Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

HÀNỘI...HỒI ẤY (33)



 
                    (tiếp theo)



 Chao ôi, nếu tôi biết trước nàng nổi đoá lên thế này, chắc chắn tôi rút lui cái “ phi vụ” làm ăn với ông Trưởng phòng. Nàng la lên rằng cái con Cẩm Lai kia là cái “con phản bạn”, nàng mới buông tôi ra hôm trước hôm sau nó đã tới mồi chài, chính “ nó đã xui em chớ có lấy anh cho phí đời con gái”, “ bố nó” có là ông lớn đi nữa nàng cũng cóc cần, từ nay nàng cấm cửa… Cơn giận của nàng khiến tôi ngờ rằng nó có liên quan đến cái đêm Cẩm Lai tới phòng tôi “ đền bù” cho tôi, bởi vậy tôi đành để cho nàng “ xả xúpáp” cho thật hết, mới từ tốn kể nàng nghe từ thắc mắc của ông Trưởng phòng sao đồng chí Viện trưởng không nhận được thiệp mời, tới nỗi lo của ông không khéo kỳ này Ngài giận gì đồng chí chăng mà không thấy quan tâm, càng đáng lo hơn khi nghe nói sắp tới sẽ sáp nhập Bộ nên Cục Vụ Viện thừa ra nhiều lắm. Nàng Ánh Tuyết chừng đã sốt ruột về câu chuỵên đượm mùi “ tổ chức nhân sự” nên cắt ngang :

- Thôi thôi, chuyện đó dính dáng quái gì tới em ?

- Có chứ, em đóng vai trò rất lớn trong vụ này, chỉ cần em tới nói với Cẩm Lai xin một cái thiệp mời dự cưới ghi đích danh ông Viện trưởng là anh lên một bậc lương .

 Nàng Ánh Tuyết bật cười :

- Một bậc lương kia à ? Ghê nhỉ, cái thiệp mời cưới của con ông cháu cha có giá trị thế đấy, nhưng nói thực với anh, em chúa ghét cái loại đi bằng đầu gối.

 Tôi hoảng hồn :

- Anh cũng ghét lắm nhưng một bậc lương lại… đáng yêu hơn.

 Nàng lườm tôi, lại đập tay vào người làm tôi hiểu rằng nàng đã nhận lời. Tôi sung sướng quá, nâng bàn tay nàng lên hôn rối rít, chẳng ngờ nàng hiểu lầm ý tôi, rút phắt lại :

- Thôi anh, em còn chưa cúng một trăm ngày, chồng em nó vật chết anh …

 Nàng dặn tôi cứ ở nhà đợi nàng phóng xe tới Cẩm Lai, tiện thể ghé chợ mua đồ nấu cơm tôi ăn. Nàng khoá trái cửa nhốt tôi bên trong, tôi đành nằm dài ra giường cố đọc cuốn truyện nàng để dưới gối và chưa được chục trang mắt tôi đã ríu lại. Thế rồi lúc đang dở thức dở ngủ tôi nghe có tiếng mở khoá lách cách, cửa mở hé ra và một người lách vào, tôi vừa nhỏm dậy đã thấy ông nguyên đại tá nhìn tôi tròn xoe cả mắt :

- Anh … anh tới đây hồi nào ?

 Tôi giải thích cho ông và bằng vào cái vẻ lén lút, sợ sệt tôi đoán ông phải trốn con nợ và nhân con gái đi vắng ông lẻn về khuân đồ đem bán. Quả nhiên, ông dặn tôi nếu có ai hỏi bảo ông đã dọn đi ở chỗ khác, rồi chẳng kịp uống hết chén nước, ông gật đầu chào, lẩn vào buồng trong. Quả thật từ ngày chàng rể chết đi, ông mất chỗ bấu víu, đành trượt dài xuống con dốc nợ nần, càng thua càng vay càng nợ và bây giờ nom ông còn gầy guộc thảm hại hơn cả lúc còn ở trong tù. Tôi đang ngẩn ngơ nghĩ ngợi về con ma đỏ đen bao năm nay ám ông, ông đã trở ra, ngó trước ngó sau rồi ngồi ghé xuống bên tôi :

- Anh có tiền đó không ? Tôi mượn anh năm chục ngàn chuộc cái nhẫn cưới cho con Ánh Tuyết.

 Tôi vét cả túi trên lẫn túi dưới mới được một phần mười cái số ông cần vậy nhưng ông vẫn cứ nhét túi và căn dặn chớ cho con gái ông biết không thì lại đến khổ với nó. Tôi hỏi ông bao nhiêu đồ đạc trong nhà đã bán đi vẫn chưa đủ trả nợ sao còn cầm cả nhẫn cưới của con gái. Ông cúi xuống, buông một tiếng thở dài :

- Khổ lắm, tại anh không đa mang vào cái nghiệp này anh không biết, tôi hỏi anh sống còn lý thú gì nữa nếu cái máu đỏ đen trong người mình không được thoả mãn, còn hơn cả người nghiện thuốc phiện nữa kia, tôi đã thử cai nhiều lần rồi nhưng không được. Ít tiền thì ngồi quán nước vỉa hè đánh cá số xe ô tô, mua số đề, tiền rủng rẻng thì nhất định phải “ xóc đĩa” mới đã anh ạ. Nói thực với anh khi cơn đỏ đen bốc lên thì ngay đến cả con gái cũng sẵn sàng đem cầm huống hồ cái nhẫn của nó.

 Càng nói hai đốm lửa trong mắt ông càng bùng cháy, và rồi nó đốt nóng toàn thân làm ông run rảy hệt như lúc ông ngồi trước chiếu bạc chờ mở bát.

- Bất kỳ ai cũng có một cái gì đó để mà chờ  - ông nguyên đại tá hét lên - ông quân sự chờ chiến thắng trong trận đánh, ông chính trị chờ lá phiếu trong bầu cử, còn chúng tôi những người cờ bạc, chúng tôi chờ kết quả của những dự đoán…

 Tôi há miệng :

- Những dự đoán ?

- Phải, những dự đoán, chẳng hạn bằng linh cảm chứ không phải bằng giấc mơ, tôi dự đoán chiều nay đề sẽ về số “mười hai” và thế là tôi lao vào cuộc. Đó là một nghệ thuật hẳn hoi, chẳng hạn các nhà mác xít dự đoán sự sụp đổ của chế độ tư bản, các nhà khoa học dự đoán sự trương nở của vũ trụ… Họ phải chờ hàng vài chục năm, có khi hàng trăm năm mới có được kết quả, còn chúng tôi, hạnh phúc thay, có ngay trong chốc lát ở một lần mở số, một vòng quay và thế là cuộc đời chỉ toàn được dệt bằng hạnh phúc của những cuộc chờ đợi, số tiền đặt cọc càng cao, hạnh phúc càng lớn.

 Và một lần nữa ông lại reo lên :

- Bất hạnh thay cho những ai chẳng có gì để mà chờ đợi…

 Mắt sáng ngời, mặt rạng rỡ, ngực ưỡn ra, ông nguyên đại tá dõng dạc bước ra cửa và sập vào đánh rầm. Âm hưởng của bài ca đỏ đen ông mới rót vào tai làm tôi bàng hoàng, hoá ra một khi ông đã đặt “ nghệ thuật” lên trên cả đạo đức thì quả thực rất có thể một ngày nào đó ông mang cả con gái đi cầm chứ chẳng riêng gì cái nhẫn của nó.

Nàng Ánh Tuyết trở lại với vẻ mặt hầm hầm :

- Lão ấy mới quay về phải không ?

Tôi ngớ người :

- Ai kia ?

- Lại còn ai nữa, bố em chứ ai…

 Và nàng rít lên :

- Tại sao anh để cho lão ấy vào ? Có lấy cái gì đi không ? Trời ơi, sao tôi khổ thế này ? Bố gì mà lột của con cả cái quần mang đi đánh bạc…

 Tôi phải vội trấn an nàng rằng ông ấy có về thực nhưng chỉ ngồi uống chén nước, nói chuyện thời cuộc rồi đi ngay chứ tuyệt đối không lấy cái gì. Nàng Ánh Tuyết đi khắp quanh nhà làm một cuộc kiểm kê, mở cả tủ ra xem xét, đếm lại cả mấy cái áo treo trong góc, chắc không thấy mất gì mới quay lại dịu giọng :

- Anh thông cảm, thật không thể tưởng tượng được một con người đã từng vào sinh ra tử, leo lên được tới chức đại tá quân đội bây giờ lại sa đọa đến thế…

 Tôi an ủi nàng rằng người ta ai cũng có số cả, nếu bố nàng không leo lên được cấp tướng thì cũng chẳng phải tại ông, và ông ấy có tụt xuống hạng người cờ bạc thì chẳng qua cũng tại cái số thế thôi. Ánh Tuyết nghe tôi lải nhải mãi phải phì cười :

- Vậy từ nay anh đừng oán trách em bỏ anh nữa nhé, tại cái số anh không lấy được em chứ chẳng phải tại em.

 Tôi buông giọng ỡm ờ :

- Biết đâu đấy, đời còn dài…

 Nàng lườm tôi đến lệch cả người :

- Thôi ông, tán vừa vừa chứ, chồng em nó hiện về bóp cổ chết tươi.

 Tôi chợt thấy hồi hộp chẳng phải vì thái độ ngày càng thân mật như xưa của nàng mà vì không hiểu trong cái ví xách tay kia hiện đã có cái… thiệp mời cưới cho đồng chí Viện trưởng của tôi chưa ? Không biết nàng có hiểu được cái nỗi sốt ruột ấy không, nàng cứ lờ đi, mãi sau bữa cơm, ngồi uống nước xỉa răng, nàng mới buông giọng nửa nạc nửa mỡ :

- Cái việc của anh tưởng là dễ mà lại hoá khó.

 Tôi thót cả tim :

- Vậy là sao?

Em cứ tưởng nói với Cẩm Lai một tiếng là nó rút bút ra ghi tên ông Viện trưởng vào tờ thiệp đưa em cầm về, ai ngờ nó đắn đo mãi, sau cùng nó bảo phải hỏi bố nó đã.

 Tôi trợn mắt :

- Quan trọng đến thế kia ư ?

- Chứ không ư ? Mời ai không mời ai đều phải tính toán sách lược tổ chức cả đấy, toàn những Chủ tịch, Bí thư với Uỷ viên Trung Ương thôi. Cái thứ Viện trưởng tép riu nhà anh mà cũng đòi chơi trèo.

 Tôi thở dài ảo não.

- Thế là mất mẹ nó cơ hội lên lương ?

 Nàng Ánh Tuyết phì cười :

- Chưa, hãy còn tí ti hy vọng, Cẩm Lai bảo để nó hỏi bố nó đã mà. Nếu được, nó sẽ cầm ngay đến cơ quan cho anh. Nhưng mà cẩn thận nhé, chồng nó cũng là con ông lớn, chỉ cần giơ một ngón tay cũng đủ bắn anh sang… thế giới bên kia.

 Tôi phải khăng khăng thề rằng giữa tôi và Cẩm Lai tuyệt đối chẳng có cái gì, quen biết sơ sơ vậy thôi, nàng mới vui vẻ tiễn tôi ra cửa dặn rằng không bao giờ nàng đặt chân tới cái phòng “ oan nghiệt” của tôi nữa đâu, tốt hơn hết thỉnh thoảng tôi ghé thăm nàng. Tôi rùng mình khi nàng rơm rớm nước mắt :

- Bố em đã thế rồi… bây giờ em chẳng còn ai nữa…



(còn tiếp)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét