nhân viên chức kiến nghị lên trên bỏ hai cái chuyên đề ấy không ?
 Chao ôi, tôi nằm mơ chăng, có phải đúng ông thư ký công đoàn phòng đang nói đấy chăng ? Quả thực từ hồi cha sinh mẹ đẻ tới giờ chưa bao giờ tôi được nghe những lời báng bổ cấp trên đến như thế ? Ông Công đoàn định tổ chức phái đối lập ngay trong phòng và đang lôi kéo tôi chăng ? Ấy chớ, chớ dính dáng tới chuyện chính trị kẻo bị chết giữa các phe phái. Sau khi bắt tôi thề sống thề chết, cam kết câu chuyện ông sắp nói đây chỉ là chuyện giữa “ chúng ta”, tuyệt đối không được sang tai một người thứ ba, ông mới bắt đầu bài thuyết trình dài hơn nửa tiếng đồng hồ về tình hình trong nước, ngoài nước, trong cơ quan, ngoài cơ quan, chức năng nhiệm vụ của từng người… làm tôi ù cả tai, mãi sau mới hiểu được rằng ông Trưởng phòng và quan thầy là ông Viện trưởng đều là những người chưa “đổi mới tư duy” chưa thích hợp với bước ngoặt của cách mạng, bởi vậy cần làm cho cấp trên thấy rõ lớp cán bộ mới như đồng chí Bí thư Chi bộ,đồng chí Viện phó kiêm Trưởng phòng tổ chức, đồng chí Thường vụ Đảng uỷ kiêm Trưởng ban thi đua… mới là những người đảm đương nổi cái chức vụ quan trọng trong tình hình sáp nhập Bộ và các Cục, Vụ, Viện sắp tới… Nghe ông trình bày xong, tôi hoảng hồn :
- Vậy cái đó có liên quan gì tới tôi ?
- Có chứ, trong chuyện này cậu là người rất quan trọng.
 Ông nói long trọng và dừng lại để tôi có thời gian tiêu được những điều giật gân ông đang nhồi nhét, tuy nhiên tôi vẫn chối đây đẩy :
- Chịu thôi, tôi chịu thôi, ông nói vậy tôi cũng biết vậy, tôi chẳng dính dáng vào chuyện mấy ông, tôi tài hèn sức yếu, không làm được những chuyện tày đình như thế đâu.
 Lúc này ông mới nở nụ cười rất tươi :
- Ô hay, tôi có bắt cậu làm chuyện gì ghê gớm lắm đâu, tôi chỉ đề nghị cậu mỗi việc là thôi, không xin cho đồng chí Viện Trưởng cái thiệp mời cưới ấy nữa, cho đồng chí ấy hết cửa để “ chạy”, tạo dễ dàng cho cấp trên… sắp xếp lại tổ chức.
      
                                        (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét